Thư gởi tất cả những người đã cầu nguyện cho Paris

#Pray For Paris. Đó là câu “Treo Tường” (hashtag, Trending Topic) được dùng nhiều nhất từ chiều thứ sáu 13 tháng 11. Một tiếng kêu đồng nhất của thế giới trong ngày thứ sáu u ám này. Không ai chờ có một tiếng kêu từ tâm linh lóe ra một cách kỳ lạ, chưng hửng như thế này. Dù vậy, đây lại là phản ứng đầu tiên của người dân thành phố Paris đang tê điếng, của người dân Pháp đang cảm thấy mình bất lực, của những người ở ngoài nghe tin bị choáng váng.

Trong đêm kinh hoàng từ thứ sáu đến thứ bảy, câu hashtag này truyền đi trên các mạng xã hội như tiếng kêu thống thiết, tiếng xin cấp cứu, một SOS kêu gào đến mọi người và đến Thiên Chúa. Khi đứng trước chuyện kinh hoàng và hãi sợ tột cùng, lời cầu nguyện là phương cách đầu tiên và cuối cùng để xin cầu viện. Lời cầu xin tối hậu này biểu lộ một sự khát khao vô tận cho điều siêu việt, một ước muốn có được điều tâm linh, một khát khao đi tìm câu trả lời, một cuộc đi tìm sự thật, một ước muốn có được cái nhìn của Chúa. Những con người đang trên đường đi tìm. Trong đêm tối tăm 13 tháng 11, họ đi tìm điều họ đã quên, điều họ không được truyền lại: thiêng liêng tính trong lòng họ.

Trong một xã hội giáo dân siêu thế tục, nơi tôn giáo tuyệt đối phải ở trong khuôn viên riêng tư, nơi con người ở trọng tâm mọi sự và nơi cá nhân nắm mọi hành động, mọi suy nghĩ thì tiếng kêu này làm phiền, nó hét lên không đúng chỗ. Vậy mà tiếng kêu đang ngủ sâu trong lòng chúng ta lại lóe lên như bản năng sơ đẳng của sự sống còn, của nhân loại đang hấp hối tuyệt vọng đi tìm một sự hiện diện, như đứa con đi tìm mẹ: “Mẹ ơi, cứu con với!”

Sự thức dậy về mặt thiêng liêng nơi từng người dân Pháp mang một hy vọng to lớn; không phải cái hy vọng tuyệt vọng của những tên điên cuồng của Allah, những tên giết người nhân danh Chúa không có một chút gì mang tính thiêng liêng, họ chỉ là con quỷ độc hại, làm thoái hóa bản chất đức tin của những người Hồi giáo thiện tâm. Lời van xin này, lời xin cầu nguyện chân thành này đơn giản là lời biểu lộ tính người trong mỗi con người chúng ta, là lòng nhân nảy nở nơi cái gì mang tính người nhất của nhân loại, đó là nơi thần thánh nhất: tâm hồn của con người.

Tâm hồn, tiếng latinh là anima, là can đảm, là quả tim nồng cháy, là điều làm cho con người sống, làm cho con người trở thành người. Dù tin hay không tin vào Chúa, chúng ta đều nhận thấy nơi mỗi tâm hồn lòng khát khao một cái gì đó lớn hơn mình, sự đi tìm một chân lý chung này, sự đi tìm điều vô tận để trả lời khi đứng trước điều vô nhân ở trong chính lòng mình.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tự xưng muốn gieo chiến tranh của các tôn giáo và của các nền văn minh và nhận mình là tác giả của các cuộc khủng bố ở Paris, thành phố “mang cờ hiệu thánh giá”. Lời tuyên bố rõ ràng, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tự xưng nện những cú đấm của mình để chống nền văn minh dothái-kitô, vừa “ngoại đạo” vừa là “thập tự chinh”, theo như tuyên bố của họ. Không một người Pháp nào thấy mình trong những thuộc từ này. Sự tuyên truyền này đã nuôi ảo tưởng cho người Hồi giáo cực đoan, vì thế ở đây chúng ta có thể rút ra bài học cho những việc làm sắp tới của mình: chính di sản của chúng ta là lòng dũng cảm và việc đi tìm công chính, sở thích vui thú những điều tốt đẹp của cuộc sống như tình yêu cho cuộc sống, tha thứ và hy vọng, di sản của nền văn hóa, tất cả những chuyện này là câu trả lời cho sự man rợ.

Tuy nhiên chúng ta phải ý thức một chuyện: vượt lên cuộc chiến tranh của các tôn giáo, của các nền văn minh, của các dân tộc, theo quan điểm của mỗi người, thì cuộc đấu tranh đích thực vẫn là cuộc dấn thân về lãnh vực thiêng liêng. Sự Thiện chống sự Dữ. Không phải chủ thuyết Thiện Ác, sự Dữ thể hiện nơi các xung đột thế giới trong thế kỷ vừa qua đã tàn phá nhân loại. Sự Dữ ngày nay thể hiện nơi Nhà nước Hồi giáo Tự xưng. Còn sự Thiện là phần chúng ta phải xây dựng. Nhưng trong một thế giới mà chủ nghĩa cá nhân đứng hàng đầu, nơi chủ nghĩa tương đối ngăn mọi chân lý được hoàn tựu, nơi văn hóa là hoa trái của các ý thức hệ chứ không phải là di sản chung, nơi đời sống bị khinh khi bởi những lực siêu mạnh làm chết người, thì sự Thiện thật sự không tìm được chỗ đứng của nó. Như thế, phần việc của chúng ta là phải biến đổi xã hội của mình, một xã hội bị tấn công từ bên ngoài vì các giá trị của mình, bị gặm nhắm bên trong vì mặc cảm của mình. Chúng ta hãy để cho các thói quen, cho tiện nghi trí tuệ của chúng ta được lay động bởi sự vươn lên trong tinh thần thiêng liêng này.

pray for paris

Đây là sự đòi hỏi của một cuộc hoán cải, có nghĩa là sự thay đổi tâm hồn, của tất cả, bắt đầu bởi hệ thống truyền thông: ngày thứ bảy 14-11, câu #Cầu nguyện cho Paris,(#PrayForParis) đã nhanh chóng bị câu “Hòa bình cho Paris, Peace for Paris”, che khuất, câu này cũng mạnh. Nhưng ký hiệu của Woodstock đã khéo léo tài tình biến qua hình ảnh tháp Eiffel, nhắc lại những năm 70, những năm huy hoàng trong nhiều lãnh vực nhưng cũng là những năm thế giới quay lưng với tâm linh, nền tảng của nền văn minh chúng ta, những năm dẫn đến chủ thuyết tương đối như chúng ta đã biết. Ký hiệu này, không quá ngây thơ, là bằng chứng cho sự chiến đấu nội hướng mà đất nước chúng ta phải chiến đấu cho những ước nguyện sâu xa nhất của mình. Và các phương tiện truyền thông phải cẩn thận kỹ lưỡng duy trì khuôn mặt của các giá trị phổ quát Hòa bình và Tình yêu để nó không bị xây trên cát. Như sự hợp nhất quốc gia trong ngày 11 tháng 1, (sau vụ tấn công tòa báo Charlie Hebdo) chỉ kéo dài ngọn lửa trong vài ngày vì thiếu nền tảng thật.

Nếu chúng ta muốn tạo một tinh thần của sự Thiện đích thực chứ không phải một tinh thần mong manh như ngày 11 tháng 1, thì chúng ta phải đi ra khỏi cái lôgic của các giá trị bị giết trong trứng này, để nó trở thành tầm mức thiết yếu nhất của con người, tầm mức thiêng liêng.

Vậy, câu #Cầu nguyện cho Paris, #PrayForParis sẽ là biểu tượng được mọi người đảm nhận để chiến đấu cho sự Thiện một cách hiệu quả và đích thực, chứ không phải cuộc chiến sẽ bị hụt hơi trước bất cứ một bất hòa chính trị nào. Để thực sự đi đến “Hòa bình cho Paris, Peace for Paris” chúng ta phải tỉnh ngộ tinh thần #Cầu nguyện cho Paris đang ngủ trong mỗi người chúng ta.

aleteia.org
Marta An Nguyễn chuyển dịch

Ghi chú: Vì lý do nghề nghiệp, tác giả bài viết này xin giữ ẩn danh. Cô là người Paris, công giáo, 25 tuổi, người đã cầu nguyện cho Paris, cho hòa bình vào chiều thứ sáu như mọi người khác. Cô không phải là người có tiếng, cũng không đặc biệt dấn thân, cô đơn thuần là một tín hữu Kitô đã phản ứng trước cái khát thiêng liêng mà cô thấy lóe ra trong ngày thứ sáu vừa qua.

Nguồn: Lam Hồng

Chia sẻ Bài này:

Related posts