Đúng theo kế hoặch, comitium Phú Long đã tổ chức tập huấn đợt một năm 2014 vào ba ngày 25 – 26 và 27/4/2014 với sự tham dự của mười Curiae ( Thiếu Curia Thiên Ân ) cùng bảy presidia trực thuộc, BCT Giới Trẻ và CLB Di Dân Bùi Chu. Địa điểm được chọn để tổ chức tập huấn lần này là Tu Hội Bác Ái Phú Dòng.
Gọi là Tu Hội bởi đây không phải là một dòng tu mà chính xác hơn nó được lập ra với mục đích bề ngoài là để làm nơi thích hợp cho nhu cầu tĩnh tâm, cấm phòng hoặc học hỏi của các đoàn thể Công Giáo. Ngoài mục đích ấy Tu Hội còn mang nơi mình một ý nghĩa sâu xa dưới tên gọi là Tổ Ấm Bác Ái ( Foyer de Charite ) do chính Chúa Giesu thiết lập thông qua chị Marthe Robin ( 1902 – 1981 ), một thụ nhân đã được in Năm Dấu Thánh.
Nói đến Tổ Ấm chúng ta hình dung ngay ra một cái gì đó nhỏ bé nhưng ấm áp đầy tình thương mến. Tu hội Bác Ái Phú Dòng quả đúng là Tổ Ấm theo nghĩa đó. Thế nhưng xét về cơ sở vật chất thì…Tổ Ấm này lại rất ư hoành tráng mà trung tâm điểm của nó là một tòa nhà hai tầng uy nghi, tầng trên là nhà nguyện, tầng dưới là hội trường với gần hai trăm ghế ngồi giống như của sinh viên trong các giảng đường đại học. Có hai dãy lầu hình thước thợ bao quanh nhà nguyện với hàng trăm phòng, phòng nào cũng đầy đủ tiện nghi không kém gì khách sạn. Mỗi phòng dành cho hai người có nệm chăn màn đầy đủ.
Nói sơ qua như thế để mọi người có thể hình dung ra khung cảnh mà các anh chị em Legio sinh hoạt cùng nhau trong ba ngày = Vừa thân thương như trong một Tổ Ấm đầy ắp tình thương vừa nghiêm chỉnh kỷ luật đúng tính chất chiến sĩ của Đức Mẹ. Theo đúng chương trình, vào hồi 14 giờ 30 ngày Thứ sáu 25/4/2014 các anh chị sau khi nhận phòng đã tề tựu tại hội trường để khai mạc buổi đầu tiên, lần hạt Năm Chục Mùa Thương. Sau phần Kinh Catena, anh trưởng HĐ Comitium ngỏ lời chào mừng đến cha phó linh giám Giuse Lê Thanh Thăng ( Cha Hùng linh giám Com. Sang Ro Ma dự lễ phong Thánh ) và cha linh phụ An Tôn Trần Văn Bài. Anh trưởng Comitium giới thiệu cho các anh chị đôi nét về Tu Hội và cha linh phụ. Tiếp lời, đúng như tính cách rất mực đơn sơ dễ mến, cha linh phụ mở đầu bằng cách mời mọi người ngửa lòng bàn tay để chỉ cho thấy có chữ M và hóm hỉnh đọc hai câu thơ lục bát = “ Em mờ ( M ) là Mẹ mến yêu. Hai tay hai chữ mến yêu Mẹ nhiều.”.
Lời thơ tuy đơn sơ nhưng ý nghĩa thì lại vô cùng sâu sắc, tôi nghe nhiều anh chị cứ lẩm nhẩm đọc một cách thú vị. Sau phần huấn từ của cha linh phụ, cha phó linh giám Comitium chia sẻ đề tài Linh Mục và Legio ( Sl 125 – 127 ). Theo cha điều cốt yếu làm sao để các cha xứ hiểu được Legio và đây là nhiệm vụ không dễ dàng gì. Bởi chưng để làm được điều đó thì hội viên chúng ta cần chứng tỏ đích thực mình là những Tông Đồ của Đức Mẹ. Không đặt điều kiện với các cha, trái lại phải hết lòng vâng phục trong yêu mến vì các ngài là hiện thân của Đức Ki Tô.
Sau bài nói của cha là phần thuyết trình của các Curiae. Tất cả có mười đề tài được phân công bằng cách bốc thăm ( cách đó một tháng trong phiên họp nội bộ của Comitium ). Việc tập huấn trong Legio tất cả cũng không ngoài mục đích là để cho hội viên nắm vững được Thủ Bản. Bởi đó cho nên mỗi đề tài được thuyết trình đều có phần thảo luận và thời hạn dành cho phần này cũng ngang bằng với phần thuyết trình. Về phần thảo luận cho mỗi đề tài lại do một trưởng Curia đảm trách từ khâu hướng dẫn cho tới đúc kết. Nhận xét chung cho thấy chính cái phần thảo luận này mới làm cho các học viên…vỡ ra nhiều điều mà trước đấy vẫn còn lơ tơ mơ. Thời hạn thảo luận kể cả sinh hoạt giúp vui vào khoảng 40 phút nhưng lần nào anh phó Bách cũng phải lắc chuông nhắc nhở…hết giờ.
Thời gian qua đi thật mau chóng, vậy là đã trải qua ba ngày sát cánh làm việc bên nhau. Buổi chiều chủ nhật ngày đại lễ Lòng Thương Xót Chúa, cuộc tập huấn của Comitium Phú Long đã bế mạc sau phần đúc kết của Ban Thư Ký. Cha linh phụ của Tu Hội đã hiện diện cùng với anh chị em Legio từ đầu chí cuối và một lần nữa trước khi ban phép lành chúc phúc cho công cuộc của Đức Mẹ, ngài cũng không quên nhắc nhở mọi người năng nhìn vào lòng bàn tay cùng với câu thơ “ Em mờ là Mẹ mến yêu – Hai tay hai chữ mến yêu Mẹ nhiều”.
Phùng Văn Hóa