Hôm thứ hai 27-8-2012, nhiều tổ chức quốc tế đã gởi thư ngỏ đến Thủ tướng Việt Nam, yêu cầu trả tự do cho 17 thanh niên Công giáo.
Ngoài Thủ tướng Dũng, kiến nghị thư cũng được gửi đến đại sứ các nước Anh, Pháp, Úc, Canada, Na Uy, Thuỵ Sĩ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Thủ tướng Campuchia Hun Sen với tư cách là chủ tịch luân phiên khối ASEAN.
Bắt giữ tuỳ tiện
Các tổ chức Phi Chính phủ (NGO) trên thế giới yêu cầu chính quyền Việt Nam hãy trả tự do ngay tức khắc, đồng thời xoá bỏ mọi cáo buộc đối với 17 bloggers và nhà hoạt động xã hội bị công an bắt giữ tuỳ tiện từ tháng 7-2011 đến nay. Hầu hết những người bị bắt chưa được đưa ra xét xử, trong lúc họ chỉ là những công dân làm báo, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng và bênh vực nhân quyền.
Trong hơn 1 năm qua, cộng đồng nhân quyền quốc tế đã biết đến tên tuổi của họ, đó là Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hoà, Phaolô Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Duyệt, Nông Hùng Anh, Nguyễn Văn Oai, Antôn Đậu Văn Dương, Phêrô Trần Hữu Đức, Nguyễn Xuân Anh, Hồ Văn Oanh, Thái Văn Dũng, Trần Minh Nhật, Maria Tạ Phong Tần, Trần Vũ Anh Bình, Phêrô Nguyễn Đình Cường, Antôn Chu Mạnh Sơn, G.B. Hoàng Phong.
Trên đây là phần mở đầu bức thư ngỏ của 12 tổ chức ngoài chính phủ trên thế giới gởi đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam, trong đó có Human Rights Watch, ACAT France, Access Now, Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Media Legal Defense Initiative, International Freedom Of Expression, Electronic Frontier Foundation, Front Line Defenders, Southeast Asian Press Alliance SEAPA,…
Đây là bức thư ngỏ thứ hai do 12 tổ chức phi chính phủ trên thế giới cùng ký tên, yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho các thanh niên Công giáo và Tin Lành bị công an bắt giữ từ tháng 7 năm ngoái. Trước đó, vào hôm 12-3-2012, 9 tổ chức phi chính phủ cũng đã gửi cho Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng một bức thư ngỏ với mục đích tương tự, yêu cầu Việt Nam trả tự do và huỷ bỏ mọi cáo buộc đối với 5 trong số 17 người bị bắt là Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hoà, Nguyễn Văn Duyệt, Nông Hùng Anh và Phaolô Lê Văn Sơn.
Được hỏi thư ngỏ ngày 27-8 có trùng hợp với sự kiện 30 thân nhân của 17 thanh niên bị bắt giữ kéo nhau đi khiếu kiện cho họ ở văn phòng thủ tướng chính phủ và đã bị cảnh sát bắt đưa lên xe chở đi nơi khác không, Bà Nani Jansen, cố vấn pháp lý của tổ chức Media Legal Defense Initiative, Khởi xướng Bảo vệ Pháp lý Truyền thông ở Anh quốc, trả lời rằng đây chỉ là sự trùng hợp về thời gian:
“Chúng tôi quyết định ký vào thư gửi như một việc làm tiếp theo thư ngỏ đã cùng gởi hồi tháng 3 năm nay, cũng với lời yêu cầu trả tự do cho những thành viên bloggers mà heo quan điểm của chúng tôi là họ bị bắt một cách bất hợp pháp vì đã sử dụng quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi nghĩ những bản án mà họ phải gánh chịu là bất công, những người trẻ này đang thực hiện quyền tự do tư tưởng và phát biểu họ một cách hoà nhã, không một dấu hiệu nào trong những hành động đó khiến họ bị xử phạt đến như thế.
Một vấn đề khác, mà chúng tôi thấy ở đây là thủ tục tố tụng ở Việt Nam không được tôn trọng, nhiều bloggers không có luật sư bào chữa, không ai biết được khi nào họ bị đưa ra xử, và còn nhiều hành động vi phạm nhân quyền khác nữa của chính phủ Việt Nam mà thế giới phải quan tâm.”
Quốc tế quan tâm
Từ Bangkok, Thái Lan, Giám đốc Văn phòng Chuyên trách Đông Nam Á của Human Rights Watch, ông Phil Robertson, nói rằng ý kiến về thư ngỏ gởi thằng lên cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam nhằm mục đích nhấn mạnh sự quan tâm sâu sắc của các tổ chức phi chính phủ bên ngoài, nhân khi nhớ đến vụ bắt giữ tuỳ tiện 17 người diễn ra đã hơn 1 năm:
“Chúng tôi đã làm việc cùng các tổ chức khác cùng mục đích, nhằm nêu vấn đề đối với Thủ tướng Việt Nam là tự do ngôn luận trong đất nước của ông đã bị chà đạp. Chúng tôi cũng muốn gia đình, thân nhân của 17 người bị bắt hiểu rằng thế giới bên ngoài không quên lãng họ, rằng cộng đồng thế giới vẫn tiếp tục áp lực chính phủ Việt Nam trả tự do ngay cho những thanh niên sinh viên này”.
Đề cập đến cuộc biểu tình khiếu kiện và kêu oan của thân nhân 17 thanh niên sinh viên đang ở trong tù, mà đã bị cảnh sát trấn áp và giải tán, Giám đốc Văn phòng Chuyên trách Đông Nam Á của Human Rights Watch bày tỏ suy nghĩ của ông là, đáng lẽ công an Việt Nam nên để cho thân nhân và gia đình được tự do khiếu nại trường hợp bị bắt bớ của con em họ một cách ôn hoà:
“Bởi họ chỉ mặc áo in hình con em họ, nói con em họ vô tội, rồi im lặng tuần hành trên đường cho mọi người thấy được nỗi oan khuất của gia đình họ mà thôi. Thay vì can thiệp, công an nên để họ được bày tỏ ý kiến của họ, được hành động theo lương tâm của họ. Việt Nam đã ký vào bản tuyên ngôn nhân quyền trong đó bảo đảm công dân có quyền tự do bày tỏ ý kiến và tự do hộp họp, nhưng rồi chính phủ càng ngày càng vi phạm những nguyên tắc căn bản về quyền làm người của công dân trong nước họ. Đó là điều Human Rights Watch nhìn thấy”.
Và cũng từ Bangkok, Bà Gayathry Venkisteswaran, Giám đốc Điều hành SEAPA (Southeast Asian Press Alliance) – Liên minh Báo chí Đông Nam Á, nói rằng tổ chức không chỉ chú trọng đến tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do phát biểu và bênh vực quyền lợi của người làm báo ở khu vực Đông Nam Á, mà còn quan tâm đến những trường hợp cá nhân các bloggers lên mạng để chuyển tải ý tưởng hay suy nghĩ của họ:
“Chính vì thế, với thư ngỏ gởi đi hôm qua, chúng tôi hy vọng có thể thuyết phục, hoặc là có thể khiến chính phủ Việt Nam suy nghĩ lại điều mà chúng tôi gọi là sự vi phạm, bởi vì những bloggers và những thành viên mạng bị bắt giữ đấy chỉ làm một việc rất bình thường là đưa lên mạng những suy nghĩ của mình.
Có nhiều cách hợp lý và hợp pháp mà một chính phủ có thể đương đầu với những người bất đồng chính kiến, nhưng cái mà chúng tôi quan ngại là Việt Nam đã áp dụng những điều luật mơ hồ, nếu không muốn nói là hồ đồ, để làm cái cớ bắt giữ và bịt miệng những người không nói không nghĩ theo mình. Đó là phạm luật, là chà đạp quyền và lợi ích của công dân.”
Sau cùng, từ Dublin, Ireland, Giám đốc Phòng Báo chí và Thông tin của Front Line Defenders, ông Jim Loughran, cho rằng đàn áp và bạo lực là điều thường xảy ra đối với những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam:
“Điển hình của chuyện này là nhóm 17 người đã bị bắt và đang bị cầm tù, họ là bloggers, là công dân làm báo, là những nhà hoạt động trong cộng đồng. Lá thư mà chúng tôi ký tên và gởi đi cho lãnh đạo Việt Nam là thư ngỏ tập thể thứ nhì của các tổ chức phi chính phủ, và tôi lấy làm tiếc phải nói rằng một mặt theo dõi xem Việt Nam có cải thiện vấn đề nhân quyền hay không thì mặt khác chỉ thấy sự bức bách, đe dọa, bắt giữ càng ngày càng gia tăng chứ không có dấu hiệu giảm đi”.
Vẫn theo lời ông Jim Loughran, điều vừa nói không chỉ là quan điểm riêng của Front Line Defenders mà là ý kiến và tiếng nói đồng nhất của các tổ chức phi chính phủ chuyên tranh đấu, bảo vệ và bênh vực cho những dân tộc và những đất nước không biết tôn trọng những quyền lợi cũng như nghĩa vụ căn bản của người công dân trong một đất nước thường tuyên bố là có nhân quyền và tôn trọng pháp luật.
Thanh Trúc
Nguồn: RFA