Các nhà quan sát Giáo Hội nghi ngờ việc chọn thời điểm phát hành thông điệp của ĐHY Filoni
Các nhà quan sát Giáo Hội ở Trung Quốc tỏ ra e dè về thông điệp Đức Hồng y Fernando Filoni gửi cho Trung Quốc gần đây, cũng như lo ngại việc chọn thời điểm không tốt sẽ làm giảm hiệu quả của thông điệp.
Tổng trưởng Thánh bộ Truyền giáo phát hành thông điệp này hôm 25-10. Nữ tu Beatrice Leung Kit-fun, giáo sư chính trị tại Ma Cao, nhận xét nghĩa cử hào hiệp này có thể đã làm “hư bột hư đường” do không nắm vững tình hình hiện nay của Trung Quốc.
“Các lãnh đạo nhà nước bận rộn trước ngày Đại hội Đảng toàn quốc từ ngày 8 đến 15-11 vì họ chỉ tập trung thông qua lần cuối danh sách các ứng viên vào Uỷ ban Thường vụ Bộ Chính trị vào phút cuối” – Nữ tu Dòng Bửu Huyết nói.
“Chắc chắn là hiện nay họ không để ý gì đến lời kêu gọi của ngài, mặc dù họ có thể xem xét lại sau này khi ban lãnh đạo mới thảo luận các vấn đề tôn giáo” – chị nói thêm.
Chị cũng bi quan về mọi tiến triển quan trọng trong quan hệ Giáo hội và Nhà nước, và đoán rằng các nhà chức trách Trung Quốc “sẽ thắt chặt kiểm soát ý thức hệ trong tương lai để duy trì ổn định nội bộ”.
Theo chị, thông cáo của Uỷ ban Đặc trách Giáo hội Công giáo Trung Quốc của Toà Thánh phát hành hồi tháng 4 là đã đầy đủ và rõ ràng rồi, bởi thông cáo nhấn mạnh “không thể hy sinh các yếu tố chính của đức tin và kỷ cương Công giáo để truyền giáo”.
“Thông điệp của Đức Hồng y giống với một thành ngữ của Trung Quốc: ‘vẽ chân lên mình rắn'”, chị nói.
Anthony Lam Sui-ki, nhà nghiên cứu thâm niên tại Trung tâm Nghiên cứu Thánh Linh của Giáo phận Hồng Kông, cũng cho rằng đây không phải là lúc để Trung Quốc đáp lại thông điệp của Đức Hồng y Filoni.
“Bắc Kinh có đủ các vấn đề cấp bách cần xử lý vào lúc này. Họ có thời gian rảnh rỗi để bàn đến quan hệ Trung Quốc -Vatican sao?” – ông nói.
Tuy nhiên, ông thừa nhận thư của Đức Hồng y Filoni là nỗ lực tích cực bày tỏ hy vọng nối lại đối thoại trong khi chỉ ra những trở ngại.
“Chúng ta cần nhẫn nại. Cho dù Trung Quốc giữ thinh lặng, tôi vẫn tin rằng thông điệp của ngài sẽ gây được sự chú ý” – ông nhận xét.
Một nhà quan sát khác ở Hồng Kông là Kwun Ping-hung chỉ ra rằng trong khi Đức Hồng y Filoni kêu gọi mở lại đối thoại, ngài cũng nhắc lại những điều kiện tiên quyết của Giáo Hội và nhấn mạnh lập trường của Toà Thánh bằng cách đề cập đến 3 trở ngại: Nhà nước kiểm soát Giáo hội; bổ nhiệm các ứng viên giám mục; và các giám mục bất hợp thức can thiệp lễ tấn phong giám mục.
Ông nói: “Dù Bắc Kinh muốn đáp lại, người ta khó mà lạc quan cho rằng họ sẽ từ bỏ điểm then chốt của họ vốn không hợp với lập trường của Toà Thánh”.
Ông cho rằng một số giám mục ‘công khai’ có thể cảm thấy bớt áp lực từ bỏ Hội Công giáo Yêu nước, vì họ cảm thấy Toà Thánh mong muốn đối thoại và việc này thể hiện rõ ràng qua thông điệp của Đức Hồng y Filoni.
Mặc khác, thông điệp có thể thôi thúc cộng đoàn Giáo Hội “bí mật” gần gũi với chính quyền hơn, do đó thông điệp có giúp hoà giải giữa hai cộng đồng chia rẽ này hay không là vấn đề còn phải bàn cãi, ông nói.
Tuy nhiên, Ren Yanli, nhà nghiên cứu đã về hưu, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, có quan điểm khác. Ông tin rằng Đức Hồng y nói rõ các nguyên tắc và lập trường của Giáo Hội trong thông điệp của ngài, mặc dù “người Công giáo thuộc Giáo Hội bí mật có thể nghĩ là nó quá mập mờ, trong khi người Công giáo thuộc Giáo Hội công khai có thể nghĩ là quá rõ ràng”.
Ông Ren còn bày tỏ sự cảm kích đối với sáng kiến phá vỡ thế bế tắc giữa Trung Quốc và Toà Thánh của Đức Hồng y Filoni và tán thành việc ngài chọn thời gian đưa ra đề xuất thành lập Uỷ ban Đối thoại Cấp cao, ngay lúc chuyển giao quyền lực của Đảng Cộng sản.
“Cử chỉ thiện hảo này có thể thu hút sự chú ý của các lãnh đạo Trung Quốc và có lợi cho phát triển quan hệ song phương” – ông nói.
Nguồn: UCANews