Anh làm trưởng Cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót giáo xứ hai nhiệm kỳ rồi nghỉ. Cha xứ có ý mời anh làm trưởng Hội Gia Đình Tận Hiến nhưng anh từ chối lấy lý do lớn tuổi sức khỏe kém để nhường cho lớp trẻ. Anh trở lại làm một hội viên bình thường, trở lại sinh hoạt Hội Legio Mariae, nơi trước đây anh từng làm thơ ký hai nhiệm kỳ. Nhìn bề ngoài anh đi đứng chậm rãi, ít ăn ít nói. Nhưng bên trong anh là cả một tấm lòng hiền lành và khiêm nhường. Anh theo lời Chúa Giêsu dạy: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11.9).
Hằng ngày anh lui tới Nhà Chúa nhiều lần. Mờ sáng đạp xe đến dự Thánh Lễ, trưa chiều đến dự giờ kinh Lòng Chúa Thương Xót, chiều tối lại đến dự Thánh Lễ. Sau mỗi lễ chiều tham gia cùng các hội đoàn đi đọc kinh cho các gia đình hoặc thăm viếng các bệnh nhân trong và ngoài giáo xứ. Anh sốt sắng nhưng từ tốn, không phô trương huyên náo, sống đạo và hoạt động tông đồ bằng việc làm hơn là bằng lời nói. Dù là vai trò nào trong một hội đoàn, anh luôn siêng năng tận tụy chu toàn, không bon chen phần cao phần thấp. Gương mẫu hiền lành khiêm nhường thánh thiện đạo đức của anh tạo sự êm thắm và hiệp nhất cho mọi người trong hội đoàn anh sinh hoạt.
Trong bức thư gởi tín hữu thành Êphêsô, thánh Phaolô đã kêu gọi hiệp nhất: “Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau” (Ep 4, 1-3).
Cuộc sống cộng đoàn, sinh hoạt hội đoàn không thể không có những va vấp, đụng chạm. Những “cái tôi” tự phụ tự nâng mình lên. Những thành kiến cá nhân đeo đẳng. Những chuyện bé xé ra to. Mẩm mống chia rẻ nội bộ âm ỉ chực chờ bộc phát. Tất cả nếu không có Thần Khí lan tỏa, không có sức mạnh của Chúa Thánh Thần hiện diện can thiệp thì sự hiệp nhất, gắn bó trong cộng đoàn, trong hội đoàn dễ thường bị rạn nứt, đổ vỡ.
Nội lực của một cộng đoàn không chỉ hệ tại ở những đóng góp mang tính hình thức mà là nhờ vào ơn Chúa qua cầu nguyện. Mỗi người được Thiên Chúa ban cho một đặc sủng, một ơn gọi riêng. Như thánh Phaolô viết trong thư gởi tín hữu Êphêsô: “Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ” (Ep 4,11). Dù là được Chúa trao ban ơn gọi nào thì đó cũng là những nén bạc Ngài trao ban để mỗi người sinh lợi chứ không phải để cất giấu.
Một hội đoàn công giáo tiến hành có thể được ví như một mảnh đất ươm mầm truyền giáo và đức tin. Nếu cac hạt giống không được chọn lọc và chăm sóc kỹ có thể để lọt vào làm nẩy nở những hạt dị giống độc hại. Cũng vậy bầu khí êm đềm thuận hòa của một cộng đoàn nếu không được bao bọc che chở bởi Thần Khí của Chúa Thánh Linh sẽ bị tả khí của ma quỷ len lỏi quấy phá.
Nuôi dưỡng mảnh đất ươm mầm truyền giáo đức tin bằng suối nguồn tình yêu của Thiên Chúa qua cầu nguyện. Cầu nguyện để gặp gỡ, đón nhận thánh ý và xin ơn trợ lực của Chúa. Trên những bước đường hành thiện người tông đồ của Chúa luôn gặp phải những xui giục hoặc cản trở của ba thù: thế gian, xác thịt, ma quỷ. Thế gian ngày nay thì lắm điều nhiễu nhương. Lòng người thờ ơ vô cảm trước những bất hạnh của đồng loại. Ma quỷ thì luồn lách xâm nhập vào các tà giáo lung lạc xô đẩy cuộc sống tâm linh của những ai xác thịt yếu đuối nhẹ dạ cả tin.
Kêu gọi duy trì sự hiệp nhất trong cộng đoàn tín hữu Êphêsô bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau, thánh Phaolô đã viết nên những lời lẽ chí lý, bóng bảy nhưng thiết thực: “Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường. Nhưng sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu” (Ep 4, 14-15).
Sống theo sự thật. Vất bỏ những mặt nạ đạo đức giả trá và những chiếc áo thầy tu giả hình khi đọc kinh cầu nguyện. Sống trong yêu thương chân tình tự đáy lòng, không mang tính cách thương hại bố thí ban ơn khi làm bác ái từ thiện. Được như vậy hội đoàn mới thăng tiến mọi mặt, hiệp nhất các thành viên như những chi thể gắn bó với đầu là Đức Kitô, đấng hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Hằng ngày anh lui tới Nhà Chúa nhiều lần tham dự Thánh Lễ và đọc kinh cầu nguyện; tham gia sinh hoạt, đi công tác tông đồ bác ái với nhiều hội đoàn trong giáo xứ không phải để phô trương quãng bá bản thân mình. Anh lặng lẽ âm thầm giữa mọi người như thể cộng đoàn không có anh, không biết anh. Người đời có thể không biết anh, nhưng Chúa biết và ban phúc cho anh: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5,4).
Anh mang tên thánh Giacôbê. Thứ Tư ngày 25 tháng Bảy tới đây là lễ bổn mạng anh. Thánh tông đồ Giacôbê ngoài câu viết nổi tiếng: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17) còn có câu: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gc 4,6). Thân thiết lắm anh mới kể cho nghe câu chuyện: có lần đang dự lễ trong nhà thờ anh bị lên huyết áp. Anh cầu nguyện và huyết áp hạ xuống điều hòa. Hỏi anh thời gian huyết áp lên bao lâu? Anh trả lời chừng nửa tiếng, từ lúc cha bắt đầu giảng cho đến lúc hết giảng. Không phải Chúa đã ban ơn cho anh đó sao? Chúa ban ơn cho anh vì anh là người hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
Gioan Long Vân, giáo xứ Nhân Hòa