Tiếp theo loạt bài về câu chuyện của Vatican News, chúng tôi xin gởi đến quý vị câu chuyện của một nhân vật liên quan đến đề tài Amazon mà hiện nay Giáo hội đang chuẩn bị cho Thượng HĐGM vào tháng 10 tới đây. Dù đây là Thượng hội đồng về một vùng nhưng có ảnh hưởng đến cả thế giới.
Các công ty đa quốc gia thường coi thường những nước gọi là thế giới thứ ba bằng cách chiếm đoạt tài nguyên của họ. Cuộc đấu tranh của những người nông dân và người dân bản địa chống lại những gã khổng lồ này dường như luôn thất bại như là định mệnh. Pablo Fajardo, từ nông dân đến luật sư, đã đảo ngược dòng chảy này.
Những từ như nghèo đói, nỗ lực, dấn thân đã trở nên một phần căn bản làm nên lịch sử châu Mỹ Latinh. Nhiều người nơi đây đã đặt niềm tin vào thành quả của sự dấn thân nên họ đặt cả cuộc sống từng ngày của họ vào đó để biến ước mơ thành hiện thực cho đất nước của họ hoặc cho cộng đồng địa phương của họ. Pablo Fajardo là một trong những trường hợp như thế. Tình yêu của anh dành cho con người và vùng đất của anh đã khiến anh trở thành một luật sư và bảo vệ 30.000 cư dân của rừng Amazon, để chống lại gã khổng lồ ngành dầu khí bị cáo buộc gây ô nhiễm. Năm 2011, công ty Texaco-Chevron đã bị tuyên án phải trả 9 tỷ đôla để khắc phục những thiệt hại xã hội và môi trường.
Một gia đình nghèo
Pablo sinh ra tại một làng quê trên bờ biển Ecuador, từ một gia đình nông dân trong điều kiện đói nghèo cùng cực. Điều kiện sống này đã đẩy chín anh em Pablo cùng với cha mẹ tìm kiếm công ăn việc làm xa nhà, tại vùng Amazon. Một thế giới hoàn toàn mới đối với cậu bé Pablo: “Amazon tràn đầy thần thái, nhẹ nhàng, đầy hương vị, đầy nhiệt, nước, côn trùng và động vật, nói ngắn gọn là tràn đầy sức sống”. Sau đó, anh phát hiện một khu rừng khác: “một Amazon khác bị ô nhiễm”. Sự tương phản này đã làm thay đổi vận mệnh đời anh.
Vì lý do kinh tế, không ai trong số anh em của Pablo có thể học đến đại học. Chính cái nghèo đã quyết định ai có thể và không thể học. Rồi Pablo đã nhận được sự hỗ trợ của người dân, của các cha Dòng Phanxicô Capuchin và của một số làng. Mọi người đã trở nên một nơi nâng đỡ lạ thường cho anh ta, cả về kinh tế lẫn tinh thần.
Chuyển đến Amazon
Đối với những người Ecuador tìm kiếm việc làm thì phía bắc mở ra nhiều cơ hội hơn. Thế là năm 14 tuổi, Pablo bắt đầu làm công việc đầu tiên cho một công ty phát triển cây cọ châu Phi, sau đó cho một công ty dầu mỏ. Trong thời gian rảnh rỗi, anh tham gia giáo xứ do các Cha Phanxicô Capuchin coi sóc. Giống như nhiều người, anh làm rất nhiều nhưng lại được nhận đồng lương ít ỏi. Anh nói: “tôi đã nhận ra có quá nhiều bất công và bóc lột”.
Hai năm sau khi đến Amazon, với sự hỗ trợ của giáo xứ và người dân, Pablo đã lập một ban bảo vệ nhân quyền. “Chúng tôi làm điều đó vì đã có nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền đối với người bản địa, với phụ nữ, nông dân và người da đen. Họ không có ai để cậy nhờ giúp đỡ.”
Nhận ra ơn gọi
Được đặt làm trưởng ban, Pablo, mười sáu tuổi, đi từ làng này sang làng khác với các cha Capuchin, để thu thập lời khai trực tiếp về các vi phạm họ phải chịu. Và khi anh đi cùng các nạn nhân đến chính quyền để khiếu kiện, thì câu trả lời nhận được luôn luôn giống nhau: họ đề nghị đi tìm một luật sư. “Thực tế là vào thời điểm đó không có luật sư nào muốn giúp chúng tôi. Một ngày nọ tôi tự nhủ: mình sẽ trở thành một luật sư.” Nhưng tiền không đủ để chi trả cho việc học. Các cha Capuchin, Pedro José, José María và Charlie Azcona, cách nào đó đã trở nên người thân trong gia đình thứ hai của Pablo, đã quyên góp từ nhiều người. Do đó, Pablo có thể đi học, tốt nghiệp và trở thành một luật sư. Nhưng chặng đường gặp lắm chông gai.
Giá của sự thỏa hiệp
Pablo kể một câu chuyện đánh dấu cuộc đời của anh: Một lần nọ, một công ty dầu khí hoạt động trong khu vực muốn thực hiện các kiểm tra địa chấn. Những người thợ đã vào khu vực mà không quan tâm đến nông dân và tài sản của họ. Pablo đứng ra bênh vực nông dân. Và để trả thù, công ty đã sa thải những người thợ và đổ lỗi cho anh luật sư trẻ. Những người thợ đã muốn xử anh, nhưng cuối cùng, họ đã hiểu được vấn đề và cùng theo anh trong cuộc chiến pháp lý chống lại công ty.
Năm 2004, sau một thời gian bị đàn áp và đe dọa, một người anh của Pablo đã bị tra tấn dã man đến chết. Gia đình của Pablo đã được đưa đi một nơi xa để đảm bảo an toàn. Và bản thân anh, trong nhiều tháng, không thể ngủ hai đêm liên tiếp ở cùng một nơi. Sự thật, nạn nhân không phải là anh trai, mà chính là Pablo. Những kẻ ám sát đã bị nhầm lẫn. Các mối đe dọa vẫn chưa kết thúc. Anh nói: “Mỗi tối, tôi cảm ơn Chúa vì tôi được sống thêm một ngày nữa. Vào buổi sáng, tôi cầu nguyện: Lạy Chúa, xin bảo vệ con để con có thể tiếp tục sống”.
Liên hệ gắn chặt với Amazon
“Sau ba mươi năm, tôi đã nhận ra rằng tôi đã học và vẫn còn tiếp tục học từ người dân bản địa. Họ có rất nhiều điều để dạy cho nhân loại. Người bản địa của Amazon là các thư viện lưu động”, Pablo mỉm cười nói. Năm 2003, khi phiên tòa xét xử chống lại công ty Chevron bắt đầu ở Ecuador, vùng Lago Agrio, dân chúng ra đường mỗi ngày để biểu tình. Những người già không bao giờ mang giày. Một thanh niên Mỹ đến tham dự phiên tòa đã hết sức ngạc nhiên khi thấy nhiều người đi chân đất. Trong sáu tháng, anh đã gom góp được năm ngàn đôi giày và gửi cho những người thổ dân này, tuy nhiên, họ cũng chẳng mang. Thực tế, những người già lão không đi giày không phải vì họ nghèo, nhưng vì chiếc giày làm đứt sự liên kết giữa người và đất.
Trường hợp công ty Texaco-Chevron
Trong vụ án, người bản địa cùng luật sư của họ đã đưa ra bằng chứng về sự ô nhiễm đất và nước do những chất thải độc hại và dư lượng từ việc khai thác dầu thô. Chất thải hủy diệt cá, động vật rừng và người dân bản địa. Đối diện với thảm kịch môi trường này, người dân cảm thấy bất lực vì không biết phải đối phó với gã khổng lồ dầu mỏ này như thế nào. Dường như ngay cả nhà nước cũng không bảo vệ quyền của người bản địa hoặc thông báo cho họ biết về những hậu quả tiêu cực do chúng gây ra.
Pablo giải thích rằng trường hợp công ty Texaco-Chevron thể hiện sự thiếu hiểu biết nghiệm trọng và thiếu tôn trọng đối với các dân tộc tổ tiên ở đây. Đồng thời, vụ án cũng cho thấy sự kiên cường đấu tranh của các dân tộc này vì quyền lợi của họ. “Điều quan trọng là nhìn xem cách chúng tôi thực hiện để duy trì sự đoàn kết trong cuộc đấu tranh. Sáu dân tộc bản địa với ngôn ngữ, truyền thống, phong tục và lãnh thổ khác nhau đã cùng nhau đấu tranh.” Nhiều người bản địa đã không đủ may mắn để có thể học tập. Giống như cha của Pablo, nhiều người không biết đọc hoặc viết. Họ không tin các tài liệu bằng văn bản lắm, nhưng coi trọng giá trị của lời nói. Cha của Pablo thường nói điều này khi các con ông còn nhỏ: “tờ giấy có thể bị xé. Còn lời nói thì không”. Ngày nay mọi thứ đã thay đổi, mọi thứ phải được ghi chép thành văn bản, ký tên, đóng dấu. Không có văn bản chính thức, lời nói không còn giá trị. Để bảo vệ những người thổ dân bản địa, Pablo là cầu nối giữa lời nói của anh, được dạy cho người thổ dân và án văn được viết trong các phiên toà xét xử công ty Texaco-Chevron.
Tại Amazon, cuộc sống của các dân tộc và các thế hệ tương lai đang bị đe dọa: “Có lẽ, nhiều người ở Mỹ, Châu Âu hoặc những nơi khác trên thế giới không nhận ra Amazon có ý nghĩa thế nào đối với thế giới và hành tinh. Cuộc sống của các thế hệ tương lai đang bị đe dọa”. Những lời kết luận của Pablo Fajardo, một nông dân đã trở thành luật sư của và cho người dân, mang lại hy vọng cho người thổ dân: “cả thế giới lắng nghe chúng ta”.
Câu chuyện về Pablo Fajardo đã được xuất bản thành một truyện tranh do nhà xuất bản Pháp “Les arènes”. Phiên bản tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha đang được chuẩn bị xuất bản.