1- Như lòng Chúa khoan dung
Sau khi thắng trận lớn, Sở Trang Vương mở đại yến khoa tướng sĩ để tưởng thưởng công lao và lòng trung thành. Vua truyền cho các cung nữ của mình ra hầu tiệc. Đang ăn bỗng một trận gió làm đèn đuốc tắt hết. Lợi dụng bóng tối, một quan đại phu ôm chầm lấy người đẹp đang chuốc rượu cho mình và hôn. Người đẹp chính là nàng Hứa Cơ đang được nhà vua sủng ái nhất. Hứa Cơ bèn giật đứt giải mũ của vị quan ấy và đem trình vua xin Ngài trừng trị đích đáng.
Thay vì phẫn nộ, vua ra lệnh cho các quan đều bỏ giải mũ khi đèn sáng. Không ai hiểu tại sao ngoài ba người liên hệ. Sở Vương nói: “Trong nguy biến, các quan đã oiều thân vì đất nước, khi vui say, các quan quênlễ phép một chút, có sao đâu! Lẽ nào vì một chuyện nhỏ mà quên đi lòng hy sinh cao cả của người khác.”
Hai năm sau, nước Sở đánh nhau với nước Tần. Đánh luôn năm trận mà trận nào cũng có một viên quan võ liều sống liều chết xông ra phía trước, đánh rất dũng cảm làm cho quân Tần phải lui binh. Nhờ vậy, quân Sở đại thắng.
Sở Trang Vương lấy làm lạ, bèn hỏi:
-Trẫm đãi khanh cũng như mọi người khác, cớ sao khanh lại hết lòng giúp trẫm như vậy?
Võ quan trả lời:
-Thần rắp tâm đem tính mạng dâng cho bệ hạ đã lâu, nhưng nay mới có dịp đáp đền nghĩa xưa. Thần đây chính là người ngày xưa đã bị giật đứt giải mũ mà bệ hạ không nỡ hành tội.
+ + +
Sở Trang Vương quả là một vị vua có lòng khoang dung đại lượng. Chính lòng khoan dung nhân hậu của ông đã thu phục được nhân tâm, và mang lại kết quả không ngờ. Thật vậy, càng làm lớn, chúng ta càng phải có lòng khoan dung, nếu không người dưới sẽ chẳng kính phục và cũng không thể hết mình với ta. Tha thứ lầm lỗi của kẻ khác chính là một cách hữu hiệu để chinh phục lòng người.
Chúa Giêsu đã phán: “Kẻ được tha nhiều thì yêu nhiều”. (Lc 7,47). Vì thế, chúng ta càng khoan dung tha thứ thì càng được mọi người yêu quí, và nhất là càng được Chúa yêu thương và tha thứ mọi lỗi lầm cho ta: “Chúa nhân hậu với người nhân hậu” (Tv 124,4).
Chúa Giêsu cũng đã hứa : “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em” (Mt 6,14).
Hiến tế thập giá của Chúa Giêsu chỉ nên trọn hảo, khi Ngài thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Vì thế, lòng khoan dung tha thứ là tuyệt đỉnh của yêu thương, bởi vì tha thứ là yêu thương chính kẻ thù, kẻ làm hại, làm khổ cho mình.
Vậy muốn có lòng khoan dung chúng ta cần phải có lòng bác ái sâu sắc như thánh Phao-lô đã diễn tả: “Lòng bác ái thì nhẫn nhục, chịu đựng, chậm giận dữ, mau quên điều xúc phạm, dễ dàng tha thứ lỗi lầm”. (x. 1Cr 13,4-6). Nghĩa là nếu có lòng yêu thương thật sự thì chúng ta dễ dàng khoan dung tha thứ.
+ + +
Lạy Chúa, Chúa đã tha thứ cho con rất nhiều mà con tha thứ cho anh em chẳng được bao nhiêu. Xin cho vòng tay con luôn rộng mở, để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Xin cho con một trái tim quảng đại, một tấm lòng nhân ái, cho con đừng bao giờ khép lại chính mình, nhưng biết vươn cao, vượt mọi tình cảm tầm thường, mọi oán hờn nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện, để mặc lấy tâm tình yêu thương tha thứ “Như lòng Chúa khoan dung”. Amen.
Thiên Phúc
Như lòng Chúa khoan dung