Cha Bình nói rằng nội dung các bài viết “thiếu chính xác, hàm hồ dễ gây hiểu lầm cho những người không biết”.
Ngài gởi thư điện tử cho báo Nhà Báo và Công Luận hôm 18-9 và báo Thanh Tra hôm 29-9 nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi nào. Trước đó, tác giả Trần Ngô viết 2 bài về vấn đề này trên báo Thanh Tra. Hai tác giả Quý Thích – Đức Dũng viết một bài trên báo Nhà Báo và Công Luận.
“Chúng tôi thấy rằng tác giả Trần Ngô đã chưa tìm hiểu kỹ vấn đề trước khi viết cho nên bài viết có một số nội dung thiếu chính xác, dẫn người đọc hiểu sai sự việc, đó là điều đáng tiếc!” – Cha viết trong thư.
Ngài nói rằng Giáo xứ Sa Pa và khuôn viên Nhà thờ Sa Pa đã hình thành từ trên 100 năm nay, và lịch sử về đất khuôn viên Nhà thờ Sa Pa thì người dân địa phương ai cũng biết, ngay cả 8 hộ thuộc diện di dời để trả lại đất cho nhà thờ cũng quá hiểu điều đó.
“Có lẽ tác giả Trần Ngô vì ở xa xôi và chưa có thời gian tìm hiểu nên chưa biết rõ, vì vậy để cho sự việc được rõ ràng hơn, chúng tôi sẵn sàng cộng tác, trao đổi và cung cấp những thông tin, dữ liệu liên quan nếu cần với quý báo và với tác giả về vấn đề này”- ngài nói thêm.
Vị linh mục 41 tuổi còn yêu cầu các báo này xác minh lại sự việc vì “quý báo là cơ quan của thanh tra chính phủ và ngành thanh tra, thiết nghĩ những gì quý báo phản ánh cần phải thực sự chính xác, khách quan chứ không hàm hồ, phiến diện”.
Trong bài Bồi thường thu hồi đất ở huyện Sa Pa (Lào Cai): Cần áp dụng chính sách một cách linh hoạt đăng trên báo Thanh Tra ngày 29-8, tác giả Trần Ngô nói rằng 2.700 mét vuông đất mà Giáo xứ Sa Pa đang thu hồi để xây dựng nhà xứ là đất của 8 hộ dân và do cha ông họ để lại.
Tác giả cho rằng các hộ dân chưa hiểu mục đích của việc thu hồi đất. “Nếu công trình phục vụ mục đích công cộng hoặc an ninh – quốc phòng thì người dân hoàn toàn nhất trí. Còn nếu thu hồi đất phục vụ cho mở rộng khuôn viên nhà thờ do Giáo sứ Sa Pa làm chủ đầu tư dự án thì người dân không nhất trí, yêu cầu đền bù theo giá thị trường”.
Nhưng Cha Bình giải thích rằng 2.700m2 đất mà 8 hộ dân đang sử dụng là đất của Giáo xứ Sa Pa. “Khi giải phóng huyện Sa Pa vào năm 1950, giáo xứ không còn linh mục, giáo dân tản mác vì chiến tranh, những người này vào ở nhờ trong nhà xứ, dần dần chiếm dụng đất đai của xứ cho đến ngày nay”.
Năm 2010, UBND tỉnh Lào Cai đã có quyết định phê duyệt “Quy hoạch chi tiết xây dựng khuôn viên Nhà thờ Giáo xứ Sa Pa” và đồng ý cho di dời 8 hộ dân đang ở trong khuôn viên nhà thờ ra khu đất mới để Giáo xứ Sa Pa có thể xây dựng những cơ sở cần thiết cho sinh hoạt của giáo xứ.
Cha Bình cho biết đây là công trình quy hoạch chung giữa nhà thờ và chính quyền, nó nằm trong quy hoạch cải tạo khu du lịch Sa Pa, nên quy hoạch vừa đáp ứng nhu cầu tôn giáo vừa phù hợp với cảnh quan du lịch.
Các hộ dân sẽ nhận bồi thường từ phía giáo xứ dự kiến là 15 tỉ đồng, và chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ đất tái định cư cho họ theo giá quy định.
Nguồn: UCANews