“Tương lai đang thúc giục chúng ta viết nên những trang sử mới” là tựa đề của bài viết của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang được đăng trên hai tờ báo Đảng quan trọng là Nhân Dân và Sài Gòn Giải Phóng hôm qua (23/08/2012).
Bài viết này được dư luận quan tâm vì nó xuất hiện chỉ ba ngày sau vụ bắt ông Nguyễn Đức Kiên (hay còn được gọi là Bầu Kiên) -một trong những người giàu nhất Việt Nam và cũng được coi là ‘ông trùm ngân hàng’- vì bị nghi có ‘sai phạm liên quan đến hoạt động kinh tế’.
Việc bắt một nghi phạm cao cấp, có nhiều ảnh hưởng thuộc ngành ngân hàng diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối diện với nhiều vấn nạn, như tham nhũng tràn lan, làm ăn thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước và Đảng Cộng sản đang chủ trương ‘phê và tự phê’ làm giới quan sát, dư luận tò mò muốn xem bài viết của ông Chủ tịch có hé mở điều gì mới hay đưa ra được một hướng đi cụ thể, mạnh bạo, kiên quyết nào để giải quyết những vấn nạn đó.
Bài viết cũng được đón đọc vì kể từ khi được bầu vào ghế Chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang cũng có không ít lần trực tiếp gặp dân, lắng nghe những bức xúc của họ và chính thức lên tiếng hay thừa nhận những tệ nạn, yếu kém trong quản lý kinh tế tại Việt Nam.
Gần gũi và thực tế hơn
Bài viết mở đầu bằng việc nhắc lại ‘truyền thống’ cũng như những ‘thành quả Cách mạng’ kể từ cuộc Cách mạng Tháng Tám, Tuyên ngôn độc lập năm 1945, đến chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954, ‘thắng lợi vĩ đại Mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước’, tới ‘công cuộc Ðổi mới’.
Nhiều đoạn sau đó trong bài viết cũng lặp lại những ‘thắng lợi’ quá khứ này. Tuy vậy, có thể không ai cảm thấy ngạc nhiên vì đó là một bài viết quan trọng của người đứng đầu nhà nước Việt Nam, lại được đăng trước ngày Quốc khánh, dù bài viết này chủ yếu nhắm tới tương lai.
Trong một bài viết có tựa đề ‘Khi Chủ tịch nước tập làm văn’, Trương Duy Nhất -một blogger có tiếng, thường viết về các vấn đề, nhân vật quan trọng ở Việt Nam- cho rằng bài viết của ông Sang là một ‘bản thông điệp nguyên thủ chung chung, khẩu hiệu, sáo rỗng đến nhàm chán’.
Nhưng so với các diễn văn, bài viết khác của giới lãnh đạo Việt Nam, xét về ngôn từ, văn phong và nội dung, bài viết này của ông Trương Tấn Sang ít giáo điều và xem ra cũng gần gũi và thực tế hơn.
Chẳng hạn, khi đề cập đến việc giải quyết những khó khăn mà Việt Nam đang phải đối diện, ông cho rằng giải quyết những khó khăn đó -thậm chí những việc tưởng như đơn giản- không phải lúc nào cũng dễ dàng vì ‘xã hội với đủ sắc màu, với những cách nghĩ, những quyền lợi, những ứng xử khác nhau, chằng chịt, cái này níu bám và kìm giữ cái kia; cái “chăn ấm” vô tình kéo sang bên này thì bên kia bị “lạnh”’.
Dù không nói cụ thể, nhưng qua các diễn đạt như vậy, có thể ông muốn nhấn mạnh sự dung hòa và điều phối nhu cầu, lợi ích nhiều thành phần khác nhau trong xã hội Việt Nam – một xã hội trong đó khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng lớn.
Do vậy, tuy không ‘khuyến khích bình quân chủ nghĩa’, trái lại ‘chấp nhận sự cạnh tranh’, ông đề cập đến và ‘tôn vinh lòng nhân ái, chia sẻ, yêu thương và cùng đấu tranh để chấm dứt nghèo đói, dốt nát và bệnh tật’.
Thừa nhận yếu kém, nhức nhối
Nhưng điều đáng chú ý trong bài viết này là ông nêu lêu những vấn nạn, những nhức nhối mà Việt Nam đang phải đối diện.
Ông viết: ‘hàng ngày lật giở các trang báo, gặp gỡ các cán bộ, đảng viên và nhân dân, ai cũng có một điều gì đó, một bức xúc hoặc không đồng tình nào đó động chạm đến bản thân hoặc do chính sách, do tổ chức thực hiện. Thậm chí, nhiều khi ta bắt gặp sự phản ứng đến mức phẫn nộ’.
Vì theo ông, dù ‘đã có những thành tựu, an ninh vẫn ‘chưa ổn về mặt xã hội, dẫn đến những tranh luận nhiều khi gay gắt, thậm chí xung đột. Giá cả các mặt hàng leo thang kéo theo nhiều hệ lụy; chuẩn mực giá trị bị đảo lộn và xem thường dẫn đến pháp luật kỷ cương, đạo đức xã hội bị xói mòn nghiêm trọng’.
Ông cũng nêu các vụ được dư luận quan tâm trong thời gian qua, như Tiên Lãng, Văn Giang và ‘những đổ vỡ, kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước; những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức’.
Có thể khi nhắc lại những ‘thành quả Cách mạng’ trong quá khứ và thừa nhận những nhức nhối, tệ nạn hiện tại, người đứng đầu nhà nước Việt Nam ý thức được rằng tất cả những thắng lợi của quá khứ chẳng có ý nghĩa gì khi những vấn nạn trên không được giải quyết vì chúng là những yếu tố tiềm ẩn ‘gây mất ổn định chính trị, xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia’.
Bởi vậy, ông thừa nhận ‘nếu chỉ cố gắng như những năm vừa qua không còn đủ nữa, mà phải đổi mới quyết liệt để theo kịp bước tiến thời đại, phải tiến hành những giải pháp đồng bộ trong mọi lĩnh vực’.
Do đó, dù chưa nêu cụ thể ‘đổi mới quyết liệt’ là gì, thực hiện bằng cách nào (ngoại trừ một vài điểm chung chung như xem lại các cơ sở pháp lý về mặt đất đai, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế) chắc bài viết của ông cũng gieo không ít lạc quan, hy vọng nơi người đọc.
Việc ‘biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc’ và gợi lại niềm ‘tự hào về dân tộc Việt Nam -một dân tộc anh hùng, thông minh, hòa hiếu, đầy lòng nhân ái, cần cù, sáng tạo, yêu nước nồng nàn, có khát vọng vươn lên mạnh mẽ’- có thể là một bước chuyển biển mới để Việt Nam có thể viết ‘những trang sử mới’?
Và nếu vậy, chắc ai cũng hy vọng những trang sử mới ấy sớm được viết và trên những trang sử đó, Việt Nam được mô tả như là một nước công nghiệp hiện đại, ổn định, thực sự ‘dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được giữ vững’.
Theo Thei Sein của Miến Điện?
Ai cũng biết những cải cách thực sự từ thượng tầng chỉ diễn ra khi trong giới cầm quyền có những người có đầu óc đổi mới, biết nghĩ tới dân, biết đặt quyền lợi dân tộc lên trên.
Chính quyền Miến Điện đã tiến hành những cải cách chính trị ngoạn mục trong thời gian gần đây -như thả tù nhân chính trị, cho đối lập hoạt động, ngừng kiểm soát báo chí- và đang từ từ đưa đất nước này từ một nước quân phiệt sang một quốc gia dân chủ, được thế giới và người dân cảm phục, ủng hộ vì trong giới tướng lĩnh cầm quyền có những con người vậy. Trong số đó có Tổng thống Thein Sein.
Việt Nam cũng chỉ có đổi mới thực sự -đặc biệt về mặt chính trị- khi trong giới lãnh đạo Việt Nam có được những người biết nghĩ tới dân, lắng nghe dân, lo cho dân và đặt nhân dân, dân tộc lên trên mọi quyền lợi cá nhân, phe nhóm của mình.
Nếu theo dõi những phát biểu, hoạt động của ông Trương Tấn Sang trong thời gian gần đây ít hay nhiều ai cũng thấy nơi ông Sang có những điểm đó.
Chẳng hạn, khi tiếp cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng Năm năm ngoái, ông nói: ‘Trước kia chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh. Nay thì nhiều con sâu lắm! Nghe mà thấy xấu hổ. Không nhẽ cứ để mãi như vậy, mai kia người ta nói là cả một bầy sâu, tất cả là sâu hết. Thế đâu có được! Một con sâu đã nguy hiểm rồi. Một bầy sâu là chết cái đất nước này!’.
Trong một lần tiếp xúc cử tri gần đây ông cũng cho biết nhiều cử tri nói thẳng với rằng ‘một số cán bộ có ăn hối lộ thì cũng ăn vừa phải thôi, ăn hết như thế thì còn đâu để nhân dân ăn?’
Có thể nói, trong giới một lãnh đạo hiện tại không ai thẳng thắn thừa nhận và biết ‘xấu hổ’ về tệ nạn tham nhũng, hối lộ tràn lan và nguy hại như ông.
Về mặt ngoại giao, xem ra ông cũng không thân Trung Quốc, nếu không muốn nói là ông cũng sợ mối hiếm họa từ Bắc Kinh.
Kể từ khi lên làm Chủ tịch nước từ tháng Bảy năm ngoái, ông chưa sang thăm Trung Quốc. Trong khi đó, ông đã đi Nga, Ấn Độ và một số nước ASEAN khác -những nước có mối quan ngại về Trung Quốc- nhằm tìm sự ủng hộ của những nước này để đối phó với sự lớn mạnh và thái độ hung hăng, bành trướng từ Bắc Kinh.
Trong bài viết của mình, có nhiều lần ông đề cập đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
So với những gì Tổng thống Thein Sein đã tiến hành tại Miến Điện trong thời gian qua, những phát biểu và hành động của Chủ tịch Việt Nam vẫn còn quá ít, quá nhỏ.
Nhưng với những ai mong muốn Việt Nam thực sự có dân chủ, tự do, công bằng; đất nước được phát triển, giàu mạnh, tự cường; tổ quốc hoàn toàn độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, những phát biểu, những ý tưởng, những cử chỉ mới đây của ông Trương Tấn Sang đáng được trân trọng, hoan nghênh, đón nhận.
Vì nếu ai cũng im lặng để ‘bầy sâu’ đó sinh sôi, phát triển và tự do phá hoại, thì không chỉ ‘nhân dân không có gì để ăn’ mà ngay cả ‘đất nước này cũng chết’.
Đoàn Xuân Lộc
Nguồn: Lam Hồng