Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 47
Anh chị em thân mến,
Ngày Thế giới Truyền thông xã hội 2013 đang đến gần, tôi muốn đề nghị với anh chị em một vài suy tư về một hiện thực ngày càng trở nên quan trọng, liên quan đến cách thức con người ngày nay truyền thông cho nhau. Tôi muốn xem xét việc phát triển các mạng xã hội kỹ thuật số đang góp phần rõ ràng tạo nên một “agora” (quảng trường) mới, một không gian công cộng mở, nơi đó con người chia sẻ các ý tưởng, thông tin, ý kiến, và cũng là nơi phát sinh những mối tương quan và hình thái cộng đồng mới.
Những không gian này, nếu được đánh giá một cách đúng đắn và quân bình, sẽ góp phần thúc đẩy những hình thức đối thoại và tranh luận, và khi sử dụng những phương tiện này với sự tôn trọng và quan tâm bảo vệ bí mật đời tư, tinh thần trách nhiệm và sự thật, sẽ củng cố những mối dây liên kết con người với nhau và thúc đẩy một cách có hiệu quả sự hòa hợp trong gia đình nhân loại. Việc trao đổi thông tin có thể trở thành sự truyền thông đích thực, những mối liên hệ có thể phát triển thành tình bạn, những cuộc kết nối tạo thuận lợi cho tình hiệp thông. Nếu những mạng xã hội được mời gọi biến khả năng lớn lao này thành hiện thực, thì mọi người đang tham dự vào hoạt động này cần phải cố gắng tỏ ra đáng tin cậy, bởi trong những không gian này, người ta không chỉ chia sẻ các ý nghĩ và thông tin mà thực sự còn thông truyền chính bản thân mình.
Sự phát triển các mạng xã hội mời gọi mọi người tham gia: tham gia vào việc xây dựng các mối tương quan và kết bạn, vào việc tìm lời giải đáp cho những vấn nạn và việc tiêu khiển, và cả việc rèn luyện trí tuệ cũng như chia sẻ kiến thức và các bí quyết. Khi liên kết những người cùng có những nhu cầu cơ bản này, chính các mạng thông tin ngày càng trở thành một yếu tố dệt nên xã hội. Như vậy, các mạng xã hội được nuôi dưỡng bởi những khát vọng sâu xa trong lòng người.
Nền văn hóa do các mạng xã hội tạo nên và những thay đổi về hình thức và phong cách truyền thông đang đặt ra những thách thức lớn lao cho những ai muốn nói về sự thật và các giá trị. Cũng như trường hợp các phương tiện truyền thông xã hội khác, ý nghĩa biểu đạt và hiệu quả của những hình thức diễn tả khác nhau dường như thường được quyết định bởi tính phổ biến của chúng hơn là tầm quan trọng và giá trị nội tại. Mức độ phổ biến rộng rãi vẫn thường gắn với sự nổi tiếng hoặc với những chiến lược lôi kéo hơn là tính lôgich của những lập luận. Đôi khi tiếng nói cẩn trọng của lý trí lại bị những thông tin hết sức ầm ĩ lấn lướt, tiếng nói cẩn trọng này không thu hút được sự chú ý đã bị cuốn theo những người có lối nói hấp dẫn hơn. Vì vậy những phương tiện thông tin xã hội đang cần đến sự dấn thân của tất cả những ai ý thức được tầm quan trọng của đối thoại, của tranh luận có lý trí, của lập luận lôgich; cần đến sự dấn thân của những người đang tìm cách vun trồng những hình thức phát biểu và diễn đạt, có khả năng đưa dẫn những người tham gia công việc truyền thông hướng đến những khát vọng cao quý nhất. Cuộc đối thoại và thảo luận cũng có thể phát triển khi chúng ta trò chuyện và biết tôn trọng những người có suy nghĩ khác mình. “Trong bối cảnh đa dạng văn hóa, không những phải biết chấp nhận nền văn hóa của người khác, mà còn phải biết khao khát dùng chính nền văn hóa đó làm giàu cho bản thân mình và mang đến cho nền văn hoá đó những gì là Chân, Thiện, Mỹ mình có được” (Diễn văn trong cuộc gặp gỡ những nhà hoạt động văn hóa, Belem, Lisbon, 12 tháng Năm 2010).
Thách thức mà các mạng xã hội đang gặp phải là làm thế nào để thực sự có tính toàn diện: như thế mạng xã hội sẽ sinh ích lợi nhờ sự tham gia trọn vẹn của các tín hữu, những người mong muốn chia sẻ sứ điệp của Chúa Giêsu và những giá trị của phẩm giá con người đã được loan báo trong giáo huấn của Người. Quả thật, các tín hữu ngày càng ý thức rằng nếu Tin Mừng không được biết đến trong thế giới kỹ thuật số, hẳn Tin Mừng sẽ vắng bóng trong cuộc sống của rất nhiều người đang lấy không gian sống này làm trọng. Môi trường kỹ thuật số không phải là một thế giới tồn tại song song hay thuần túy là thế giới ảo, nhưng đang là một phần cuộc sống hằng ngày của nhiều người, nhất là giới trẻ. Các mạng xã hội là kết quả của sự tương tác giữa con người với nhau, nhưng rồi chính nó lại định hình cho việc truyền thông năng động vốn tạo ra những tương quan: vì vậy, sự hiểu biết thấu đáo về môi trường này là điều kiện tiên quyết nếu muốn hiện diện trong đó một cách có ý nghĩa.
Cần phải biết sử dụng những ngôn ngữ mới, không phải chỉ để theo kịp thời đại, nhưng là để làm cho sự phong phú vô tận của Phúc âm có được những hình thức diễn đạt đi vào trí óc và con tim mọi người. Trong môi trường kỹ thuật số, chữ viết thường có hình ảnh và âm thanh kèm theo. Một cuộc giao tiếp đạt hiệu quả, như việc Chúa Giêsu dùng dụ ngôn, đòi phải khơi gợi trí tưởng tượng và cảm xúc của những người chúng ta muốn mời gọi đến gặp gỡ mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Hơn nữa, chúng ta biết, truyền thống Kitô giáo luôn phong phú về ký hiệu và biểu tượng: chẳng hạn như Thánh giá, các tranh icôn, những hình ảnh Đức Trinh nữ Maria, máng cỏ, các kính màu và tranh vẽ trong các nhà thờ. Mặt khác, một phần quan trọng của di sản nghệ thuật nhân loại đã được tạo ra bởi các nghệ sĩ và nhạc sĩ vốn đã từng cố gắng diễn tả những chân lý đức Tin.
Trong các mạng xã hội, các tín hữu bày tỏ tính xác thực của mình khi chia sẻ cội nguồn sâu xa đã phát sinh niềm hy vọng và vui mừng của họ: đó là niềm tin vào Thiên Chúa yêu thương và giàu lòng thương xót đã được mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô. Sự chia sẻ đó không chỉ thể hiện qua việc nói lên rõ ràng về đức Tin, mà còn qua việc làm chứng, bằng cách chia sẻ “những chọn lựa, những ưu tiên và nhận định hoàn toàn phù hợp với Phúc âm, dù không nói rõ ra những điều đó” (Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội, 2011). Một cách làm chứng đặc biệt có ý nghĩa là ý muốn tự hiến cho tha nhân qua việc lấy sự kiên nhẫn và lòng tôn trọng tham dự vào những vấn nạn và hoài nghi của họ trên con đường kiếm tìm chân lý và ý nghĩa đời người. Việc ngày càng có thêm những cuộc đối thoại về vấn đề đức Tin và tín ngưỡng trong các mạng xã hội khẳng định tầm quan trọng và sự liên quan của tôn giáo trong cuộc thảo luận công cộng và đời sống xã hội.
Đối với những người đã mở lòng đón nhận hồng ân đức Tin, trước những vấn nạn của con người về tình yêu, sự thật và ý nghĩa cuộc sống –những vấn đề không hề vắng bóng trong các mạng xã hội– câu trả lời triệt để nhất được tìm thấy nơi con người của Đức Giêsu Kitô. Là lẽ tự nhiên khi một người có đức Tin muốn chia sẻ, với sự kính trọng và lòng nhạy cảm, đức Tin của mình với những người họ gặp trong diễn đàn kỹ thuật số. Tuy nhiên, rốt cuộc, nếu sự chia sẻ Tin Mừng của chúng ta gặt hái được kết quả, thì điều đó luôn là nhờ sức mạnh của Lời Chúa tác động những cõi lòng, trước khi chúng ta đem hết sức ra. Niềm tin cậy vào quyền năng của việc Chúa làm phải luôn lớn lao hơn mọi thứ tin tưởng vào các phương tiện của con người. Ngay trong môi trường kỹ thuật số, nơi người ta dễ dàng nói năng hùng hổ và gây sự, đôi khi còn thích dùng cả lối giật gân, chúng ta vẫn luôn được mời gọi phải biết nhận định một cách thận trọng. Chúng ta hãy nhớ, tiên tri Êlia nhận ra tiếng Chúa nói không phải trong cơn cuồng phong dữ dội, mạnh mẽ, cũng không trong trận động đất hoặc lửa cháy, nhưng trong “tiếng thì thầm của ngọn gió thoảng qua” (1 V 19, 11-12. Chúng ta phải tin có những niềm khát khao căn bản là yêu thương và được yêu thương, là kiếm tìm ý nghĩa và sự thật –được chính Thiên Chúa đặt vào trái tim con người– vẫn luôn giữ cho con người ngày nay biết mở lòng đón nhận điều đã được Chân phước Hồng y Newman gọi là “ánh sáng dịu êm” của đức Tin.
Các mạng xã hội, ngoài việc là một phương tiện loan báo Tin Mừng, còn có thể là một yếu tố phát triển con người. Chẳng hạn, trong một số bối cảnh địa lý và văn hóa mà các Kitô hữu cảm thấy bị cô lập, các mạng xã hội có thể giúp họ cảm thấy vẫn hiệp nhất thực sự với cộng đoàn Kitô hữu khắp thế giới. Những trang mạng tạo thuận lợi cho việc chia sẻ các nguồn tài liệu đạo đức và phụng vụ, giúp con người có thể cầu nguyện với cảm giác thấy mình gần gũi với những người cùng một niềm Tin. Sự tham gia đúng đắn và tương tác vào những vấn đề và sự băn khoăn của những người xa lạ với đức Tin sẽ giúp chúng ta cảm thấy cần phải cầu nguyện và suy tư để nuôi dưỡng niềm tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa cũng như nuôi dưỡng đức ái tích cực của chúng ta: “Nếu tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần, mà không có đức ái, thì tôi không khác gì tiếng thanh la đang khua hoặc tiếng phèng la đang vang lên” (1 Cr 13, 1).
Trong thế giới kỹ thuật số, có những trang mạng xã hội mang lại cho con người ngày nay những dịp để cầu nguyện, suy niệm và chia sẻ Lời Chúa. Những trang mạng này cũng có thể mở những cánh cửa dẫn vào những chiều kích khác của đức Tin. Quả thật, nhờ gặp gỡ trước trên mạng, nhiều người đã khám phá tầm quan trọng của việc gặp gỡ trực tiếp, những kinh nghiệm của cộng đoàn, và cả việc hành hương, là những yếu tố luôn luôn quan trọng trong hành trình đức Tin. Bằng cách cố gắng đưa Phúc âm hiện diện trong thế giới kỹ thuật số, chúng ta có thể mời gọi mọi người cùng cầu nguyện hoặc cử hành phụng vụ tại những nơi chốn cụ thể như nhà thờ, nhà nguyện. Trong bất cứ hiện thực nào của cuộc sống mà chúng ta được mời gọi tham dự, dù đó là không gian vật lý hữu hình hay trong thế giới kỹ thuật số, không được thiếu đi sự gắn bó và hiệp nhất khi diễn tả đức Tin và làm chứng cho Tin Mừng. Khi gặp gỡ tha nhân, chúng ta đều được kêu gọi bằng mọi cách phải làm cho tình yêu Thiên Chúa được nhận biết đến tận cùng trái đất.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần đồng hành với anh chị em và luôn soi sáng cho anh chị em, và tôi thành tâm chúc lành cho tất cả anh chị em được trở nên những người loan báo và làm chứng cho Tin Mừng. “Anh em hãy đi khắp thế gian và loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15).
Vatican, ngày 24 tháng Giêng 2013, lễ Thánh Phanxicô Salêsiô
BÊNÊĐICTÔ XVI
Đức Thành chuyển ngữ từ Libreria Editrice Vaticana
Nguồn: WHĐ