Bài giảng của Đức cha Phêro Nguyễn Văn Khảm nhân ngày hành hương của Legio Mariae tại TTHH Ba Giồng –GP. Mỹ Tho (13.08.2018)
Ngoại trừ giáo dân trong Giáo phận Mỹ Tho, có lẽ Ba Giồng là địa danh xa lạ với phần đông người Công giáo Việt Nam vì chỉ là một giáo xứ nhỏ như bao giáo xứ, nhà thờ lại nằm trong hẻm, không dễ thấy. Nhờ Năm Thánh tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Ba Giồng đã trở nên gần gũi thân quen hơn vì được Hội Đồng Giám Mục chọn làm điểm hành hương của Giáo tỉnh Sài Gòn. Rất nhiều đoàn hành hương đã đến đây và hôm nay Ba Giồng hân hạnh đón tiếp Legio Mariae toàn quốc.
Legio Mariae đến Ba Giồng hành hương trong Năm Thánh này với chủ đềLegio Mariae với Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo. Xin đặt câu hỏi: Đức Mẹ không chịu tử đạo, (Kinh Thánh không ghi nhận gì về cái chết của Mẹ, truyền thống cũng không nói gì), tại sao Đức Mẹ lại được tôn vinh là Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo?
1. Tìm lại ý nghĩa tử đạo
Như thánh Augustinô nói, trong vườn hoa Giáo Hội, có nhiều loại hoa, mỗi vị thánh họa lại một nét đẹp trong cuộc đời Chúa Giêsu. Chẳng hạn, Thánh Phanxicô Assisi nêu cao đức khó nghèo, Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu làm sáng lên chiêm niệm, Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta làm nổi bật lòng yêu thương người nghèo.
Vậy Các Thánh Tử Đạo họa lại điều gì trong cuộc đời của Chúa? Thưa, các ngài họa lại trong đời mình chính cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Đọc lại trình thuật tử đạo của Thánh Têphanô (Cv 7,55-60), sẽ thấy ngài họa lại từng tâm tình, từng lời nói, từng cử chỉ của Chúa Giêsu khi chịu chết trên Thánh giá:
– Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó sự sống con trong tay Cha”,
Còn Thánh Têphanô thân thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy linh hồn con”
– Chúa Giêsu cầu nguyện cho những kẻ làm khổ Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ lầm không biết”, Thánh Têphanô cũng vậy: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ vì tội này”.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng thế, các ngài họa lại trong đời mình cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu: bị bắt, bị giải ra trước quan quyền, bị đánh đập, bị giết chết. Hơn thế nữa, dù bị giết, các ngài vẫn một lòng yêu thương như chính Chúa nêu gương, chẳng hạn Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng dặn dò con cái “Hãy tha thứ, đừng tìm báo thù kẻ tố giác cha”.
Có thể tóm lại bằng lời của Thánh Anê Lê Thị Thành nói với các con khi thấy các con khóc vì nhìn thấy áo mẹ loang lổ vết máu: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”. Chỉ cần một câu đó thôi cũng đủ hiểu các Thánh Tử Đạo là những người họa lại trong đời mình chính cuộc tử đạo của Chúa.
2. Đức Mẹ đồng hành với các thánh tử đạo trong cuộc khổ nạn
Trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Mẹ Maria ở đâu? Tôi nhớ đến hình ảnh bà mẹ trong phim Cuộc khổ nạn của Chúa (The Lord’ Passion): Khi Chúa Giêsu ngã quỵ dưới sức nặng của cây khổ giá, Mẹ Maria vội vã chạy đến nâng con lên. Ngay lúc đó, đạo diễn chiếu lại cảnh ở Nazaret: bà mẹ trẻ Maria vội vã chạy đến nâng bé Giêsu lên khi bé đang chạy chơi và té ngã ngoài sân. Vẫn một bà mẹ đó thôi, trên đường thập giá cũng như ở Nazaret.
Hình ảnh đó cũng được khắc họa trong bài Tin Mừng Gioan hôm nay. Dưới chân thập giá, khi mọi người hò la lên án và các môn đệ thân tín cũng bỏ trốn, Mẹ vẫn ở đó với con. Hơn thế nữa, Mẹ còn được trao sứ mệnh làm Mẹ các tín hữu: “Đây là mẹ của anh… Và môn đệ rước bà về nhà”. Thánh Gioan hiện diện ở đây không chỉ với tư cách cá nhân nhưng như đại diện cho tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu. Vì thế, Đức Mẹ là Mẹ của các tín hữu.
Nếu Đức Mẹ đã đồng hành với Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn thì Mẹ cũng đồng hành với các môn đệ Chúa trong cuộc tử đạo của các ngài. Khi đọc Hạnh Các Thánh Tử Đạo VN, có thể thấy một trong những nét chung của các ngài là lòng yêu mến Đức Mẹ, thường xuyên cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, khi còn tự do và nhất là khi phải tù tội; nhờ đó có thêm sức mạnh thiêng liêng để vượt qua thử thách. Chẳng hạn, Cha Jean Charles Cornay – Tân (một thừa sai MEP), khi biết tin sẽ bị xử lăng trì, ngài viết thư cho cha Phan: “Tôi ao ước được xưng tội lắm, cha có liệu cho tôi được ăn mày Phép Giải Tội không? Mà ví bằng không thể được thì tôi trông cậy rằng Đức Bà sẽ liệu cho tôi được ăn năn cách trọn, còn Phép Xức Dầu sẽ được thay thế bằng lát gươm nơi pháp trường”. Cũng thế, Thánh Philipphê Minh trong giây phút cuối cùng, ngài cầu nguyện với Chúa Giêsu và Đức Mẹ.
3. Legio Mariae sống tinh thần tử đạo
Được gọi là Đạo binh Đức Mẹ, chắc chắn các hội viên đều có lòng yêu mến Đức Mẹ. Lòng yêu mến đó không những thể hiện qua việc đọc Kinh Mân Côi nhưng còn qua các công tác tông đồ, cụ thể nhất là Thăm viếng. Theo gương Đức Mẹ thăm bà Elisabeth, các hội viên Legio cũng thường xuyên thăm viếng tha nhân, nhất là những người nghèo, bị bỏ rơi, bị lãng quên. Công việc tông đồ đó đòi hỏi hi sinh thời giờ, công việc, sự kiên trì, có khi còn chịu sỉ nhục, hiểu lầm; thế nhưng tinh thần tử đạo là ở đó, khi chúng ta chấp nhận hi sinh và bỏ mình để làm những việc ích lợi cho tha nhân. Nếu các việc này được thực hiện thật chu đáo theo tinh thần Các Thánh Tử Đạo, chắc chắn sẽ góp phần rất lớn vào sứ mạng của Giáo Hội.
Tôi rất ngỡ ngàng trước số đông anh chị em hội viên Legio có mặt ở đây hôm nay (6.000 người). Đây thật sự là vốn quý của Giáo Hội. Nhờ lời chuyển cầu của Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, xin Chúa ban cho Legio Mariae Việt Nam được phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần tích cực vào sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Chúa đến cho anh chị em đồng bào trên quê hương Việt Nam.
+ ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com