(VOA, 20-12-2012) – 5 blogger Việt Nam có tên trong danh sách 41 cá nhân xuất sắc đến từ 19 quốc gia được trao Giải Hellman/Hammett hôm 20-12, một giải thưởng cao quý để vinh danh lòng can đảm và tính bất khuất những người cầm bút trước áp lực của đàn áp chính trị.
Trong số các blogger nhận giải năm nay có nhà vận động cho tự do tôn giáo Jean Baptiste Nguyễn Hữu Vinh; nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền Phạm Minh Hoàng, tức là blogger Phan Kiến Quốc; nhà báo tự do Vũ Quốc Tú, bút danh là Uyên Vũ; nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn; và con gái ông Tuấn, nhà phê bình chính trị xã hội trẻ Huỳnh Thục Vy. Tất cả 5 người đều bị chính quyền đàn áp vì những bài viết của họ.
Human Rights Watch nói: “Như tất cả những người Việt Nam khác tìm cách thực thi quyền tự do ngôn luận, nhiều người trong giới blogger phải chịu áp lực ngày càng tăng của các hành động đe dọa, tấn công, thậm chí bị bỏ tù, chỉ vì bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hoà.”
Trong một cuộc phỏng vấn với Ban Việt ngữ Đài VOA hôm 20-12, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân bộ Á châu của Human Rights Watch, nói:
“Bằng cách vinh danh 5 nhân vật dũng cảm này, những người đã chịu đựng nhiều gian khổ và đối mặt với những nguy cơ vẫn đang đe doạ các quyền cơ bản của họ, chúng tôi lấy làm vinh dự được tiếp thêm sức mạnh cho những tiếng nói mà Đảng Cộng sản đang cầm quyền tại Việt Nam muốn ngăn cản, không cho tham gia công luận về nhiều vấn đề chính trị và xã hội của Việt Nam.”
Ông Robertson nói thế giới tiếp tục chứng kiến nhiều blogger tại Việt Nam bị bỏ tù dài ngày chỉ vì đã nói lên tiếng nói của họ, và điều này phải chấm dứt. Được hỏi là trong mấy năm gần đây, hầu như năm nào cũng có các cây bút đấu tranh cho dân chủ và tự do ngôn luận ở Việt Nam được trao Giải Hellman/Hammett, nhưng các hành động đàn áp vẫn tiếp diễn tại Việt Nam, thế thì liệu tiếp tục cấp giải thưởng hằng năm có uy tín này có mang lại kết quả mong đợi?
Ông Robertson trả lời:
“Không có cái gì đến với chúng ta dễ dàng. Chúng ta phải luôn luôn phấn đấu, và lẽ dĩ nhiên các nỗ lực nhằm đảm bảo nhân quyền được tôn trọng cũng thế. Trên khắp thế giới, nhiều người đang đấu tranh cho các quyền của họ, và tại Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến một chiến dịch đàn áp vẫn tiếp diễn chống giới blogger và các nhà hoạt động đấu tranh đã can đảm gióng lên tiếng nói để trình bày những quan điểm khác biệt với chính quyền. Họ lên tiếng chống tệ nạn tham nhũng, các vụ tịch thu đất đai, cổ vũ cho tự do tôn giáo, cổ vũ cho một xã hội đa nguyên… tất cả những điều đó đều nằm trong phạm vi quyền tự do ngôn luận.”
Human Rights Watch nói những người Việt được trao Giải Hellman/Hammett năm nay phản ánh tính đa dạng của các thành phần trong xã hội Việt Nam mà những tiếng nói phê bình và quan tâm đang bị chính quyền Việt Nam tìm cách giập tắt.
Human Rights Watch nói Hà Nội đàn áp có hệ thống các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tụ họp ôn hoà, những người đặt nghi vấn về các chính sách của nhà nước, phơi bày tệ nạn tham nhũng trong hệ thống chính quyền, hoặc kêu gọi các giải pháp dân chủ để thay thế chế độ cai trị độc đảng.
Trong số những người được trao Giải Hellman/Hammett năm nay, có cha con ông Huỳnh Ngọc Tuấn. Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn và con gái, cô Huỳnh Thục Vy, một blogger trẻ tuổi được nhiều người biết tiếng, đã viết nhiều bài bình luận phơi bày bất công xã hội, đề cao nhân quyền, dân chủ và cổ vũ cho một hệ thống đa đảng, một xã hội pháp quyền, đồng thời cũng lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động đang bị cầm tù.
Hôm 16-12 vừa qua, cảnh sát tại phi trường Tân Sơn Nhất đã tịch thu hộ chiếu và cấm blogger Huỳnh Trọng Hiếu, em trai cô Huỳnh Thục Vy, đáp máy bay sang Hoa Kỳ để thay mặt cha và chị nhận Giải thưởng Hellman/Hammett.
Ông Robertson cho biết ý kiến về vụ việc này:
“Điều mà chúng ta thấy là Việt Nam rõ rệt đã nhắm tấn công gia đình họ Huỳnh. Trong nhiều năm qua, gia đình này đã lên tiếng ủng hộ cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, và họ đã phải chịu đựng vì đã phát biểu ý kiến. Cố gắng mới nhất để ngăn chặn, không cho cậu con trai của ông Tuấn du hành sang Hoa Kỳ, về cơ bản, là thêm một hành động vi phạm nhân quyền phụ trội. Chính quyền Việt Nam đã vi phạm quyền tự do ngôn luận, giờ đây họ lại vi phạm cả quyền tự do đi lại.”
Nói chuyện với Ban Việt ngữ mới đây, Đại diện cao cấp của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả, ông Shawn Crispin, đề cập tới môi trường hoạt động của các blogger và các nhà báo ở Việt Nam. Ông nói có một số đề tài cấm kỵ mà các nhà báo và giới blogger biết sẽ phải nhận lãnh hậu quả, nếu vượt qua điều mà ông gọi là “giới hạn đỏ”.
Ông Shawn Crispin nói:
“Nếu lần theo đường dây tham nhũng lên tới tận các cấp lãnh đạo cao hơn, chẳng hạn nếu viết một bài báo chỉ trích các giao dịch làm ăn của ái nữ Thủ tướng Việt Nam chẳng hạn, đó là loại đề tài mà ngay cả các ký giả nước ngoài cũng biết là lĩnh vực cấm. Ngay cả những người biết chuyện cũng cố tránh, không muốn phơi bày, trong khi câu chuyện lại rất đáng bị phơi bày ra trước ánh sáng.”
Giải thưởng Hellman/Hammett là một giải thưởng thường niên được trao cho giới cầm bút trên khắp thế giới là nạn nhân của đàn áp chính trị hoặc các hành động vi phạm nhân quyền. Phần thưởng này có mục đích vinh danh và trợ giúp những cây bút bị đàn áp vì đã bày tỏ ý kiến bất đồng với chính phủ của họ, vì chỉ trích trích các quan chức hoặc hành động của chính phủ, hay viết về những đề tài mà chính quyền không muốn phơi bày ra trước ánh sáng.
Hoài Hương
Nguồn: HRW, phỏng vấn của VOA với ông Phil Robertson và ông Shawn Crispin