Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 29 tháng 12 năm 2013 nơi trang 1 và trang 8 có đăng bài “Hạnh phúc nảy mầm từ mất mát“, sau đó cũng báo Tuổi Trẻ số ra ngày 31 tháng 12 năm 2013, nơi trang 9, mục Sự kiện và Dư luận có bài “Vẫn còn tình yêu đích thực trên đời“.
Bài “Hạnh phúc nảy mầm từ mất mát” kể lại câu chuyện của một người phụ nữ, chị sinh đôi hai cháu trai khi chồng chị đã mất vì tai nạn giao thông cách nay đã 4 năm. Ngay khi anh qua đời, chị đã nghĩ đến ước mơ của anh là sẽ có con trai sau đứa bé gái đầu lòng của hai anh chị, chị cậy nhờ một vị bác sĩ danh tiếng lấy tinh trùng của anh để lưu giữ, mặc dầu anh đã chết cách đó 6 tiếng đồng hồ. Theo bài báo, việc lấy tinh trùng của người chết đã 6 giờ, cất giữ 4 năm rồi thực hiện thụ tinh nhân tạo đã thành công.
Cũng trong bài báo này, có ý kiến của một vị bác sĩ khác trong chuyên ngành “Hiếm muộn vô sinh”, việc lấy tinh trùng của một người đã chết sau 6 giờ mà thành công là một sự kiện hy hữu.
Nội dung bài báo không nhấn mạnh ý tưởng thành công của kỹ thuật lấy tinh trùng của người chết, thụ tinh và sinh sản, nhưng nội dung bài báo ca tụng tình yêu tuyệt vời của người phụ nữ dành cho chồng mình dù đã khuất 4 năm, sự can đảm và ý chí vững chắc của chị.
Nội dung ca tụng tình yêu tuyệt vời trên được củng cố bởi bài báo thứ hai đăng vào ngày 31/12 như đã dẫn trên. Bài báo này lấy nhiều ý kiến đồng tình và tuyên dương người phụ nữ trong cuộc.
Tôi hoàn toàn đồng ý với những nhận định của tác giả bài báo cũng như những ý kiến lên tiếng trong bài báo thứ hai, tôi trân trọng tình cảm tuyệt vời chị dành cho anh, ý chí mạnh mẽ của chị, lòng can đảm của chị, thậm chí sự hy sinh cao thượng của chị trước quyết định vô cùng khó khăn này.
Nhưng tôi xin có ý kiến với xã hội :
1/ Khi chúng ta tôn trọng quyền làm vợ, quyền làm mẹ, quyền yêu thương, chúng ta ủng hộ. Chúng ta có nghĩ đến quyền làm con của hai cháu bé không? Hai cháu có quyền có 1 người cha không? Tại sao để thoả mãn các quyền sống của người khác mà các cháu bị tước mất quyền có cha?
2/ Chúng ta có nghĩ đến sự hình thành con người của các cháu thế nào khi các cháu không có cha? Tâm sinh lý các cháu sẽ hình thành ra sao khi hoàn toàn vắng bóng cha trong quá trình làm người?
3/ Để thành công trong việc thụ tinh nhân tạo, người ta đã phải cho thụ tinh một số lượng để có nhiều phôi thai, việc cấy thai thành công, số phận các phôi thai còn lại ra sao? Huỷ? Chúng ta bằng lòng với việc giết chết mầm sống? Để? Để để làm gì? Dùng vào việc gì? Cha mẹ của các phôi thai đó có quyền gì trên các việc sử dụng này không? Nếu có, họ có bằng lòng cho những giọt máu của họ trôi dạt vô định như vậy không?
Qui Nhơn, ngày 3 tháng 1 năm 2014
Mai Hạnh
Nguồn: ghxhcg.com