Nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo xứ (1962-2012), Thứ Tư, ngày 28-11-2012, Giáo xứ Chợ Cũ long trọng mừng Lễ Tạ Ơn và Cung hiến Tân Thánh đường sau 5 năm xây dựng. Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho – chủ sự Thánh lễ. Đồng tế với ngài có Cha Tổng Đại diện Phaolô Trần Kỳ Minh và 42 linh mục trong và ngoài Giáo phận.
Tham dự thánh lễ ngoài 800 giáo dân trong và ngoài Giáo xứ còn có các nữ tu Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho, Dòng Mến Thánh Giá Tân An và Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, các vị đại diện chính quyền các cấp, các đại diện của các tôn giáo khác như Tin Lành, Phật giáo và Cao Đài.
Đúng 9g30, sau 3 hồi trống của Đội trống Dòng Phaolô Mỹ Tho, đoàn đồng tế khởi từ Nhà xứ tiến qua Nhà thờ trong tiếng hát của ca đoàn với nhạc khúc “Về nơi đây”. Đoàn đồng tế bao gồm Thánh giá, mô hình Nhà thờ, lễ sinh, kiệu hài cốt các Thánh Tử Đạo Việt Nam, quý cha và Đức Giám mục. Trên kiệu là hài cốt của 3 vị thánh: 1. Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh – Linh mục; 2. Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm – Thương gia; và 3. Thánh Anê Lê Thị Thành – Giáo dân. Kiệu các thánh được đặt bên phải bàn thờ trong thánh lễ.
Sau khi làm dấu thánh giá, Đức Cha chào Cha Tổng Đại diện, quý cha trong ngoài Giáo phận cùng cộng đoàn dân Chúa đang hiện diện và nói vài lời về ý nghĩa của thánh lễ.
Sau đó, Ông Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (HĐMVGX) trình bày với Đức cha và cộng đoàn đôi nét về tiểu sử và quá trình xây dựng Nhà thờ. Sau đó, hai vị trong HĐMVGX dâng mô hình và chìa khóa Nhà thờ mới cho Đức cha.
Để thánh hoá ngôi Nhà thờ mới, Đức cha kêu gọi cộng đoàn hãy khẩn khoản nài xin Thiên Chúa thương làm phép nước thánh, để dùng nước thánh này rảy lên nhà thờ và cộng đoàn làm dấu chỉ thống hối hầu thánh hoá Nhà thờ và Bàn thờ mới. Kế tiếp, ngài đọc Lời nguyện Thánh hoá nước và rảy nước thánh lên cộng đoàn, lên tường và bàn thờ. Trong khi đó cộng đoàn hiệp ý trong bài hát: “Tôi đã thấy nước từ bên phải bàn thờ chảy ra…”. Để kết thúc nghi thức rảy nước thánh, Đức cha nguyện xin Thiên Chúa ngự đến ngôi Nhà thờ mới và dùng ơn Thánh Thần để thanh tẩy mỗi người hiện diện, là đền thờ của Người. Sau đó, Đức cha xướng Kinh Vinh Danh và Thánh lễ diễn ra như thường lệ.
Trong Bài đọc 1 đã trình thuật chuyện ông Nơkhemia, ông tư tế Étra và các thầy Lêvi khuyên dân chúng nên vui mừng vì đã nghe sách và đã hiểu điều Thiên Chúa muốn truyền dạy cho họ. Còn trong Bài đọc 2, Thánh Phaolô khuyên cộng đoàn dân Chúa hãy thánh hiến và biến con người mình thành những viên đá sống động mà xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng. Hãy vững tin vào Chúa Giêsu vì kẻ tin vào Ngài sẽ không phải thất vọng.
Trong phần giảng lễ, Đức cha quảng diễn Bài đọc 1 và Bài đọc 2 cho cộng đoàn khi nói: “Mỗi người là một viên đá sống động, tất cả kết thành ngôi Đền thờ thiêng liêng của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu mến ngôi Đền thờ ấy, Chúa Thánh Thần ngự trong Đền thờ ấy, và Chúa Giêsu xem Đền thờ ấy như Thân Thể của Người. Thiên Chúa còn muốn cho anh chị em dâng những của lễ thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô.” Ngài dạy cộng đoàn hãy lấy “những cố gắng vươn lên, những hành vi đạo đức, những công việc bác ái từ thiện” hiệp cùng “Hy Lễ duy nhất đẹp lòng Thiên Chúa” mà dâng lên Thiên Chúa. Ngài còn khuyên giáo dân không nên tự ti mặc cảm nhưng hãy tự tin mạnh dạn để Thiên Chúa biến đổi như ông Giakêu trong đoạn Tin Mừng của Thánh Luca. Cuối cùng, Đức Cha khuyên cộng đoàn nên biến “ngôi Nhà thờ kiên cố và xinh đẹp này trở nên một môi trường linh thiêng, dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa trong Thánh Thần và Chân Lý, nơi tụ họp để lắng nghe Lời Chúa, đón Chúa Kitô đến với chúng ta trong mầu nhiệm Thánh Thể”.
Sau khi đọc Kinh Tin Kính, Đức cha kêu gọi cộng đoàn hãy kết hợp lời kêu cầu của mỗi người với lời cầu bầu huynh đệ của các Thánh qua Kinh Cầu Các Thánh. Tiếp đến, hài cốt của 3 Thánh Tử Đạo Việt Nam được lấy ra khỏi kiệu và đặt phía dưới mặt bàn thờ gần phía Nhà Tạm. Nghi thức này được thực hiện trong tiếng hát trầm hùng của ca đoàn trong bài “Đây bài ca ngàn trùng”. Ta nhớ lại lời của Cha Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh như một lời tuyên xưng kiên vững vào niềm tin Kitô giáo: “Không ai có thể lay chuyển được lòng tin của tôi. Đạo Thiên Chúa là chính Đạo, là Đạo thật, tôi có chết cũng chẳng bỏ được”. Niềm tin của Ngài như một ngọn đuốc sáng cho giáo dân Giáo xứ Chợ Cũ noi theo mỗi khi đến ngôi thánh đường dâng thánh lễ hay cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Sau đó, Đức cha đọc Lời nguyện Cung hiến: “… Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa đoái thương đổ xuống trên Nhà thờ và Bàn thờ này chan hoà ơn thánh bởi trời, để nhà này luôn luôn là nơi thánh và để bàn này hằng dọn sẳn hy tế của Người…”.
Sau Lời nguyện Xức dầu, Đức cha đổ dầu Chrisma lên giữa và 4 cạnh bàn thờ, ngài cũng xức dầu tường nhà thờ; sau đó, 4 linh mục được uỷ thác xức dầu 12 thánh giá ở tường của Thánh đường. Kế đến, Đức cha xông hương bàn thờ với ước mong lời cầu của cộng đoàn như làn hương thơm bay lên trước tôn nhan Thiên Chúa. Sau khi xông hương, ngài nhận ngọn nến cháy sáng từ tay một thầy và xướng lên: “Xin ánh sáng Chúa Kitô cháy lên trong Hội thánh để muôn dân được đầy chân lý”. Cộng đoàn hát vang bài “Thắp sáng lên” cùng lúc các ngọn nến trên tường Nhà thờ được đốt lên từ ngọn nến ở tay Đức cha.
Sau Lời nguyện Hiệp lễ, ông Chủ tịch HĐMVGX đại diện cho Giáo xứ cảm ơn Đức cha, Cha Tổng Đại diện, quý cha, quý tu sĩ, quý ân nhân cùng cộng đoàn Giáo xứ đã góp công góp của để hoàn thành ngôi Thánh đường đẹp đẽ nguy nga này. Đáp từ, Đức cha khen ngợi Cha sở là người có uy tín về mặt đạo cũng như mặt đời; và nhờ uy tín của Cha mà Giáo xứ Chợ Cũ đã có bộ mặt khang trang của ngày hôm nay. Ngài cũng khuyên giáo dân hãy cộng tác tích cực với Cha sở để Giáo xứ ngày một tốt đẹp hơn.
Thánh lễ kết thúc vào lúc 11g20. Sau khi Đức cha ban phép lành trọng thể cho cộng đoàn, quý cha chụp hình lưu niệm trước Cung thánh và dùng cơm thân mật tại khuôn viên Giáo xứ.
* Giáo xứ Chợ Cũ, Giáo phận Mỹ Tho, nằm ở phía Đông Thành phố Mỹ Tho, bên bờ tả ngạn sông Bảo Định với số giáo dân khoảng 2.000 người. Tân Thánh đường toạ lạc tại số 23/14 đường Học Lạc, Phường 8, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Với diện tích 20m x 50m và chiều cao là 25m, Nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc Gotic nhưng được điểm xuyết những nét Đông phương. Theo Cha sở Giuse Phạm Thanh Minh thì những nét chấm phá này đã tạo nên sự hài hoà giữa “Tâm” và “Cảnh”; với quan niệm “Tâm” có trong sáng thì “Cảnh” mới tươi đẹp. Cũng theo Cha, Nhà thờ mới là nơi gặp gỡ giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa với dân Người. Do vậy, ngôi Nhà thờ đã được phác hoạ lấy cảm hứng theo truyền thống Thánh Kinh mà đoạn sách Khải Huyền (Kh 21,1-4) đã gợi nên. Phía trái Nhà thờ là Đài Đức Mẹ, Tháp chuông và Cung Hiệp Thông xây dựng theo kiến trúc Đông phương; trên cột bên phải của Tháp chuông có lưu hàng chữ nôm với nghĩa là Giáo xứ Thánh Giuse Lao Công. Phía phải của Nhà thờ là cụm nhà sinh hoạt Giáo xứ với tượng Cha Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu cao 2m được đặt trên tầng 2. Bước vào trong Nhà thờ ta thấy Cung thánh được bố trí trang nghiêm nhưng giản đơn với Thánh giá và Nhà Tạm làm chủ đề chính. Lòng Nhà thờ với mái vòm và những hoạ tiết theo kiểu cổ. Những bức tranh Tiệc Ly, Lòng Chúa Thương Xót và Chúa Chiên Lành bằng kính màu được gắn phía trên 3 cửa chính của Nhà thờ.
Hoài Bão
Nguồn: emty