(Ảnh minh họa)
Dạo này công việc mưu sinh bế tắc, tôi loanh quanh, luẩn quẩn ở nhà một mình. Vợ đi làm xa, cuối tuần về rồi đầu tuần lại đi. Buồn buồn, tôi thỉnh thoảng ra quán cô Hương trên đường Nguyễn Văn Săng, quận Tân Phú. Quán bình dân, cô chủ dễ chịu, khách đến ăn uống đa phần là khách quen, thuộc thành phần lao động tay chân. Cô Hương là người Công giáo, mở quán bán khoảng 20 năm nay. Chồng và hai con lớn đi làm ở ngoài, hai cháu sau còn đi học. Tất bật đầu tắt, mặt tối từ 5 giờ sáng đến hơn 10 giờ đêm, nhưng dù mỏi mệt cách mấy cô cùng gia đình chưa bao giờ bỏ đọc kinh chung cả nhà trước khi đi ngủ. Trong một xã hội mà người ta xô bồ chạy theo vật chất, dễ đánh mất đời sống tâm linh, có được nếp sống đạo hạnh như gia đình cô thật là hiếm. Hẳn là sự cần mẫn lao động và lòng sùng đạo của cô Hương đã được Chúa bù đắp. Người chồng chăm chỉ làm ăn ở ngoài. Dù vợ bán quán nhậu, nhưng về nhà anh không bê tha chung đụng với khách. Các con ngoan hiền, đi làm hoặc đi học về sẵn sàng xắn tay áo phụ mẹ. Tôi thầm cảm phục và xem đây là một gia đình Công giáo mẫu mực trong thời hiện đại. Cả nhà cần kiệm nên gần đây gia đình đã sửa lại căn nhà thêm phần khang trang, dành một khoảng phía trước cho khách ngồi lai rai.
Quán bình dân, khách ngồi chuyện trò, trao đổi thân mật chuyện này, chuyện kia với nhau như anh em một nhà. Tính tôi xởi lởi, thích hòa đồng. Dù là khách đến sau nhưng cũng nhanh chóng kết thân được nhiều bạn, trong số đó có một vài anh em đồng đạo Công giáo như Liêm, Hùng, Sáu “mắt kiếng”…Sáu “mắt kiếng” thỉnh thoảng ghé quán, không như Liêm và Hùng là khách “ruột” ngày nào cũng có mặt. Một ngày nọ, ngồi cạnh Sáu, tôi nhìn thấy anh ta đeo chuỗi tràng hạt màu nâu ở cổ tay trái, tương tự như tôi. Chợt nhiên như có Chúa, Mẹ soi sáng, tôi nhớ đến những tờ giấy chứng nhận của Tổng Hội Rất Thánh Mân Côi mà lâu nay tôi đang cộng tác với thầy đông y Giuse Nguyễn xuân Bằng mời gọi những người Công giáo thân quen gia nhập hội. Tôi hỏi Sáu có muốn gia nhập hội, chỉ với các điều kiện tiên quyết là: lần hạt 5 chục mỗi ngày và luôn luôn mang theo chuỗi hạt Mân Côi trong mình. Tôi vắn tắt cho Sáu biết những ơn ích khi vào hội. Sáu đồng ý và tôi đã nhờ thầy Bằng ghi danh: Phaolô Lê Quốc Toản (tên thánh và họ tên thật của Sáu) vào giấy chứng nhận và vào sổ Tổng hội Mân Côi. Cũng cần biết thêm Tổng Hội Rất Thánh Đức Mẹ Mân Côi do linh mục Thomas Trần Khắc Khoan ở Los Angeles (Mỹ) làm chủ tịch và linh mục Philip Phan Hân ở New York làm tuyên úy. Tôi cũng đã ghi danh hai anh Gioan Baotixita Tôn Huy Liêm và Antôn Nguyễn Thế Hùng vào giấy chứng nhận và đích thân đến quán cô Hương trao cho họ, kèm theo hai cổ tràng hạt nhận từ thầy Bằng cùng với lời nhắn nhủ các bạn hãy thực hiện các điều kiện tiên quyết để được hưởng các ơn ích. Kết hợp với toàn thể hội viên, dâng chuổi Mân Côi lên Đức Mẹ, cầu nguyện cho hội viên còn sống, cũng như đã qua đời, các linh hồn trong luyện ngục, các linh hồn mồ côi, dâng lên Mẹ bằng đời sống mỗi ngày tốt lành, thánh thiện hơn. Đức Mẹ hứa ban danh hiệu Chiến Sỹ Huyền Nhiệm cho những ai truyền bá chuổi Mân Côi cho người khác. (Giữ giấy này suốt đời, để được Đúc Mẹ cứu giúp khi còn sống cũng như trong giờ lâm chung).Đó là nội dung đọc được ở phần cuối các giấy chứng nhận tôi đã trao cho một số anh em đồng đạo Công giáo tại quán cô Hương.
Riêng cô chủ có một cậu trai duy nhất đang là sinh viên năm thứ hai Đại học Bách Khoa Sàigòn. Người nhà và khách ở quán thường gọi cậu là “thằng Bờm”. Cậu bé hoạt bát, hay chòng ghẹo những vị khách vui tính. Tôi để ý Bờm luôn đeo một chuổi tràng hạt dạ quang nơi cổ. Được biết cậu ta là một con chiên ngoan đạo, đã học qua nhiều khóa giáo lý viên ở Trung tâm Mục Vụ tổng giáo phận Sài Gòn và hiện đang dạy giáo lý cho các em thiếu nhi ở giáo xứ Nhân Hòa. Với mẫu người công giáo như vậy, chẳng lạ gì khi nghe tôi gợi ý là cậu bé sốt sắng lấy giấy viết ghi tên thánh và họ tên của mình: Phêrô Nguyễn văn Thiên. It ngày sau ghi tên một người bạn: Raphael Đoàn Vũ Thanh Phong. Cả hai đã được ghi danh vào giấy chứng nhận và vào sổ Tổng hội Mân Côi.
Thú thật trước đây tôi vốn bê tha. Chiều chiều cùng bạn bè hay la cà các quán nhậu. Sau lần mổ chứng đau mắt nghiêm trọng cách đây hơn bốn năm, tôi xem đó như một án phạt Chúa thử thách tôi. Và tôi đã thức tỉnh sau cơn thử thách đó. Tôi quyết chí từ bỏ những cuộc vui phù phiếm, vô bổ. Mỗi chiều đến nhà thờ tham dự Thánh lể. Tôi nguyện với lòng mình thà bỏ nhậu chứ nhất quyết không bỏ Chúa, thà mất bạn nhậu chứ không để mất linh hồn. Giờ đây tôi đến quán cô Hương, như vậy phải chăng là đang phản bội lại lời nguyền? Không! Tôi không phản bội. Lâu lâu tôi chỉ hoang phí chút thời gian rãnh rỗi để thư giãn. Nhưng quan trọng hơn, ý nghĩa hơn hết là tôi đã biết sử dụng những khoảng thời gian nơi quán nhậu này để làm việc tông đồ và cố gắng không để ma quỷ xúi giục sa đà quá chén . Mỗi chiều tôi vẫn đến nhà thờ tham dự Thánh lể. Công việc tông đồ tôi thực thi nơi quán cô Hương dù rất nhỏ mọn, nhưng tôi thành tâm xin Chúa, nhờ lời bầu cử của Mẹ Maria, sẽ được anh em đồng đạo cảm nhận. Đời sống làm việc tông đồ của tôi còn dằng dặc phía trước và hiện tại chẳng đâu xa. Chính là quán cô Hương, nơi tôi thỉnh thoảng đến, gặp gỡ anh em lương- giáo và mạnh dạn bày tỏ đức tin người Công Giáo của mình. Gioan Long Vân, giáo xứ Nhân Hòa