Trong Mùa Giáng Sinh này, chúng ta hãy noi gương Mẹ Maria thăm viếng những ai sống trong cảnh khó khăn, cách riêng các anh chị em đau yếu, các tù nhân, người già và trẻ em.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khuyến khích như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng ngàn tín hữu tu tập quanh hang đá khổng lồ tại Quảng trường Thánh Phêrộ trưa Chúa Nhật 23-12-2010.
Trong bài huấn dụ, ngài đã giải thích ý nghĩa Phúc Âm Chúa Nhật IV Mùa Vọng, kể lại biến cố Đức Maria viếng người bà con là bà Elisabeth, đang mang thai Thánh Gioan Tẩy Giả. Đức Thánh Cha nói: Giai thoại này không chỉ diễn tả một cử chỉ lễ phép đơn sơ, nhưng biểu thị một cách rất đơn sơ sự gặp gỡ giữa Cựu Ước và Tân Ước. Thật thế, cả hai phụ nữ đều mang thai nhập thể sự chờ mong và Đấng được trông đợi.
Đức Thánh Cha giải thích cảnh này như sau: Bà Elisabeth cao niên biểu tượng cho dân Israel đang trông chờ Đấng Cứu Thế, trong khi Đức Maria trẻ tuổi mang trong mình việc thành toàn của sự chờ mong ấy lợi ích cho toàn nhân loại. Nơi hai phụ nữ gặp nhau và nhận biết nhau trước hết các hoa trái lòng họ, là Thánh Gioan và Đức Kitô. Pudenzio, thi sĩ Kitô, chú giải: “Qua miệng của thân mẫu mình trẻ thơ trong cung lòng già nua chào mừng Chúa Con của Đức Trinh Nữ” (Apotheosis 590: PL 59,970). Nỗi sướng vui của Gioan trong lòng bà Elisabeth là dấu chỉ việc thành toàn của sự trông đợi: Thiên Chúa sắp viếng thăm dân Người. Trong biến cố Truyền Tin, Tổng lãnh Thiên thần Gabriel đã nói với Đức Maria về việc bà Elisabeth mang thai (x. Lc 1,36) như là bằng chứng quyền năng của Thiên Chúa: sự hiếm muộn, mặc dù ở tuổi đã cao, đã biến thành sự phong phú.
Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: khi đón tiếp Đức Maria, bà Elisabeth nhận ra rằng lời Thiên Chúa hứa với nhân loại đang được hiện thực và bà kêu lên: “Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ, và người con em đang mang trong lòng cũng được chúc phúc! Bởi đâu tôi đựơc Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như thế này?” (Lc 1,42-43).
Tầm nguyên lời chào này của bà Elisabeth, Đức Thánh Cha nói: Trong Thánh Kinh Cựu Ước kiểu nói “Em có phúc hơn mọi phụ nữ” được quy chiếu cho bà Giaele (x. Tl 5,24) và bà Giuđíchtha (x. Gđ 13,1), là hai phụ nữ chiến sĩ, dấn thân cứu dân Israel. Giờ đây trái lại, nó được hướng tới Đức Maria, là thiếu nữ hoà bình sắp sinh hạ Đấng Cửu Thế của thế giới. Như vậy, sự nhảy mừng của Gioan (x. Lc 1,44) nhắc nhớ vũ điệu vua Đavít đã múa, khi hộ tống Hòm Bia Giao Ước vào thành Giêrusalem (x. 1 Sb 15,29). Hòm Bia chứa đựng Lề Luật, bánh manna và cây gậy của Aharon (x. Dt 9,4), đã là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người. Trẻ Gioan sẽ sinh ra nhảy mừng trước Đức Maria, Hòm Bia của Giáo ước mới, Đấng mang trong lòng Đức Giêsu Con Thiên Chúa làm người.
Đức Thánh Cha giải thích thêm ý nghĩa cảnh Đức Maria viếng thăm bà Elisabeth: Cảnh viếng thăm cũng diễn tả vẻ đẹp của sự tiếp đón: ở đâu có sự tiếp đón nhau, lắng nghe nhau, và dành chỗ cho người khác, thì ở đó có Thiên Chúa và niềm vui đến từ Thiên Chúa. Chúng ta hãy noi gương Mẹ Maria trong Mùa Giáng Sinh này, bằng cách viếng thăm những người đang sống cảnh khó khăn, cách riêng các anh chị em đau yếu, các tù nhân, người già và trẻ em. Và chúng ta cũng hãy bắt chước bà Elisabeth tiếp đón khách trọ như tiếp đón chính Thiên Chúa: không ước ao Người chúng ta sẽ không bao giờ nhận biết Chúa, không chờ đợi Chúa chúng ta sẽ không bao giờ gặp gỡ Người, không kiếm tìm Chúa chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy Người. Với cùng niềm vui của Mẹ Maria vội vã đi thăm bà Elisabeth (x. Lc 1,39), cả chúng ta nữa cũng hãy đi gặp Chúa đến. Chúng ta hãy cầu nguyện để cho tất cả mọi người tìm kiếm Thiên Chúa, bằng cách khám phá ra rằng chính Thiên Chúa đến thăm chúng ta trước. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria, Hòm Bia của Giáo Ước Mới và Vĩnh Cửu, trái tim chúng ta để Mẹ làm cho nó trở nên xứng đáng hơn tiếp đón sự viếng thăm của Thiên Chúa trong Mầu nhiệm Giáng Sinh.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngài đã chúc mọi người một Lễ Giáng Sinh thánh thiện, an bình và hạnh phúc. Bằng tiếng Pháp, Đức Thánh Cha nhắn nhủ tín hữu vượt xa hơn các chuẩn bị bề ngoài và khía cạnh hời hợt, để đi theo Mẹ Maria trong sự cầm trí thinh lặng.
Bằng tiếng Anh, ngài mời gọi mọi người dành chỗ trong con tim cho Thiên Chúa. Trong tiếng Tây Ban Nha ngài kêu gọi chia sẻ niềm vui Giáng Sinh cho nhau.
Bằng tiếng Ba Lan, ngài đặc biệt hướng tới các anh chị em cô đơn, đau yếu hay phải đương đầu với các khó khăn của cuộc sống và cầu chúc họ được an bình, hơi ấm và tình thương. Với tất cả ngài cầu chúc niềm hy vọng, sự tha thứ và hoà giải.
Linh Tiến Khải
Nguồn: Vietvatican