G. Trần Đức Anh OP – Vatican
ĐTC bày tỏ lập trường trên đây trong buổi cầu nguyện chiều thứ tư, 3-10-2018 tại Hội trường Thượng HĐGM ở nội thành Vatican. Hiện diện trong phiên họp từ lúc 16 giờ 30 có 250 nghị phụ và 40 dự thính viên.
Huấn từ của ĐTC
Lên tiếng sau kinh giờ 9 và lời chào mừng của ĐHY Louis Sako, Thượng Phụ, Công Giáo Canđê bên Irak, Chủ tịch theo lượt của phiên họp, ĐTC đã đọc bài dụ dài 20 phút, đề ra hướng đi cho Thượng HĐGM hiện nay về giới trẻ. Hướng đi này có thể tóm tắt trong 3 từ mơ ước, hy vọng và những chân trời mở rộng. Cụ thể ngài yêu cầu các nghị phụ hãy can đảm nói thẳng trong tinh thần tự do, lắng nghe người khác, thực hành sự phân định, vượt thắng những thành kiến, tuyệt đối tránh xu hướng giáo sĩ trị, thái độ tự mãn, tự phụ, tương quan đúng đắn giữa già và trẻ, làm tươi nở hy vọng. Có một điều rất cụ thể, đó là, ĐTC yêu cầu: cứ sau 5 bài phát biểu thì mọi người ngưng, im lặng trong 3 phút để suy tư về những gì đã nghe.
Can đảm chia sẻ, thành thật phê bình
ĐTC nói: ”Thượng HĐGM chúng ta đang sống là một thời điểm chia sẻ. Vì thế, vào đầu tiến trình Thượng HĐGM này, tôi muốn mời gọi tất cả hãy can đảm nói, parresia, nói ngay nói thẳng, nghĩa là liên kết tự do, sự thật và bác ái. Chỉ có đối thoại mới làm cho chúng ta tăng trưởng. Một sự phê bình thành thật và trong sáng là điều xây dựng và trợ giúp, trong khi những chuyện tầm phào vô ích, những tin đồn đại, nói xấu hoặc thành kiến thì không giúp ích gì.
Khiêm tốn lắng nghe, đối thoại
”Tương ứng với việc can đảm nói lên ý kiến, phải có lòng khiêm tốn lắng nghe. Tôi đã nói với những người trẻ trong tiền Thượng HĐGM rằng: ”Nếu các bạn nói điều không làm tôi hài lòng, thì tôi càng phải lắng nghe hơn, vì mỗi người đều có quyền được lắng nghe, cũng như mỗi người đều có quyền nói”. Sự lắng nghe cởi mở này đòi phải có can đảm trong việc lên tiếng và nói thay cho bao nhiêu người trẻ trên thế giới không hiện diện. Chính sự lắng nghe này mở ra môi trường đối thoại. Thượng HĐGM phải là một việc thực hành đối thoại, nhất là giữa những người tham dự. Và thành quả đầu tiên của cuộc đối thoại này là mỗi người cởi mở đối với sự mới mẻ, thay đổi ý kiến của mình nhờ những gì đã nghe người khác. Đây là điều quan trọng đối với Thượng HĐGM. Nhiều người trong các bạn đã chuẩn bị bài tham luận trước khi đến đây, và tôi cám ơn các bạn vì công việc này, – nhưng tôi mời các bạn hãy tự do cứu xét những gì các bạn chuẩn bị như một sơ thảo tạm thời, cởi mở đối với những bổ túc và thay đổi mà hành trình công nghị này có thể gợi ý cho mỗi người. Chúng ta hãy cảm thấy tự do đón nhận và hiểu người khác và thay đổi những xác tín và lập trường của chúng ta: đó là dấu hiệu một sự trưởng thành lớn về mặt nhân bản và tinh thần.”
Thực hành phân định
”Thượng HĐGM là một việc thực hành của Giáo Hội về sự phân định. Nói thẳng thắn và cởi mở lắng nghe, đó là những thái độ căn bản để Thượng HĐGM trở thành một tiến trình phân định. Phân định không phải là một khẩu hiệu quảng cáo, cũng chẳng phải là một kỹ năng tổ chức, hoặc là một cái ”mốt” của triều đại giáo hoàng này, nhưng là một thái độ nội tâm, ăn rễ sâu trong một hành vi đức tin. Phân định là phương pháp và đồng thời là mục đích chúng ta nhắm tới: nó dựa trên xác tín rằng Thiên Chúa đang hoạt động trong lịch sử thế giới, trong các biến cố của cuộc sống, nơi những người chúng ta gặp và họ nói với chúng ta. Vì thế, chúng ta được kêu gọi đặt mình lắng nghe điều Chúa Thánh Linh soi sáng cho chúng ta, theo những thể thức và trong đường hướng nhiều khi ta không lường trước được. Phân định cần không gian và thời gian. Vì thế, tôi qui định rằng trong các cuộc họp, các phiên khoảng đại cũng như trong các cuộc họp nhắm, cứ 5 bài phát biểu thì giữ một lúc thinh lặng, khoảng 3 phút, để mỗi người chú ý đến âm hưởng những gì đã nghe gợi lên trong tâm hồn mình, để đi vào chiều sâu và lãnh hội những gì gây ấn tượng cho mình hơn cả. Sự chú ý nội tâm này là chìa khóa để thực hiện hánh trình nhận thức, giải thích và chọn lựa.
Vượt lên trên thành kiến và quan niệm cố hữu
”Bước đầu tiên trong chiều hướng lắng nghe là giải thoát tâm trí chúng ta khỏi những thành kiến và những quan niệm cố hữu: khi chúng ta nghĩ mình đã biết người khác là ai và họ muốn gì thì chúng ta sẽ khó lắng nghe họ một cách nghiêm túc. Những tương quan giữa các thế hệ là một môi trường trong đó các thành kiến và những quan niệm cố hữu rất dễ bám rễ mà nhiều khi chúng ta không nhận thấy.
“Những người trẻ bị cám dỗ coi những người lớn là thứ lỗi thời, còn những người lớn thì bị cám dỗ coi người trẻ là không có kinh nghiệm, biết người trẻ là ai và nhất là họ cần phải sống và cư xử thế nào. Tất cả những điều ấy có thể tạo nên một chướng ngại lớn ngăn cảm đối thoại và cuộc gặp gỡ giữa các thế hệ. Phần lớn những người hiện diện tại đây không thuộc thế hệ người trẻ, vì thế điều rõ ràng là chúng ta phải để ý đến nguy cơ nói về người trẻ theo những phân loại và khuôn mẫu nay không còn hợp thời nữa. Nếu chúng ta biết tránh nguy cơ đó, thì chúng ta sẽ góp phần làm cho sự liên minh giữa các thế hệ trở thành điều có thể thực hiện được.
Cám dỗ người lớn cần vượt thắng
”Người lớn phải vượt thắng cám dỗ coi nhẹ khả năng của người trẻ và phán đoán họ một cách tiêu cực. Có lần tôi đã đọc thấy sự nhắc đến đầu tiên về sự kiện này 3 ngàn năm trước Chúa Kitô và đã được tìm thấy trên một bình sành ở thành Babilone cổ, trên đó có viết rằng ”tuổi trẻ là vô luân và người trẻ không có khả năng cứu vãn nền văn hóa của dân tộc”.
Trái lại những người trẻ phải vượt thắng cám dỗ không lắng nghe người lớn và không coi trọng người già, coi họ là ”đồ cổ, lỗi thời và nhàm chán”, mà quên rằng thật là ngu xuẩn khi luôn luôn muốn bắt đầu từ số zero như thể cuộc sống chỉ bắt đầu với mỗi người trong họ. Trong thực tế, người già, mặc dù sức lực của họ suy yếu, nhưng họ vẫn luôn là ký ức của nhân loại chúng ta, là căn cội xã hội chúng ta, là mạch tim của nền văn minh chúng ta. Khinh rẻ, loại bỏ người già, và nhốt họ trong những khu cô lập hoặc coi họ như không có, đó là dấu chỉ một sự chiều theo não trạng trần tục đang xâu xé các gia cư của chúng ta từ bên trong. Lơ là với kho tàng kinh nghiệm mà mỗi thế hệ thừa hưởng và thông truyền cho thế hệ sau, đó chính là một hành động tự hủy diệt.
Vượt thắng nạn giáo sĩ lạm quyền
”Vì thế một đàng cần quyết liệt vượt thắng tai ương giáo sĩ lạm quyền. Thực vậy, lắng nghe và ra khỏi những quan niệm cố hữu cũng là một thuốc giải độc mạnh mẽ chống lại nguy cơ giáo sĩ trị, giáo sĩ lạm quyền, mà một đại hội như công nghị của chúng ta thường gặp phải, vượt lên trên những ý hướng của mỗi người chúng ta. Nó nảy sinh từ một qua niệm duy ưu tú và loại trừ ơn gọi, giải thích sứ vụ mình nhận lãnh như một quyền bính để thi hành thay vì là một sự phục vụ nhưng không và quảng đại cần thực hiện; và điều này dẫn tới thái độ cho mình thuộc về một nhóm có tất cả các câu trả lời và không cần lắng nghe học hỏi gì cả. Thái độ giáo sĩ trị là một sự đồi bại và là căn cội của bao nhiêu tai ương trong Giáo Hội: chúng ta phải khiêm tốn xin lỗi và nhất là tạo điều kiện để nó không tái diễn.”
Cảnh giác người trẻ
ĐTC nói tiếp: ”Nhưng đàng khác, cần chữa trị virus tự mãn, tự phụ và vội vã đưa ra những kết luận nơi nhiều người trẻ. Một ngạn ngữ Ai Cập nói: ”Nếu trong nhà bạn không có người già, thì bạn hãy mua người già vì bạn sẽ cần người ấy”. Chối bỏ và từ khước tất cả những gì được thông truyền qua bao thế kỷ thì chỉ dẫn tới nguy cơ lạc hướng ngỡ ngàng, thường đe dọa nhân loại chúng ta; nó đưa tới tình trạng hoang mang, thất vọng xâm nhập tâm hồn của các thế hệ. Sự chất chứa kinh nghiệm con người, qua dòng lịch sử, là kho tàng quí giá nhất và đáng tin cậy mà các thế hệ thừa hưởng của nhau. Không bao giờ được quên mạc khải của Chúa, vốn soi sáng và mang lại ý nghĩa cho lịch sử và cuộc sống chúng ta.”
Gặp gỡ giữa các thế hệ mang lại hy vọng
”Cuộc gặp gỡ giữa các thế hệ có thể rất phong phú để mang lại hy vọng. Ngôn sứ Gioel đã dạy chúng ta điều đó – tôi đã nhắc nhở cho các bạn trẻ trong Tiền Thượng HĐGM – tôi nghĩ đó là lời tiên báo ngày nay: ”Những người già của các bạn sẽ mơ ước, những người trẻ của các bạn sẽ có thị kiến” (3,1).
”Không cần những lý luận thần học tinh vi để chứng tỏ nghĩa vụ của chúng ta là giúp thế giới ngày nay tiến về Nước Thiên Chúa, mà không nuôi những hy vọng giả tạo, không phải chỉ thấy những đổ vỡ và tai ương. Thực vậy, khi nói về những người đánh giá sự kiện mà không có sự khách quan đầy đủ và không có phán đoán khôn ngoan, Thánh Gioan 23 đã nói: ”Trong những hoàn cảnh ngày nay của xã hội nhân loại, họ không có khả năng thấy gì khác hơn là những đổ vỡ và tai ương; họ nói rằng thời đại chúng ta, nếu so với các thế hệ trước đây, thì hoàn toàn tệ hơn; và họ đi tới độ cư xử như thể họ không có gì cần học từ lịch sử vốn là thầy của cuộc sống” (Diễn văn khai mạc Công đồng chung Vatican 2, 11-10-1962).
Vì thế chúng ta đừng để mình bị cám dỗ vì những lời tiên báo tai ương, đừng phung phí năng lực để ”đếm những thất bại và than vãn cay đắng”, hãy chăm chú nhìn vào điều thiện nhiều khi âm thầm, không phải là đề tài của các blog, và cũng chẳng được đưa lên trang đầu các báo chí”, không kinh hãi trước những vết thương của thân mình Chúa Kitô, luôn bị thương vì tội lỗi và nhiều khi do chính các con cái của Giáo Hội gây ra” (Diễn Văn với các GM mới dự khóa bồi dưỡng do Bộ GM và các Giáo Hội Đông phương, 13-9-2018).
Kết luận của ĐTC
”Vậy chúng ta hãy dấn thân tìm tới tương lai và từ Thượng HĐGM này không phải chỉ tạo ra một văn kiện – thường chỉ được một ít người đọc và bị nhiều người phê bình – nhưng nhất là những đề nghị mục vụ cụ thể, có thể thực thi chính nghĩa vụ của Thượng HĐGM, nghĩa là làm nảy mầm những giấc mơ, khơi lên những lời ngôn sứ và thị kiến, làm cho hy vọng tươi nở, khích thích lòng tín thác, băng bó các vết thương, nối kết những quan hệ, khơi lên bình minh hy vọng, học hỏi lẫn nhau, tạo ra một sáng kiến tích cực soi sáng tâm trí, sưởi ấm các tâm hồn và trả lại sức mạnh cho đôi tay, gợi hứng cho người trẻ , tất cả giới trẻ không phân biệt ai, viễn tượng một tương lai đầy niềm vui của Tin Mừng”.