Lịch Sử Ngày Thánh Mẫu

NGÀY THÁNH MẪU 2012

“Năm 2012” là tựa đề một cuốn phim rất nổi tiếng cách đây 3 năm, cuốn phim mô tả một thiên tai như lụt thời Noe tận diệt nhân loại mà những người còn sống sót sẽ là tinh hoa của nhân loại không phải về mặt trí tuệ nhưng là nhân ái và yêu thương.

Ngày Thánh Mẫu 2012 đặc biệt hơn mọi năm, vì đây là một cái mốc đặc biệt để nhìn lại những điều kỳ diệu Chúa và Mẹ Maria đã thực hiện suốt 35 năm qua cho những người sống sót trong cuộc đào thoát vượt biển tìm tự do. Hay nói đúng hơn đây là lần thứ 35 Mẹ qui tụ tất cả con cái Mẹ đang tản mác khắp nơi trên khắp thế giới lại dưới bóng Mẹ tại thành phố Carthage nhỏ bé này, để Mẹ yêu thương che chở và khẳng định với họ là Mẹ vẫn luôn hiện diện ở đó với họ để đồng hành và săn sóc họ dù họ có lưu lạc đến phương trời nào đi nữa. Để cảm nghiệm được NTM chính là công việc của Mẹ Maria, chúng ta hãy nhìn lại 10 ngày Thánh Mẫu đầu tiên.

 

Năm 1975, vâng lời người Anh Cả dấu yêu rời Việt Nam để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công đã mang theo trong tim mình ngọn lửa yêu mến Mẹ và họ vẫn luôn khắc khoải làm thế nào để tôn vinh Mẹ và loan truyền lòng yêu mến Mẹ cho những đồng bào Việt Nam đang tha hương trên đất khách quê người.

Năm 1977, để thể hiện sự khát khao mong mỏi cho mọi người yêu mến Mẹ, các bề trên Dòng đã quyết định tổ chức ngày tôn vinh Đức Mẹ và kêu mời những người Việt Nam đang định cư tại các thành phố gần nhà Dòng đến tham dự. Người đầu tiên làm trưởng ban tổ chức là linh mục Nguyễn Đức Thiệp, CMC. Số người tham dự có chừng hơn 500 người và nhà Dòng lo cả chỗ ngủ lẫn việc ăn uống của người hành hương. Vì lần này nhà Dòng đứng ra mời nên không gọi là Ngày Thánh Mẫu.

Ngày 3/6/1978 Ngày Thánh Mẫu lần đầu tiên được tổ chức với danh nghĩa là “Ngày Đền Tạ Trái Tim Mẹ” do Nguyệt San Trái Tim Mẹ điều hành với số người tham dự là 1.540 người. Không có Giám mục nào tham dự mà chỉ có 28 linh mục. Thế nhưng Ngày Thánh Mẫu lần thứ hai diễn ra trong 3 ngày 1-3/6/1979 không những con số người tham dự tăng lên gấp đôi, có Đức Hồng Y Carberry, Tổng Giám Mục St. Louis, MO và Giám mục sở tại là Đức Cha Benard Law chủ tọa mà còn có Cuộc cung nghinh Thánh Tượng Mẹ Fatima với việc máy bay tung hoa tươi và truyền đơn xuống địa điểm hành lễ.

 

Điểm qua mười NTM đầu tiên, cứ mỗi lần tổ chức là một lần nữa ghi đậm dấu ấn lời hiệu triệu của Mẹ với con cái của mình, bắt đầu từ NTM thứ 3, khách hành hương đã thấy đến từ các tiểu bang xa như California, Florida….Dịp này ĐGM đã truyền chức Phó Tế cho 5 tu sĩ Dòng Đồng Công.

Đến NTM thứ 4, số người tham dự đã hơn 6.000 người. Lần đầu tiên, một ca đoàn Tổng Hợp đầu tiên được thành lập gồm 14 ca đoàn thuộc một số cộng đoàn và giáo xứ trên khắp nước Mỹ cùng góp tiếng trong thánh lễ Đại Trào thứ Bảy 13/6/1981. Huy hiệu chính thức cho NTM đã được ban Tổ Chức chọn là huy hiệu hình tam giác có hai bàn tay chắp đang lần chuỗi. Huy hiệu này do cố tu sĩ Carôlô M.Đinh Bá CMC họa tặng NTM và anh đã chết vì bệnh ung thư xương chỉ mấy tháng sau NTM thứ 4, huy hiệu này vẫn được dùng cho tới ngày nay chỉ thay đổi màu sắc và ngày tháng cho mỗi năm.

 

NTM thứ 5 bắt đầu vào ngày 13-15 tháng 8 năm 1982 thay vì tháng 6 như trước, số người tham dự là 8.200 người. Lần này, ngoài ĐGM giáo phận còn có Đức Cha Giacôbê Huỳnh Văn Của thuộc giáo phận Phú Cường tham dự.

 

Với con số vượt kỷ lục là 16.000 người đã về tham dự NTM thứ 6 được tổ chức trong 3 ngày từ 12-14/8/1983. Trong lần tổ chức này, ĐGM giáo phận đã cắt băng khánh thành Công Trường Nữ Vương Hòa Bình với tượng Đức Mẹ Tỵ Nạn cao 34 feet. Một công trình được xây cất hơn 1 năm trời do cha Hòa CMC chủ trì với sự ủng hộ của một gia đình ẩn danh tại Port Arthur. Về mặt giáo quyền, lần đầu tiên Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Pio Laghi tới tham dự NTM cùng 4 giám mục khác.

 

NTM thứ 7 từ  ngày 10-12-1984 trùng vào dịp kỷ niệm 2000 năm sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria. Chi Dòng Đồng Công được tổ chức Đạo Binh Xanh Quốc Tế cho phép đón rước tượng Mẹ Fatima Thánh Du về đặt tại Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ. Đặc biệt năm nay có sự hiện diện của ĐTGM Ngô Đình Thục, nguyên TGM địa phận Huế.

Hơn 22.000 người đã nô nức đổ về thành phố Carthage, Missouri để tham dự NTM thứ 8 trong 3 ngày 9-11-1985, cũng là kỷ niệm 10 năm tha hương. Nhân dịp này, cha Barnabas Nguyễn Đức Thiệp, Giám tỉnh Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ và cha Piô Nguyễn Quang Đán, trưởng ban tổ chức đặt vòng hoa tưởng niệm những người đã chết vì tự do và hòa bình trên biển cả và trong suốt cuộc chiến.

 

NTM thứ 9 trùng với dịp Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ mừng kỷ niệm 33 năm thành lập Dòng 1953-1986, đã có tới 30.000 người đổ về khuôn viên Nhà Dòng. Cũng trong dịp đặc biệt này, Đức Hồng Y Bernard Law và Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Hoa Kỳ cũng đến tham dự NTM.

Từ NTM thứ 10, ban tổ chức đã quyết định thời gian để tổ chức NTM sẽ là 4 ngày từ 6-9/8/1987. Dịp này, 40.000 người đã về tham dự NTM để mừng kỷ niệm 70 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Dịp này mọi người đã hướng về Cha Bề Trên Đaminh Maria Trần Đình Thủ , Sáng Lập Dòng Đồng Công và một số linh mục tu sĩ đang bị tù tại Việt Nam.

Từ đó NTM được tổ chức ngày một nề nếp hơn và số người tham dự tăng dần lên cho đến năm 2011 vừa rồi có khoảng 65 ngàn người tham dự.

NTM 2011

 

NTM 2011

 

NTM 2011

Nếu có ai đó hỏi rằng điều đáng nói nhất trong 35 lần tổ chức NTM là gì? Phải chăng đó là an ninh luôn được đảm bảo hay thời tiết tốt đẹp …cho dù có đôi lần bị mưa, hay là nhà Dòng tổ chức, sắp xếp công việc chu đáo. Xin thưa: Không phải, mặc dù đây là những yếu tố quan trọng trong việc tổ chức. Điều đáng nói nhất ở đây chính là Mẹ Maria. Chính Mẹ đã chọn thành phố nhỏ bé này, và chính Mẹ đã soi sáng,dẫn dắt muôn người từ muôn phương về đây, không có sự quảng cáo hay sức mạnh nào có thể làm cho hàng chục ngàn người bỏ giường êm, nệm ấm để đến NTM mấy ngày liền, ngủ lều, nằm đất, chịu đủ thứ bất tiện. Ngoài Mẹ Maria không có một tổ chức nào, một Hội Dòng nào có thể làm được như vậy. Hầu hết những người đã đến tham dự NTM đều cảm nhận được Tình Mẹ Maria qua các bí tích, qua thời tiết, an ninh…….để có thể nói NTM là “những ngày của Mẹ.”

By Thiên Minh

July 04, 2012

Nguồn: Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment