Việt Nam đã chính thức ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) cho nhiệm kỳ 2014-2016 và đang vận động các nước ủng hộ việc ứng cử này. Nhưng sau vụ xử 3 blogger bị quốc tế lên án mạnh mẽ, cũng như sau nhiều vụ vi phạm nhân quyền khác, liệu Việt Nam có cơ may trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hay không, và nếu trúng cử thì Việt Nam phải thực hiện những nghĩa vụ gì về mặt nhân quyền? Sau đây, mời quý vị nghe phần phỏng vấn ông Vũ Quốc Dụng, Tổng Thư ký Hiệp hội Quốc tế Nhân quyền tại Đức.
RFI: Trước hết xin ông nhắc lại về sự hình thành của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Hoạt động của cơ chế này như thế nào?
Vũ Quốc Dụng: Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (Human Rights Council, UNHRC) là một cơ cấu liên chính phủ (inter-governmental body) của LHQ ra đời năm 2006, với nhiệm vụ chính là xem xét các vụ vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Tùy mức độ vi phạm, UNHRC sẽ đưa ra cách giải quyết mà cao nhất là yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ can thiệp. Trên danh nghĩa, UNHRC là một trong ba hội đồng của LHQ ngang hàng với Hội đồng Bảo an và Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Văn hoá (ECOSOC). Ba Hội đồng này đảm trách 3 nhiệm vụ cột trụ của Liên Hiệp Quốc (LHQ) là gìn giữ hoà bình, phát triển hợp tác kinh tế và bảo vệ nhân quyền.
UNHRC có một đặc điểm mà nhiều người ít chú ý đến đó là UNHRC có quyền cứu xét đến tất cả các loại vi phạm nhân quyền xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Cho nên, dù có một quốc gia cố tình tránh né không ký kết tham gia vào một công ước nhân quyền quốc tế nào đó, thì nước đó vẫn có thể bị đưa ra phê phán trước UNHRC. UNHRC được xem như là một thứ toà án công luận cho nên đã gây khó chịu rất nhiều cho quốc gia liên hệ. Nhiều quốc gia xem việc làm này đã bêu xấu họ về mặt chính trị trên trường quốc tế.
Về mặt lịch sử, UNHRC là hậu thân của Uỷ hội Nhân quyền LHQ (UN Commission on Human Rights), là cơ chế đã có công soạn thảo ra bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế lịch sử hồi năm 1948. Những năm về sau, vì nạn bè phái, nên uỷ hội này không còn hoạt động hữu hiệu được nữa.
Trong uỷ hội trước đây, số quốc gia vi phạm nhân quyền chiếm đa số, nên họ đã cấu kết với nhau để cản chặn mọi hoạt động lên án chúng. Họ cho rằng những nước phương Tây dùng tiêu chuẩn kép, nghĩa là khi có cùng loại vi phạm nhân quyền xảy ra, thì chỉ có những quốc gia thù nghịch là bị đưa lên bàn mổ, còn những quốc gia thân Tây phương thì được bao che. Sự thực không hoàn toàn là như vậy, nhưng thực tế là hoạt động của Uỷ hội Nhân quyền LHQ đã bị tê liệt và LHQ phải khai sinh ra UNHRC để thay thế nó.
RFI: Như vậy, UNHCR có những cải tiến gì so với Uỷ hội Nhân quyền trước đây?
Vũ Quốc Dụng: So với tiền thân của nó thì UNHRC có nhiều cải thiện để giới hạn cái nạn đưa bè đảng vào Hội đồng Nhân quyền. Tuy nhiên, hội đồng này cũng không thể tránh khỏi một thủ tục bầu cử chung của LHQ là việc bầu theo danh sách khu vực địa lý. Một cải thiện khác là UNHRC nhóm họp ít nhất 3 lần trong năm ở tại Genève (như vậy là nhiều hơn uỷ hội cũ chỉ họp 1 lần mỗi năm) nên có thể đối phó nhanh hơn với tình hình thời sự.
Ngoài ra, UNHRC cũng đặt ra một thủ tục mới là “Thủ tục Xem xét Định kỳ Tình trạng Nhân quyền của tất cả mọi Quốc gia trên Thế giới”, gọi tắt là UPR. Với thủ tục UPR này tình trạng nhân quyền tại tất cả các quốc gia thành viên của LHQ sẽ bị lần lượt đưa ra mổ xẻ. Cho nên sẽ không có quốc gia nào có thể cho là mình bị xử ép.
RFI: Thủ tục bầu cử vào UNHRC thế nào?
Vũ Quốc Dụng: UNHRC có tổng cộng 47 thành viên, mỗi thành viên có nhiệm kỳ 3 năm. Số thành viên được thay thế từng phần để bảo đảm cho UNHRC có hoạt động liên tục. Ngày 12-11-2012 này sẽ có 18 ghế được bầu lại, chia thành 5 ghế cho khối Phi châu, 5 cho khối Á châu, 2 cho khối Đông Âu, 3 cho khối Nam Trung Mỹ, cũng như 3 cho khối Tây Âu và các quốc gia khác. Thể thức bầu là các quốc gia thành viên LHQ sẽ ứng cử vào một trong các ghế dành cho khối của mình. Thí dụ Việt Nam có thể xin ứng cử vào 1 trong 5 ghế khuyết của khối Á châu lần này.
Muốn trúng cử, mỗi ứng cử viên phải đạt được số phiếu tuyệt đối trên tổng số 192 thành viên LHQ, nghĩa là phải có 97 phiếu thuận. Trong quá khứ các khối khu vực thường dùng một thủ thuật để bảo đảm cho gà nhà. Nghĩa là họ đưa ra số ứng cử viên vừa khít với số ghế, thí dụ khối Á châu chỉ đưa ra 5 ứng cử viên cho 5 ghế khuyết lần này, khiến cho Đại Hội đồng LHQ rất khó xử. Nếu bỏ phiếu thuận thì mang tiếng là bị xỏ mũi. Nếu bỏ phiếu chống, thì sẽ tạo ra rắc rối là phải bầu đi bầu lại hoặc chất vấn lại các ứng cử viên.
Gần đây, các thành viên của Đại Hội đồng đã cứng rắn hơn. Nếu thấy một ứng cử viên quá bất xứng thì họ nhất định không bầu cho và bắt khối khu vực liên hệ phải đưa ra ứng cử viên mới. Mô hình bầu cử mà tôi cho là dân chủ nhất là mỗi khối nên đưa ra một số lượng ứng cử viên cao hơn số ghế khuyết để cho Đại Hội đồng LHQ chọn lựa. Thí dụ lần này, tôi thấy có khối “Tây Âu và các Quốc gia khác“ đưa ra 5 ứng cử viên là Đức, Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan, Thuỵ Điển, Hoa Kỳ cho 3 ghế khuyết. Tuy nhiên, đến nay cũng chỉ có khối này là làm như vậy còn các khối khác vẫn bám vào cách thức chia chác ghế như cũ.
RFI: Sau những vụ xử các blogger và nhiều vụ đàn áp khác, liệu Việt Nam có cơ may được vào Hội đồng Nhân quyền hay không?
Vũ Quốc Dụng: Quả thật trong thời gian gần đây Việt Nam đã bị thế giới chỉ trích nặng nề về những hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng. Vụ mới đây nhất là vụ xử án tù thật nặng 3 blogger thuộc nhóm Câu lạc bộ Nhà báo Tự do là blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, blogger Công lý Sự thật – Tạ Phong Tần, và blogger AnhBaSg – Phan Thanh Hải.
Theo tôi, trong những năm gần đây, vụ này là vụ mà quốc tế đồng lòng chỉ trích nhất vì Việt Nam đã tỏ thái độ coi thường nhân quyền một cách nghiêm trọng, nổi bật nhất là đối với trường hợp blogger Điếu Cày. Mới đầu ông này bị kết án 2 năm rưỡi tù vì tội trốn thuế. Ai cũng thấy rõ đây một vụ trả thù các hành động đấu tranh ôn hoà của ông. Khi mãn án ông lại bị giam tiếp gần 2 năm mà không được đem ra xét xử.
Phải nói rằng ngay từ đầu cộng đồng quốc tế đã rất quan tâm hỏi han chỗ giam và sức khoẻ của ông. Ngay cả những thông tin bình thường như thế mà Việt Nam cũng giấu không cho các toà đại sứ Tây phương ở Việt Nam biết trong cả hơn năm trời. Bằng nhiều cách, các quốc gia Tây phương đã yêu cầu Việt Nam nên cân nhắc thật kỹ vụ xử các blogger này. Cuối cùng, bản án tổng cộng 26 năm tù và 11 năm quản chế dành cho 3 blogger nói trên không chỉ là bản án nặng nề nhất đối với những người viết báo, mà còn là một thách thức đối với tất cả những cố gắng đối thoại của cộng đồng quốc tế.
Cho nên, chúng ta không ngạc nhiên khi cả Hoa Kỳ lẫn Liên minh Âu Châu (EU) cùng mạnh mẽ lên tiếng đòi trả tự do cho 3 blogger này ở cấp cao nhất. Đáng chú ý là lần đầu tiên ta thấy EU công khai lên tiếng ngay sau phiên xử và đòi Việt Nam phải trả tự do cho những tù nhân chính trị này. Trước đây, EU cho rằng phải nói khéo, không nên đốp chát để Việt Nam khỏi mất mặt nên luôn tìm cách chỉ trích nhẹ nhàng và gián tiếp. Lần này có EU và Hoa Kỳ, là hai thành viên nặng ký của UNHRC, lên tiếng thì chắc chắn họ cũng sẽ kéo theo nhiều phiếu phản đối Việt Nam.
Nhưng có lẽ quan trọng hơn nữa tiếng phản đối của bà Navi Pillay, Cao uỷ trưởng Cao uỷ Nhân quyền LHQ và là người đứng đầu bộ máy thực hiện các chính sách bảo vệ nhân quyền của LHQ. Tiếng nói của bà Pillay được xem là chuẩn mực của LHQ. Bà Pillay nói rằng bản án nặng nề đối với 3 blogger, “đã đi ngược với những cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về việc khuyến khích và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, trong dịp Việt Nam bị đưa ra xem xét trong Thủ tục Định kỳ (UPR)”. Thủ tục UPR là một thủ tục quan trọng của UNHRC. Lời hứa sẽ hợp tác với UNHRC của một ứng cử viên có còn đáng tin không khi bà Pillay đã tuyên bố nó vi phạm thủ tục UPR? Lời phê phán của viên chức cao cấp nhất trong bộ máy bảo vệ nhân quyền LHQ này chắc chắn sẽ được các thành viên của Đại hội đồng LHQ lưu ý trong cuộc bầu cử sắp tới.
Nhưng chúng ta cũng biết những quốc gia như Việt Nam sẽ dùng ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao của mình để tìm kiếm sự ủng hộ trong cuộc bầu cử sắp tới.
RFI: Nếu trúng cử thì Việt Nam có cần phải cải thiện vấn đề nhân quyền nữa không?
Vũ Quốc Dụng: Rút kinh nghiệm của tiền thân của nó là Uỷ hội Nhân quyền LHQ, UNHRC đưa ra các đòi hỏi khá cao đối với những ứng cử viên. Nói chung, có 3 điều kiện và khuyến cáo. Thứ nhất, ứng cử viên phải chứng minh được thành tích bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền của mình. Thứ hai, ứng cử viên phải tự nguyện nộp trước những điều mà họ hứa hẹn hoặc cam kết sẽ làm trong nhiệm kỳ. Thứ ba, nếu trúng cử họ phải tuân thủ những tiêu chuẩn cao nhất về mặt bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, phải hợp tác toàn diện với UNHRC và phải chấp nhận tham gia. “Thủ tục Xem xét Định kỳ Tình trạng Nhân quyền“ (UPR) của nước mình trong nhiệm kỳ tại chức.
Cho nên, nếu trúng cử vào UNHRC thì Việt Nam chưa thể xem là mình đã tìm được lá bùa hộ mệnh cho các hành vi vi phạm nhân quyền đâu. Ngược lại, thế giới sẽ chú ý xem Việt Nam có đáp ứng đúng vai trò gương mẫu của một thành viên UNHRC hay không. Thế giới sẽ dùng những tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá khi theo dõi về những thành tích bảo vệ hoặc vi phạm nhân quyền của quốc gia thành viên Việt Nam. Thế giới sẽ chất vấn quốc gia thành viên Việt Nam về việc không tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Thế giới sẽ hỏi tại sao Việt Nam tiếp tục từ chối lời yêu cầu viếng thăm của các Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về các vấn đề tự do tôn giáo, tự do ngôn luận,… Trong Thủ tục Xem xét Định kỳ UPR sắp tới quốc gia thành viên Việt Nam sẽ không thể bác bỏ dễ dàng những đề nghị cải thiện nhân quyền như Việt Nam đã làm trong kỳ phúc trình năm 2009 vừa qua.
Có người đã hỏi tôi rằng nếu Việt Nam không hợp tác thì sao? Tôi trả lời rằng đây sẽ là lần cuối mà thế giới bị lừa. Chúng ta biết rằng việc chuyển đổi từ Uỷ hội Nhân quyền LHQ sang UNHRC cũng kéo theo một cuộc cách mạng về thông tin trong LHQ. Hệ thống thông tin về nhân quyền của LHQ không còn rối ren và khó hiểu như xưa nữa. Hệ thống này bây giờ có một trí nhớ rất tốt, rất đầy đủ, có cấu trúc rất đơn giản và rõ ràng nên sẽ giúp cho mỗi quốc gia thành viên của LHQ có thể tham khảo dễ dàng về mức độ khả tín của các ứng cử viên trước khi bước vào phòng họp.
Chúng ta biết bây giờ LHQ cũng đã can đảm hơn trước nhiều. Hồi tháng 3-2011, Đại Hội đồng LHQ đã truất quyền thành viên UNHRC của nước Lybia dưới thời Gaddafi cho đến tháng 11-2011 mới cho tái lập lại. Cho nên nếu Việt Nam được bầu vào UNHRC thì đó cũng là cơ hội để những đề nghị cải thiện nhân quyền của các tổ chức dân sự Việt Nam được quốc tế chú ý hơn trước.
RFI: Xin cám ơn ông Vũ Quốc Dụng.
Thanh Phương
Nguồn: RFI