Thử hỏi, là con người có ai muốn sinh ra phải sống trong nghèo khó, phải chấp nhận làm thân phận của một ôsin nơi xứ lạ quê người?
Gần đây, thông tin về thị trường “xuất khẩu lao động” sang Hàn Quốc có nguy cơ bị đóng cửa vĩnh viễn (hiện tại là tạm dừng) làm đau đầu các nhà quản lý, nhất là người đứng đầu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Những giải pháp chỉ có tính nhất thời
Nguyên nhân của vấn đề này được phía Hàn Quốc xác nhận là do nhiều người Việt Nam sau khi hết hợp đồng lao động đã không chịu về nước, mà tìm cách bỏ trốn, cư trú trái phép lại nước họ.
Qua các phương tiện truyền thông, được biết theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu Hàn Quốc đóng cửa vĩnh viễn thị trường lao động phổ thông này thì sẽ gây thất thu cho nền kinh tế nước nhà ít nhất cũng trên dưới 1 tỷ USD mỗi năm.
Một câu hỏi cấp thiết đang đặt ra là làm sao để trong thời gian sớm nhất người Hàn Quốc thay đổi quyết định, mở cửa lại thị trường nhập khẩu lao động từ Việt Nam?
Nhiều người cho rằng giờ chỉ còn một cách duy nhất là phải quay về nhà đóng cửa lại mà “dạy bảo”, “uốn nắn” lại dân mình thôi. Trước mắt, các nhà quản lý địa phương phải làm tốt công tác giáo dục và tuyên truyền đến người dân ý thức chấp hành những quy định liên quan đến vấn đề xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Phải giáo dục cho người dân về lòng tự trọng, về phẩm giá “nghèo cho sạch rách cho thơm” của người Việt để không phải mang tiếng xấu với thiên hạ…
Ngoài ra, các nhà làm luật cũng cần vắt óc để nhanh chóng soạn ra những chế tài xử lý các cá nhân không chấp hành quy định của pháp luật, những địa phương nào không quản lý tốt chuyện người lao động khi qua nước sở tại, để họ tìm cách bỏ trốn…
Xin thưa, câu trả lời hoàn toàn không phải như vậy. Những giải pháp trên thực ra chỉ có tính nhất thời mà thôi. Từ góc nhìn văn hóa mà nói, những giải pháp trên suy cho cùng chưa thể hiện được cái sự “vì dân”, chưa thấy rõ ý thức trách nhiệm của người điều hành và quản lý xã hội.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Vậy phải làm gì để giải quyết tận gốc vấn đề này? Đâu mới được xem là giải pháp mang tính căn cơ và lâu dài nhằm khắc phục triệt để tình trạng trên? Có lẽ, trước khi bàn về chuyện này thiết nghĩ cũng nên trao đổi vài vấn đề xung quanh việc xác định nguyên nhân nào đã làm cho người dân Việt Nam khi ra nước ngoài lao động đã bỏ trốn và không chịu về nước.
Dù muốn dù không, phải thẳng thắn thừa nhận là người Việt tuy là đã “mở cửa” làm ăn với bạn bè thế giới đã lâu, nhưng nhìn chung đến nay vẫn chưa thật sự có “tác phong công nghiệp” trong lao động.
Điều này ngay cả với những người được xem là có học hành và có tri thức hẳn hoi, chứ đừng nói đến những người dân vốn có xuất phát điểm là nền tảng học vấn, giáo dục thấp, phải chấp nhận ra nước ngoài làm những việc chủ yếu thiên về “chân tay”, “cơ bắp” (lao động phổ thông).
Tuy vậy, nếu chỉ khăng khăng cho rằng, “ý thức chấp hành lao động kém” là nguyên nhân căn bản và chủ yếu nhất của vấn đề trên thì đó là cái nhìn rất vô cảm đối với người nghèo trong xã hội. Cái nhìn của những kẻ chỉ quen ngồi trong “phòng lạnh” và chỉ tay năm ngón, mà không thấy hết những khó khăn vất vả của người dân trên bước đường lưu lạc, tha hương tìm kế sinh nhai.
Trước hết, chúng ta thử mổ xẻ bản chất của vấn đề “xuất khẩu lao động” ở nước ta trong thời gian qua là gì.
Cụm từ này đọc lên nghe rất hay, cho có vẻ sang, chứ thực ra là những người dân nghèo – những người có trình độ học vấn thấp qua những nước có nền kinh tế phát triển, đời sống tốt hơn để làm… “ôsin” cho họ.
Nhìn ở góc độ văn hoá, đó cũng là nỗi đau và nỗi buồn. Vì một dân tộc vốn có bề dày lịch sử, văn hóa rất lâu đời, vậy mà khi “mở cửa” trao đổi, hợp tác làm ăn với bên ngoài, những lúc cần nhập thì chúng ta phải nhập “ông chủ”, nhập “chuyên gia”, còn khi xuất thì chủ yếu là xuất… “ôsin”. Thậm chí giờ đây việc “xuất ôsin” này đang có nguy cơ bị người ta từ chối nữa.
Xin hỏi, đã có những chuyên gia kinh tế, chuyên gia văn hoá nào bình tâm suy nghĩ kỹ chuyện này chưa?
Đó là cái nhìn ở tầm “vĩ mô”. Còn ở góc độ “vi mô”, chỉ có những người dân nghèo, trình độ văn hóa thấp (đa phần là vậy) mới chấp nhận bỏ xứ mình để sang xứ người làm những công việc nặng nhọc, vất vả của một ôsin, những việc mà người dân nước sở tại họ không muốn làm.
Đau đớn thay, để được làm ô sin nước người, có khi cả gia đình, cả dòng họ phải đi vay mượn khắp nơi để hoàn thành các thủ tục cần thiết theo đúng quy định của hai nước trong vấn đề cam kết trao đổi lao động.
Nếu đơn giản nhìn sự việc ở phương diện cuộc sống là sự trao đổi, bán mua; nhìn vấn đề ở chỗ bị thất thu 1 tỷ USD/ năm… thì chúng ta sẽ không bao giờ hiểu và cảm thông với những nỗi đau đớn, sự tủi hổ, nhục nhã, ê chề; cái tâm trạng “chẳng đặng đừng” của những người dân nghèo. Nhất là người dân ở một số tỉnh nghèo miền Trung hay phía Bắc đang bằng mọi cách để được đi ra nước ngoài, sau đó thì trốn chui trốn lủi ở lại làm ôsin cho thiên hạ.
Thử hỏi, là con người có ai muốn sinh ra phải sống trong nghèo khó? Phải chấp nhận làm thân phận của một ôsin nơi xứ lạ quê người không?
“Cáo chết ba năm quay đầu về núi”,”lá rụng về cội”,”nước chảy về nguồn”… tất cả những điều này vốn đã ăn sâu trong tâm thức bao đời của người Việt. Cho nên, vì một lý do nào đó mà người dân buộc phải “tha hương cầu thực”, buộc phải vợ xa chồng, anh xa em, con xa mẹ (cha)… thì phải hiểu rằng đó là một tình cảnh bất đắc dĩ, chẳng một người dân nào muốn.
Ngày xưa, ông thi sĩ “nhà quê’ Nguyễn Bính chỉ mới làm mấy chuyến “hành phương Nam” thôi mà đã ngậm ngùi thế này:
Chờ nửa vầng trăng, trăng chẳng lại
Đêm dài đằng đẵng, đêm bao la
Cũng may cho những người lưu lạc
Càng khỏi trông trăng khỏi nhớ nhà
Mấy tháng chưa nguôi sầu hận cũ!
Nằm đây chăn chiếu của người ta… (Trích Đêm mưa đất khách)
Phải giáo dục cho người dân về lòng tự trọng, về phẩm giá “nghèo cho sạch rách cho thơm” của người Việt để không phải mang tiếng xấu với thiên hạ…
… Xin thưa, câu trả lời hoàn toàn không phải như vậy. Những giải pháp trên thực ra chỉ có tính nhất thời mà thôi. Từ góc nhìn văn hóa mà nói, những giải pháp trên suy cho cùng chưa thể hiện được cái sự “vì dân”, chưa thấy rõ ý thức trách nhiệm của người điều hành và quản lý xã hội.
Nguyễn Bính chỉ mới tha hương trong nước thôi mà đã như vậy. Còn những người dân nghèo của chúng ta hiện nay thì sao? Họ phải lưu lạc nơi xứ người để làm những công việc cực nhọc không ai muốn làm là vì cơn cớ gì?
Là vì cuộc sống hiện tại ở quê nhà quá nghèo khó vất vả. Là chấp nhận hy sinh bản thân để kiếm tiền gửi về quê trả nợ, để lo cho cha yếu mẹ già, cho con cái có miếng cơm manh áo, có sách vở đến trường; để dành dụm chút đỉnh để phòng khi bệnh tật đau yếu. Để phòng thiên tai bão lũ bất ngờ ập xuống đầu họ lúc nào không hay…
Cho nên, đâu phải chỉ vì nguyên nhân họ “không có ý thức”, “kém ý thức” hay không biết giữ “thể diện quốc gia” để rồi chấp nhận trốn chui trốn lủi, chấp nhận cam chịu cảnh bơ vơ một mình nơi xứ lạ quê người.
Mà sao lại phải bắt những người dân nghèo, trình độ học vấn thấp gánh vác trọng trách “giữ thể diện quốc gia” lớn lao này chứ? Vì lẽ ra, trách nhiệm này thuộc về những người có “văn hoá”, có “học thức” cao đang quản lý và điều hành đất nước mới công bằng.
Thử hỏi, đã có những “chuyên gia kinh tế”, những nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý lao động nào nghĩ đến để thấu hiểu, cảm thông và sẻ chia những nỗi niềm, tâm tư của những người dân, vì nhu cầu sinh tồn mà họ đã buộc phải bỏ xứ, đi tìm miếng cơm manh áo nơi xứ lạ quê người hay chưa?
Nếu chúng ta không thay đổi cách tư duy, không có cái nhìn xa trông rộng, đặc biệt là không biết “thương dân như con”; không biết xấu hổ trước sự thua kém của dân tộc và đất nước thì cùng lắm chỉ tìm ra những giải pháp có tính nhất thời mà thôi.
Bao giờ cán cân “nhập – xuất” xoay chiều
Muốn có giải pháp lâu dài để giải quyết vấn đề này thì ở cấp độ quản lý nhà nước, ngành chức năng cần thay đổi cách tư duy.
Thay vì cứ ngồi đó năn nỉ và thuyết phục người Hàn Quốc mở cửa lại thị trường “xuất khẩu lao động phổ thông” (để không bị thất thu mỗi năm 1 tỷ USD) sao chúng ta không nghĩ đến chuyện năm mười năm sau Việt Nam sẽ không còn cảnh nhập “ông chủ”, nhập “chuyên gia” và xuất… “ôsin” nữa?
Sao không nghĩ nhất định làm sao để cán cân “nhập – xuất” này phải xoay chiều ngược lại? Nói một cách cụ thể hơn, các chuyên gia kinh tế, cách nhà hoạch định chính sách hiện nay cần phải đưa ra quyết định lựa chọn một trong hai phương án sau:
Một, là chấp nhận “an phận thủ thường” để được thu về 1 tỷ USD một năm bằng việc “xuất khẩu… ôsin” lâu dài và mãi mãi.
Hai, đột phá trong tư duy quản lý; trong điều hành và xây dựng nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo đói. Tạo công ăn việc làm với lợi thế là nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có. Xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội thật tốt chăm lo ổn định đời sống người dân…
Để người dân tự triệt tiêu cái “ước mơ” xuất ngoại, và sau đó là trốn chui trốn nhủi cam phận ôsin nơi xứ người, vô tình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến “thể diện quốc gia” trên trường quốc tế hiện nay.
Nguyễn Trọng Bình
Nguồn: Tuần Việt Nam