Trong chương 6 thư gửi tín hữu Êphêxô thánh Phaolô cũng ngỏ lời với các thành phần khác trong gia đình. Những gì thánh nhân đưa ra ở đây có thể được coi như một vài điểm mục vụ về gia đình. Trước hết là tương quan giữa con cái và cha me. Thánh nhân viết: ”Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ, đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6,1-4).
Như thế gia đình không chỉ bao gồm vợ chồng nhưng còn có con cái là hoa trái tình yêu thương của cha mẹ, và chúng cần được giáo dục theo các đòi buộc và tiêu chuẩn của đức tin kitô. Tương quan giữa cha mẹ con cái dựa trên điều răn thứ bốn trong Mười điều răn: ”Hãy thờ kính cha mẹ để được sống lâu trên đất mà Giavê Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi” (Xh 20,12; Dt 5,16). Cha mẹ đáng cho con cái tôn kính, vì đã tham dự vào quyền tạo dựng của Thiên Chúa để cho con cái chào đời, và thay mặt Thiên Chúa săn sóc dưỡng nuôi chúng. Vì thế trong cuộc sống làm con, tôn kính và vâng lời cha mẹ là bổn phận nòng cốt. Là những người sinh thành dưỡng dục cha mẹ có nhiều hiểu biết, già dặn kinh nghiệm, sành đời và khôn ngoan hơn con cái.
Những gì các ngài dậy bảo đều là kết qủa của sự hiểu biết và từng trải ấy, vì thế con cái phải hiểu biết như vậy, và vâng nghe các ngài vì hạnh phúc và thiện ích của chính mình. Tuy nhiên, trong khi khuyên răn sửa đậy con cái, cha mẹ cũng cần hiểu biết tâm lý và sư phạm, làm sao để đừng khiến cho con cái tức giận, nếu không việc giáo dục có thể trở thành uổng công vô ích, vì không đạt đích. Việt Nam ta thường nói ”Dậy con từ thuở lên ba”, nhưng như thế cũng là qúa trễ tràng rồi. Sản khoa và tâm lý học ngày nay cho biết ngay từ khi mới là bào thai, đứa con trong bụng mẹ đã cảm được tất cả những gì mẹ nó cảm nhận được. Vì thế người mẹ phải dậy con, nói chuyện với con, tỏ tình yêu thương và vuốt ve con ngay từ khi biết mình mang thai. Đây là thời gian giáo dục vô cùng qúy báu, có thể định hướng cho tương lai của đứa con sau này. Và vì bào thai nghe được tiếng mẹ mình và cảm nhận được mọi sự, nên càng năng nói chuyện với con y như nó đã chào đời và đang ở trước mặt mình, người mẹ càng có cơ may đào tạo tính tình cho con cái ngay từ khi còn trong lòng mình và dậy dỗ chúng hữu hiệu sau này.
Bên cạnh tương quan với con cái trong gia đình, còn có tương quan giữa chủ và tôi tớ, con ăn người làm trong nhà nữa. Thánh Phaolô viết trong cùng chương 6: ”Kẻ làm nô lệ, hãy vâng lời những người chủ ở đời này với thái độ run rẩy và sợ sệt, với lòng đơn sơ, như vâng lời Đức Kitô. Đừng chỉ vâng lời trước mặt, như muốn làm đẹp lòng người ta, nhưng như nô lệ của Đức Kitô, đem cả tâm hồn thi hành ý Thiên Chúa. Hãy vui lòng phục vụ, như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta. Anh em biết đấy, ai làm điều tốt sẽ được Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do. Người làm chủ cũng hãy đối xử như thế với nô lệ. Đừng dọa nạt nữa: anh em biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em. Người ngự trên trời và không thiên vị ai” (Ep 6,5-9).
Ở đây thánh Phaolô đề cập tới một vấn đề tế nhị trong xã hội thời bấy giờ cũng như trong xã hội ngày nay. Đó là sự kiện có những người phải làm nô lệ cho người khác. Có khi đó là các nô lệ được các gia đình quyền qúy giầu sang mua để phục vụ hầu hạ họ trong nhiều công việc khác nhau, kể cả việc dậy học cho con cái họ. Trong các cuộc chiến giữa các dân nước hay bộ lạc xưa kia, nhiều người có học cũng bị bắt và bị bán làm nô lệ. Vì thế khi vào phục vụ chủ, họ được chủ giao cho nhiệm vụ dậy dỗ con cái họ và được chủ đối đãi tử tế với lòng qúy trọng và biết ơn. Tuy nhiên không phải ai cũng được đối xử như vậy.
Ở đây cũng như nơi khác, thánh Phaolô chấp nhận thực tại có những người phải làm nô lệ cho kẻ khác, và thánh nhân không có yêu sách phát động một cuộc cách mạng xã hội để giải phóng các anh chị em nô lệ khỏi kiếp sống thường thê thảm và khổ sở của họ. Nó là một thực tại xã hội thời đó và nó vượt qúa khả năng giải quyết của thánh nhân. Thật ra Chúa Giêsu cũng đã phải đối điện với thực tại nô lệ thời Người. Tuy nhiên, thánh Phaolô tìm giải quyết vấn đề một cách khôn ngoan và hiệu qủa hơn. Đó là lấy Thiên Chúa làm điểm tham chiếu và tinh thần Tin Mừng làm mực thước cho mọi tương quan giữa con người với nhau.
Người nô lệ vâng lời và người chủ ra lệnh cả hai đều phải được hướng dẫn trong các bổn phận của mình với xác tín rằng cả hai đều ở trên cùng một bình diện trước mặt Thiên Chúa: Họ đều là tín hữu như nhau và là anh em trong Chúa Kitô. Để thực thi sự vâng lời mà thánh Phaolô nói tới ở đây, cần phải có một tinh thần đức tin ngoại thường, khiến cho tín hữu nô lệ nhận ra chính Chúa Kitô nơi chủ nhân, để phục vụ như phục vụ Chúa Kitô, và khiến cho chủ nhân nhận ra Chúa Kitô nơi các anh chị em nô lệ, để yêu thương và qúy trọng họ như anh chị em con của cùng một Thiên Chúa là Cha.
Như thế tinh thần kitô đòi buộc các tín hữu sống tình yêu thương huynh đệ và tình yêu thương ấy loại bỏ mọi phân chia giai cấp và đối xử kỳ thị, vì tất cả mọi người chỉ là một trong Chúa. Tuy không giải quyết vấn đề trên bình diện lý thuyết bằng cách loại bỏ chế độ nô lệ, nhưng thánh Phaolô đã giải quyết vấn đề trên thực tế, khi khuyên nhủ mọi người hãy thực thi Tin Mừng yêu thương của Chúa Giêsu Kitô và sống tình huynh đệ đại đồng bắt nguồn từ Tin Mừng đó.
Việc chú ý và đề cao giá trị của gia đình cũng được thánh Phaolô trình bày trong chương 2 thư gửi Titô. Thánh nhân đề nghị với Titô giáo lý về gia đình liên quan tới mọi thành phần của nó như sau: ”Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành. Như vậy họ sẽ dạy cho người vợ trẻ biết yêu chồng, thương con, biết sống chừng mực, trong sạch, chăm lo việc nhà, phục tùng chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị người ta xúc phạm. Con cũng hãy khuyên các thanh niên phải giữ chừng mực trong mọi sự” (Tt 2,1-6).
Thánh Phaolô cho thấy một chương trình mục vụ rất cụ thể. Chỉ nghĩ tới các cơ cấu của Giáo Hội hay chú ý tới giới lãnh đạo hay chống trả lại các sai lạc giáo lý không thôi, không đủ. Cần phải đào tạo mọi thành phần dân Chúa nữa: người già, người lớn và giới trẻ. Phải đối thoại với từng lớp người và giảng dậy cho họ. Trong các lời khuyên nhủ người già thánh nhân cho thấy người rất hiểu biết tâm lý của họ: khi có tuổi, người ta ít kiên nhẫn hơn và cũng có thể trở thành nhàm chán. Còn các bà già thì dễ ”nói xấu nói hành”, ”ngồi lê mách lẻo”, và có thể nghiện rượu. Mà khi sống như thế chắc chắn là họ không thể dậy con gái và con dâu được. Các bà già ở đây xem ra có nhiệm vụ dậy dỗ trong cộng đoàn, không phải như một nhiệm vụ chính thức, nhưng liên quan tới việc cố vấn và uy tín có được nhờ kinh nghiệm và sự thánh thiện và cuộc sống liêm chính. Tiếp đến thánh Phaolô kể ra một vài đức tính, mà các bà vợ trẻ cần có, để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Trước hết là phải biết yêu chồng, thương con, rồi biết sống chừng mực, trong sạch, chăm lo việc nhà và phục tùng chồng để cho lời Thiên Chúa đừng bị xúc phạm. Vì khi không sống đúng địa vị là người vợ kitô, các bà vợ trẻ có thể trở thành mục đích cho người ta đàm tiếu và xúc phạm đến Thiên Chúa.
Như vậy thánh Phaolô không quan niệm một cộng đoàn chia thành từng khu vực đóng kín, nhưng tất cả mọi thành phần phải bổ túc cho nhau và học hỏi với nhau. Đối với người trẻ thánh nhân cũng yêu cầu phải dậy dỗ họ sống chừng mực trong mọi sự. Nhân đức chừng mực này được khuyến khích cho hết mọi người, nhưng thánh Phaolô nhắn nhủ Titô phải làm gương trước nhất: ”Chính con hãy làm gương về mặt đức hạnh. Khi con giảng dạy thì đạo lý phải tinh tuyền, thái độ phải đàng hoàng, lời lẽ phải lành mạnh, không ai bắt bẻ đươc, khiến đối phương phải bẽ mặt, vì không thể nói xấu chúng ta điều gì” (Tt 2,7-8). Gương sáng sống đạo luôn được thánh Phaolô đề cao: ”Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi đã bắt chước Chúa Kitô” (1 Cr 11,1; Plm 3,17; 2 Tt 3,9).
Ở đây thánh nhân cũng không quên nhắc đến các nô lệ: ”Các nô lệ phải phục tùng chủ trong mọi sự, làm đẹp lòng chủ và đừng cãi lại, đừng ăn cắp, nhưng tỏ lòng trung tín hoàn toàn; như vậy là họ làm cho đạo lý của Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, được rạng rỡ mọi bề” (Tt 2,9-10).
Sự vâng lời, lòng kính trọng và trung thành với chủ khiến cho họ làm rạng rỡ Thiên Chúa. Cung cách sống tốt lành của các anh chị em nô lệ, bị đối xử tàn tệ trong thế giới ngoại giáo, có thể khiến cho họ có sức thuyết phục và là các chứng nhân có giá trị của Tin Mừng, với điều kiện là họ sống tình trạng nô lệ của họ với tinh thần yêu thương huynh đệ. Thánh Phaolô đề cập tới các anh chị em nô lệ nhiều lần (1 Tm 6,1-2; Ep 6,5.9). Ngài không rao giảng cuộc cách mạng nào cả, nhưng lo lắng cho việc thay đổi tâm thức của con người. Hoán cải con tim, cách mạng tâm lòng là điều khó hơn là thay đổi các cơ cấu bề ngoài, mang tiếng là ”cách mạng”, nhưng chẳng cách mạng tí nào hết, như đã từng xảy ra trong lịch sử loài người. Điều thánh Phaolô muốn không phải là sự thay đổi hời hợt bề ngoài, nhưng là một cuộc biến đổi tâm trí, cách nạng nội tâm, là nền tảng của mọi thay đổi trong cuộc sống gia đình, xã hội, quốc gia và quốc tế.
(Thần Học Kinh Thánh bài 1106)
Linh Tiến Khải
Nguồn: Vietvatican