Hồi cuối tháng 11 năm 2012 tổ chức ”Các quốc gia Mỹ châu” (OSA) đã mạnh mẽ tố cáo nạn buôn bán nô lệ mới gồm 21 triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em do một mạng nhện đa quốc điều khiển, và hầu như phân nửa số nạn nhân thuộc các nước Trung và Nam Mỹ. Họ không chỉ là nô lệ tình dục trong kỹ nghệ mại dâm, mà cũng là nô lệ của cưỡng bách lao động và buôn bán cơ phận người nữa. Sau kỹ nghệ buôn bán ma túy và khí giới, nạn buôn bán nô lệ là kỹ nghệ đem lại nhiều lợi nhuận hàng chục tỷ mỹ kim mỗi năm.
Trong hội nghị lần thứ III của các chính quyền Mỹ châu La tinh tại Guatemala hồi trung tuần tháng 10 năm 2012, ông Albert Ramdin, Phó tổng thư ký tổ chức ”Các quốc gia Mỹ châu”, cho biết nạn buôn bán nô lệ mới là một kỹ nghệ đa quốc hàng năm thu vào 30 tỷ mỹ kim cho các tổ chức tội phạm trên thế giới, trong đó có 16 tỷ thuộc các tổ chức tội phạm châu Mỹ Latinh. Các nạn nhân nô lệ mới này thuộc nhiều nước khác nhau: từ Paraguay tới Argentina, từ Bolivia tới Brasil, từ Colombia tới Ecuador, từ các quốc gia Trung Mỹ như Guatemala, El Salvador, Honduras hay Nicaragua tới Mehicô, và họ bị bán sang Hoa Kỳ.
Tổ chức buôn bán nô lệ mới này là một mạng nhện quốc tế. Nó liên tục thay đổi các chiến thuật và các đường dây vận chuyển người để tránh né các lực lượng cảnh sát. Thật khó có thể xác định được con số các nạn nhân, nhưng theo ước đoán của tổ chức ”Các quốc gia Mỹ châu” trên toàn thế giới hiện có khoảng 20,9 triệu người, trong đó có 9 triệu tại châu Mỹ Latinh, và trong số này có 1,2 triệu trẻ em và người trẻ vị thành niên.
Ông Ramdin cho biết tổ chức có bổn phận luân lý trợ giúp những người không phương thế tự vệ, bởi vì những người điều khiển các mạng lưới buôn bán này khai thác các yếu kém của các hệ thống an ninh và pháp lý, cũng như các điều kiện sống thất vọng của các nhóm dễ bị tổn thương nhất. Thực ra cũng đã có một ít tiến triển trong việc phòng ngừa nạn buôn bán người, nhưng cũng cần phải hoạt động mạnh mẽ để trừng phạt những người phạm tội buôn bán người, phục hồi các nạn nhân qua các chiến dịch thông tin và gây ý thức nữa.
Để chiến đấu chống nạn buôn người chính quyền Argentina loan báo đưa ra một chương trình mới và kêu gọi sự cộng tác của 300.000 tài xế vận tải trong việc nhận diện các nạn nhân của mạng lưới buôn người.
Hàng năm khi làm giấy triển hạn bằng lái xe vận tải, họ phải xem một cuốn video dài 18 phút kể lại câu chuyện của ba nạn nhân mạng lưới buôn bán nô lệ. Câu chuyện thứ nhất của Ana, một cô gái mang thai bỏ quê nhà nhưng rơi vào tay tổ chức mại dâm; chuyện thứ hai là Gabriel, khách làng chơi khám phá ra rằng các phụ nữ tại hộp đêm không phải các nhân viên làm việc mà là nô lệ tình dục. Và câu chuyện thứ ba của một người cha có con gái vị thành niên di theo một bạn trai để tìm việc làm.
Tuy nhiên, câu chuyện khiến cho dư luận Argentina bàn tán nhiều nhất liên quan tới cô Maria Veron, bị một tổ chức mại dâm bắt cóc cách đây 10 năm. Để tìm con, mẹ của cô đã mạo hiểm đột nhập thế giới buôn bán nô lệ nguy hiểm này và đã thu thập chi tiết các chứng cớ để đưa các tay anh chị đầu sỏ của tổ chức buôn người ra trước tòa án, nhằm cứu vớt bao phụ nữ khác là nạn nhân như con bà.
Sau khi xem cuốn video, bà cho biết bây giờ bà cảm thấy dễ chịu vì tiếng kêu và nỗi đau đớn của bà đã sinh ích lợi cho một ai đó.
Theo bà Lydia Cacho, nhà báo, tác giả cuốn sách tựa đề ”Các nữ nô lệ của quyền bính”, các nước châu Mỹ Latinh có một hệ thống pháp luật yếu kém, vì khống có luật trừng phạt khách chơi điếm. Nếu không có nhu cầu, thì cũng không có việc cung cấp. Có lẽ các quốc gia châu Mỹ Latinh phải áp dụng luật của Thụy Điển phạt nặng những người đi chơi điếm.
Bà Norma Ramos người Porto Rico, thuộc Liên minh chống tệ nạn buôn bán phụ nữ và các bé gái tại châu Mỹ Latinh và vùng Caraibi, nhấn mạnh rằng cần phải đập bỏ bức tường thờ ơ, và coi ý niệm mại dâm như công việc là điều bất hợp pháp. Tệ nạn buôn người là dịch vụ mang lại nhiều lợi nhuận nhất sau nạn buốn bán ma túy và vũ khí. Bà Teresa Ulloa, giám đốc Liên minh chống nạn buôn bán phụ nữ và các bé gái, cho biết một liều ma tùy chỉ được bán có một lần. Trong khi một phụ nữ hay một trẻ em bị bán một ngày có khi 40, 50 lần, mỗi lần kiếm được 40 hay 60 mỹ kim; và họ có thể bị các tổ chức buôn bán mại dâm khai thác bóc lột tới 5 năm.
Bên cạnh các phụ nữ và trẻ em nô lệ kỹ nghệ tình dục, nạn nhân của các tổ chức mại dâm, bên châu Mỹ Latinh cũng có các nạn nhân lao động nữa. Điển hình là trường hợp của một thanh niên tỉnh San Lorenzo bên Ecuador. Một người hàng xóm đề nghị với anh một việc làm với lương tháng 150 mỹ kim, bao ăn ở, trong một nông trại ở Narinho, bên kia biên giới Colombia. Ông hàng xóm này được trả tiền bởi Mặt trận võ trang cách mạng Colombia, gọi tắt là FARC, để tuyển mộ nhân công. Khi đứng trước ”phòng thí nghiệm” của nông trại bên Colombia, chàng thanh niên nói trên mới hiểu rằng đây là nông trại sản xuất cocain của lực lượng du kích quân. Các công nhân hầu hết là trẻ em vị thành niên. Trong 4 năm liên tiếp anh phải làm việc tại đây, mỗi ngày chỉ được ăn một bữa, nhà ngủ chung chìm ngập trong mùi của các hóa chất dùng để chế tạo cocaine.
Anh đã không bao giờ được lãnh lương tháng 150 mỹ kim, trái lại đã chỉ nhận được sự ngược đãi, đánh đập, và phải chứng kiến các vụ trừng phạt tàn bạo đối với những ai tìm cách trốn chạy cuộc sống nô lệ này. Nhưng anh đã cùng với các bạn trẻ khác may mắn được quân đội chính phủ giải thoát trong một trận họ bố ráp các du kích quân và khám phá ra nông trại sản xuất ma túy này. Nhờ thế sau đó thanh niên này đã có thể trở về San Lorenzo.
Cách San Lorenzo gần 200 cây số có một thành phố khác tên là Ibarra. Tại đây có một thiếu nữ cùng với gia đình đã đến từ Toribia, trong vùng Cauca Colombia, và sống hai năm trong tình trạng bị kẹt giữa Mặt trận vũ trang cách mạng Colombia và quân đội chính phủ. Cùng lâm tình trạng nằm giữa hai lằn đạn này với gia đình nàng có 10.000 gia đình thổ đân khác. Khi anh nàng bị giết, cả gia đình đã trốn sang bên Ecuador. Khi tới Tulcán, họ không biết là có thể làm đơn xin tị nạn. Có một người quen giới thiệu cho cô làm việc trong một quán bán rượu. Nhưng cô đã chỉ có thể làm việc một tuần, vì đã bị đánh đập, hãm hiếp, và bị bó buộc làm điếm, nếu không thì cả gia đình sẽ bị sát hại. Khi ông chủ quán quyết định lấy cô làm vợ tại Ibarra, lúc đó cô mới 16 tuổi. Tại Ibarra có nhiều khách xộp hơn tại Tulcan. Nhưng chính tại đây trong một vụ lùng bắt phụ nữ mại dâm cô đã được cảnh sát giải thoát.
Cả hai câu chuyện trên đây đều thật, và các nạn nhân vẫn còn bị kinh hoàng mặc dù đã may mắn tìm lại được tự do. Trong vùng biên giới giữa Colombia và Ecuador mỗi tháng có 1.500 người thuộc các tổ chức tội phạm qua lại làm ăn. Hồi tháng 5 năm 2012 Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc đã báo động nạn buôn người này. Các nạn nhân thường là phụ nữ và trẻ em.
Bà Sonia Aquilar, nhân viên Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc, cho nữ phóng viên Michela Coricelli của nhật báo Tương Lai của Hội Đồng Giám Mục Italia, biết các người tị nạn là những người rất giòn mỏng. Nhưng họ không phải là các nạn nhân duy nhất của các tổ chức buôn người. Trên thực tế có một loạt các hoạt động song song và thường khi đối nghịch nhau. Theo bản tường trình cuối cùng của Hoa Kỳ, Ecuador là một nước gốc nơi phát xuất của các nạn nhân, đồng thời cũng là nơi chuyển tiếp và là đích đến của kỹ nghệ buôn người.
Bà Maria Isabel Moncayo, giáo sư xã hội học thuộc phân khoa khoa học chính trị và xã hội đại học thủ đô Quito, cho biết trước hết đây là nạn buôn phụ nữ để cung cấp cho thị trường mại dâm, nói chung các nạn nhân là các thiếu nữ. Họ là thiếu nữ các vùng quê nghèo Ecuador cũng như các thiếu nữ tị nạn Colombia. Mại dâm là điều hợp pháp bên Ecuador. Nhưng các thiếu nữ này bị cưỡng bức mại dâm. Để tránh các vụ lùng bắt của cảnh sát, họ bị di chuyển và thay đổi chỗ ở liên tục, từ Ibarra tới Santo Domingo, rồi tới Pichincha và Guayaquil. Ngoài ra, trong vùng hồ Agrio, San Lorenzo và Imbabura có một mạng lưới tuyển chọn các người trẻ từ 15 tới 25 tuổi cho các nhóm vũ trang, tức các du kích quân và lực lượng bán quân sự người Colombia. Nói chung các người trẻ này phải làm việc trong các nông trại chế tạo và sản xuất coca, là nguồn lợi nhuận chính của các lực lượng vũ trang này.
Sau cùng còn có nạn buôn bán trẻ em thổ dân trong các vùng Otavalo, Cotocachi và Colta. Các em được tuyển chọn như con ăn đầy tớ làm đủ mọi thứ việc trong các gia đình giầu ở thủ đô Quito. Không ai biết căn cước chính xác của hiện tượng này. Có một nghiên cứu bảo vệ dân dụng nói tới con số 6.000 người. Nhưng tổ chức phi chính phủ ”Biên giới Bắc” cho biết chỉ nội trong năm 2011 con số này là 100.000 người. Bà Moncayo nói tôi không biết con số chính xác, nhưng biết là có rất nhiều nạn nhân, bởi vì có tệ nạn gian tham hối lộ rất trầm trọng giữa các giới chức chính quyền có nhiệm vụ chống lại dịch vụ buôn người này. Họ nhận tiền hối hộ của các tổ chức buôn bán nô lệ. Vì thế chẳng có ai trừng phạt các tay tội phạm. Bằng chứng là giữa các năm 2008-2011 tại Ibarra, là một trong các thành phố trung tâm của nạn buôn người, đã chỉ có 7 vụ xét xử và kết án các tay tội phạm.
(Avvenire 24-11-2012)
Linh Tiến Khải
Nguồn: Vietvatican