Cách đây 1 năm, ngày 1-5-2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chủ sự Thánh lễ Phong Chân phước cho vị tiền nhiệm của ngài là Đức Gioan Phaolô II. Thánh lễ đã diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô với sự tham dự của gần 1 triệu tín hữu đến từ khắp nơi trên thế giới. Hàng trăm ngàn tín hữu đã phải theo dõi thánh lễ trên các màn hình khổng lồ đặt tại nhiều nơi trong thành phố, cũng như gần Đền thờ và Quảng trường Thánh Phêrô.
Sau khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đọc công thức tuyên bố Đức Gioan Phaolô II là Chân phước, tín hữu đã vỗ tay mừng rất lâu với niềm vui toả ra trên gương mặt mọi người. Từ ngày đó đến nay đã có rất nhiều tín hữu nhận được các ơn lành nhờ lời chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô II. Và các thư tạ ơn cũng như các chứng từ tiếp tục bay về Rôma, làm chứng cho sự hiện diện sinh động của Đức Gioan Phaolô II trong con tim của mọi người.
Sau khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đọc công thức tuyến bố Đức Gioan Phaolô II là Chân phước, Nữ tu Tobiana, từng phục vụ Đức Karol Wojtila trong 27 năm, và Nữ tu Marie Simon Pierre, người đã được chữa lành khỏi bệnh Parkinson nhờ lới bầu cử cảu vị tân Chân phước, đã đem thánh tích đặt trên bệ cao phía bên phải bàn thờ.
Trong số các thánh tích được lưu giữ tại Nguyện đường Nhà thương Bách khoa Gemelli, khu vực y khoa sinh học ở Rôma, có một mảnh áo thấm máu của Đức Gioan Phaolô II, khi bị mưu sát tại Quảng trường Thánh Phêrô chiều ngày 13-5-1981. Thánh tích được đựng trong một mặt nhật bằng gỗ mạ vàng để phía bên trái bàn thờ, như dấu chỉ sự khổ đau ghi dấu triều đại Giáo hoàng của ngài. Linh mục Robin Weatherhill, Tuyên uý Nhà thương Gemelli, nói rằng với thánh tích này Đức Gioan Phaolô II tiếp tục là điểm quy chiếu ngoại thường của các bệnh nhân được điều trị trong nhà thương. Họ dừng lại, cầu nguyện và tín thác cơn bệnh của họ cho ngài và bạn cảm thấy Đức Gioan Phaolô II tiếp tục hoạt động trong trái tim tín hữu.
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức ông Slawomir Oder, thỉnh nguyện viên án phong hiển thánh cho Đức Gioan Phaolô II, về sự hiện diện sinh động ấy của Đức Karol Wojtila trong con tim tín hữu năm châu.
Hỏi: Thưa Đức Ông, đâu là các dấu chỉ niềm vui toả ra từ Thánh lễ Phong Chân phước cho Đức Gioan Phaolô II cách đây 1 năm?
Đáp: Bên Ba Lan đã có các giáo xứ lấy tên của Chân phước Gioan Phaolô II, nhưng mà cả bên châu Mỹ Latinh cũng thế, có nhiều giáo xứ mang tên ngài. Thế rồi đã có biết bao nhiêu thánh lễ tạ ơn được cử hành vì biến cố này. Đây là khía cạnh liên quan tới phụng vụ. Ngoài ra còn có một hiện tượng rất đặc biệt khác nữa: đó là cuộc hành hương thánh tích của ngài.
Hỏi: Cuộc thánh du đó đã bắt đầu khi nào, thưa Đức Ông?
Đáp: Cuộc thánh du đầu tiên đã là nhân Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Madrid, Tây Ban Nha. Thánh tích của Đức tân Chân phước Gioan Phaolô II đã được đem tới đây để Đức Gioan Phaolô II đồng hành với người trẻ. Tiếp theo đó thánh tích đã được rước qua Mêhicô và Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm tín hữu của tất cả các giáo phận Mêhicô, cũng như tại Colombia, Nigeria và cả các giáo phận Italia nữa. Các chặng thánh du ấy đã là dịp để nhắc lại tư tưởng và sứ điệp cuộc sống của Đức Gioan Phaolô II.
Hỏi: Ngoài khía cạnh sùng kính và phụng vụ, đâu đã là các hoa trái thiêng liêng mà Đức Ông là người đã chứng kiến trong năm nay như là thỉnh nguyện viên án phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II?
Đáp: Các tin tức về các ơn lành đã nhận được nhờ lời bầu cử của Chân phước Gioan Phaolô II tiếp tục được gửi về văn phòng làm việc của tôi, và tôi tin rằng chúng sẽ còn tiếp tục được gửi về nữa. Tại Đền thờ Thánh Phêrô, làn sóng tín hữu tìm đến cầu nguyện bên mộ Đức Gioan Phaolô II và xin ngài bầu cử vẫn liên tục không ngớt. Và như là thỉnh nguyện viên, tôi là chứng nhân của không biết bao nhiêu ơn lành tín hữu đã nhận được. Cả khi còn quá sớm để nói lên điều này, nhưng một trong những ơn lành đó có thể sẽ là ơn lạ để bắt đầu tiến trình dẫn đưa tới việc thừa nhận một phép lạ thứ hai, cần thiết cho việc tôn phong hiển thánh. Vì có các tín hiệu rất hay trong nghĩa này.
Hỏi: Thế thì đâu là các bước đầu tiến để có thể trông thấy Chân phước Gioan Phaolô II được tôn phong hiển thánh, thưa Đức Ông?
Đáp: Như đã biết, để có thể được phong hiển thánh Giáo Hội đòi buộc phải có một phép lạ được thừa nhận, xảy ra nhờ lời bầu cử của vị tân Chân phước. Và trong trường hợp này thì không có các hạn thời gian ít nhất phải đợi bao nhiêu lâu. Tôi có thể nói rằng hiện nay tôi đang đợi tài liệu liên quan tới vài ơn lành nhận được nhờ lời bầu cử của Đức Gioan Phaolô II, như tôi đã nhắc tới trên đây. Trong vài trường hợp các bác sĩ đã bắt đầu điều tra. Nhưng đây là các cuộc điều tra tiên khởi, vì thế không thể nói tới việc lựa chọn một trường hợp chuyên biệt nào cả. Dầu sao đi nữa các trường hợp hay đáng được tìm hiểu và đào sâu đã được chỉ cho thấy và ghi nhận rồi.
Hỏi: Có bao nhiêu trường hợp phép lạ tất cả, thưa Đức Ông?
Đáp: Các trường hợp hiện nay xem ra được coi là hay nhất là 3 hay 4 trường hợp.
Hỏi: Trong năm vừa qua có xảy ra việc Đức Ông phải ghi nhận các phản kháng hay có gặp các thái độ chỉ trích liên quan tới Đức Chân phước Gioan Phaolô II hay không?
Đáp: Việc phong Chân phước là một cử chỉ vĩnh viễn, và từ phía cá nhân tôi, điều tôi đã gặp là niềm vui và lòng biết ơn vì ơn món quà cao quý là vị tân Chân phước.
Hỏi: Vậy trong năm vừa qua đã có điều gì đánh động Đức Ông một cách đặc biệt nhất?
Đáp: Tôi phải nói rằng một kinh nghiệm gợi hứng nhất là sự hiện diện của thánh tích mà tôi đã đề cập tới trên đây. Đó là một yếu tố rất mạnh mẽ nói lên một cách hùng hồn và biểu tượng. Thật thế, thánh tích có hình thái là một cuốn sách mở rộng, ghi lại các lời mà Đức Gioan Phaolô II đã nói ngay từ đầu triều đại của người: “Nolite timere!”, “Đừng sợ hãi!”, và thánh tích chứa đựng một ống máu. Các xúc động đươc khơi dậy bởi sự hiện diện này của Đức Gioan Phaolô II gây ấn tượng rất mạnh. Chẳng hạn có một ông cụ già khi trông thấy thánh tích đã vui sướng kêu lên: “Ô này, người bạn già thân mến của tôi ơi, chúng mình lại gặp nhau nữa rồi!” Và tôi thấy nó là một dấu chỉ rất đẹp: đó là sự hiện diện của Đức Gioan Phaolô II ngày nay được cảm nhận như là một sự hiện diện sống động, rất thân tình, rất bằng hữu. Cũng thế, sứ điệp cuộc sống ngài đã tận hiến cho Giáo Hội, trong dấu chỉ của tình yêu Chúa Kitô và trong sự phó thác cho Đức Mẹ.
Hỏi: Thưa Đức Ông, Đức Ông đã nói trên đây là có hàng chục trường hợp ơn lành nhận được nhờ lời chuyển cầu của Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Chúng đến từ đâu trên thế giới?
Đáp: Có hàng chục trường hợp đã được thông báo từ các nước khác nhau trên thế giới, nhất là từ các nước Âu châu, như Ba Lan, Italia và Tây Ban Nha, nhưng cũng có các trường hợp của châu Mỹ như Hoa Kỳ, Mêhicô, Colombia và Brazil.
Hỏi: Có điều gì đã khiến cho Đức Ông ngạc nhiên một cách đặc biệt mà Đức Ông không chờ đợi trong năm nay không?
Đáp: Chắc chắn đây là một sự ngạc nhiên thích thú, khi tôi thấy sự gần gũi của Đức Gioan Phaolô II mà dân chúng cảm nhận được. Nột sự gần gũi không còn là vật lý trong không gian nữa, nhưng nó diễn tả tình yêu mà Đức Gioan Phaolô II đã gieo vãi trong cuộc sống của người.
(Avvenire 1-5-2012)
Linh Tiến Khải
Nguồn: Vietvatican