Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm chậu tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của Đức Thánh Cha trong Đại Thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 19-9-2012. Trong số các tín hữu hành hương Việt Nam cũng có một đoàn 52 người từ Na Uy do Đức ông Huỳnh Tấn Hải hướng dẫn. Ngoài ra còn có một số người đến từ Việt Nam và Pháp.
Như quý vị và các bạn đã biết, Đức Thánh Cha mới công du mục vụ Liban về tối Chúa Nhật 16-9-2012, nên trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với tín hữu một số cảm tưởng và kinh nghiệm của ngài. Đức Thánh Cha nói đây đã là chuyến viếng thăm mà ngài rất muốn, mặc dù có các hoàn cảnh khó khăn, vì một người cha thì phải luôn luôn gần gũi các con cái của mình, khi chúng gặp các khó khăn nghiêm trọng. Khẩu hiệu chuyến viếng thăm mục vụ là Lời Chúa Giêsu Phục Sinh nói với các môn đệ: “Thầy ban cho các con sự bình an của Thầy” (Ga 14,27). Mục đích chính của chuyến viêng thăm là để ký Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục đặc biệt cho vùng Trung Đông.
Đó đã là một biến cố Giáo Hội cảm động, đồng thời cũng là dịp sống sự đối thoại trong một quốc gia phức tạp, biểu tượng cho toàn vùng vì truyền thống chung sống và cộng tác giữa các thành phần tôn giáo và xã hội khác nhau.
Đề cập tới các khổ đau và thảm cảnh của các dân tộc vùng Trung Đông, Đức Thánh Cha nói: Trước các khổ đau và các thảm cảnh còn kéo dài trong vùng Trung Đông, tôi đã bày tỏ sự gần gũi của tôi với các ngưỡng vọng của các dân tộc thân yêu, bằng cách đem đến cho họ một sứ điệp khích lệ và hoà bình. Tôi đặc biệt nghĩ tới cuộc xung đột kinh khủng đang gây ra buồn thương não nề cho Syria, khiến cho hàng ngàn người chết, gây ra làn sóng người tị nạn đi tìm an ninh và tương lai. Và tôi cũng không quên tình hình khó khăn tại Irak. Trong chuyến viếng thăm của tôi, người dân Liban và vùng Trung Đông, Công giáo, đại diện của các Giáo hội và các cộng đoàn Giáo hội, cũng như của các cộng đoàn Hồi giáo đã sống một kinh nghiệm tôn trọng lẫn nhau, thông cảm và huynh đệ, một cách hăng say và trong bầu khí thanh thản và xây dựng. Nó là một dấu chỉ hy vọng cho toàn nhân loại. Nhưng nhất là cuộc gặp gỡ với các tín hữu Công giáo Liban và vùng Trung Đông, với hàng ngàn người hiện diện đã khơi dậy trong tâm hồn tôi một tâm tình biết ơn sâu xa đối với đức tin sốt mến và chứng tá của họ.
Đức Thánh Cha đã cảm tạ Thiên Chúa vì ơn quý báu này trao ban hy vọng cho tương lai của Giáo Hội trong các vùng đất này: giới trẻ, người lớn, các gia đình được linh hoạt bởi ước mong kiên trì làm cho cuộc sống đâm rễ sâu nơi Chúa Kitô, gắn chặt vào Tin Mừng, và cùng tiến bước trong Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã cám ơn tất cả những ai góp phần chuẩn bị chuyến viếng thăm của ngài: các Thượng phụ, các Giám mục Liban và các cộng sự viên, Ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, hàng giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, cũng như tổng thống, giới lãnh đạo chính quyền các cấp, các cơ cấu và tổ chức, các thiện nguyện viên và tất cả những ai đã cầu nguyện cho chuyến viếng thăm này. Sự đón tiếp đã rất là nồng hậu theo tinh thần hiếu khách nổi tiếng của dân tộc Liban.
Đề cập tới sự tiếp đón của anh em Hồi giáo, Đức Thánh Cha nói: Anh chị em Hồi giáo đã tiếp đón tôi với lòng tôn trọng lớn và trân quý chân thành. Sự hiện diện và tham dự liên tục của họ đã cho phép tôi gióng lên một sứ điệp của sự đối thoại và cộng tác giữa Kitô giáo và Hồi giáo: xem ra đã đến lúc phải cùng nhau làm chứng tá chân thành và cương quyết chống lại các chia rẽ, bạo lực và chiến tranh. Các tín hữu Công giáo, đến từ các nước lân cận, đã bày tỏ lòng yêu mến sốt sắng đối với người kế vị Thánh Phêrô.
Sau lễ nghi tiếp đón tại phi trường Beirut là lễ nghi ký Tông huấn Giáo Hội tại vùng Trung Đông trong Vương cung Thánh đường Melkít Hylạp Thánh Phaolô tại Harissa. Trong dịp này, tôi đã mời gọi các tín hữu Công giáo Trung Đông hướng cái nhìn lên Chúa Kitô chịu đóng đinh, để tìm ra sức mạnh cử hành chiến thắng của tình yêu trên hận thù, tha thứ trên báo oán, hiệp nhất trên chia rẽ, cả trong các bối cảnh khó khăn và đau khổ. Tôi đã bảo đảm với mọi người tình yêu thương, sự gần gũi, liên đới và lời cầu nguyện của Giáo Hội hoàn vũ. Họ không được sợ hãi, Chúa luôn ở với họ, và Giáo hoàng không quên họ.
Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: Trong ngày thứ hai tôi đã gặp gỡ đại diện các cơ cấu cộng hoà và thế giới văn hoá, ngoại giao đoàn và giới lãnh đạo các tôn giáo. Tôi đã đề nghị một con đường giúp tiến tới một tương lai hoà bình và liên đới: đó là hoạt động để các khác biệt văn hoá, xã hội và tôn giáo dẫn tới một tình huynh đệ mới, trong đó điều kết hiệp là ý thức chia sẻ về sự cao cả và phẩm giá của con người, mà sự sống cần phải luôn luôn được bảo vệ và bênh vực. Trong cùng ngày tôi cũng gặp các vị lãnh đạo các cộng đoàn Hồi giáo trong tinh thần đối thoại và nhân hậu. Tôi cảm tạ Chúa vì cuộc gặp gỡ đó, thế giới ngày nay cần các dấu chỉ đối thoại và cộng tác, và điều mà Liban đã và phải tiếp tục là gương mẫu cho các quốc gia Ảrập và phần còn lại của thế giới.
Vào buổi chiều tại Dinh Thượng phụ Maronít, tôi đã được hàng ngàn bạn trẻ Liban và các nước láng giềng tiếp đón với sự hăng say không thể kìm hãm nỗi. Họ đã tạo ra một buổi lễ hội và cầu nguyện sẽ ghi đậm nét trong con tim nhiều người. Tôi đã nêu bật sự may mắn của họ được sống trong một phần đất của thế giới, mà Chúa Giêsu đã sống, đã chết và đã sống lại để cứu rỗi chúng ta, cũng như sự phát triển của Kitô giáo. Tôi đã khuyến khích họ sống trung thành và yêu thương đối với quê hương của họ, mặc dù có các khó khăn do thiếu ổn định và an ninh gây ra. Ngoài ra, tôi cũng khích lệ họ kiên vững trong đức tin, tin tưởng nơi Chúa Kitô, là suối nguồn của niềm vui, và đào sâu tương quan cá nhân với Chúa trong lời cầu nguyện, cũng như cởi mở đối với các lý tưởng cuộc sống, gia đình, tình bạn và tình liên đới. Khi thấy các người trẻ Kitô và Hồi giáo mừng lễ với nhau, tôi đã khuyến khích họ cùng nhau xây dựng tương lai của Liban và vùng Trung Đông và chống lại bạo lực và chiến tranh. Sự hoà hợp và hoà giải phải mạnh mẽ hơn các thúc đẩy của cái chết.
Sáng Chúa Nhật, Đức Thánh Cha đã dâng Thánh lễ cho tín hữu tại trung tâm Waterfront của thành phố.
Trước sự hiện diện đông đảo của các giám mục và tín hữu đến từ mọi nước Trung Đông, Đức Thánh Cha nói: Tôi đã muốn khích lệ tất cả mọi người sống đức tin và không sợ hãi làm chứng rằng ơn gọi của tín hữu Kitô và của Giáo Hội là noi gương Chúa Giêsu đem Tin Mừng đến cho tất cả mọi người không phân biệt ai. Trong một bối cảnh ghi dấu bởi các xung khắc khốc liệt, tôi đã nhắc tới việc chú ý tới sự cần thiết phục vụ hoà bình và công lý, bằng cách trở thành dụng cụ của hoà giải và là những người xây dựng hiệp thông. Sau Thánh lễ, tôi đã sung sướng trao Tông huấn thu thập các kết luận của Thượng Hội đồng Giám mục đặc biệt cho vùng Trung Đông. Qua các thượng phụ, các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, tài liệu này muốn đến với tất cả mọi tín hữu của vùng Trung Đông thân yêu, để nâng đỡ họ trong đức tin và sự hiệp thông, và thúc đẩy họ tiến bước trên con đường tái truyền giảng Tin Mừng. Vào buổi chiều, tôi đã được niềm vui có cuộc gặp gỡ đại kết với các Thượng phụ Chính thống, Chính thống Đông phương và đại diện các Giáo hội Kitô cũng như các cộng đoàn Giáo hội khác.
Đám đông tín hữu đến từ toàn vùng Trung Đông đã có cơ hội suy tư, đối thoại và nhất là cùng nhau cầu nguyện bằng cách canh tân dấn thân đâm rễ sâu đời mình trong Chúa Kitô. Tôi chắc chắn rằng nhân dân Liban trong hình thái đa dạng tôn giáo và xã hội của nó, sẽ lại biết hăng say làm chứng cho hoà bình đích thực với sự tin tưởng nơi Thiên Chúa. Tôi cầu mong rằng các sứ điệp hoà bình và trân quý khác nhau, mà tôi đã đưa ra, có thể giúp các giới lãnh đạo trong vùng có các bước quyết định đi tới hoà bình và một sự hiểu biết tốt đẹp hơn trong tương quan giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo.
Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trước khi cất kinh Lạy Cha và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải
Nguồn: Vietvatican