Một nhà truyền giáo đã kể rằng: “tại Bangladesh là một trong những nước nghèo nhất thế giới, có một người đàn ông nọ đi bộ về nhà sau một ngày làm việc cực nhọc vất vả. Vì quá mệt mỏi, ông đã dừng lại dưới một bóng cây bên đường và thiếp ngủ . Khuôn mặt tiều tụy đến độ người ta tưởng ông là một người hành khất. Và không ai bảo ai, kẻ qua người lại đều dừng chân, bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu nhỏ. Chẳng mấy chốc, chiếc mũ cũ kỹ của ông đã khá nhiều tiền.
Khi thức giấc, ông hết sức ngạc nhiên trước sự quảng đại của khách qua đường, ông đếm từng xu nhỏ. Số tiền còn lớn hơn một ngày công nhật của ông. Ông mỉm cười về “người hành khất bất đắc dĩ” của mình.
Trên đường về, ông nhìn thấy nhiều người hành khất đui mù tàn tật, ông lặng lẽ đến với họ và chia đều cho họ số tiền mà ông đã thu được. Ông trở về lòng tràn ngập niềm hân hoan vui sướng.
*
“Hiến chương nước trời” của Chúa Giêsu mở đầu bằng câu: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Trời là của anh em”. (Lc 6,20).
Chúa Giêsu không bao giờ có ý nói rằng sự thiếu thốn vật chất là đáng được chúc phúc. Ngài không bao giờ tán đồng sự khốn khổ trong những dãy nhà tồi tàn, các khu ổ chuột . Vậy Chúa Giêsu muốn ám chỉ ai và điều gì khi nói: “Phúc cho các anh em là những kẻ nghèo khó”.
“Nghèo khó” mà Chúa Giêsu dùng, tiếng Hy bá gọi là : “ani”. Nó đã trải qua bốn giai đoạn phát triển trước khi có được ý nghĩa mà Chúa Giêsu dùng trong “bài giảng trên núi”. Trước hết, nó ám chỉ những thiếu thốn của cải vật chất. Vì không có của cải vật chất nên từ ngữ ấy cũng ám chỉ những người không có quyền lực, nói rõ hơn là những người bơ vơ, cô thân cô thế. Từ chỗ cô thân, cô thế những người này thường hay bị áp bức, bóc lột. Cuối cùng, vì đám người này không có của cải, bơ vơ, không ai che chở nên nhiều người đã “Đặt trọn niềm tin cậy vào Chúa”.
Đây mới là ý nghĩa mà Chúa Giêsu muốn ám chỉ trong “Bài giảng trên núi”. Vậy chúng ta có thể đọc lại lời tuyên bố trên theo cách thức này:
“Phúc cho anh em là những kẻ nhận thức rằng không thể tìm hạnh phúc bằng cách cậy dựa vào của cải vật chất mà bằng cách đặt trọn niềm tín thác vào Chúa”.
Trải qua đau khổ để vào vinh quang Chúa Kitô mời gọi chúng ta đi theo bước chân của Ngài, nghĩa là đón nhận cuộc sống với tất cả tin yêu phó thác. Chỉ có thái độ ấy, chúng ta mới cảm nếm được hạnh phúc của thiên đàng ngay trên trần gian này, cho dù cuộc sống có chồng chất đau khổ, nghèo đói và thử thách.
Chúng ta cũng có thể gọi “Niềm tin cậy vào Chúa” là tinh thần nghèo khó đích thực. Và khi chúng ta có được tinh thần nghèo khó ấy chúng ta mới đo lường được sự chóng qua của tiền tài vật chất. Có tinh thần nghèo khó ấy chúng ta mới nhìn thấy cảnh nghèo khó của anh em. Có tinh thần nghèo khó ấy chúng ta mới dễ cảm thông và chia sẻ cho tha nhân.
*
Lạy Chúa, tất cả những gì con có: từ của cải vật chất, đến tài năng của trí tuệ đều thuộc về Chúa. Xin cho con luôn ý thức điều đó và luôn biết quảng đại trao ban cho những ai cần đến con. Xin cho con cũng được niềm vui khi mở rộng bàn tay để cho đi.
Xin cho con luôn xác tín rằng: hạnh phúc của con không phải là tiền của vật chất mà là “Trọn niềm tin cậy vào Chúa” mà thôi. Amen. (07 May 2010)
Thiên Phúc