Phỏng vấn ĐHY Roger Etchegaray, nguyên Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình
Ngày 11-10 tới đây, Thượng Hội đồng Giám mục về Truyền giảng Tin Mừng sẽ khai diễn tại Rôma, nhân kỷ niệm 50 năm khai mở Công đồng Chung Vatican II và 20 năm công bố cuốn Giáo Lý của Giáo hội Công giáo. Gợi lại các biến cố và các kỷ niệm cách đây nửa thế kỷ cũng là một cách giúp chúng ta hiểu biết tầm quan trọng và hoa trái mà Công Đồng đã đem lại cho Giáo Hội.
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn ĐHY Roger Etchegary, nguyên Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, về một số kỷ niệm Công Đồng. Chính trong thời Công Đồng mà Linh mục Etchegaray đã có dịp tiếp xúc với các thần học gia Pháp nổi tiếng như: Henri de Lubac, Gustave Martelet, Henri Rondet, Marie Dominique Chenu, Yves Marie Congar…
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, vào thời khai mở Công đồng Chung Vatican II, Đức Hồng Y còn là một linh mục trẻ, có phải vậy không?
Đáp: Vâng, tôi đã không ở trong số những người “làm nên Công Đồng”, nhưng tôi đã có được ơn thánh sống Công Đồng dưới bóng các giám mục. Đó là một cuộc phiêu lưu mà tôi đã không bao giờ ra khỏi nó nữa.
Hỏi: Đức Hồng Y có còn giữ kỷ niệm nào của ngày 11-10-1962, khi Công Đồng khai mạc không?
Đáp: Đó đã là một kinh nghiệm tinh thần lay động và soi sáng lương tâm của các vị chủ chăn của chúng ta. Tôi còn nhớ y như ngày hôm qua đây diễn văn của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, và Thánh lễ của ĐHY Eugène Tisserant, với bộ râu dài nổi tiếng của người. Điều đã đánh động tôi đó là tính cách đại đồng của Giáo Hội, với sự tham dự của 2.500 giám mục và sự hiện diện lần đầu tiên của khoảng 20 quan sát viên của các Giáo hội chia rẽ. Cả ngày nay nữa, người ta cũng kinh ngạc về số các buổi thảo luận chung: tất cả là 1.500 giờ được thu âm. Tôi cũng bị ấn tượng bởi cung cách khéo léo của Đức cha Pericle Felici trong việc duy trì hướng đi của 4 khoá họp.
Hỏi: Đức Hồng Y có cảm tưởng gì khi thấy Đức Roncali, nguyên Sứ thần Toà Thánh tại Pháp, làm Giáo hoàng?
Đáp: Việc Đức Roncali được bầu làm Giáo hoàng đã khiến cho tôi rất vui. Tôi đã quen ngài từ thời ngài còn là Sứ thần Toà Thánh tại Pháp, và đã có lần làm tài xế cho ngài, khi ngài viếng thăm Giáo phận Bayonne hồi tháng 7-1951. Ngài xin tôi mua cho ngài một chiếc mũ bêrê vùng Basque, nhưng tôi đã không mua được, vì không có số vừa với ngài. Trong thời Công Đồng tôi đã có ấn tượng rất mạnh bởi sự điềm tĩnh của ngài và thái độ tín thác tương lai cho Chúa Thánh Thần. Khi một nhà báo hỏi ngài là ngài chờ đợi gì nơi Công đồng Chung Vatican II, thì ngài trả lời: “Tôi không biết rõ”, rồi ngài dẫn nhà báo tới cửa sổ, mở cửa sổ ra và nói: “Ít nhất là một ít khí trời mát mẻ!”. Trong hình ảnh ấy, có lẽ có một sức mạnh ngôn sứ của một vị Giáo hoàng cao niên, cương quyết làm cho Giáo Hội được trẻ trung hơn và cập nhật hoá Giáo Hội với thời đại mới và các vấn đề mới.
Hỏi: Riêng Giáo Hội Pháp đã đóng góp cho Công Đồng những gì, thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Phần đóng góp của Giáo hội Pháp rất đáng kể, nhất là nó năng động và liên quan tới nhiều lĩnh vực được đề cập tới. Đã có tất cả 210 bài phát biểu về tất các lược đồ trong 4 khoá họp của Công Đồng. Trong số 5 vị phó thư ký của Công Đồng, có vị Quốc vụ khanh tương lai của Đức Giáo hoàng Phaolô VI là Đức cha Jean Villot. Phần đóng góp của các dự thính viên cũng đáng kể, trong đó có một nam giáo dân đầu tiên là triết gia Jean Guitton và một nữ giáo dân là bà Marie Luise Monnet, người sáng lập Phong trào Công giáo Tiến hành và là em gái của ông Jean Monnet. Ngoài ra, trong số các quan sát viên cũng có thầy Roger Schutz, Tu viện trưởng Tu viện Đại kết Taizé và Thầy Max Thurian, cùng tu viện.
Hỏi: Nhưng một đóng góp đặc biệt đến từ các nhà thần học của “Nền thần học mới”, có đúng thế không, thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Điều gây ngạc nhiên, khi chúng ta nhìn với con mắt ngày nay, đó là số các chuyên viên người Pháp và các vị thuộc nhiều dòng tu khác nhau, đứng đầu là dòng Tên và dòng Đa Minh. Đối với một số vị, thì Công Đồng là dịp để các vị được tái lập, sau khi bị Thánh Văn phòng, tên cũ của Bộ Giáo lý Đức tin, cấm đoán. Chẳng hạn tôi nghĩ tới Cha Congar, Cha De Lubac, và ngay cả Cha Chenu nữa. Để giúp đỡ các giám mục Pháp, nhiều vị đã sáng lập ra tờ thông tin “Études et documents” (Nghiên cứu và tài liệu) của Hội đồng Giám mục Pháp mà tôi là người phụ trách với nhiệm vụ chuẩn bị các lược đồ của các vấn đề được thảo luận trong Công Đồng. Chính nhờ các lược đồ đó mà phần đóng góp của các nghị phụ Pháp đã có tính cách định đoạt và giúp các giám mục hiểu rõ đề tài tranh luận.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, người ta đã luôn luôn nghĩ rằng Đức cha Helder Camara, người Brasil, có thể là tiếng nói của dân nghèo tại Công Đồng. Đức Hồng Y có quen biết Đức Cha Camara không?
Đáp: Đức cha Helder Camara đã là một nhân vật phức tạp và đồng thời mâu thuẫn. Đức cha là người nhút nhát, nhưng tháo vát và hiện diện khắp nơi. Tôi tin rằng trong Công Đồng đã không có giám mục nào khác đã đẩy mạnh dấn thân của một mục tử giáo phận như ngài, đến độ viết tới 290 thư luân lưu, với các phương tiện thô sơ mà ngày nay chúng ta khó mà tưởng tượng nổi, và gửi cho một mạng lưới các cộng sự viên người Brasil, mà ngài gọi là gia đình của ngài. Sự tham dự của Đức cha Camara vào chương trình của Công Đồng rất gương mẫu, và ngài hoạt động ngầm đàng sau hành lang, kể cả với các buổi canh thức cầu nguyện cho Công Đồng đạt kết quả mỹ mãn và đem lại nhiều hoa trái cho Giáo Hội, nhưng ngài không bao giờ lên tiếng giữa các nghị phụ. Nhưng đối với Đức Cha, Công Đồng là một thảm kịch lớn, vì nó liên quan tới quang cảnh của toàn thế giới.
Hỏi: Trong các năm họp Công Đồng, Đức Hồng Y cũng đã quen biết một vị giám mục hoàn toàn khác biệt: đó là Đức cha Marcel Lefèvre, Giám mục Dakar, có phải vậy không?
Đáp: Vâng, hồi đó gương mặt của Đức cha Lefèvre có nổi, nhưng một cách kín đáo. Chỉ từ năm 1970, khi Đức cha Lefèvre định cư tại Ecône, Thuỵ Sĩ, thì ngài mới tuyệt đối hoá lập trường của mình. Tôi đã biết Đức cha Lefèvre tại Rôma, khi tôi còn là sinh viên theo học tại Đại Chủng viện Pháp, do các cha Dòng Chúa Thánh Thần điều khiển, mà Đức cha Lefèvre có lẽ sẽ trở thành Bề trên Tổng quyền của dòng. Sau khi viếng thăm một cuộc triển lãm do tôi tổ chức về Phi châu, ngài đã hỏi tôi có muốn gia nhập dòng truyền giáo của ngài không. Trái lại, trong thời Công Đồng, ngài đã mời tôi 2 lần vào nhóm nhỏ chống lại Công Đồng, mà ngài hướng dẫn cùng với Đức cha Geraldo de Proença Sigaud, Tổng Giám mục Diamantina, Brasil. Tiện đây tôi cũng xin lưu ý là Đức cha Lefèvre đã ký nhận tất cả các tài liệu của Công Đồng, đặc biệt là các tài liệu về phụng vụ và đại kết, ngoại trừ 2 tài liệu trong đó có tài liệu về tự do tôn giáo.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, sau 50 năm khai mở, Công đồng Chung Vatican II đã truyền lại cho giới giới trẻ gia tài nào?
Đáp: Tôi tin rằng đường hướng giải thích giúp hiểu sức nặng và giá trị của Công đồng Chung Vatican II, cả ngày nay nữa, có thể tìm thấy nơi các lời của Đức Gioan Phaolô II và của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, khẳng định: “Công đồng Chung Vatican II là một địa bàn chắc chắn cho ngàn năm thứ ba”. Dĩ nhiên, có thể xem ra là Công đồng Chung Vatican II xa rời chân trời của chúng ta, mà nói thật ra là nó không còn là cùng một chân trời đó nữa. Nhưng kiểm thực việc tiếp nhận Công Đồng khởi hành từ trực giác và từ tinh thần của nó dẫn đưa Giáo Hội một cách đồng thời trên một lằn tới và một lằn khởi hành. Thời gian ngăn cách chúng ta với các biến cố và các giao động thời hậu Công đồng cho phép chúng ta còn nhận ra hơn nữa, nhưng chắc chắn là một cách khác, ơn thánh mà Công Đồng đã làm nảy sinh. Công đồng Chung Vatican II đang ở trong tay các con cái của nó hơn là trong tay các nghị phụ hầu như đã qua đời cả rồi.
(Avvenire 3-5-2012)
Linh Tiến Khải