VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 24.01, với vài chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm Châu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng tất cả mọi Kitô hữu đều có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng. Phải có khả năng lắng nghe tiếng kêu gào thảm thiết vì sự đói khát Tin Mừng của con người trong thế giới hôm nay, đặc biệt nơi tâm hồn và thể xác của những người nghèo khổ. Mỗi Kitô hữu phải biết làm cho cộng đoàn của mình trở thành chứng tá cụ thể về lòng thương xót mà Đức Kitô đã ban tặng cho con người.
Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ của Đức Thánh Cha:
“Trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, trước khi trình bày lời loan báo của Đức Giêsu, thánh sử Luca đã tóm tắt hoạt động rao giảng Tin Mừng. Đó là một hoạt động chỉ được thực hiện với sức mạnh của Thánh Thần. Lời của Đức Giêsu thật vững chắc và nền tảng, vì đã soi sáng làm tỏ lộ ý nghĩa của Kinh Thánh; Lời ấy có uy quyền, vì có thể ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh (x.Mc 1, 27). Đức Giêsu hoàn toàn khác các kinh sư trong thời của Ngài: Ngài không mở trường nghiên cứu Lề Luật, nhưng ra đi rao giảng và dạy dỗ khắp nơi: trong hội đường, ngoài phố xá và ngay tại nhà của dân chúng. Đức Giêsu cũng khác với Gioan Tẩy Giả. Gioan loan báo về sự xét xử nghiêm minh của Thiên Chúa sắp xảy đến; còn Đức Giêsu lại rao giảng về sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha nhân hậu.
Ngày hôm nay, chúng ta cũng đi vào hội đường Na-da-rét, là nơi Đức Giêsu đã sinh trưởng cho tới năm ngài 30 tuổi. Và điều diễn ra trong hội đường ngày hôm nay là một sự kiện quan trọng, phác thảo toàn bộ sứ mạng của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã đứng lên đọc Sách Thánh. Ngài mở sách ngôn sứ I-sai-a và gặp đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4, 18). Sau những giây phút thinh lặng, ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Ngài. Đức Giêsu bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kính Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21).
Loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn là sứ mạng của Đức Giêsu. Đây cũng chính là sứ mạng của Giáo hội và của tất cả những ai đã lãnh nhận Phép Rửa trong Giáo hội. Là một Kitô hữu cũng chính là một nhà truyền giáo. Rao giảng Tin Mừng bằng lời nói, mà trước hết là bằng chính đời sống, là mục đích chính yếu của cộng đoàn Kitô hữu và của tất cả mọi thành viên trong cộng đoàn đó.
Nhưng loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn có nghĩa là gì? Có nghĩa là đến gần với người nghèo, phục vụ họ, giải thoát họ khỏi cảnh giam cầm; và thực hiện tất cả những điều này trong danh Đức Kitô và với Thần Khí của Đức Kitô, vì Ngài chính là Tin Mừng của Thiên Chúa, là lòng thương xót của Thiên Chúa và là sự giải thoát của Thiên Chúa. Đoạn sách ngôn sứ I-sai-a, được củng cố thêm bởi Đức Giêsu, cho thấy sự công bố về Đấng Mesia của triều đại Nước Thiên Chúa đã đến và hiện diện giữa nhân loại. Lời loan báo ấy đặc biệt hướng về những người bị gạt bỏ, những tù nhân và những ai đang bị áp bức.
Có lẽ trong thời Đức Giêsu, những người này không phải là trung tâm của cộng đoàn tín hữu. Nhưng ngày hôm nay, chúng ta phải hỏi mình rằng: Trong cộng đoàn xứ đạo, trong những tổ chức, đoàn thể, chúng ta có thật sự trung thành với chương trình sứ mạng của Đức Giêsu không? Rao giảng Tin mừng cho những người nghèo hèn có phải là chọn lựa ưu tiên hàng đầu của chúng ta không? Hãy cẩn thận! Đây không đơn thuần là một công việc xã hội, hay là một hoạt động chính trị. Đây là một công việc để trao ban sức mạnh Tin Mừng của Thiên Chúa, có khả năng biến đổi tâm hồn, chữa lành và làm cho mối tương quan giữa con người và xã hội theo nguyên lý của tình yêu. Thật vậy, người nghèo chính là tâm điểm mà Tin Mừng hướng tới.
Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ là Mẹ của các nhà truyền giáo, xin giúp chúng con biết lắng nghe tiếng kêu gào thảm thiết vì sự đói khát Tin Mừng của con người trong thế giới hôm nay, đặc biệt nơi tâm hồn và thể xác của những người nghèo khổ. Xin cho mỗi người chúng con cũng biết làm cho cộng đoàn Kitô hữu trở thành chứng tá cụ thể về lòng thương xót mà Đức Kitô đã ban tặng cho chúng con.”
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác.
Đặc biệt, Đức Thánh Cha gởi lời chào thăm đến các sinh viên và tín hữu đến từ Tây Ban Nha, đang tham dự hội nghị được tài trợ bởi tổ chức ‘Cộng đồng thế giới về chiêm niệm Kitô’; cũng như những nhóm tín hữu đến từ Tổng Giáo phận Bari-Bitonto.
Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc tất cả mọi người ngày Chúa Nhật an lành và ngài cũng xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.
Vũ Đức Anh Phương, SJ