Đa Kim 2, một trong 4 giáo điểm nằm trên cao nhất, sâu – xa nhất của Giáo phận Phan Thiết, thuộc vùng núi xã Đami, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, giáp ranh với TP. Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng. Dân ở đây hầu hết là di dân từ miền Bắc vào lập nghiệp theo chân những công nhân công trình thủy điện Đa Mi. Người dân di cư đến đây khai hoang, phát rừng đề trồng mì, bắp, điều và cà phê. Nơi đây có tiềm năng về kinh tế cao nếu người dân có vốn đầu tư và biết cách làm kinh tế. Vấn đề lớn mà cộng đồng phải đối phó là vay nóng, nợ nần, bệnh tật, con em không đủ điều kiện đến trường. Về cơ sở hạ tầng: các đường làng bằng đất đỏ, hẹp, gồ ghề và bụi bặm. Có khoảng 50% người dân vùng Đakim 2 ở nhà đất vách gỗ và tre nứa dột nát, mức sinh hoạt của họ rất thấp.
Các thành viên đã trải qua những buổi tập huấn về “Kỹ năng hoạt động nhóm Tín dụng – Tiết kiệm cộng đồng”. Nữ tu Maria Bùi Thị Đức và Maria Thiên Phúc, cán bộ dự án Tín dụng – Tiết kiệm của Caritas Phan Thiết đã 3 lần đến trình bày và giúp các hội viên hiểu rõ về Tín dụng – Tiết kiệm qua các nội dung một cách chi tiết như: Các khái niệm về tín dụng – tiết kiệm; Mục đích, lợi ích của chương trình tín dụng – tiết kiệm; Cách quản lý tài chính; Quản lý, sử dụng vốn hiệu quả… Hướng sử dụng vốn tín dụng của các thành viên đầu tư vào buôn bán nhỏ, chăn nuôi và trồng trọt, nhằm khắc phục hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Nhiệt tình hưởng ứng chương trình Tín dụng – Tiết kiệm, ngay từ khi được tập huấn, 30 hội viên của hai tổ trong Nhóm Tín dung – Tiết kiệm Đakim 2 đã tự nguyện đóng tiết kiệm được 5 tháng. Với số tiền tiết kiệm này, các tổ viên sẽ lần lượt được vay với lãi suất thấp để tăng vốn sản xuất.
Dự án Tín dụng – Tiết kiệm Đa Kim 2, do Caritas Phan Thiết quản lý từ nguồn vốn do Ông Bernoit ( người Pháp) tài trợ, sẽ thực hiện trong 3 năm. Linh mục Giuse Nguyễn Tiến Dũng, Quản nhiệm Giáo họ Đa Kim 2, được đề cử làm Trưởng Ban Thực hiện Dự án. Sr. Bùi Thị Đức cho biết: “Cùng đồng hành với các giáo điểm truyền giáo vùng núi Đami này, Caritas Phan Thiết ưu tiên lập các nhóm Tín dụng để các hộ nghèo tham gia sẽ có cơ hội tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình và con em họ được tiếp tục đi học. Bên cạnh việc giúp vốn, Caritas Phan Thiết mong muốn các phụ nữ hỗ trợ nhau trong việc làm ăn, chia sẻ kinh nghiệm giáo dục con cái, xây dựng hạnh phúc gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản…”. Còn Sr. Thiên Phúc thì hồ hởi cho biết thêm: “Trên vùng núi Đami này có 5 giáo điểm thì Caritas Phan Thiết đã lập 4 Nhóm Tín dụng kết hợp học bổng là Đagury, La Dày, Đakim 2 và đảo Ma. Chúng tôi đang chờ cơ quan tài trợ duyệt dự án lập Nhóm Tín dụng cho bà con dân tộc tại La Dạ và kế đến sẽ là Đông Giang.”
Số tiền 3 triệu đồng vay của Quỹ Tín dụng – Tiết kiệm không phải là lớn nhưng nó chứa đựng biết bao kỳ vọng của các gia đình nghèo ở vùng sâu vùng xa để họ học cách tự lập về kinh tế và góp phần nâng cao đời sống kinh tế gia đình một cách bền vững, cộng đồng được phát triển.