Legio với việc dâng mình cho Đức Mẹ

Sự  tham dự của hội viên Legio trong lễ hội  Acies là điều hết sức quan hệ bởi vì mục đích của việc Dâng Mình này là  để “ Lập lại lời hứa trung thành với Đức Maria Nữ Vương của Legio và để nhận lãnh nơi Đức Mẹ sức mạnh và phúc lành giúp giao tranh với quyền lực tội ác trong một năm mới” (TB chương 30  Sl 288).

          Khi  đứng vào hàng ngũ Legio đó là chúng ta đã và đang dấn thân vào một cuộc chiến và cuộc chiến ấy đã được tiên báo từ thuở Sáng Thế  giữa một bên là  Người Nữ Maria và bên kia là Rắn Sa Tan. Thiên Chúa Giehova  phán với con rắn “ Ta sẽ  đặt mối thù giữa mày và Người Nữ. Dòng dõi mày cùng dòng dõi  Người Nữ nghịch thù nhau. Người Nữ sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ),

          Cuộc  chiến được tiên báo ấy diễn ra ngày càng dữ dội giữa một bên là Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và bên kia là rắn Sa Tan “ Con rồng lớn bị quăng xuống tức là con rắn xưa gọi là Ma Quỷ và Sa Tan, đứa lừa dối cả và thiên hạ” ( Kh 12, 9 ).

          Sa Tan là con rắn xưa, chính nó đã làm cho nguyên tổ  sa ngã để rồi bị xua đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng và con người sẽ không bao giờ được trở về nơi đó nữa nếu không có lời hứa  ban Đấng Ki Tô  để cứu chuộc Dân Người. Thiên Chúa Giehova  phán với Mai Sen “ Ta sẽ lập lên cho chúng một Đấng Tiên Tri như ngươi, thuộc trong anh  em chúng. Ta sẽ lấy  các Lời Ta để trong miệng Người thì Người sẽ nói cho chúng mọi điều Ta đã phán dạy ngươi” ( Đnl 18, 18 ).

          Tiên tri Mai Sen lãnh đạo Dân Chúa tiến vào Đất Hứa Canaan nhưng không thành. Lý do bởi vì Đất Canaan chỉ là hình bong của Nước Trời sẽ đến do Đức Ki Tô mạc khải “ Luật pháp và tiên tri đến Gioan ( Baptit ) là hết. Rồi từ đó  Tin Mừng của Nước ĐCT được rao giảng ra và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ).

          Về chữ “Vào” ở đây chỉ có thể hiểu là… vào nơi nội tâm của mỗi người, không thể có cách hiểu nào khác. Thế nhưng cần phải hiểu tại sao lại cần phải vào và vào như thế bằng cách nào ? Bản tính con người là luôn hướng ngoại tìm cầu nhưng với sự  tìm cầu ấy rút cục con người chỉ có thể có được những  thần tượng giả dối chẳng thể đem lại chút chi hạnh phúc  ngoài ra là những  tai ương bất hạnh khổ đau.

          Những tai ương ấy chẳng những chỉ đem đến cho thế gian mà ngay cả Giáo Hội  cũng không tránh khỏi. Trong TĐ Supremi Apostelatus ban hành ngày 01/9/1883, đức Thánh cha Leo XIII ghi nhận “ Tông Tòa Tối Cao mà ta đang phải gánh vác cùng với tình trạng khó khăn càng ngày càng tăng them vào những thời buổi này, lưu ý và thôi thúc ta hàng ngày phải cẩn trọng và canh phòng sự an toàn cũng như sự an sinh của Giáo Hội để rồi càng quan tâm mới càng thấy tai ương Giáo Hội phải chịu càng nhiều” ( Trích phụ trương I- Bí Mật Kinh Mân Côi do Đa Minh Cao Tấn Tĩnh chuyển ngữ ).

          Bởi nguyên nhân tại sao nhân loại ngày càng gặp phải những tai ương khốn khổ như thế?  Đó là do đã sa vào chước cám dỗ tinh vi độc hại của Sa Tan và bè lũ của nó. Tính chất lừa dối xảo quyệt của Sa Tan chính là ở chỗ nó xúi giục Eva cứ ăn trái phân biệt mà Thiên Chúa Giehova đã cấm, ăn vào sẽ …chết. Quỷ nói “ Hai người chẳng có chết đâu. Nhưng ĐCT biết rằng hễ ngày nào hai người ăn trái cây đó thì mắt mình  mở ra sẽ như ĐCT biết điều thiện và điều ác” ( St 3, 4 ).

          Sự lừa dối của Sa Tan nếu xét theo nghĩa mặt chữ ( Sens Litteral ) cũng không có gì là …sai bởi vì sau khi ăn nguyên tổ đâu có chết choc gì ? Thế nhưng cái chết do việc ăn trái cây phân biệt là cái chết về phần tâm linh chứ không phải phần xác. Nhất định cần phải hiểu cái chết ấy là chết phần tâm linh chúng ta mới hiểu được  tại sao tội ấy lại có thể lan truyền đến tận mãi chúng ta ngày nay là cháu con Eva “ Cho nên như bởi một người  mà tội lỗi đã vào thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết và như vậy sự chết đã lan khắp mọi người vì mọi người đều đã phạm tội” (Rm 5, 12).

          Thiên Chúa Giehova cấm nhưng nguyên tổ vẫn cứ …ăn ( phạm ). Điều ấy có nghĩa nguyên tổ đã không vâng lời Thiên Chúa mà làm theo tư dục, ý riêng mình. Làm theo tư dục, ý riêng đó là đã sa vào  chước cám dỗ độc hại của Sa Tan mà không hề hay biết.

          Đức Ki Tô đã nặng lời phê phán dân Do Thái đồng thời vạch mặt chỉ tên  đứa lừa đảo Sa Tan “ Vì Ta vốn từ ĐCT mà  ra và đến chớ chẳng phải tự mình đến đâu nhưng Ngài đã sai Ta. Tại sao các ngươi không hiểu lời Ta ? Ấy vì các ngươi chẳng có thể nghe Đạo Ta. Các ngươi ra từ cha các ngươi là ma quỷ và các ngươi muốn làm theo tư dục của cha các ngươi. Từ ban đầu nó là kẻ giết người, chẳng đứng trong sự thật vì trong nó không có sự thật đâu. Khi nó nói dối thì tự mình nó nói vì nó vốn là kẻ nói dối cũng là cha của sự ấy” ( Ga 8, 43 -44).

          Sa Tan giết người bằng sự dối trá cực kỳ tinh vi đến nỗi toàn bộ triết học Tây Phương mà đại diện của nó chính là Aristote (  ) với câu định nghĩa “ Người là con vật biết suy lý” ( L’ home est l’Animal raisonnable ). Do câu định nghĩa ấy mà triết học Tây Phương được gọi là Triết Duy Lý. Duy Lý sở dĩ gây được ảnh hưởng mạnh mẽ là do nhóm Bách Khoa ( Encyclopediste ) với những tên tuổi lẫy lừng như Diderot, Voltaire, Montesquieu, Holbach, Buffon v.v…khởi xướng.

          Cách mạng Pháp 1789 chịu ảnh hưởng  rất nặng nề của nhóm Bách Khoa và đã đưa Lý Trí trở thành một vị…Thần. Thánh đường Notre Dam de Paris ngày đó đã bị đổi tên thành đền thờ thần Lý Trí.

          Cuộc đánh phá của Duy Lý với ba chiêu bài Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái đã khiến Giáo Hội Công Giáo phải hết sức điêu đứng và đây cũng chính là  lúc Đức Mẹ xuất hiện tại hang đá Lộ Đức năm 1858 với chị Bernadette  để công khai xác nhận Tín Điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội mà Giáo Hội đã ban hành trước đó.

          Kẻ thù của GH ngày càng xảo quyệt và dữ dằn, chẳng những nó chỉ đánh phá trên mặt trận Duy Lý mà còn quyết tâm tiêu diệt Đạo Công Giáo bằng chế độ CS vô thần. TRong tình hình nguy cấp như thế Đức Mẹ một lần nữa lại hiện ra tại Pha Ti Ma ( Bồ Đào Nha ) với ba em nhỏ chăn cừu để ban ba mệnh lệnh: Một là hãy ăn năn cải thiện đời sống. Hai là siêng năng lần Chuỗi Mân Côi và ba là tôn sung Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ.

          Ba mệnh lệnh ấy  có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Chúng ta chỉ có thể cải thiện đời sống bằng việc siêng năng lần chuỗi Mân Côi và lần chuỗi Mân Côi phải đi đôi với lòng tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ.

          Ai cũng biết Legio Mariae do anh Franc  Duff  sáng lập vào năm 1921 tại thủ đô Ái Nhĩ Lan. Cần xác tín rằng Legio là công trình của Đức Mẹ trong thời hiện đại để chống lại sự hoành hành của quỷ dữ Sa Tan “ Legio là đoàn thể  giáo dân được Hội Thánh phê chuẩn và đặt dưới quyền chỉ huy hùng mạnh của Đức Maria Vô Nhiễm Trung Gian Các Ơn, đẹp như mặt trăng rực rỡ như  mặt trời, oai hùng như cơ binh dàn trận đối với Sa Tan và đạo quân của nó” ( TB chương 1 Sl 1 ).

          Danh xưng Legio gắn liền với Thánh Danh Maria. Điều ấy nói lên rằng tất cả mọi hoạt động  và con người hội viên chúng ta hoàn toàn lệ thuộc  vào Đức Maria. Tính chất lệ thuộc Đức Maria là do Thiên Chúa an bài mục đích là để cho ta có thể chiến đấu và chiến thắng quỷ dữ Sa Tan.

          Cũng chính vì công cuộc chiến đấu ấy mà hàng năm vào  lễ Truyền Tin ngày khởi đầu  của Ơn Cứu Chuộc, Legio đã long trọng tổ chức đại hội gọi là Acies với ý nghĩa một đạo binh sẵn sàng vào trận “ Acies là cuộc tổng tập hợp hàng năm của Legio. Vậy phải nhấn mạnh sự hiện diện của mỗi hội viên trong kỳ đại hội này là điều quan trọng. Hoạt động trong sự kết hợp và tùy thuộc Đức Maria Nữ Vương của mình là ý thức căn bản của Legio và là nền tảng của mọi hoạt động” ( TB chương 30 – Sl 289 ).

          Tính chất lệ thuộc của hội viên Legio thể hiện qua câu Dâng Mình “ Lạy Nữ Vương là Mẹ con. Toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ”. Trong lễ Acies mỗi hội viên kể cả cha Linh Giám đều xếp hàng trước bàn thờ Đức Mẹ, tay phải đặt trên cành Vexillum và đọc câu Dâng Mình với tất cả ý thức và lòng biết ơn chân thành.

          Lý do của sự biết ơn này là vì chúng ta đã có vinh dự lớn lao được chọn để trở nên Dòng Dõi Đức Maria trong trận chiến cuối cùng của Ơn Cứu Chuộc. Để  có thể xứng đáng là Dòng Dõi Đức Maria. Tất cả chúng ta cần phó thác toàn bộ cuộc đời mình, thân xác, linh hồn, ý chí kể cả những công phúc để Đức Mẹ có toàn quyền sử dụng cho công cuộc đồng công Cứu Chuộc của Người.

          Lại nữa việc phó thác hay còn gọi là Tận Hiến ấy  không phải chỉ diễn ra trong giây lát của câu Dâng Mình mà cần thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động của hội viên Legio chúng ta.

          Tận hiến nói thì dễ nhưng hành động thì cực kỳ khó. Tại sao ? Bởi  thực chất của việc Tận Hiến chính là bỏ đi  Ý Riêng mình. Đang khi đó Ý Riêng thuộc bản chất của Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt. Hễ Tâm khởi phân biệt thì liền đánh mất Thực Tại Vô Phân Biệt ám chỉ Vườn Địa Đàng.

          Đức Ki Tô xuống thế để thực thi Thánh Ý Chúa Cha bằng cách bỏ đi ý riêng mình “ Vì Ta từ trời xuống chẳng phải để làm theo ý riêng Ta bèn làm theo ý  Đấng đã sai Ta” ( Ga 6, 38 ).

          Cứ bỏ ý riêng đi thì Ý Cha được thể hiện. Chân lý tuy  cực kỳ đơn giản nhưng  người đời chẳng một ai làm được. Điều không thể ấy đối với Legio lại  trở thành không khó đó là do biết tuân thủ  quy chế gọi là Hệ Thống Cố Định “ Hội viên không có quyền thay đổi các quy luật hay cách thức thực hành. Hệ thống mô tả đây là hệ thống của Legio. Mỗi thay đổi dù nhỏ bé đến đâu cũng không tránh khỏi biến đổi khác  và không bao lâu tổ chức Legio chỉ là hữu danh vô thực. Một khi biết đơn vị nào thay đổi như vậy, Legio sẽ không ngần ngại khai trừ đơn vị ấy dù họ đã thể hiện được những công tác có giá trị đến đâu” ( TB chương 20 – Sl 241 ).

          Legio không cho phép thay đổi dù là chương trình họp hoặc kinh nguyện thậm chí đến cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất như cách chưng dọn bàn thờ Đức Mẹ, vị trí ngồi họp, chiều cao của tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm v.v…

          Thủ Bản nói cách rõ ràng nếu biết đơn vị nào  có sự thay đổi  dù  những chi tiết nhỏ nhặt như thế cũng bị khai trừ. Bởi không nhận ra mục đích sâu xa của việc tuân thủ Hệ Thống Cố Định thế nên  có những đơn vị nơi này lúc khác vẫn vi phạm mà không biết.

          Một khi đã vi phạm Hệ Thống Cố Định là đã không trung thành với đường lối Legio mà đã xa rời đường lối  tức đã  xa rời cuộc chiến chống lại kẻ thù độc dữ  Sa Tan.  Ngược lại với sự kiên tâm trung thành ấy  có nghĩa chúng ta đã bỏ được ý riêng để vâng theo Thánh Ý Chúa “ Chẳng phải mỗi kẻ nói cùng Ta: Lạy Chúa, Lạy Chúa mà vào Nước Trời đâu. Nhưng chỉ kẻ nào biết vâng theo Thánh Ý Cha Ta mà thôi” ( Mt 7, 21 )./.

Phùng  Văn  Hóa

( Ghi nhớ đại lễ Acies 2018 tại Curia Trà Cổ )

Chia sẻ Bài này:

Related posts