WHĐ (25.01.2013) – Ngày 22-1-2013, tại Văn phòng Báo chí Toà Thánh, Hội đồng Toà Thánh về Giải thích Văn bản Pháp luật đã tổ chức họp báo giới thiệu chương trình Ngày Học hỏi “Giáo luật: Cuộc cải cách được Công đồng mong muốn và yêu cầu” (diễn ra ngày hôm nay 25-1, tại Hội trường Piô X, Roma), đánh dấu kỷ niệm 30 năm ban hành Bộ Giáo luật. Ngày Học hỏi do Hội đồng Toà Thánh về Giải thích Văn bản Pháp luật và Viện Quốc tế về Giáo luật và Tôn giáo Đối chiếu tại Lugano, Thuỵ Sĩ, đồng tổ chức; và được Quỹ Joseph Ratzinger (Bênêđictô XVI) của Toà Thánh và Quỹ Gioan Phaolô II đồng tài trợ. Tham gia họp báo có Đức Hồng y Francesco Coccopalmerio, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Giải thích Văn bản Pháp luật, Đức Giám mục Juan Ignacio Arrieta, Thư ký Hội đồng, và Đức ông Giuseppe Antonio Scotti, Chủ tịch Quỹ Joseph Ratzinger.
Mở đầu, Đức Hồng y Coccopalmerio nhắc lại rằng Chân phước Gioan XXIII, trong diễn văn triệu tập Công đồng Vatican II vào năm 1959, đã giải thích rằng về lĩnh vực luật, Công đồng phải hoàn tất bản duyệt lại Bộ Giáo luật 1917 đang được chờ đợi. “Với tầm nhìn rộng, Đức Giáo hoàng đã nhìn thấy rõ ràng rằng việc sửa đổi Bộ Giáo luật phải được hướng dẫn bởi nền Giáo hội học mới, phát sinh từ một Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu và đại kết như Công đồng”. Chân phước Gioan Phaolô II, mà Bộ Giáo luật được ban hành trong triều giáo hoàng của ngài, cũng lặp lại rằng “rõ ràng cơ cấu Giáo hội học của Công đồng đòi hỏi phải có một công thức mới cho luật lệ của Giáo hội”.
Như Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh khi mở đầu Tông hiến Sacrae Disciplinae Leges (Các Luật lệ của Kỷ luật Thánh), lý do của mối tương quan chặt chẽ giữa Công đồng Vatican II và Bộ Giáo luật là: Bộ Giáo luật 1983 là đỉnh điểm của Vatican II… theo 2 cách: một mặt, nó đón nhận Công đồng, long trọng tái đề nghị những thể chế cơ bản và những đổi mới chính yếu; và mặt khác, nó xây dựng các quy chuẩn tích cực để thực thi Công đồng.
Sau đó, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Giải thích Văn bản pháp luật đã đưa ra các ví dụ cho thấy mối liên kết chặt chẽ giữa Công đồng Vatican II và Bộ Giáo luật.
Đầu tiên là giáo thuyết về chức giám mục và mối quan hệ giữa các giám mục và giáo hoàng, tức là tính hiệp đoàn giám mục. Đây không phải hoàn toàn là giáo thuyết mới về ý thức sâu xa về Giáo hội nhưng đúng hơn là một khám phá tuyệt diệu. Trước hết, Bộ Giáo luật, tại các khoản 330–341, trình bày giáo thuyết này một cách rõ ràng, và thứ hai, tại các khoản 342–348, bằng quan điểm tích cực, trình bày thêm về cơ cấu của Thượng Hội đồng Giám mục, giúp cho cơ cấu của tính hiệp đoàn giám mục được thực thi một cách hiệu quả.
Ví dụ thứ hai là “giáo huấn của Công đồng về giáo dân và do đó, về nhiệm vụ tích cực và thích hợp của các tín hữu giáo dân trong đời sống Giáo hội. Một lần nữa, điều này không phải là hoàn toàn mới, nhưng là một tái khám phá… qua một loạt các quy định… liên quan đến hội đồng mục vụ giáo phận… hoặc hội đồng mục vụ giáo xứ. Đó là những cơ cấu cho phép người tín hữu tham gia một cách hiệu quả vào các quyết định mục vụ của giám mục hay vị mục tử. Sự đổi mới này cũng là tiếng nói hùng hồn về mối tương quan giữa Công đồng và Bộ Giáo luật.
Ví dụ thứ ba là quan niệm về giáo xứ như Công đồng đã trình bày và Bộ Giáo luật đã áp dụng. Về cơ bản, Công đồng quan niệm giáo xứ là một cộng đồng tín hữu, chứ không phải là một cấu trúc hay một địa bàn. Đây là điều đổi mới quan trọng so với quan điểm trước đây. Bộ Giáo luật chấp nhận khái niệm này, đặc biệt là tại khoản 515, và chuẩn nhận khái niệm ấy với những quy định tích cực của các khoản tiếp theo.
Ví dụ cuối cùng là về giáo thuyết và sự canh tân được Công đồng đưa ra trong lĩnh vực đại kết có trong các văn kiện Công đồng: Lumen Gentium (Ánh sáng Muôn dân), Orientalium Ecclesiarum (Các Giáo hội Đông phương) và Unitatis Redintegratio (Tái lập sự Hợp nhất). Các văn kiện này trình bày giáo thuyết về sự hiệp thông trong Giáo hội, dù chưa trọn vẹn nhưng vẫn có thực và tồn tại giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội khác hoặc các cộng đồng ngoài Công giáo. Đây cũng là một thực tế có rất nhiều giá trị và phạm vi đã được Công đồng và sau này Bộ Giáo luật (x. khoản 844), đề cập đến khi cho phép các Kitô hữu ngoài Công giáo, mặc dù với những điều kiện cụ thể, được nhận lãnh các bí tích của Giáo hội Công giáo.
Đức Hồng y Coccopalmerio kết thúc: “Để kết luận, chúng ta có thể khẳng định rằng sự kết hợp tốt đẹp giữa Công đồng Vatican II và Bộ Giáo luật đã sinh ra hoa trái mới mẻ trong đời sống Giáo hội ở nhiều lĩnh vực và nhiều cấp độ”.
(VIS, 22-01-2013)
Minh Đức
Nguồn: WHĐ