1. Kết hiệp với Chúa không phải là một loại yoga Kitô giáo
Để có thể bền bỉ trong đời sống cầu nguyện, cách hiển nhiên là ngay từ đầu, chúng ta cần tránh lao mình vào một con đường sai lạc. Vì thế, cần phải xác định những gì là đặc thù của hành vi cầu nguyện Kitô giáo – những gì làm cho nó khác biệt với những hoạt động tâm linh khác. Điều này hết sức quan trọng vì chúng ta có thể phản ứng chống lại một nền văn hoá duy vật chung quanh bằng cách phát triển một loại hình khát khao cái tuyệt đối, khát khao thần nghiệm và ước ao kết hiệp với một thần minh không trông thấy nào đó. Điều đó tự nó là tốt nhưng lại có thể dễ dàng dẫn người ta đến những trải nghiệm sai lạc và thậm chí, phương hại.
Trước hết, chân lý nền tảng mà không có nó, chúng ta không thể tiến xa, đó là cuộc sống kết hiệp với Chúa (hay cuộc sống chiêm niệm, cũng một điều nhưng tên gọi khác nhau) không là kết quả của một kỹ năng, nhưng là một quà tặng được lãnh nhận. Thánh Jane Frances de Chantal từng nói, “Phương pháp cầu nguyện tốt nhất là không có phương pháp nào cả, bởi cầu nguyện không đạt được bởi sự khéo léo” – bằng kỹ năng, như chúng ta thường nói thời nay – “nhưng bằng ân sủng”. Không có “phương pháp” cầu nguyện nào, theo nghĩa gồm một loạt những chỉ dẫn hay tiến trình để rồi mỗi người chỉ việc áp dụng hầu cầu nguyện cho tốt. Dẫu cuộc sống chiêm niệm là một quà tặng Thiên Chúa ban nhưng không, chúng ta vẫn phải biết phương thức lãnh nhận nó.
Điều này cần được nhấn mạnh vì một số lý do. Trước hết, dĩ nhiên những phương pháp suy niệm Đông Phương như yoga, Thiền… đang được biết đến rộng rãi trong thế giới hôm nay; hơn thế nữa, não trạng hiện đại những muốn giảm thiểu mọi thứ thành kỹ thuật. Lý do thứ ba, đầu óc con người luôn bị cám dỗ tìm cách cải biến cuộc sống, kể cả đời sống thiêng liêng thành một cái gì đó vốn có thể được điều khiển theo ý mình. Vì tất cả những lý do này mà chúng ta, dù ý thức hay không ý thức, đều quan niệm một cách sai lầm rằng, chiêm niệm là một loại hình yoga Kitô giáo. Chúng ta tưởng tượng đến tiến trình tập trung, hồi tưởng… kết hợp với những phương thức hít thở phù hợp, những tư thế được chỉ bày, lặp lại một số công thức nào đó… sẽ giúp chúng ta tiến triển trong việc kết hiệp. Một khi hoàn toàn tự chủ qua việc luyện tập, chúng ta tưởng rằng những điều này sẽ giúp mỗi người đạt tới một trạng thái ý thức cao hơn. Nhưng quan điểm này đã tạo nên một hình ảnh lệch lạc về việc kết hiệp với Chúa và cuộc sống thần nghiệm trong Kitô giáo.
Thật sai lầm vì nó dẫn chúng ta đến chỗ bám víu vào những phương pháp hoàn toàn lệ thuộc vào những nỗ lực nhân loại, đang khi trên thực tế, Kitô giáo cho thấy, mọi sự đều là ân sủng, một quà tặng nhưng không đến từ Thiên Chúa. Đúng là có thể có một sự tương đồng nào đó giữa những tu sĩ khổ hạnh hay “những người thánh” của Đông Phương và các nhà chiêm niệm Kitô giáo, nhưng sự tương đồng chỉ dừng lại ở bề ngoài mà thôi. Ở tận bên trong, họ thuộc về những lãnh địa rất khác nhau, thậm chí không thể so sánh[1].
Khác biệt căn bản đã được chỉ ra. Một đàng, khác biệt cốt tại kỹ năng, một hoạt động phụ thuộc chủ yếu vào con người và khả năng của họ. Điều này thật khác biệt cả khi những hệ thống như thế tuyên bố có thể khơi dậy những khả năng đặc biệt mà những người thông thường chưa biết sử dụng, đang khi những cái gọi là “kỹ thuật suy niệm” lại được đề nghị để khai mở và phát triển. Đàng khác, ngược lại, vấn đề nằm ở chỗ chính Thiên Chúa thông ban chính mình cách nhưng không cho một ai đó. Ngay cả, như chúng ta sẽ thấy, nếu có chỗ cho sáng kiến và hoạt động nào đó về phía con người, thì toàn bộ cơ ngơi của đời sống cầu nguyện vẫn được xây dựng trên sáng kiến và ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ đánh mất sự hiểu biết này, vì một trong những cám dỗ dai dẳng và đôi lúc rất tinh tế của đời sống thiêng liêng là cậy dựa vào những nỗ lực của bản thân chứ không phải vào lòng nhân từ được trao ban cách nhưng không của Thiên Chúa.
Hậu quả sẽ rất nghiêm trọng đối với những gì vừa được nói đến. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn một số hậu quả đó.
2. Một số hậu quả trực tiếp
Hậu quả đầu tiên là, dù các phương pháp, các bài luyện tập có thể ích lợi cho việc kết hiệp với Chúa… chúng ta vẫn không quá coi trọng chúng, cũng đừng tưởng rằng, mọi sự đều tuỳ thuộc vào chúng. Làm như thế có nghĩa là quy hướng đời sống cầu nguyện vào chính mình thay vì vào Thiên Chúa, đó là một sai lầm cần tránh. Cũng không nên ảo tưởng rằng tất cả những gì chúng ta cần là đôi chút tập luyện hay học biết một số “tiểu xảo” nào đó để rồi mọi khó khăn, lo ra chia trí… trong khi cầu nguyện sẽ biến mất đang khi lập luận sâu xa của việc trưởng thành và tiến bộ trong đời sống thiêng liêng lại thuộc về một trật tự hoàn toàn khác. Điều này cũng đúng thôi, vì nếu toà nhà cầu nguyện chỉ được xây trên nền móng của những nỗ lực nhân loại, chúng ta sẽ không tiến xa được. Thánh Têrêxa Avila nói, “Toàn bộ toà nhà cầu nguyện phải được xây trên lòng khiêm tốn” – cậy sức mình, chúng ta không làm gì được; chính Thiên Chúa và chỉ một mình Người, Đấng có thể kiến tạo bao điều tốt lành trong các tâm hồn. Tính kiêu căng có thể khiến chúng ta nhờm tởm trước ý tưởng này, nhưng quả thực, ý tưởng này lại là một sức mạnh giải phóng lớn lao. Thiên Chúa, Đấng yêu thương, sẽ mang chúng ta tiến xa hơn và cao hơn đến vô cùng so với khi chúng ta cậy dựa vào chính nỗ lực của mình.
Nguyên tắc căn bản trên đây còn có một sức mạnh giải phóng khác. Với bất cứ kỹ thuật nào, nó luôn luôn là quà tặng cho người này nhưng với người khác thì không. Cũng thế, nếu cầu nguyện là vấn đề kỹ năng kỹ thuật, điều tương tự sẽ xảy ra: người này có khả năng chiêm ngắm, kẻ khác thì không. Quả thế, hồi tưởng và suy tư cao siêu sẽ dễ dàng với một số người này hơn nơi những người khác. Nhưng điều đó không quan trọng. Mỗi người, tuỳ theo tính khí, năng khiếu cũng như nhược điểm của mình… vẫn có thể có một đời sống cầu nguyện thâm sâu bằng cách trung thành đáp lại ơn Chúa. Ơn gọi cầu nguyện, ơn gọi sống đời thần nghiệm, nhiệm hiệp với Chúa trong cầu nguyện cũng như ơn gọi nên thánh… là một ơn gọi phổ quát không dành riêng cho ai. Lời gọi hãy cầu nguyện và nên thánh liên kết chặt chẽ với nhau và không ai bị loại khỏi hai lời mời này. Đức Giêsu không nói với nhóm ưu tuyển nhưng với mọi người không trừ ai khi Ngài bảo, “Anh em hãy cầu nguyện luôn” (Lc 21, 36), và “Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo, và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6, 6).
Một hậu quả khác, một hậu quả căn bản đối với dự kiến của tập sách này. Nếu cầu nguyện không phải là một kỹ năng cần phải thành thạo nắm bắt nhưng là một ân sủng được lãnh nhận – một quà tặng đến từ Thiên Chúa – thì nói đến cầu nguyện, không phải là xoay quanh việc mô tả các phương pháp hay đưa ra những chỉ dẫn, nhưng là giải thích những điều kiện cần thiết cho việc đón nhận quà tặng đó. Những điều kiện này là một vài thái độ nội tâm, một số thiên hướng nào đó của tâm hồn. Những gì bảo đảm cho sự tiến bộ trong đời sống cầu nguyện cũng là những gì làm cho đời sống cầu nguyện trổ sinh hoa trái vốn không tuỳ thuộc nhiều vào cách thức chúng ta cầu nguyện cho bằng những thái độ nội tâm của chúng ta lúc bắt đầu cầu nguyện và tiếp tục kiên trì cầu nguyện. Nhiệm vụ chính yếu của chúng ta là làm sao có được, duy trì được và đào sâu được những thái độ nội tâm đó. Thiên Chúa sẽ làm những gì còn lại.
Giờ đây, chúng ta xét xem thái độ nội tâm quan trọng nhất trong các thái độ tâm hồn đó.
3. Tin tưởng & phó thác, nền tảng của một đời sống kết hiệp với Chúa
Thái độ đầu tiên, thái độ căn bản nhất là tin tưởng. Đời sống cầu nguyện không loại trừ việc chiến đấu và vũ khí thiết yếu cho cuộc chiến này là đức tin.
Đức tin là khả năng hành động của những người tin, không phải hành động theo các ấn tượng, định kiến, hay những ý niệm vay mượn từ người khác nhưng hành động theo những gì được soi dẫn bởi Lời của Thiên Chúa, Đấng không hề dối gian. Hiểu theo cách này, đức tin chính là nền tảng của tất cả đời sống kết hiệp với Chúa. Đức tin được kích hoạt bằng nhiều cách khác nhau.
TIN VÀO SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA
Khi bắt đầu cầu nguyện, một mình, trước mặt Chúa, trong phòng hay trong nhà nguyện trước Thánh Thể… chúng ta phải hết lòng tin thật Thiên Chúa đang có đó. Không thành vấn đề những gì chúng ta có thể cảm nhận hay không cảm nhận; những gì đã chuẩn bị hay không chuẩn bị; những ý tưởng hay ho đến đâu đã được liên kết với nhau hoặc chưa được liên kết; không thành vấn đề tình trạng nội tâm của chúng ta làm sao… Thiên Chúa vẫn có đó, với chúng ta, đang nhìn chúng ta, đang yêu thương chúng ta. Người không ở đó vì chúng ta xứng đáng hay xứng đáng cảm nhận sự hiện diện của Người, nhưng vì Người đã hứa, “Hãy vào phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo…” (Mt 6, 6).
Cả khi chúng ta cảm thấy khô khan, khốn cùng, xem ra Thiên Chúa xa vắng hoặc thậm chí cảm thấy Người đang bỏ mặc chúng ta… dẫu thế, vẫn đừng bao giờ để mình nghi ngờ về sự hiện diện yêu thương và niềm nở của Người đối với những ai đang kêu van. “Ai đến với tôi, sẽ không bị loại ra ngoài” (Ga 6, 37). Thiên Chúa đã ở đó từ lâu trước khi chúng ta đặt mình đối diện với Người. Chính Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến gặp Người – Người, Cha chúng ta, đang chờ đợi chúng ta, Người tìm gặp chúng ta một cách khẩn thiết hơn việc chúng ta kiếm tìm Người. Thiên Chúa khát khao chúng ta hơn chúng ta khát khao Người vô cùng.
TIN RẰNG TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐƯỢC MỜI GỌI GẶP GỠ THIÊN CHÚA TRONG CẦU NGUYỆN VÀ NGƯỜI BAN NHỮNG ƠN CẦN THIẾT CHO CUỘC GẶP GỠ NÀY
Dù bất cứ khó khăn, phản kháng hay chống đối nào đi nữa, chúng ta vẫn phải đoan chắc, mọi người, không trừ ai, khôn ngoan hay lú lẫn, công chính hay bất chính, quân bình hay thương tổn nghiêm trọng… đều được mời gọi sống một đời sống cầu nguyện đích thực, trong đó, Thiên Chúa sẽ tự trao ban chính mình Người cho họ. Và vì chính Thiên Chúa mời gọi, hơn nữa, Người là Đấng công chính, nên Người sẽ ban những ơn cần thiết để chúng ta kiên trì kết hiệp với Người và biến đời sống cầu nguyện của mình thành những trải nghiệm sâu xa tuyệt vời trong sự thông hiệp với đời sống nội tại của chính Thiên Chúa. Đời sống cầu nguyện không dành riêng cho một nhóm ưu tuyển sống đời dâng hiến nào đó, nhưng cho mọi người. Quan niệm phổ biến khi cho rằng, “Việc đó không dành cho tôi nhưng cho những người khác thánh thiện tốt lành hơn tôi” sẽ nghịch lại với Tin Mừng. Đừng bao giờ để tâm đến những khó khăn hay những yếu đuối, Thiên Chúa sẽ ban sức mạnh cần thiết cho chúng ta.
TIN VÀO THÀNH QUẢ CỦA ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN
Đời sống cầu nguyện là nguồn phú túc bất tận. Nó biến đổi chúng ta tận bên trong, thánh hoá chúng ta, chữa lành chúng ta, giúp chúng ta hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa, làm cho chúng ta nhiệt tình quãng đại để yêu thương những người khác. Ai dấn thân vào một đời sống cầu nguyện, chúng ta có thể tuyệt đối tin chắc rằng, họ sẽ nhận lãnh tất cả những điều này và còn hơn thế nữa, miễn sao họ vẫn mãi kiên vững. Mặc dầu, một đôi khi, những ý nghĩ đối nghịch có thể dấy lên – đời sống cầu nguyện của chúng ta sao mà khô khan, chúng ta vấp ngã và dường như việc cầu nguyện không thay đổi được bất cứ điều gì – hoặc ngay cả khi không thấy được những kết quả hằng kỳ vọng, chúng ta vẫn không được nản lòng vì Thiên Chúa luôn giữ lời hứa của Người, “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ thì sẽ mở cửa cho” (Lc 11, 9-10). Tất cả những ai kiên trì giữ vững niềm tin sẽ đón nhận nhiều hơn vô vàn những gì họ dám cầu xin hay nghĩ tới: không phải vì họ xứng đáng với nó, nhưng vì Thiên Chúa đã hứa.
Người ta thường bị cám dỗ rời xa đời sống kết hiệp với Chúa vì họ không thấy những kết quả ngay khi họ muốn. Cơn cám dỗ này sẽ bị đẩy xa tức khắc ngay khi chúng ta thực hiện một hành vi đức tin vào lời hứa của Thiên Chúa, lời hứa sẽ được thực hiện đúng thời đúng buổi. “Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới” (Gc 5, 7-8).
4. Trung thành & bền chí
Điều này dẫn đến một kết luận thực tiễn rất quan trọng.
Bước vào đời sống cầu nguyện, trước tiên, ai ai cũng phải nhắm đến lòng trung thành. Không thành vấn đề liệu đời sống kết hiệp với Chúa của tôi có tốt đẹp không, có suôn sẻ không, có phong phú hơn bởi những ý tưởng và cảm nhận thâm sâu không… nhưng điều quan trọng là liệu đời sống kết hiệp với Chúa của tôi có bền bỉ để đi đến nơi đến chốn không. Quan tâm hàng đầu của chúng ta, nếu tôi có thể nói thế, phải là sự trung thành trong việc cầu nguyện chứ không phải là chất lượng của việc cầu nguyện, xem nó hay ho làm sao. Chất lượng sẽ đến từ lòng trung thành. Thời giờ dành cho việc trung thành cầu nguyện mỗi ngày dẫu nghèo nàn, khô khan, chia trí và tương đối ngắn ngủi chăng nữa… vẫn giá trị và sinh hoa kết quả nhiều hơn vô cùng cho sự tiến bộ thiêng liêng so với những lúc cầu nguyện lâu giờ, sốt sắng tuỳ lúc khi hoàn cảnh thuận lợi mà không trung thành. Sau quyết định đầu tiên đó, tức là coi đời sống cầu nguyện như một cái gì hệ trọng, hết sức nghiêm túc… thì chiến trường đầu tiên chúng ta phải chiến đấu chính là trung thành với thời giờ dành cho việc cầu nguyện dù bất cứ điều gì có thể xảy đến, chúng ta vẫn dứt khoát làm theo thời biểu đã định. Đó là một cuộc chiến chẳng dễ dàng chút nào. Biết rằng điều đó hết sức quan trọng, ma quỷ, bằng mọi giá, sẽ ngăn cản chúng ta trung thành với việc cầu nguyện. Nó biết, ai trung thành kết hiệp với Chúa thì đã thoát khỏi tay nó, hay ít nữa, cuối cùng chắc chắn cũng sẽ trốn thoát. Vì thế, nó sẽ làm bất cứ điều gì có thể hầu ngăn cản chúng ta trung thành với việc cầu nguyện. Chúng ta sẽ trở lại với điểm này.
Những gì quan trọng được nói đến ở đây chính là việc cầu nguyện dù xem ra không mấy chất lượng nhưng đều đặn và trung thành vẫn quý hơn những lần cầu nguyện tưng bừng hỷ hoan nhưng chỉ xảy ra lúc này lúc khác. Chỉ lòng trung thành mới có khả năng làm cho đời sống cầu nguyện trổ sinh những trái trăng diệu kỳ.
Đặt mình trước mặt Thiên Chúa khi cầu nguyện, về căn bản, không hơn gì một bài luyện tập để yêu mến Người, nhưng sẽ không có tình yêu đích thực nếu không có lòng trung thành. Làm sao có thể nói yêu mến Thiên Chúa nếu chúng ta cứ mải lỡ hẹn giờ ngày cầu nguyện đã định với Người?
5. Ngay lành trong ý hướng
Bên cạnh đức tin và lòng trung thành vốn là sự biểu lộ cụ thể của một đời sống kết hiệp với Chúa, một thái độ nội tâm khác cho bất cứ ai muốn kiên trì cầu nguyện là tính ngay lành trong ý hướng. Chúa Giêsu nói với chúng ta, “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8). Theo thuật ngữ Tin Mừng, người có “tâm hồn trong sạch” không phải là người sạch tội, vốn không có gì phải trách cứ… nhưng là những ai được gợi hứng trong tất cả mọi việc họ làm bởi một ý hướng chân thành là quên đi chính mình để làm vui lòng Thiên Chúa, không sống cho mình nhưng sống cho Thiên Chúa. Đây là điều kiện không thể thiếu của một đời sống cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện không phải để tìm kiếm no thoả hay tìm sự mãn nguyện cho mình, nhưng chỉ để làm vui lòng Thiên Chúa. Không nhắm làm vui lòng Thiên Chúa, chúng ta sẽ không có khả năng để kiên trì. Những ai tìm kiếm chính mình và tìm no thoả cho mình sẽ nhanh chóng bỏ cuộc khi việc cầu nguyện trở nên khó khăn, khô khan hay khi nó không làm họ mãn nguyện. Tình yêu đích thực là tình yêu tinh tuyền, không tìm tư lợi cho mình nhưng hướng đến mục tiêu duy nhất là mang lại niềm vui cho người mình yêu. Chúng ta không cầu nguyện để thoả mãn hay trục lợi (cả khi lợi ích đó vô cùng cao cả), nhưng cốt để làm vui lòng Thiên Chúa như Người dạy chúng ta.
Tính ngay lành trong ý hướng quả là khắt khe, nhưng nó giải thoát và làm no thoả một cách lớn lao. Những ai tìm kiếm chính mình sẽ chóng nản lòng và lắng lo khi việc cầu nguyện của họ “không suôn sẻ”, nhưng kẻ yêu mến Thiên Chúa cách ngay lành sẽ không rối bời khi điều đó xảy ra. Nếu việc cầu nguyện trở nên khó khăn và họ không mấy hài lòng với điều đó, họ không cần phải điều chỉnh; họ tự an ủi với ý nghĩ rằng, điều quan trọng là tự do dành thời giờ cho Chúa, một chỉ để làm vui lòng Người.
Về điểm này, có thể có người không đồng ý, “Để yêu mến Thiên Chúa, hẳn sẽ rất tuyệt vời với một tình yêu tinh tuyền như thế, nhưng nào ai làm được điều đó?”. Tính ngay lành trong ý hướng như vừa mô tả là điều không thể thiếu trong đời sống kết hiệp, nhưng sẽ không ngạc nhiên khi vô phương để có được điều đó trọn vẹn khi mới bước vào con đường cầu nguyện. Chúng ta chỉ cần tìm ý ngay lành một cách ý thức và thực hành nó tốt hết sức có thể trong những lúc khô khan vốn là lúc nó trở nên cần thiết hơn hết. Sẽ không có gì lạ khi người ta dõi theo một hành trình thiêng liêng nào đó… và đang khi đi tìm Thiên Chúa, họ cũng tìm kiếm chính mình một phần nào. Sự việc đó kéo dài bao lâu sẽ không quan trọng cho bằng chúng ta không bao giờ ngừng mong mỏi một tình yêu ngày càng tinh tuyền hơn đối với Thiên Chúa.
Điều này đáng được lưu ý để cảnh báo chúng ta trước cạm bẫy mà ma quỷ, Tên Cáo Tội, thường sử dụng khiến chúng ta lo lắng và nản lòng. Ma quỷ làm chúng ta nhận thức rõ ràng rằng, tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa thật bất toàn và ít ỏi làm sao – và chúng ta vẫn tìm kiếm chính mình vô ngần trong đời sống thiêng liêng.
Trước hết, nhận thức rằng việc vẫn tìm kiếm chính mình không được phép làm chúng ta bối rối. Rất mực đơn sơ, hãy thưa cùng Chúa, chúng ta muốn yêu mến Người với một tình yêu tinh tuyền, vô vị lợi… và tin tưởng phó mình hoàn toàn cho Người, Người sẽ thanh luyện. Việc cậy sức mình để có được sự tinh tuyền hoặc tự quyết định đâu là tinh tuyền đâu là không tinh tuyền – để nhỗ cỏ dại trước thời trước buổi – và như thế phải sa vào thói kiêu căng, lại có nguy cơ nhỗ luôn lúa tốt (x. Mt 13, 20-34). Hãy để ân sủng Chúa hành động. Hãy vui lòng để kiên vững trong niềm tin. Hãy kiên gan chịu đựng những lúc khô khan mà Thiên Chúa hầu chắc sẽ gửi đến để thanh luyện tình yêu chúng ta dành cho Người.
Một cám dỗ khác thỉnh thoảng cũng dấy lên. Vì sự ngay lành trong ý hướng cốt ở chỗ tìm kiếm Thiên Chúa và làm vui lòng Người thay vì chính mình, nên đôi lúc ma quỷ tìm cách khiến chúng ta nản chí bằng lý lẽ sau: “Làm thế nào có thể tưởng tượng lời cầu nguyện của mày có thể làm vui lòng Thiên Chúa đang khi lòng mày ngập đầy lầm lỗi!”. Câu trả lời là một sự thật nằm ở trọng tâm của Tin Mừng – một sự thật mà Chúa Thánh Thần thôi thúc thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu nhắc nhở chúng ta: người ta không làm vui lòng Thiên Chúa trước hết bởi các nhân đức và công nghiệp, nhưng trên hết bằng niềm tin vô hạn của họ vào lòng nhân từ của Người. Chúng ta sẽ trở lại với điểm này.
6. Khiêm tốn & nghèo khó trong tâm hồn
Hãy nhớ lại những lời của thánh Têrêxa Avila, “Toàn bộ toà nhà cầu nguyện được xây trên lòng khiêm tốn”. Thánh Kinh dạy, “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5, 5).
Vậy, khiêm tốn là một trong những thái độ căn bản của tâm hồn mà không có nó, không thể có sự bền bỉ trong việc cầu nguyện.
Khiêm tốn cốt ở chỗ chấp nhận sự nghèo khó tận căn của một con người, để rồi từ đó, họ hoàn toàn tín thác vào một mình Thiên Chúa. Ai khiêm tốn, mà với họ, Thiên Chúa là tất cả, vui vẻ chấp nhận một sự thật: mình không là gì… họ sẽ không bận tâm về tình trạng đáng thương của mình nhưng xem nó như một cơ may, bởi nó tạo cơ hội cho Thiên Chúa bày tỏ Người nhân từ biết bao.
Không khiêm tốn, chúng ta không thể bền tâm cầu nguyện. Quả thế, đời sống kết hiệp với Chúa một cách thiết thực có nghĩa là cảm nghiệm sự nghèo hèn, tước bỏ mọi sự và cảm nhận sự trần trụi của mình. Trong những hình thức cầu nguyện và hoạt động thiêng liêng khác, có một điều gì đó luôn luôn nâng đỡ chúng ta: một sự hiểu biết nào đó về cách thức thực hiện những điều này một cách đúng đắn, cảm thấy hữu ích khi làm một điều gì đó… Cả trong khi cầu nguyện chung với cộng đoàn, chúng ta có thể tựa nương vào người khác; nhưng trong cô tịch và tĩnh lặng trước mặt Thiên Chúa, chúng ta thấy mình đơn thương độc mã, một mình với thực tại của bản thân và sự nghèo khó của mình. Dĩ nhiên, không dễ dàng để chấp nhận sự kiện chúng ta quá nghèo khó; đó là lý do tại sao con người có khuynh hướng tự nhiên là tránh né sự cô tịch. Và trong đời sống kết hiệp với Chúa, trải nghiệm về sự nghèo khó cũng là điều không thể tránh khỏi. Quả thật, có thể thường xuyên cảm nhận sự ngọt ngào và trìu mến của Chúa, nhưng cũng rất nhiều lần, chúng ta thấy mình thật khốn cùng: với việc không thể cầu nguyện, lo ra chia trí; những vết thương, những tưởng tượng, những ký ức của bao sai lầm thất bại trong quá khứ và cả những lo lắng cho tương lai .v.v.. Đó là lý do tại sao người ta dễ dàng đưa ra hàng ngàn lý chứng để tránh né trạng thái bất động trước Thiên Chúa, phơi bày sự hư không tận căn của mình; và cuối cùng, chối nhận sự nghèo khó và yếu đuối của bản thân.
Vậy mà, chính khi tin tưởng vui tươi chấp nhận sự yếu đuối, nó lại trở nên nguồn mạch mọi phú túc thiêng liêng, “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3).
Người khiêm tốn kiên trì trong đời sống cầu nguyện sẽ không kiêu căng hay cậy mình. Họ không xem mình có quyền được hưởng bất cứ điều gì, không cho mình có thể tự sức làm bất kỳ điều gì; không ngạc nhiên khi gặp khó khăn, yếu đuối, luôn sa ngã… nhưng đương đầu với chúng trong bình an, không quá bận tâm về chúng, bởi họ đã đặt toàn bộ niềm cậy trông vào Thiên Chúa và tin chắc chắn sẽ lãnh nhận từ Người tất cả những gì họ không thể làm hay đáng công được hưởng.
Người khiêm tốn không bao giờ nản chí vì họ không tín thác vào mình nhưng vào Thiên Chúa. Cuối cùng, đó là những gì thật sự quan trọng. Cha Libermann nói, “Chính sự ngã lòng khiến nhiều linh hồn hư mất”. Lòng khiêm tốn và tín thác đích thực luôn sánh bước cùng nhau.
Chẳng hạn, đừng bao giờ thất vọng trước sự lãnh đạm thờ ơ nơi bản thân hay khi nhận ra lòng yêu mến Chúa của mình ít ỏi biết bao. Những người mới tập đi đàng nhân đức khi đọc cuộc đời các thánh hay tác phẩm của các ngài đôi lúc cảm thấy nản chí trước những lối diễn tả tình yêu nồng cháy các đấng dành cho Thiên Chúa; họ tìm thấy ở đó, một tình yêu vượt quá bất cứ điều gì họ cảm nhận. Rồi họ tự nhủ, mình sẽ không bao giờ vươn tới những tầm cao đó. Đây là một cám dỗ rất thông thường. Hãy kiên trì với ý ngay lành và niềm tin kiên vững: chính Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta lòng yêu mến để có thể mến yêu Người. Tình yêu nồng cháy mạnh mẽ đối với Thiên Chúa không đến một cách tự nhiên, tình yêu đó được đổ xuống bởi Thánh Thần, Đấng sẽ được ban cho những ai biết cầu xin với lòng kiên nhẫn của bà goá trong Tin Mừng. Không phải những người cảm thấy sốt sắng nhất khi mới bắt đầu sẽ luôn luôn là những người tiến xa nhất trong đời sống thiêng liêng – thực sự không hề như vậy!
7. Quyết tâm bền chí
Giờ đây, rõ ràng, cuộc chiến đấu chủ yếu trong đời sống kết hiệp với Chúa chính là sự kiên trì. Thiên Chúa sẽ ban ơn để mỗi người có thể kiên trì nếu chúng ta tin tưởng cầu xin và vững tâm làm bất cứ điều gì được giao phó.
Chúng ta cần có những quyết tâm thật mạnh mẽ, đặc biệt lúc khởi đầu. Thánh Têrêxa Avila nhấn mạnh điều này:
Giờ đây, chúng ta trở lại với những ai muốn cất bước trên con đường này và họ sẽ không mỏi gối chồn chân cho đến khi tới đích, nơi họ có thể uống nước hằng sống. Như tôi trình bày, điều tối quan trọng – thực sự vô cùng quan trọng – là họ phải bắt đầu với một quyết tâm mạnh mẽ và thiết tha rằng, sẽ không bao giờ thối lui cho đến khi tới đích, dù hoàn cảnh thế nào, dù bất cứ điều gì xảy đến, dù họ phải lao công vất vả làm sao, dù bao người phàn nàn về họ, dù có đến đích hay gục ngã trên đường hoặc không đủ can đảm để đối đầu với những thử thách gặp phải hay cho dù thế giới tan chảy trước mắt[2].
Bây giờ, chúng ta hãy xem xét làm thế nào để củng cố quyết tâm của mình và vạch trần những cạm bẫy, những lập luận sai lạc hoặc những cám dỗ có thể làm hao mòn quyết tâm đó.
KHÔNG CÓ MỘT ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN, SẼ KHÔNG CÓ VIỆC NÊN THÁNH
Trước tiên chúng ta cần xác tín về tầm quan trọng sống còn của việc kết hiệp với Chúa. Thánh Gioan Thánh Giá dạy, “Ai tránh né cầu nguyện sẽ né tránh điều lành”. Tất cả các thánh đều dành thời giờ để cầu nguyện. Ai dấn thân phục vụ tha nhân nhiều nhất cũng là người chiêm niệm nhiều nhất. Thánh Vincent de Paul bắt đầu mỗi ngày bằng hai hoặc ba giờ kết hiệp với Chúa và suy niệm.
Sẽ không có những tiến bộ thiêng liêng nếu không có cầu nguyện chiêm ngắm. Cho dẫu chúng ta đã có một trải nghiệm mạnh mẽ về hoán cải, cảm nhận một sự sốt sắng cao độ hay đã nhận được những ân huệ lớn lao nào đó… nhưng nếu không trung thành với việc kết hiệp với Chúa, đời sống Kitô hữu của chúng ta sẽ sớm đạt đến một trạng thái bình ổn và dậm chân tại chỗ. Điều này xảy ra vì lẽ nếu không có một đời sống kết hiệp với Chúa, chúng ta sẽ không nhận được một sự trợ giúp nào từ Người hầu được biến đổi và thánh hoá tận căn. Chứng từ của các thánh đều đồng nhất về điểm này.
Đến đây, một số người có thể phản đối rằng, ơn thánh hoá cũng – thực sự và chủ yếu – được ban cho chúng ta qua các Bí Tích. Thánh Lễ tự nó quan trọng gấp nhiều lần so với việc kết hiệp với Chúa. Điều này đúng, nhưng nếu không có một đời sống cầu nguyện nào đó thì ngay cả các Bí Tích cũng chỉ có hiệu quả hạn hẹp. Quả thế, các Bí Tích mang lại ân sủng, nhưng ân sủng sẽ không sinh hoa kết quả một phần nào đó vì thiếu “đất tốt”. Chẳng hạn, tại sao nhiều người thường xuyên rước Chúa lại không nên thánh hơn? Lý do thông thường, bởi họ không có một đời sống cầu nguyện. Thánh Thể không mang lại hoa trái chữa lành và thánh hoá nội tâm theo lẽ như thế, bởi Thánh Thể đã không được nhận lãnh với một thái độ tin yêu tôn thờ và mở lòng đón nhận hoàn toàn – một thái độ chỉ có thể có bởi một lòng trung thành kết hiệp với Chúa. Điều này cũng đúng đối với các Bí Tích khác.
Một người nào đó, ngay cả người rất sốt sắng và tận tuỵ, nếu không tạo cho mình một thói quen kết hiệp với Chúa, họ sẽ luôn luôn thiếu thốn một điều gì đó để lớn lên trong đời sống thiêng liêng. Những con người như thế này sẽ không tìm được cho mình một sự bình an nội tâm đích thực nhưng họ sẽ luôn là đối tượng cho băn khoăn lắng lo và sẽ luôn luôn có một cái gì đó hết sức nhân loại trong tất cả những gì họ làm: bám víu vào ý riêng, sĩ diện, tìm kiếm cái tôi, tham vọng, não trạng hẹp hòi… Sẽ không có một sự thanh luyện nội tâm tận căn và sâu sắc nếu họ không thực hành một đời sống kết hiệp với Chúa. Một mặt, sự khôn ngoan và cẩn trọng của chúng ta sẽ chỉ luôn dừng lại trên bình diện con người và chúng ta sẽ không bao giờ đạt đến một tự do nội tâm đích thực; mặt khác, chúng ta không thể cảm nhận lòng thương xót Chúa từ nội tâm mình và như thế, làm sao có thể giúp người khác nhận ra lòng xót thương đó. Phán đoán vẫn mãi hẹp hòi, mập mờ và chúng ta sẽ thực sự không có khả năng để đi vào đường lối của Thiên Chúa, một đường lối hoàn toàn khác biệt với đường lối mà nhiều người – ngay cả những Kitô hữu sốt sắng nhất – tưởng nghĩ.
Chẳng hạn, một số người có được những trải nghiệm tuyệt vời về sự cải hoá trong phong trào Canh Tân Đặc Sủng. Sự tuôn đổ Thần Khí là một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa rạng ngời và ngất ngây. Nhưng sau vài tháng hoặc vài năm, họ không còn lấy một chút tiến bộ và mất hết sức sống thiêng liêng. Tại sao? Bởi Thiên Chúa đã buông họ ra? Chắc chắn là không, “Khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý” (Rm 11, 29). Điều đó xảy ra bởi họ không học biết thường xuyên mở lòng mình ra trước ân sủng của Người, nghĩa là, Canh Tân Đặc Sủng chỉ sẽ trổ sinh hoa trái trong một đời sống cầu nguyện.
VẤN ĐỀ KHÔNG CÓ ĐỦ THỜI GIỜ
“Tôi thực sự muốn kết hiệp với Chúa, nhưng lại không có thời giờ”. Biết bao lần điều này được nói đến! Và trong một thế giới xô bồ động đạc như hiện nay, đó là một khó khăn thực sự và dĩ nhiên, không nên xem thường.
Nhưng thời gian không luôn luôn thực sự là vấn đề. Vấn đề thực là biết điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống. Như một tác giả đương thời nhận định, không ai đói đến chết vì không có thời giờ để ăn. Chúng ta luôn tìm ra hay đúng hơn, dành ra thời giờ để làm những gì thật sự hệ trọng. Trước khi nói không có thời giờ cho việc cầu nguyện, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách coi lại bậc thang các giá trị của mình, để xem những ưu tiên thật sự của chúng ta là gì.
Một trong những khủng hoảng lớn lao của thời đại hôm nay là người ta không còn tìm ra thời gian cho nhau, thời gian ở bên nhau. Điều này gây bao tổn thương nghiêm trọng. Nhiều đứa trẻ sống trong vỏ bọc của chính mình, vỡ mộng và thương tổn… vì cha mẹ không bao giờ học cách dành thời giờ cho chúng, họ làm những việc không đâu vào đâu ngoại trừ việc ở bên chúng. Họ chăm sóc con cái, nhưng luôn luôn làm một điều gì khác hay quá bận rộn, không bao giờ hiện diện trọn vẹn với con cái cũng như không bao giờ hoàn toàn dành cho chúng. Đứa trẻ cảm nhận điều này và tổn thương. Khi học cách dành thời giờ cho Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ có khả năng tìm ra thời giờ cho nhau nhiều hơn. Để tâm đến Chúa sẽ dạy chúng ta biết để tâm đến người khác.
Nói đến vấn đề thời gian, chúng ta phải thực hiện một hành vi đức tin vào lời hứa của Đức Giêsu, “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, lại không nhận được gấp trăm ở đời này!” (Mc 10, 29). Thật hợp lý để áp dụng điều này theo thứ tự thời gian: ai biết dành mười lăm phút tivi để cầu nguyện sẽ nhận được gấp trăm ở đời này – thời gian sẽ được trả lại cho họ gấp trăm, không ở thời lượng nhưng ở chất lượng. Việc kết hiệp với Chúa sẽ mang lại cho mỗi người ân sủng để sống mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời một cách hiệu quả hơn gấp bội.
THỜI GIỜ DÀNH CHO CHÚA KHÔNG PHẢI LÀ THỜI GIỜ ĐÁNH CẮP TỪ NGƯỜI KHÁC
Vậy để kiên trì kết hiệp với Chúa, chúng ta cần loại bỏ một số cảm giác tội lỗi sai lạc nào đó vốn nảy sinh từ quan niệm sai lầm về việc bác ái và đoan chắc thời giờ dành cho Chúa không bao giờ là cái đánh cắp của những ai cần tình thương và sự hiện diện của chúng ta. Trái lại, việc trung thành hiện diện với Chúa bảo đảm khả năng hiện diện với người khác và yêu thương họ thực sự. Kinh nghiệm chứng minh điều này: tình yêu của những tâm hồn cầu nguyện là tình yêu quan tâm, tinh tế, vô vị lợi và nhạy cảm trước nỗi đau của người khác nhất; là tình yêu có khả năng an ủi vỗ về nhất. Kết hiệp với Chúa khiến chúng ta trở nên những người tốt hơn và những ai gần gũi với chúng ta sẽ không phàn nàn về điều đó!
Có nhiều quan niệm sai lầm về tương quan giữa đời sống cầu nguyện và đức ái đối với tha nhân…, những quan niệm sai lầm này đã tách người Kitô hữu ra khỏi đời sống chiêm niệm với bao hệ luỵ tai hại. Rất nhiều người nói đến thực trạng này. Đoạn trích của thánh Gioan Thánh Giá dưới đây có thể đả thông tư tưởng của chúng ta về chủ đề này và minh chứng cho những Kitô hữu, một cách hoàn toàn hợp pháp, ước muốn dành nhiều thời giờ cho việc cầu nguyện.
Hãy để những kẻ vùi đầu vào công việc dừng lại và suy tư trong chốc lát, những kẻ tưởng tượng họ có thể dịch chuyển thế giới bằng tài diễn thuyết và những công việc bên ngoài khác của mình; họ sẽ sớm nhận ra rằng, Hội Thánh sẽ hưởng nhiều ơn ích hơn và Thiên Chúa sẽ vui lòng hơn… không phải bằng những việc làm tốt lành họ đã biểu dương, nhưng bằng một nửa thời giờ họ dành cho việc cầu nguyện, dù có thể họ không tiến bộ như các linh hồn được mô tả ở đây. Nếu được như vậy, họ sẽ đạt thấu một điều lành lớn lao hơn dù chỉ thực hiện một công việc đơn sơ nào đó và tiêu tốn sức lực ít hơn so với hàng ngàn công việc mà họ bỏ ra cả đời để thực hiện. Công nghiệp của một đời sống cầu nguyện đáng cho họ hưởng ân phúc này và cũng đáng cho họ có được sức mạnh thiêng liêng cần thiết để trổ sinh những hoa trái như thế. Không cầu nguyện, mọi sự chỉ là ồn ào tựa chiếc búa nện vào đe… tạo nên những âm thanh rộn làng rộn xóm. Những người như thế hầu như không làm gì cả, đôi khi tuyệt đối không gì cả, hoặc thậm chí chỉ làm hại. Thực ra, Thiên Chúa gìn giữ chúng ta tránh xa các linh hồn như thế nếu họ tỏ ra vênh vang tự đắc! Vô bổ thay vẻ bề ngoài thích chí của họ; sự thực, họ sẽ chẳng làm được gì, bởi chắc chắn rằng, chẳng việc lành nào được hoàn tất mà không cần ơn Chúa. Ôi, biết bao điều phải viết về chủ đề này nếu đây thực sự là nơi để làm điều đó![3]
CẦU NGUYỆN ĐANG KHI LÀM VIỆC… ĐÃ ĐỦ CHƯA?
Người ta sẽ bảo bạn, “Tôi không có thời giờ để cầu nguyện, nhưng giữa mọi công việc, chẳng hạn việc nhà .v.v.., tôi tìm cách nhớ Chúa nhiều nhất có thể. Tôi dâng công việc cho Chúa và tôi nghĩ, cầu nguyện như thế là đủ rồi”.
Điều này hẳn không sai. Rất có thể một người sống kết hiệp với Chúa thật mật thiết giữa cuộc sống bận rộn để rồi sự kết hiệp này trở nên đời sống cầu nguyện của họ mà họ không cần làm điều gì hơn. Thiên Chúa, Chúa chúng ta, có thể ban cho họ ơn này, đặc biệt nếu họ tuyệt đối không nghĩ đến một điều gì ngoài Người giữa bao công việc. Hơn nữa, thật hiển nhiên khi chúng ta được khuyến khích hướng lòng về Chúa thường xuyên có thể đang khi ở giữa công việc. Và cuối cùng, công việc được dâng và được làm cho Chúa thực sự trở thành một hình thức cầu nguyện.
Nhưng một khi công nhận như thế, chúng ta cũng cần phải thực tế. Thật không dễ dàng chút nào để kết hiệp với Chúa khi phải ngập đầu trong công việc với khuynh hướng tự nhiên là chúng ta bị cuốn hút vào những gì đang làm. Nếu không học cách dừng lại toàn bộ công việc trong một khoảng thời gian nào đó, nếu không học cách tạo nên một khoảng lặng, khi chúng ta không nghĩ đến điều gì ngoại trừ Thiên Chúa… thì bao khó khăn vẫn sẽ xảy ra cho việc kết hiệp với Chúa khi đang ở giữa công việc. Để làm được điều đó, chúng ta cần giáo dục lại tâm hồn mình một cách thấu đáo tường tận và kiên trì trung thành kết hiệp với Chúa vốn là cách thế bảo đảm nhất.
Điều này phải được áp dụng cho mọi tương quan liên vị. Một người nào đó tin rằng mình rất mực yêu thương vợ con dẫu anh ta có một cuộc sống rất bận rộn để rồi không thể dành ra thời giờ dù chỉ một phần trăm hầu hiện diện với gia đình, người ấy đang đánh lừa mình vậy. Không có khoảng không gian tự do đó, tình yêu sẽ sớm ngộp thở. Tình yêu vươn vai hít thở một bầu không khí trao ban nhưng không. Chúng ta phải có khả năng lãng phí thời giờ cho người khác và sẽ lời to do “việc phí phạm” đó: nó là một trong những thực tại được Tin Mừng biểu thị, “Ai mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 10, 39).
Nếu Thiên Chúa là mối quan tâm hàng đầu của chúng ta, Người sẽ chăm lo công việc của chúng ta tốt hơn chúng ta nhiều. Hãy khiêm tốn nhận thức rằng, khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là quá bám víu vào công việc, để rồi, chính công việc cuốn phăng chúng ta cho đến khi chúng đầy ắp tâm trí. Điều này sẽ không thay đổi cho đến khi chúng ta có được thói quen khôn ngoan từ bỏ mọi việc, ngay cả những việc cấp bách và quan trọng nhất, hầu thanh thản dành lấy thời giờ để kết hiệp với Chúa vào một giờ đã định.
CẠM BẪY CỦA LÒNG CHÂN THÀNH GIẢ DỐI
Chúng ta đang sống trong một thời đại vốn quá đề cao tự do và sự chính xác của mỗi người, nên một lý lẽ thường được viện ra vốn có thể ngăn cản người ta trung thành cầu nguyện, chẳng hạn như:
“Cầu nguyện quả là tuyệt vời, nhưng tôi chỉ cầu nguyện khi cảm thấy có một nhu cầu bên trong… Bắt đầu cầu nguyện khi không cảm nhận chẳng qua chỉ là nhân tạo, ép buộc, thậm chí là một loại hình dối trá hay đạo đức giả… Tôi chỉ cầu nguyện khi tôi cảm thấy tự ý khát khao điều đó…”.
Câu trả lời là nếu cứ chờ đợi cho đến khi lòng mình chợt cảm thấy khát khao cầu nguyện, thì rốt cuộc, có thể chúng ta phải chờ cho đến cuối đời. Ước ao cầu nguyện quả là đẹp, nhưng không xác thực. May thay, có một động lực khác thôi thúc chúng ta đi gặp Chúa trong giờ cầu nguyện, một động lực cũng đầy ý nghĩa, sâu sắc và thường hằng hơn nhiều: Chúa đang mời gọi tôi. Tin Mừng dạy phải “cầu nguyện luôn” (Lc 18, 1). Chúng ta phải được hướng dẫn bởi đức tin, chứ không phải bởi cảm tính chủ quan.
Khái niệm tự do và chính xác được diễn tả trong dòng tư tưởng trên rất phù hợp với thị hiếu của người thời nay nhưng thật ra không chính đáng. Tự do đích thực không có nghĩa là để mình được điều khiển bởi những xung năng bốc đồng lúc này lúc khác nhưng hoàn toàn ngược lại. Tự do có nghĩa là không làm nô lệ cho cảm tính nhưng là được dẫn dắt trong một tiến trình đi đến hành động bởi những chọn lựa căn bản đã định, những chọn lựa mà người ta không chối bỏ khi đối mặt với những hoàn cảnh mới.
Chân lý, chứ không phải xu hướng bên ngoài, là động lực hướng dẫn xác thực việc sử dụng tự do. Chúng ta phải đủ khiêm tốn để nhận ra mình thiếu kiên định làm sao. Ai đó rất tuyệt vời hôm nay lại là người chúng ta không chịu nổi ngày mai, do thời tiết thay đổi hay do tâm trạng? Những gì chúng ta không thể sống nếu không có nó vào ngày thứ Hai lại hững hờ bỏ mặc chúng ta vào ngày thứ Ba. Các loại hình quyết định này khiến chúng ta trở thành những tù nhân của bao ý tưởng bất chợt.
Chúng ta cũng không nên dối mình về tính xác thực. Tình yêu đích thực và chân thành nhất – là thứ tình yêu thay đổi ngày này qua ngày khác tùy theo tâm trạng hay là một tình yêu bền vững, trung thành, không bao giờ đổi thay?
Trung thành với việc cầu nguyện là một trường học tự do. Đó là trường học sự chân thật trong tình yêu, bởi chúng ta được học từng bước một, không còn đặt tương quan của mình với Thiên Chúa trên một nền tảng chòng chành, không kiên định của những ấn tượng, tâm trạng hay cảm xúc… nhưng trên nền tảng kiên cố của đức tin – trên lòng trung thành của Thiên Chúa vốn kiên vững như bàn thạch. “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13, 8), vì “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1, 50). Nếu kiên trì, tương quan của chúng ta với người khác, vốn cũng hời hợt, dễ đổi thay… sẽ trở nên bền vững, trung tín, sâu sắc… và vì thế hạnh phúc hơn.
Một điểm khác, ai cũng muốn có khả năng hành động tuỳ tiện, tự do và không gò bó. Điều đó hoàn toàn hợp lý: con người được sinh ra không phải để gây chiến với mình, bạo hành với bản tính của mình. Nhu cầu chiến đấu với chính mình là kết quả của một sự chia rẽ nội tâm mà tội lỗi là nguyên nhân. Nhưng khát vọng tự do tự nhiên của chúng ta không thể được thoả mãn chỉ bằng cách thả lỏng nó cho những ước muốn bất chợt. Điều đó chỉ dẫn đến huỷ hoại, bởi những ước muốn bất chợt đó không luôn luôn hướng đến điều thiện; chúng cần được thanh luyện và chữa lành cách sâu sắc. Vẫn còn một vết thương trong bản tính con người – một sự thiếu hài hoà, một sự rạn nứt giữa những gì con người tự ý khao khát và mục đích mà nó được tạo dựng nên, giữa cảm xúc của nó và ý định của Thiên Chúa, một ý định mà con người phải trung thành tuân giữ và đó cũng là thiện ích đích thực của nó.
Như thế, khát khao tự do của chúng ta chỉ có thể được lấp đầy thực sự chừng nào mỗi người để mình được chữa lành bởi ân sủng Thiên Chúa. Trong tiến trình chữa lành đó, cầu nguyện đóng một vai trò hết sức quan trọng. Tiến trình đó cũng xảy đến – cần phải nhận ra điều này – ngang qua những thử thách và thanh luyện – bao “đêm tối” với những ý nghĩa mà thánh Gioan Thánh Giá đã dò thấu. Một khi tiến trình chữa lành này – tức là việc phục hồi trật tự đúng đắn cho những khuynh hướng – được hoàn tất, chúng ta sẽ hoàn toàn tự do; một cách tự nhiên và đơn sơ, chúng ta yêu mến và ước muốn những gì phù hợp với Ý Muốn của Thiên Chúa cũng như phù hợp với ý ngay lành của mình. Vậy là chúng ta có thể an tâm làm theo những khuynh hướng tự nhiên của mình, bởi chúng đã được đặt đúng chỗ cũng như đã hài hoà với sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Và rồi, chúng ta cũng có thể làm theo những gì “tự nhiên” mách bảo, bởi điều tự nhiên cũng sẽ được phục hồi bởi ân sủng. Chắc chắn sự hài hoà nội tâm này sẽ không bao giờ viên mãn ở đời này, nhưng chỉ ở đời sau trên thiên đàng. Trong cuộc đời dương thế, chúng ta sẽ phải luôn chiến đấu chống lại một số khuynh hướng bên trong nào đó; thế nhưng, ngay cả ở đời này, những ai thực hành kết hiệp với Chúa vẫn có khả năng ngày càng tự nguyện yêu mến và thực hiện điều lành, một điều gì đó vốn phải trả giá đắt với nhiều nỗ lực ở những bước đầu. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, gương lành gương sáng đến với họ cách dễ dàng và tự nhiên hơn. Thánh Phaolô nói, “Nơi nào có Thần Khí Thiên Chúa, nơi đó có tự do” (2Cr 3, 17).
CẠM BẪY CỦA LÒNG KHIÊM TỐN GIẢ TẠO
Cần phải cảnh giác trước lập luận sai lầm chúng ta vừa xem xét. Lập luận này đôi lúc ẩn tàng dưới một hình thức tinh tế hơn. Thánh Têrêxa Avila suýt rơi vào cạm bẫy đó để bỏ việc cầu nguyện và đó hẳn sẽ là một mất mát không thể hoàn lại cho toàn thể Hội Thánh! Một trong những lý do khiến thánh nhân viết cuốn Tự Truyện là để cảnh báo các linh hồn về cạm bẫy này, một cạm bẫy ma quỷ giăng mắc hết sức tài tình. Cạm bẫy là thế này: một người nào đó bắt đầu đi vào đời sống kết hiệp với Chúa, họ sớm nhận ra những lỗi lầm, bất trung và những lãnh vực mà ân sủng chưa hề chạm đến. Để rồi, người đó có thể bị cám dỗ từ bỏ việc cầu nguyện khi viện cớ rằng, “Tôi đầy sai lỗi, tôi không có một chút tiến bộ, tôi không thể thực sự được cải hoá và yêu mến Chúa cách nghiêm túc. Đặt mình trước mặt Chúa với hiện trạng như thế chỉ là giả hình – Tôi giả vờ là một vị thánh đang khi tôi chẳng hơn gì một người không có lấy một phút cầu nguyện. Trong cái nhìn của Thiên Chúa, có lẽ tôi sẽ thành thật hơn nếu tôi bỏ hẳn việc cầu nguyện!”.
Thánh Têrêxa đã để mình trở thành một kẻ khờ khạo khi tin vào lập luận này. Bà đã bộc bạch điều này trong chương 19 của cuốn Tự Truyện: Sau khi thực hành kết hiệp với Chúa một cách cần mẫn đôi ba lần, bà đã bỏ cầu nguyện hơn một năm. Sau đó, bà thưa chuyện với một Thầy Dòng Đa Minh, may thay, Thầy đã dẫn bà về chính lộ. Tại Tu Viện Incarnation ở Avila, Têrêxa có ý ngay lành khi muốn dâng mình cho Chúa và sống đời cầu nguyện, nhưng chưa là một vị thánh – còn lâu! Đặc biệt, mặc dầu biết Đức Giêsu muốn bà bỏ thói quen đi đến phòng khách tu viện để chuyện trò hứng thú với giới thượng lưu Avila – nơi mà theo lẽ thường, vui vẻ, thân thiện và tình cảm – bà đã không cưỡng lại được. Bà không làm gì sai, nhưng Đức Giêsu mời gọi bà làm một điều gì khác. Cầu nguyện trở thành tra tấn thực sự đối với bà; bà đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, ý thức mình bất trung với Người nhưng không có sức mạnh để từ bỏ mọi sự vì Người. Bà thầm nghĩ, “Tôi không xứng đáng đến trước mặt Chúa, vì tôi không có khả năng trao phó tất cả cho Người. Tôi không nghiêm túc với Người – tốt hơn, đừng cầu nguyện nữa…”.
Về sau, thánh nữ Têrêxa Avila gọi đây là cơn cám dỗ “khiêm tốn giả tạo”. Sự thực, bà đã bỏ cầu nguyện và một Cha giải tội đã giúp bà kịp nhận ra, chính khi bỏ cầu nguyện, bà đã bỏ luôn mọi cơ hội thăng tiến. Lẽ ra, bà phải làm điều hoàn toàn ngược lại: kiên trì, bởi chỉ nhờ kiên trì, bà mới có thể đạt được, đúng thời đúng buổi hồng ân hoán cải triệt để và hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa.
Điều này tối quan trọng. Khi chúng ta bắt đầu đi vào đời sống kết hiệp với Chúa, chúng ta không phải là thánh; và càng kết hiệp với Chúa, chúng ta càng nhận ra điều đó. Những ai không bao giờ giáp mặt với Chúa trong thinh lặng sẽ không bao giờ thật sự ý thức sự bất trung và lầm lỗi của mình; chính khi cầu nguyện, những điều đó sẽ lộ ra rõ ràng hơn. Điều đó có thể gây nhiều đau đớn và dấy lên chước cám dỗ bỏ cầu nguyện. Ở giai đoạn này, chúng ta không được nản chí, nhưng phải bền lòng và xác tín rằng, chính sự kiên trì sẽ mang lại cho chúng ta ơn hoán cải. Tội lỗi dù nghiêm trọng đến đâu, cũng không bao giờ là cớ để chúng ta từ bỏ cầu nguyện; hãy làm ngược lại với những gì chúng ta có thể tưởng tượng hay những gì ma quỷ có thể gợi lên. Hoàn toàn ngược lại: càng tội lỗi, chúng ta càng có lý do để được thúc đẩy, được mời gọi cầu nguyện. Ai có thể chữa chúng ta khỏi bất trung và tội lỗi nếu không phải là Thiên Chúa giàu lòng thương xót? Tìm ở đâu linh dược chữa lành linh hồn ngoài việc khiêm tốn chuyên chăm cầu nguyện? “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 13). Tật bệnh do tội lỗi phải thôi thúc chúng ta cầu nguyện. Càng thương tích, chúng ta càng phải tìm nương ẩn trong Thánh Tâm Chúa Giêsu! Chỉ một mình Ngài mới có thể chữa lành. Nếu chờ cho đến khi công chính hay tốt lành trước khi đi vào đời sống kết hiệp với Chúa, có lẽ chúng ta phải đợi cả đời. Suy nghĩ như thế chỉ nói lên rằng, chúng ta chẳng hiểu một chữ nào trong Tin Mừng cả. Nó có vẻ như khiêm tốn, nhưng thật ra chỉ là kiêu căng và thiếu lòng tín thác nơi Chúa.
Trường hợp này ít khi xảy ra, là khi đã phạm một vài tội nào đó, chúng ta cảm thấy xấu hổ, mất an vui, và dẫu không hoàn toàn bỏ việc cầu nguyện nhưng chúng ta lại để cho một ít thời gian trôi qua – rồi đợi cho đến khi dư âm của tội không còn vang vọng trong lương tâm – trước khi lấy lại thời giờ và lúc ấy mới đặt mình một lần nữa trước sự hiện diện của Chúa. Đó cũng là một sai lầm nghiêm trọng còn nặng hơn tội ban đầu. Nó cho thấy sự thiếu tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa cũng như không nhận ra tình thương của Người. Chính sự coi thường này xúc phạm đến Người nhiều hơn bất cứ điều ngớ ngẫn nào chúng ta đã làm. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, người hiểu Thiên Chúa là ai, nói rằng, “Điều làm tổn thương Thiên Chúa, điều làm Người tan nát cõi lòng… là thiếu niềm tin”. Một khi trót phạm tội, phản ứng “đúng đắn” nhất của chúng ta là lập tức lao mình vào vòng tay nhân từ của Thiên Chúa, tin chắc mình sẽ được vỗ về thứ tha với lòng thống hối khiêm nhường – “đúng đắn” theo nghĩa Thánh Kinh là tuân theo những gì đã được mặc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa. Sau khi đã chân thành xin lỗi Chúa, chúng ta trở lại với việc cầu nguyện thường xuyên hơn mà không trì hoãn, đặc biệt là sống kết hiệp với Chúa. Xưng tội là điều cần thiết, chúng ta sẽ xưng tội sớm nhất có thể và sẽ không thay đổi bất cứ thói quen cầu nguyện nào trong thời gian này. Đây là cách thế chắc chắn nhất để được giải thoát khỏi tội và cũng là cách ngợi khen tốt nhất lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Về khía cạnh này, thánh Têrêxa Avila góp thêm một ý tưởng rất hay. Bà nói, người thực hành kết hiệp với Chúa dĩ nhiên vẫn tiếp tục sa sẩy, thất bại và lầm lỗi… nhưng nhờ cầu nguyện, mỗi lần ngã là mỗi lần giúp bật dậy đôi khi còn cao hơn. Thiên Chúa làm cho mọi chuyện – ngay cả những sa ngã – liên kết với nhau vì lợi ích và sự tiến bộ của những ai trung thành kết hiệp với Người trong nguyện cầu.
Tôi nhấn mạnh điều này để không ai trong số những người mới bắt đầu đời sống kết hiệp với Chúa phải ngưng cầu nguyện khi viện cớ rằng, “Nếu tôi lại sa ngã mà vẫn tiếp tục cầu nguyện, sự việc có khi sẽ tồi tệ hơn”. Tôi nghĩ, sẽ tồi tệ hơn nếu họ bỏ cầu nguyện và không sửa đổi lỗi lầm; nhưng nếu vẫn kiên trì cầu nguyện, họ cứ tin rằng, việc cầu nguyện này sẽ dẫn họ đến bến bờ ánh quang. Ma quỷ đã tuyên chiến với tôi chỉ vì mục đích đó và tôi đã dại dột tin rằng, thực hành cầu nguyện khi mình quá tội lỗi là thiếu khiêm nhường. Niềm tin xằng bậy đó kéo dài quá lâu đến nỗi, như tôi đã nhìn nhận, tôi bỏ cầu nguyện một năm rưỡi (hay chính xác là một năm, còn nửa năm kia thì tôi không chắc). Nhưng như thế hẳn vẫn đủ và quá đủ để tôi lao xuống hoả ngục mà không cần tên quỷ nào cất công kéo tôi xuống đó. Ôi lạy Chúa, con thật mù loà! Và ma quỷ thật có lý khi nhằm mục đích của mình, nó chỉ tập trung lực lượng vào điểm này! Nó biết bất cứ ai kiên trì cầu nguyện đều thoát khỏi nó và mọi sa ngã nó gây ra cho những linh hồn này chỉ giúp họ, nhờ lòng nhân lành của Chúa, bật dậy đôi khi còn cao hơn trong việc phụng sự Người; vì thế tổn hại nghiêm trọng cho nó[4].
8. Phó mình hoàn toàn cho Thiên Chúa
Có một sự liên hệ hai chiều chặt chẽ giữa việc cầu nguyện và phần thời giờ còn lại trong ngày sống của một người Kitô hữu. Rất thông thường, những gì quyết định sự tiến bộ, những gì cho thấy đời sống cầu nguyện của một người nào đó thật sự sâu sắc… không phải là những gì người ấy làm trong giờ cầu nguyện nhưng là những gì họ sống trong thời gian còn lại của ngày sống sau giờ cầu nguyện. Một cách thiết yếu, tiến bộ trong cầu nguyện là tiến bộ trong tình yêu, trong sự thanh khiết của tâm hồn; và tình yêu đích thực được thể hiện bên ngoài nhiều hơn so với những gì xảy ra bên trong giờ cầu nguyện. Chúng ta hãy xét xem một số ví dụ.
Sẽ là lừa phỉnh chính mình nếu chúng ta cố tạo cho bản thân một sự tiến bộ trong việc cầu nguyện đang khi toàn bộ cuộc sống không được đánh dấu bởi một lòng ước ao chân thành sâu sắc để hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa, hun đúc đời mình theo thánh ý Người một cách trọn vẹn nhất có thể. Không có lòng ước ao đó, đời sống cầu nguyện sẽ khựng lại và không thể tiến xa hơn. Thiên Chúa chỉ ban mình Người (mục tiêu của đời sống kết hiệp với Chúa) nếu chúng ta toàn hiến trọn vẹn cho Người. Chúng ta chỉ có được tất cả khi biết cho đi mọi sự. Nếu cứ khư khư giữ lấy căn phòng vốn đã niêm phong cuộc sống mình, một căn phòng chúng ta không muốn giao cho Thiên Chúa – chẳng hạn một lỗi lầm, ngay cả một lầm lỗi rất nhỏ được cố tình dung túng và không làm gì để sửa đổi; một sự bất tuân có ý thức hay một sự chối từ tha thứ cho ai đó – điều đó vẫn sẽ làm cho đời sống cầu nguyện của chúng ta không sinh hoa kết quả.
Lần kia, một số nữ tu hỏi thánh Gioan Thánh Giá, “Phải làm gì để được xuất thần?”. Thánh nhân trả lời bằng cách lưu ý đến nguyên nghĩa của mặt chữ. “Người ấy phải từ bỏ ý riêng và làm theo ý Chúa. Vì xuất thần không gì khác hơn cho linh hồn là ra khỏi chính nó và lao vào Thiên Chúa – đó là những gì một người biết vâng phục làm, vì người đó ra khỏi chính mình và ý riêng, trở nên nhẹ nhàng khi rủ bỏ hết mọi sự để dán mình vào Thiên Chúa”[5].
Để có thể phó dâng cho Thiên Chúa, người ta phải rủ bỏ lại đàng sau cái tôi của mình. Tình yêu sẽ xuất thần cách tự nhiên: khi yêu thương một cách mạnh mẽ, người ta sống cho người khác nhiều hơn cho chính mình. Nhưng làm sao có thể thực hành chiều kích xuất thần đó trong việc cầu nguyện ngay cả ở cấp độ nhỏ nhất nếu suốt thời gian còn lại của ngày sống… chúng ta chỉ tìm kiếm chính mình? Nếu chúng ta quá ràng buộc với của cải vật chất, sung túc và lòng kiêu hãnh? Nếu chúng ta không thể chịu đựng một thất bại nhỏ nhất nào đó? Hoặc làm sao có thể sống trong Thiên Chúa nếu chúng ta không thể quên mình vì lợi ích của những anh chị em khác?
Có một sự quân bình nào đó cần được tìm kiếm trong đời sống thiêng liêng… và việc tìm kiếm nó không luôn luôn dễ dàng. Một đàng, chúng ta phải chấp nhận sự nghèo khó của mình và không ngừng cầu nguyện cho đến lúc nên thánh; đàng khác, phải ước ao nên thánh, khát khao hoàn thiện. Không có niềm khát khao nên thánh mãnh liệt và thường hằng đó – cả khi biết rất rõ chúng ta sẽ không đạt được điều đó bằng sức riêng và chỉ Thiên Chúa mới có thể đem chúng ta đến sự thánh thiện – việc kết hiệp với Chúa vẫn sẽ không là gì khác hơn ngoài một bài tập luyện đạo đức hời hợt… và không lạ gì khi hoa trái của nó sẽ rất còm cõi. Chính bản chất của tình yêu sẽ hướng đến cái tuyệt đối – hướng đến việc trao ban chính mình một cách cháy bỏng.
Cũng phải ý thức rằng, toàn bộ cách sống của chúng ta có thể tạo thuận lợi hay cản trở việc cầu nguyện. Làm thế nào chúng ta có thể sống trong sự hiện diện của Chúa nếu suốt thời gian còn lại của ngày sống cứ phải phân tâm bởi cả ngàn chuyện bên ngoài khi lo lắng ưu tư, khi dây mình vào những cuộc ngồi lê đôi mách vô bổ… hoặc không biết rèn luyện tâm hồn, đôi mắt và tâm trí khỏi những gì có thể kéo chúng ta xa rời những gì là cốt lõi?
Dĩ nhiên không ai có thể sống mà không có thời gian tiêu khiển, nghỉ ngơi. Điều quan trọng là chúng ta luôn có thể hướng về Chúa[6] (bởi chính Người thống nhất đời sống chúng ta), sống mọi khoảnh khắc trước mặt Người và kết hiệp với Người.
Một điều khác cũng góp phần lớn lao cho sự trưởng thành trong đời sống cầu nguyện của chúng ta – tức là, nỗ lực đối mặt trước mọi hoàn cảnh với thái độ hoàn toàn điềm nhiên tín thác cho Thiên Chúa, sống giây phút hiện tại, không bận tâm ngày mai, làm mọi việc phải làm cách thanh thản mà không lắng lo với những gì sắp xảy đến. Điều đó thật không dễ, nhưng nếu chúng ta để tâm vào đó, những nỗ lực sẽ trổ sinh hoa trái.
Điều tối quan trọng là ngày mỗi ngày học biết cách sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa, trước sự hiện diện của Người bằng việc đối thoại liên lỉ với Người, nhớ đến Người thường xuyên nếu có thể khi làm việc, để Người đồng hành với chúng ta trong mọi việc đang làm. Càng cố gắng thực hiện điều này, việc kết hiệp với Chúa càng trở nên dễ dàng hơn. Sẽ dễ dàng gặp Chúa hơn khi cầu nguyện nếu chúng ta không bao giờ “rời xa” Người. Vì thế, việc thực hành kết hiệp với Chúa phải dẫn đến việc cầu nguyện không ngưng nghỉ, không nhất thiết phải rõ ràng hay nói nên lời, nhưng đúng hơn, một sự ý thức khôn nguôi về sự hiện diện của Người. Việc sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa như thế sẽ giải thoát chúng ta. Rất thông thường, chúng ta cảm thấy ánh mắt người khác nhìn vào mình… bởi chúng ta sợ họ xét đoán hay mặt khác, chúng ta đang khát khao lòng ngưỡng mộ của họ; và nếu cứ luôn nhìn vào mình, điều đó có thể là tự mãn với công việc – hay mặc cảm bởi tội lỗi. Nhưng một khi học sống dưới cái nhìn đầy nhân từ và yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta sẽ chỉ tìm thấy tự do nội tâm.
Lời khuyên của Thầy Lawrence Resurrection có thể sẽ rất giá trị cho việc khai triển “thực hành sống trước sự hiện diện của Chúa”. Thầy dòng Carmel thế kỷ XVII này là một người làm bếp, học cách sống trong sự kết hiệp sâu xa với Chúa giữa những công việc bận rộn nhất. Một số trích dẫn từ những bút tích của Thầy sẽ được tìm thấy ở cuối tập sách này.
Có rất nhiều điều để nói thêm về mối tương quan giữa việc kết hiệp với Chúa và phần còn lại của đời sống thiêng liêng. Một số điểm sẽ được xét lại sau. Đối với phần còn lại, đề nghị hay nhất là học hỏi tra cứu nguồn mạch tốt nhất có thể – tức là, kinh nghiệm của các thánh, đặc biệt những con người mà qua họ, Giáo Hội nhận ra ơn đoàn sủng dạy dỗ người khác trong lĩnh vực này: thánh Têrêxa Avila, thánh Gioan Thánh Giá, thánh Phanxicô Salêsiô và thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu chẳng hạn.
Nhưng phải kết hiệp với Chúa thế nào? Cách riêng, bằng cách nào một người có thể dành thời giờ cho việc kết hiệp với Chúa? Câu hỏi này sẽ được đặt ra một cách nhanh chóng. Nhưng các bước mở đầu đang thảo luận thì tuyệt đối cần thiết hầu giúp vượt qua một số trở ngại. Người nào một khi đã nắm được những thái độ thiêng liêng đang phác thảo ở đây, nhiều vấn đề lệch lạc phải cầu nguyện làm sao sẽ biến mất.
Những thái độ này không dựa trên khôn ngoan nhân loại nhưng dựa trên Tin Mừng. Đó là những thái độ của lòng tin, tín thác vào tay Thiên Chúa, khiêm tốn, nghèo khó tâm hồn và thơ bé thiêng liêng. Chúng không chỉ hình thành nền tảng cho đời sống cầu nguyện nhưng còn cho toàn thể hiện sinh của chúng ta nữa. Một lần nữa, ở đây chúng ta thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa cầu nguyện và cuộc sống như một toàn bộ: cầu nguyện là một trường học, một bài tập luyện… trong đó, chúng ta học biết, thực hành và đào sâu một số thái độ nào đó đối với Thiên Chúa, bản thân và tha nhân – những thái độ vốn ngày càng trở nên nền tảng cho toàn bộ cách sống cũng như cách hành động của chúng ta. Ngang qua đời sống kết hiệp với Chúa, chúng ta in dấu đời mình theo một khuôn mẫu nào đó, nghĩa là hiện diện trong tất cả những gì chúng ta làm. Việc sống với Chúa giúp chúng ta ngày càng có khả năng đạt được bình an, tự do nội tâm cùng tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và tha nhân trong mọi hoàn cảnh. Kết hiệp với Chúa là trường dạy yêu thương, bởi lẽ các nhân đức thực hành trong đời sống cầu nguyện là những nhân đức giúp tình yêu ngự trị trong tâm hồn. Đó là lý do tại sao kết hiệp với Chúa lại quan trọng đến thế.
[1] Để đào sâu vấn đề này hơn, tìm đọc Des bords du Gange aux rives du Jourdain, của Hans Urs von Balthasar (Paris: Nxb. Saint-Paul, 1983).
Lưu ý: Có một khác biệt sâu xa hơn giữa linh đạo Kitô giáo và những phương pháp linh đạo phát xuất từ sự khôn ngoan Đông Phương ngoài Kitô giáo. Trong những linh đạo Đông Phương, mục đích của hành trình thiêng liêng rất thông thường hoặc là biến cái tôi trở nên tuyệt đối, hoặc là một loại thẩm thấu cái tôi vào trong cái Toàn Thể; chấm dứt đau khổ bằng cách chấm dứt dục vọng và đánh mất bản ngã. Đang khi, trong Kitô giáo, mục đích tối thượng của chiêm ngắm thì vô cùng khác biệt: được thần hoá qua sự kết hiệp với Thiên Chúa trong một cuộc gặp gỡ diện đối diện, một sự hiệp thông yêu thương giữa ngôi vị với ngôi vị. Sự thông hiệp này thật sâu sắc, nhưng vẫn duy trì khác biệt giữa các ngôi vị, để rồi ở đó, có thể có một sự trao ban hỗ tương đích thực của cái tôi trong tình yêu.
Cũng cần phải hết sức cảnh giác trước các trào lưu đang lan tràn dưới danh nghĩa «Thời Đại Mới». Đây là một học thuyết hổ lốn pha trộn giữa chiêm tinh, luân hồi, những lối tư duy Đông Phương… Đó là một hình thức của thuyết ngộ đạo hiện đại vốn hoàn toàn phủ nhận mầu nhiệm Nhập Thể, phản ảnh một khát vọng hão huyền về việc nhận ra chính mình mà không cần ân sủng (hoàn toàn đối nghịch với những gì được đề nghị trong cuốn sách này). Cách tiếp cận này, rốt cuộc, rất ích kỷ vì những người khác không bao giờ được đánh giá theo giá trị riêng của họ, nhưng chỉ được xem như những công cụ để tôi có thể nhận ra chính mình. Đây là một thế giới không có tương quan với người khác, một thế giới không có «tha thể» và vì thế, không có tình yêu.
[2] Thánh Têrêxa Avila, Way of Perfection, E. Allison Peers dịch (Sheed & Ward, 1946), ch. 21.
[3] Spiritual Canticle B, khổ 29.
[4] Autobiography, Ch. 19.
[5] Maxim 210.
[6] Trong thực tế, một vài tác giả tu đức đi xa hơn khi cho rằng, để các Kitô hữu bình thường có thể nên thánh, Thiên Chúa phải được tìm thấy chính xác trong mọi hoạt động cao quý của con người, kể cả việc tiêu khiển và giải trí.