Dị tật bẩm sinh
Đường đi từ nhà Lê Thị Thắm đến trường ở xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, Thanh Hoá, không xa lắm nhưng cô học sinh lớp 9 phải mất nhiều thời gian hơn các bạn. Ngồi sau chiếc xe đạp của mẹ, Thắm nhẩm tính lại các bài toán mà cô giáo đã cho trên lớp. Đó là thói quen Thắm tự tập cho mình từ nhiều năm nay trên đường đi học về. Vậy mà vừa về đến nhà, sau khi vệ sinh cá nhân là Thắm lại tiếp tục ngồi vào bàn xem bài của cô giáo. Chị Nguyễn Thị Tình, mẹ Thắm, chia sẻ:
“Cháu sử dụng đôi chân để viết, chải đầu, đội mũ, đánh răng, vẽ tranh… nhưng mà cháu thực hiện bằng chân trái chứ chân phải thì ngắn hơn”.
Lê Thị Thắm bị cụt hai tay và vẹo cột sống bẩm sinh. Chị Tình kể lại, đầu năm 1998, hai vợ chồng chị hân hoan chờ đón đứa con đầu lòng. Sau khi sinh xong một tuần chị mới được phép gặp con nhưng khi gặp thì lòng người mẹ quặn thắt vì đứa con quá nhỏ, không có hai cánh tay và hai chân dài ngắn không đồng đều.
“Nói chung lúc mới sinh cháu ra thì cả nhà rất lo lắng. Lo không biết cháu có đứng được không, có đi được không, có học hành gì được không. Cháu khổ mười thì mẹ cũng khổ chín rồi nên tôi suy nghĩ nhiều lắm”, chị Tình nói.
Sau này, chị Tình còn được bác sĩ cho biết Thắm bị bệnh vẹo cột sống bẩm sinh. Lúc mới sinh Thắm chỉ nặng 1,2 kg. Đến năm 3 tuổi em mới tập những bước đi đầu tiên và đến năm 4 tuổi mới bắt đầu nói chuyện. Thế nhưng năm đó cũng là năm Thắm đòi mẹ cho đến trường đi học. Chị Tình kể lại, thấy con yếu ớt và tật nguyền chị sợ con mặc cảm nơi đông người và khước từ cho con đi học. Từ đó, Thắm trở nên buồn bã và tự dùng que kẹp vào ngón chân vẽ nghệch ngoạc một mình nơi góc nhà. Chị Tình nói thêm:
“Tôi rất ngạc nhiên và cũng rất tự hào về cháu. Lúc cháu lên bốn, tôi cho cháu đi học. Thấy các bạn trong lớp tập viết tôi cũng mua tập sách cho cháu tập viết. Nhiều hôm tôi cháu kẹp bút vào chân viết chảy máu nên khuyên con nghỉ học đừng viết nữa nhưng cháu cũng chịu khó kiên trì và tập viết. Cháu học đến giờ phút này là nỗ lực lắm làm tôi rất tự hào”.
Từ lúc 5 tuổi, Thắm đã bắt đầu làm quen với mặt chữ trong sách lớp một nên khi vào tiểu học, em không hề thua kém bạn bè. Chữ viết của Thắm đẹp và sạch đến ngỡ ngàng. Những trang vở do Thắm viết bằng chân trái đã có mặt trong cuộc triển lãm mang tên “Những phụ nữ vượt lên số phận” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Lên cấp hai, Thắm bắt đầu học thêu thùa, may vá và vẽ tranh. Tranh Thắm vẽ thường là phong cảnh làng quê, những gì em quan sát được từ hai bên đường đến trường. Đặc biêt, Thắm thích vẽ hình các học sinh khuyết tật đi đến trường. Nhiều bức tranh của Thắm vẽ đã được giải thưởng cuộc thi vẽ tranh do Hội Mỹ thuật Tỉnh Thanh Hoá tổ chức cuối năm 2007. Tuy nhiên, Thắm chia sẻ, em vẽ tranh vì một mục đích khác. Thắm tâm sự:
“Vì cháu mơ ước là những bạn có cùng hoàn cảnh như cháu vẫn có cơ hội được đến trường”.
Nhìn Thắm thoăn thoắt sử dùng bàn chân thay cho bàn tay trong hầu hết các sinh hoạt, ai cũng thầm ngưỡng mộ. Tuy nhiên, trước khi có thể làm quen và sử dụng đôi chân thay cho đôi tay một cách thành thục, Thắm đã trải qua một thời gian dài khổ luyện:
“Cháu thấy khi bắt đầu vào lớp 1 thì khó khăn nhất vì lúc đó cầm bút còn khó và còn ngượng nên hạn chế việc học hành”.
Khi mới bắt đầu vào lớp một, Thắm hân hoan vì được thoả mãn ước mơ được đi học của mình. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc Thắm phải chiến thắng chính sự mặc cảm và sự hạn chế của bản thân. Thắm còn nhớ rõ như in những ngày đầu tiên vào lớp một, trong khi các bạn khác tung tăng chơi đùa trước sân trong mỗi giờ ra chơi thì Thắm phải ngồi trong lớp tập viết cho xong những chữ cái cô vừa dạy. Và trong lúc các bạn xem TV, bông đùa sau giờ đến trường thì Thắm lẳng lặng ngồi vào một gốc nhà kẹp cây bút vào hai ngón chân mà viết. Có lúc Thắm tập viết đến tận khuya, ngón chân cứng ngắc, xước da, bật máu. Nhưng chỉ cần chân bớt đau một chút là Thắm lại tiếp tục đánh vật với các con chữ. Thấy con quá vất vả, cộng với việc khó khăn và muốn tập trung kiếm sống, chị Tình cũng có lần khuyên con nghỉ học để đỡ vất vả cho con mà cũng nhẹ bớt phần cho gia đình. Tuy nhiên, những lúc đó Thắm lại càng quyết tâm, càng cố gắng và động viên mẹ. Chị Tình kể lại:
“Nhưng mà cháu cứ học nên tôi cũng thôi ý định cho cháu nghỉ. Dù vất vả nhưng cũng cố lo cho cháu đi học, lo cho các cháu ăn uống”.
Ước mơ trở thành kỹ sư tin học
Có lần Thắm được một cơ quan từ thiện muốn giúp lắp cho em hai cánh tay giả và chỉnh lại cột sống. Gia đình Thắm mừng khấp khởi đưa con ra bệnh viện tỉnh xem bệnh. Nhưng chiếc áo chỉnh xương sống mặc vào lại càng làm Thắm vướng víu mà cột sống vẫn không khá hơn. Trong lúc chị Tình đau khổ vì thương con thì Thắm cũng lại chính là người an ủi cha mẹ.
Vì sức khoẻ không bình thường nên Thắm ít ra ngoài chơi đùa cùng các bạn. Bao nhiêu thời gian, em tập trung hết vào chuyện học hành. Những lúc rảnh rỗi là em lại lên mạng làm bạn với chiếc máy vi tính con con trong nhà. Chiếc máy này là người bạn thân giúp Thắm học cách giải những bài toán khó và tự học tiếng Anh. Ngoài tự lo cho các sinh hoạt cá nhân, lo cho việc học của mình, Thắm còn dạy em của mình học. Thắm tâm sự, em muốn mình trở thành một người hữu dụng.
Cô Trịnh Thị Thoa, giáo viên chủ nhiệm của Thắm, cho biết cô rất hoan nghênh sự số gắng của người học trò đặc biệt này:
“Nói thật là nói bằng các bạn thì Thắm cũng chưa bằng nhưng mà một em như Thắm mà có học lực như thế rồi ngoan và cố gắng thì em đã cố gắng rất nhiều. Học lực của Thắm trên khá nhưng đối với một em khuyết tật thì đó là học lực giỏi”.
Trong 9 năm học cấp 1 và cấp 2, Thắm đều được xếp loại học sinh khá hoặc giỏi. Thắm học theo một chương trình như một người bình thường nên phải cố gắng rất nhiều. Cô Thoa cho biết, Thắm viết văn rất có cảm xúc và luôn chịu khó tìm tòi.
Còn chị Tình cũng không giấu được sự tự hào dành cho con:
“Lúc cháu bắt đầu đi học thì cũng học được như những đứa trẻ bình thường làm tôi cũng phấn khởi”.
Thắm tâm sự, ước mơ của em là được trở thành kỹ sư tin học. Cô bé 15 tuổi tâm sự, đây là cách duy nhất để em có thể giúp cha mẹ thoát khỏi cái nghề vác đá thuê đầy nguy hiểm:
“Em nghĩ đây là cách giúp em thay đổi cuộc đời”, Thắm nói.
Chỉ cao khoảng 1,4m nhưng phải ngồi thường xuyên để có thể sử dụng đôi chân cho sinh hoạt, Thắm lại càng nhỏ bé. Thế nhưng ý chí và ước mơ của em lại lớn hơn cơ thể khiêm tốn của em rất nhiều. Kết thúc cuộc nói chuyện, Thắm lại trở về bàn học ngồi tô lại bức tranh vừa mới vẽ, như thể em chưa từng để sự khiếm khuyết trên cơ thể ngăn cản niềm đam mê của mình. Đó chính là niềm đam mê của những trẻ em khuyết tật quyết tâm đến trường như những gì mà Thắm gửi gắm vào những bức tranh của em.
Liên lạc với tác giả tại: Quynhchi@rfa.org
Quỳnh Chi
Nguồn: RFA