Dành giờ cho Chúa – Chương II. Sử dụng thời giờ thế nào để kết hiệp với Chúa

1. Những ý tưởng mở đầu
2. Khi vấn đề không đặt ra
3. Tính ưu việt trong hành động của Thiên Chúa
4. Tính ưu việt của tình yêu
5. Thiên Chúa thông ban chính mình qua nhân tính Đức Giêsu
6. Thiên Chúa cư ngụ trong tâm hồn chúng ta

 

1. Những ý tưởng mở đầu

“Tôi đã quyết định dành nửa giờ hay một giờ mỗi ngày cho việc kết hiệp với Chúa. Tôi phải khởi đầu làm sao? Tôi phải làm gì để sử dụng tốt thời gian này?”. Trả lời những câu hỏi đó thật không dễ chút nào, vì ba lý do sau đây.

Trước tiên, các linh hồn rất khác nhau. Các linh hồn khác biệt nhau hơn những khuôn mặt của họ. Tương quan của mỗi người với Thiên Chúa là độc nhất vô nhị, do đó, việc cầu nguyện của mỗi người cũng độc nhất vô nhị. Không ai có thể vạch ra một lộ trình hay phương pháp vốn có thể áp dụng cho mọi người, bởi điều đó có nghĩa là coi thường tự do của người khác cũng như tính đa dạng của các hành trình thiêng liêng mà họ đang theo. Khi đáp trả sự thôi thúc của Thần Khí và trong sự tự do của Ngài, mỗi tín hữu khám phá lộ trình mà Thiên Chúa muốn dẫn mình đi.

Thứ đến, đời sống cầu nguyện tuỳ thuộc vào sự lớn lên trong đức tin và trải qua các giai đoạn. Những gì được áp dụng cho một thời điểm nào đó trong đời sống thiêng liêng lại không thể áp dụng ở một thời điểm khác. Phương thế đúng đắn cho việc tiến bộ trong đời sống cầu nguyện có thể rất khác nhau và điều đó lại phụ thuộc vào việc liệu người nào đó đang ở bước đầu trên con đường cầu nguyện hay là Chúa đã bắt đầu dẫn dắt người ấy đến một trạng thái đặc biệt nào đó, những trạng thái mà thánh Têrêxa Avila gọi là “những nơi cư ngụ”. Đôi khi, chúng ta phải hành động; có lúc, phải bằng lòng đón nhận; khi khác, phải nghỉ ngơi hoặc phải chiến đấu.

Thứ ba, những gì được trải nghiệm trong đời sống cầu nguyện thật khó mô tả. Thông thường người cảm nghiệm nó không ý thức rõ điều đó. Một khi sống với những thực tại nhiệm mầu bên trong, chúng ta không thể diễn tả trọn vẹn bằng ngôn ngữ loài người. Thông thường, ngôn từ sẽ không bao giờ đủ để diễn tả những gì đang xảy ra giữa linh hồn và Thiên Chúa của nó. Hơn nữa, mỗi người nói về đời sống cầu nguyện đều nói đến những trải nghiệm riêng của họ, hay những gì nghe được từ người khác. Những trải nghiệm này chẳng là gì so với muôn hình vạn trạng trải nghiệm khác trong đời sống kết hiệp với Chúa.

Dẫu các chướng ngại là như thế, nhưng giờ đây tôi vẫn sẽ thử giải quyết vấn đề, hy vọng Chúa sẽ ban ơn để có thể đưa ra một số chỉ dẫn, dẫu không phải là câu trả lời đầy đủ chính xác cho những trường hợp cụ thể, nhưng vẫn có thể đem đến một vài ánh sáng và khích lệ cho những độc giả thành tâm.

 

2. Khi vấn đề không đặt ra

Vậy chúng ta nên sử dụng thời giờ kết hiệp với Chúa thế nào? Hãy bắt đầu bằng việc nhận ra rằng, một đôi khi, điều đó không là vấn đề.

Sẽ không có vấn đề khi đời sống cầu nguyện diễn ra cách tự nhiên, có thể nói như thế… khi tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa là cả một thông hiệp yêu thương, khi mà thời giờ cầu nguyện được sử dụng thế nào không là vấn đề. Quả vậy, một đời sống kết hiệp với Chúa phải luôn như thế, vì theo thánh Têrêxa Avila, “cầu nguyện là tương giao bằng hữu, trong đó, con người tìm gặp và trò chuyện một mình với Thiên Chúa, Đấng mà qua đó, con người biết mình đang được yêu thương” (Tự Truyện, ch. 8). Hai người yêu nhau say đắm thường sẽ không gặp nhiều vấn đề về cách thức họ dành thời giờ cho nhau. Đôi lúc, chỉ cần ở bên nhau – và họ không cần làm điều gì khác! Nhưng thông thường, thật không may, tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa quá hời hợt và không đạt đến cấp độ đó.

Về phía chúng ta, đối với loại hình “cầu nguyện tự nhiên” như thế, chỉ cần chấp nhận, vì nó có thể xảy ra ở những giai đoạn khác nhau trong hành trình thiêng liêng và cũng có thể có những hình thức khác nhau.

Chẳng hạn, điều này thường xảy đến với những người mới trở lại, tràn ngập niềm kính phục đối với vị Thiên Chúa họ mới khám phá, lòng đầy hân hoan và sốt sắng của những trẻ sơ sinh. Họ không gặp vấn đề gì về việc cầu nguyện. Được sinh ra bởi ân sủng, hăng hái dành thời giờ cho Đức Giêsu, họ có hàng ngàn điều cần thưa hỏi Chúa và họ đầy cảm xúc yêu thương với những ý nghĩ kiên cường.

Họ không nên ngần ngại từ chối tận hưởng thời gian ân sủng đó, đồng thời phải cảm tạ Chúa về điều đó. Nhưng họ phải khiêm tốn và đề phòng việc tự cho mình thánh thiện bởi lòng sốt sắng chủ quan hoặc có thể họ đoán xét người khác ít nhiệt tâm hơn mình. Ân sủng của những khoảnh khắc đầu tiên sau khi trở lại đó không xoá bỏ những lầm lỗi và bất toàn của họ, nhưng chỉ phủ lấp chúng thôi. Họ không nên ngạc nhiên nếu một ngày đẹp trời nào đó, lòng sốt sắng ấy biến mất và những lỗi lầm mà họ nghĩ việc trở lại đã giúp họ thoát khỏi đột nhiên quay trở lại với một sức mạnh không ngờ. Nay là lúc để họ kiên trì rút ra những bài học hữu ích từ sa mạc cằn khô của những thử thách như họ đã làm khi sống trong thời gian ân phúc với Thiên Chúa.

Cũng thế, thông thường, vấn đề sử dụng thời gian cầu nguyện thế nào cũng không nảy sinh ở cuối hành trình. Lúc ấy, Thiên Chúa có thể chiếm hữu con người trong giờ cầu nguyện ở một mức độ mà họ không thể kháng cự hoặc làm bất cứ điều gì cho chính mình: khả năng của họ bị cầm lại và tất cả những gì họ có thể làm là buông mình và vui lòng trước sự hiện diện của Người, Đấng đang xâm chiếm toàn bộ hữu thể của họ. Họ không làm một điều gì ngoài việc thưa lên “xin vâng”. Tuy nhiên, những người như thế phải mở lòng mình ra với vị linh hướng để được xác định rằng, liệu ân sủng họ đang lãnh nhận có thật là chính thực không, vì ở giai đoạn này, họ không còn ở trên những con lộ trơn tru nữa và cần phải thổ lộ cách chân thành với một ai đó. Các đặc ân phi thường trong cầu nguyện thường kéo theo những xung đột và nghi ngờ khi họ ngưng cầu nguyện và không còn kiên định như là nguyên nhân của những xung đột và nghi ngờ đó. Đôi lúc, nguyên việc chỉ cần cởi mở với vị linh hướng cũng có thể bảo đảm nguồn gốc thiêng thánh của các đặc ân đó, đồng thời giúp người ta tự do đáp trả các đặc ân đó cách trọn vẹn.

Cũng có một trường hợp trung gian, khá phổ biến và đáng nói đến bởi lẽ một đôi khi, hoàn cảnh xảy đến bất chợt hầu như không thể nhận thức được và người ta có thể cảm thấy nghi ngờ hoặc do dự không biết phải phản ứng làm sao: họ không chắc việc mình làm là đúng hay sai nhưng xem ra không có chọn lựa nào khác về vấn đề đang nảy sinh trong trường hợp đó. Điều đang xảy ra, trong thực tế, là những gì Chúa Thánh Thần bắt đầu dẫn dắt người đó vào một lối kết hiệp thụ động hơn. Trước đây, việc cầu nguyện của người đó khá “chủ động” theo nghĩa cốt ở suy tư, nguyện ngắm, đối thoại nội tâm với Đức Giêsu, những hành động của ý chí… chẳng hạn, việc dâng mình cho Ngài[1]. Nhưng rồi, đôi lúc họ bắt đầu mà không nhận ra rằng, lối cầu nguyện của mình đã được biến đổi. Thật khó để suy niệm và lý luận. Họ cảm nhận một thứ khô khan và có xu hướng ở lì trước mặt Chúa mà không làm hay nói bất cứ điều gì hoặc ngay cả nghĩ đến bất cứ điều gì đặc biệt với thái độ bình thản chú tâm và yêu mến. Hơn thế nữa, sự chăm chú đầy yêu thương thường phát sinh từ con tim hơn là khối óc thì hầu như không thể nhận thức được. Về sau sự chú tâm đó có thể mạnh hơn biến thành ngọn lửa bừng cháy yêu thương, nhưng thông thường, lúc khởi đầu, điều này hầu như không thể nhìn thấy.

Trong tình trạng này, nếu người ta tìm cách làm một điều gì khác để trở lại lối cầu nguyện “chủ động hơn” trước đây, họ sẽ không thành công. Thay vào đó, họ hầu như luôn có khuynh hướng trở lại tình trạng vừa được mô tả; đôi lúc họ có thể lo lắng hay ái ngại về điều đó bởi có cảm tưởng hiện giờ mình chẳng làm gì cả, đang khi cho đến lúc này, họ có cảm giác như đang làm một điều gì đó trong khi kết hiệp với Chúa.

Khi biết mình đang ở trong tình trạng này, đơn giản, hãy ở lại trong đó, đừng lo lắng cũng đừng để mình bị kích động. Thiên Chúa muốn đưa họ vào một lối cầu nguyện sâu sắc hơn và đây là một ân huệ lớn lao. Cứ để Người hành động và theo xu hướng tự nhiên, hãy trở nên thụ động. Hướng về Chúa trong bình an nơi tâm hồn như thế đã đủ cho việc cầu nguyện. Đây không phải là lúc hành động theo ý mình để sử dụng những khả năng và tài năng nhưng là lúc để Thiên Chúa hành động. Thiên Chúa chưa chiếm hữu hoàn toàn linh hồn. Tâm trí và ý chí của chúng ta vẫn đang hành động ở một mức độ nào đó: những ý tưởng và hình ảnh thoắt ẩn thoắt hiện, nhưng chỉ ở mức độ bên ngoài, hiếm khi được để ý đến và ít nhiều vô tình. Điều quan trọng không phải là sự dịch chuyển của tâm trí[2], nhưng là việc hướng lòng về Chúa cách mật thiết.

Vậy đây là một số tình huống, trong đó, chúng ta không cần thắc mắc “Tôi phải dùng thời giờ cầu nguyện thế nào?”. Câu trả lời đã được đưa ra.

Dẫu vậy, đôi lúc vấn đề vẫn nảy sinh. Cách chung, trường hợp này xảy ra với những người lòng đầy thiện chí nhưng họ không có lửa yêu mến hoặc chưa cháy lửa yêu mến Chúa đủ, vì thế, chưa lãnh nhận ơn cầu nguyện cách thụ động. Tuy nhiên, một khi đã nắm được tầm quan trọng của cầu nguyện, họ muốn dành thời giờ cho công việc đó cách đều đặn mà thực sự không biết phải bắt đầu làm sao. Bạn sẽ khuyên họ những gì?

Tôi sẽ không đưa ra câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi này bằng cách bảo “Suốt thời gian cầu nguyện, bạn nên làm điều này điều kia, cầu nguyện thế này thế nọ”. Có lẽ sẽ tốt hơn khi bắt đầu bằng cách đưa ra những nguyên tắc hướng dẫn những con người này đi vào cầu nguyện.

Chương trước đã giải thích những thái độ nền tảng, chúng có giá trị cho mọi hình thức cầu nguyện và có thể nói, cho toàn bộ đời sống Kitô hữu như đã trình bày. Điều quan trọng không là các phương pháp hay những chỉ dẫn… nhưng điều quan trọng chính là thái độ – thiên hướng của linh hồn khi người ta đi vào cầu nguyện. Có một thái độ hay một thiên hướng đúng đắn là điều tối cần thiết cho việc kiên trì và sinh hoa kết trái trong việc cầu nguyện.

Lần này tôi sẽ đưa ra một số chỉ dẫn, không phải để xác định một thái độ cho bằng định hình một loại cảnh quan bên trong với những cột mốc và đường đi. Những ai muốn cầu nguyện sẽ tự do tìm cho mình một phương cách đi qua cảnh quan đó tuỳ vào việc họ đang ở đâu trong hành trình thiêng liêng và Chúa Thánh Thần đang dẫn họ đi lối nào. Một khi các tín hữu biết đôi chút về những cột mốc này, họ có thể định hướng cho mình và xác định những gì cần làm.

“Cảnh quan bên trong” của một đời sống cầu nguyện Kitô giáo được xác định và hình thành bởi một số chân lý thần học như sau.

 

3. Tính ưu việt trong hành động của Thiên Chúa

Nguyên tắc đầu tiên đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng. Điều quan trọng trong đời sống cầu nguyện không hệ tại những gì chúng ta làm nhưng những gì Thiên Chúa làm trong chúng ta.

Nhận thức này sẽ mang lại cho chúng ta một sức mạnh giải phóng lớn lao, vì đôi khi, chúng ta không thể làm một điều gì cả trong việc cầu nguyện. Dẫu thế, điều đó thật ra không quan trọng lắm, vì cả khi chúng ta không thể làm gì, Thiên Chúa vẫn có thể. Người luôn hành động tận thâm sâu của linh hồn cả khi chúng ta không nhận ra điều đó. Cuối cùng, hành vi cốt lõi của việc cầu nguyện là đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa và ở lại đó. Vì rằng, Người không phải là Chúa của kẻ chết nhưng là của kẻ sống và sự hiện diện của Người, sự hiện diện của một Thiên Chúa sống động, thì linh hoạt, trao ban sự sống, chữa lành và thánh hoá. Đứng trước ngọn lửa, không ai không nóng lên; dưới ánh mặt trời, không ai không cháy sạm da. Cũng thế, duy trì việc ở lại trước nhan Thiên Chúa và để Người hành động tận nơi sâu thẳm của hữu thể mình, chúng ta đang thực sự làm những gì quan trọng nhất.

Nếu việc cầu nguyện của chúng ta không gì khác hơn ngoài điều ấy – ở lì trước mặt Thiên Chúa mà không làm hay nghĩ đến bất cứ điều gì đặc biệt, cũng không có bất cứ cảm giác khác thường nào nhưng với một thái độ thành tâm và tin tưởng phó thác – chúng ta đã làm một việc tốt nhất và không thể làm gì tốt hơn.

Đừng đo lường giá trị các giờ cầu nguyện bằng những việc chúng ta làm trong suốt thời gian đó khi nghĩ rằng… nó tốt đẹp và ích lợi khi chúng ta nói và nghĩ ra nhiều điều, để rồi, sẽ thất vọng nếu chúng ta không thể làm bất cứ điều gì. Việc cầu nguyện như thế hẳn sẽ rất nghèo nàn; ấy thế, Thiên Chúa vẫn có thể đã âm thầm làm những điều kỳ diệu nơi tâm hồn chúng ta suốt thời gian đó, Người làm những gì mà hoa trái của chúng chỉ tỏ hiện mãi về sau. Cái nguyên nhân của nguồn phú túc vô tận phát sinh từ việc cầu nguyện không là những ý tưởng hay hành động của chúng ta, nhưng là những hoạt động của Thiên Chúa nơi tâm hồn mỗi người. Chỉ trong Vương Quốc Nước Trời, chúng ta mới có thể thấy bao hoa trái của việc cầu nguyện.

Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu biết rõ điều này. Chị đã gặp vấn đề trong việc cầu nguyện: Chị đã từng buồn ngủ! Đó không phải lỗi của chị – chị còn rất trẻ khi vào Nhà Kín Carmel và giờ ngủ không đủ cho chị với lứa tuổi đó. Nhưng chị không quá thất vọng về yếu đuối này, chị nói:

Tôi nghĩ các em bé làm vui lòng cha mẹ chúng biết bao khi chúng ngủ cũng như khi chúng thức; các bác sĩ không để bệnh nhân ngủ để phẫu thuật đó sao. Và cuối cùng, tôi nghĩ, “Chúa thấy chúng ta yếu đuối nhường nào, Người nhớ chúng ta là cát bụi” (Tự Truyện, Thủ Bản A).

Phần bị động trong cầu nguyện lại là phần quan trọng nhất. Cầu nguyện không hệ tại việc làm một điều gì đó cho bằng phó mình cho hành động của Thiên Chúa. Một đôi khi, chúng ta cần chuẩn bị và bám sát hành động của Người, nhưng rất thông thường, chỉ cần thuận theo hành động đó, ấy là thời điểm khi những gì quan trọng nhất đang xảy ra. Thỉnh thoảng, chúng ta thậm chí ngưng mọi hoạt động để Thiên Chúa có thể tự do hành động. Như thánh Gioan Thánh Giá đã giải thích rất rõ, đây là lý do tại sao thỉnh thoảng, chúng ta trở nên khô khan khi không thể suy tư, tưởng tượng hay cảm nhận bất cứ điều gì… kể cả không thể nguyện ngắm. Thiên Chúa đặt chúng ta vào tình trạng đó, một loại đêm tối, để chỉ mình Người hành động cách thâm sâu như một nhà phẫu thuật gây mê bệnh nhân hầu có thể tự do tiến hành công việc!

Chúng ta sẽ trở lại điểm này. Giờ đây, những gì cần nắm bắt là nếu, dù rất thiện chí, chúng ta vẫn không thể cầu nguyện tử tế, không có lấy một cảm xúc tốt đẹp hay một ý tưởng hay ho nào… thì không vì thế mà chúng ta buồn. Chúng ta nên dâng sự nghèo khó của bản thân cho hành động của Thiên Chúa, đồng thời, làm cho việc cầu nguyện trở nên giá trị hơn hình thức cầu nguyện vốn thường làm cho mình cảm thấy tự mãn. Thánh Phanxicô Salêsiô hay cầu nguyện rằng, “Lạy Chúa, con không là gì khác ngoài một khúc gỗ: xin hãy đốt nó đi!”.

 

4. Tính ưu việt của tình yêu

Nguyên tắc thứ hai cũng tuyệt đối căn bản: tình yêu trổi vượt trên tất cả mọi sự. Thánh Têrêxa Avila bảo, “Trong cầu nguyện, điều quan trọng không phải là suy tư nhiều nhưng yêu mến nhiều”.

Điều thánh Têrêxa Avila lưu ý trên đây mang một ý nghĩa giải thoát lớn lao! Một đôi khi, chúng ta không thể suy tư, không thể suy niệm hoặc không thể cảm nhận… nhưng lại luôn luôn có thể yêu mến. Thay vì lo lắng và nản lòng, những người mệt mỏi, những người phải giày vò bởi lo ra chia trí, những người không thể kết hiệp với Chúa luôn luôn có thể dâng lên Người sự ngặt nghèo của mình trong tín thác bình an. Làm như thế, họ đang thực hiện tuyệt vời việc kết hiệp với Chúa. Tình yêu là đế vương và dù hoàn cảnh thế nào, rốt cuộc, vẫn luôn chiến thắng. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu thích trích dẫn câu nói của thánh Gioan Thánh Giá, “Tình yêu rút ra lợi ích từ mọi sự, xấu cũng như tốt”. Tình yêu rút ra lợi ích từ những cảm xúc, những khô khan, những suy tư sâu xa… từ sự cằn cỗi cũng như những nhân đức, kể cả tội lỗi… và từ nhiều điều khác nữa.

Nguyên tắc này gắn liền với nguyên tắc đầu tiên: hành động của Thiên Chúa trổi vượt trên hành động của chúng ta. Nhiệm vụ chính của mỗi người trong cầu nguyện là yêu mến. Thế nhưng, trong tương quan với Thiên Chúa, yêu mến trước hết, có nghĩa là hãy để cho mình được yêu. Điều này không dễ như người ta tưởng. Nó có nghĩa là phải tin vào tình yêu… đang khi rất thông thường, nghi ngờ tình yêu là điều quá dễ dàng. Nó còn mang một ý nghĩa khác là chúng ta phải chấp nhận sự ngặt nghèo của mình.

Thông thường, chúng ta cảm thấy dễ dàng khi yêu hơn là để mình được yêu. Làm một điều gì đó, trao tặng một điều gì đó khiến chúng ta hài lòng và cảm thấy hữu ích… nhưng để mình được yêu có nghĩa là bằng lòng không làm bất cứ việc gì và trở nên không là gì cả. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta trong việc kết hiệp với Chúa là để mình được Thiên Chúa yêu thương như những trẻ nhỏ thay vì trao tặng Người hoặc làm bất cứ một điều gì đó cho Người. Hãy để Thiên Chúa thoả thích yêu thương chúng ta. Điều đó thật khó, vì nó có nghĩa là phải có một niềm tin vững như bàn thạch vào tình yêu Người dành cho chúng ta; đồng thời, cũng hàm ý chấp nhận nỗi ngặt nghèo của mình. Ở đây, chúng ta chạm đến một điều gì đó tuyệt đối căn bản: sẽ không có một tình yêu đích thực dành cho Thiên Chúa nếu tình yêu đó không được xây dựng trên việc thừa nhận tính tiên thiên tuyệt đối của tình yêu Người dành cho chúng ta; không có tình yêu đích thực nào dành cho Người lại không nắm vững điều này là, trước khi làm bất cứ việc gì, tiên vàn, chúng ta phải lãnh nhận. Thánh Gioan nói với chúng ta, “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa yêu chúng ta trước” (1Ga 4, 10).

Trong tương quan với Thiên Chúa, hành vi yêu thương đầu tiên, hành vi vốn là nền tảng cho mọi hành động yêu thương chúng ta dành cho Người, là thế này: tin rằng Người yêu thương và chúng ta để cho mình được yêu trong sự khốn cùng của bản thân, mà quả đúng như thế; điều này hoàn toàn tách biệt với bất cứ công nghiệp hay nhân đức nào mà chúng ta có thể có. Đây quả là nền móng vững chắc để xây dựng mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa, một tương quan bền vững. Bằng không, tương quan ấy sẽ bị méo mó bởi một tinh thần Biệt Phái Giả Hình nào đó mà trung tâm của nó không được chiếm ngự hoàn toàn bởi Thiên Chúa nhưng bởi chính cái tôi của mình, hoạt động của chúng ta, nhân đức của chúng ta hay một điều gì đó tương tự như thế.

Đây là một thái độ khá gắt gao vì nó đòi buộc chúng ta dịch chuyển trọng tâm đời mình từ cái tôi của bản thân sang Thiên Chúa và quên mình đi. Nhưng điều đó giải thoát chúng ta. Thiên Chúa không tìm kiếm chúng ta trước hết để làm công kia việc nọ, chúng ta là “những đầy tớ vô dụng” (Lc 17, 10). Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu bảo, “Thiên Chúa không cần việc làm nhưng Người khao khát tình yêu của chúng ta”. Tiên vàn, Người đòi chúng ta để cho mình được yêu, tin vào tình yêu của Người và điều đó lại luôn luôn có thể. Cầu nguyện tự bản chất cốt tại điều này: ở lại trước sự hiện diện của Thiên Chúa và để cho Người yêu thương. Một cách dễ dàng, việc đáp lại tình yêu của Chúa sẽ xảy ra hoặc trong suốt thời gian cầu nguyện hoặc kết hiệp với Người bên ngoài thời gian đó. Chính Người sẽ sản sinh những gì tốt lành trong chúng ta và làm cho chúng ta có khả năng thực hiện “công trình tốt đẹp mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Eph 2, 10).

Một hiệu quả khác nảy sinh từ tính ưu việt của tình yêu là hoạt động của chúng ta trong đời sống kết hiệp với Chúa phải được hướng dẫn bởi nguyên tắc này: hãy làm bất cứ điều gì hưởng ứng và củng cố tình yêu. Đây là tiêu chí duy nhất để nói rằng, việc làm này, việc làm kia trong cầu nguyện là đúng hay sai. Bất cứ điều gì dẫn đến tình yêu đều đúng. Nhưng dĩ nhiên, phải là tình yêu đích thực chứ không hời hợt, giàu cảm xúc – ngay cả những cảm xúc cháy bỏng, nếu được Thiên Chúa ban cho vẫn có những giá trị của chúng trong khi biểu lộ.

Những ý tưởng, những quan tâm và những hành vi bên trong vốn nuôi dưỡng hay biểu thị tình yêu dành cho Thiên Chúa… đều làm chúng ta lớn lên trong niềm tri ân tín thác với Người, đồng thời khơi dậy và thôi thúc một niềm khát khao phó mình hoàn toàn cho Người, thuộc về Người và trung tín phụng sự Người như vị Chúa duy nhất của mình – đây là những gì thường tạo nên cái được gọi là cần thiết nhất, quan trọng nhất mà chúng ta làm được trong cầu nguyện. Tất cả những gì vốn làm tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa trở nên mạnh mẽ đều là một chủ đề tốt cho việc cầu nguyện.

 

NHẮM ĐẾN ĐIỀU GIẢN DỊ

Từ tất cả những điều trên đây, một hệ quả rất thiết thực kéo theo: trong khi kết hiệp với Chúa, chúng ta không nhảy từ việc này sang việc nọ hoặc nhân lên gấp bội những ý tưởng, những suy tính hoặc ngây ngất trong một trạng thái lý thú nào đó với những gì bay bỗng phiêu diêu hơn là một sự hoán cải tâm hồn thiết thực và cụ thể. Sẽ chẳng ích lợi bao nhiêu cho tôi khi ấp ủ các ý tưởng cao siêu về những mầu nhiệm đức tin rồi thay đổi việc chú tâm vào suy niệm của mình để rảo qua các chân lý thần học và toàn bộ Thánh Kinh rồi rốt cuộc, không cương quyết hơn trong việc phó mình cho Chúa và bỏ mình vì yêu mến Người. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu bảo, “Yêu là hiến dâng mọi sự và hiến dâng chính mình”. Việc kết hiệp với Chúa mỗi ngày chỉ tập trung vào một ý tưởng duy nhất, rồi cứ suy đi nghĩ lại không ngơi – để khuấy động tâm hồn mình hiến trao hoàn toàn cho Chúa và không ngừng củng cố quyết tâm phụng sự Người và tuân theo quyền năng của Người – rồi việc cầu nguyện của tôi hẳn sẽ ít lớn lao hơn, nhưng tốt hơn nhiều.

Một sự kiện được kể lại nổi bật trong cuộc đời thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu cho thấy sự trổi vượt của tình yêu. Không lâu trước khi Têrêxa qua đời, khi chị rất đau đớn và nằm liệt trên giường, Mẹ Agnès, chị của ngài, đã đến bên Têrêxa và hỏi “Em đang nghĩ gì thế?”, “Em không nghĩ gì cả, em đau quá. Vì thế em cầu nguyện”. Mẹ Agnès gặng hỏi, “Thế em nói gì với Chúa Giêsu”. Têrêxa thưa, “Em không nói gì, em chỉ yêu mến Ngài”.

Đây là phương thức cầu nguyện nghèo khó nhất và sâu thẳm nhất: một hành vi yêu mến đơn sơ, vượt xa mọi ngôn từ và ý tưởng. Chúng ta cũng hãy khát khao sự đơn sơ ấy. Cuối cùng, việc kết hiệp với Chúa của chúng ta cũng phải là một hành vi yêu mến đơn thuần và chỉ cần như thế. Nhưng để đạt được sự đơn sơ đó, cần có nhiều thời gian và hoạt động của ân sủng ở một cấp độ thâm sâu. Tội lỗi khiến chúng ta trở nên quá phức tạp và như thế, làm hao mòn toàn bộ khả năng của mình. Hãy nhớ rằng: giá trị của việc kết hiệp với Chúa không được đo bởi bao việc chúng ta làm; trái lại, việc cầu nguyện càng đến gần hành vi yêu thương đơn sơ đó, càng có giá trị. Cũng thế, thông thường, cầu nguyện càng đơn sơ, đời sống thiêng liêng càng tiến bộ. Chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn về điều đó.

Trước khi tạm gác chủ đề này, chúng ta cần bàn đến một cơn cám dỗ có thể nảy sinh trong việc kết hiệp với Chúa. Một đôi lần, khi cầu nguyện chúng ta có thể nghĩ đến một điều gì đó rất sâu xa và hấp dẫn – một soi sáng mới về mầu nhiệm Thiên Chúa, một hiểu biết mới về đời sống mình hay một điều gì đó tương tự. Dù chúng có vẻ sáng sủa lúc đó… nhưng thường vẫn có một nguy cơ trong các ý tưởng chợt đến và chúng ta cần cảnh giác. Chắc chắn, có lúc Thiên Chúa soi rọi và tạo những cảm hứng sâu xa trong suốt quá trình cầu nguyện, nhưng nán lại trong những ý tưởng này, có thể chúng ta sẽ quay lưng với sự hiện diện ít phô trương nhưng lại rất thiết thực hơn của Người. Bị lôi cuốn, cháy bừng nhiệt tâm… cuối cùng, có thể chúng ta chú tâm đến những ý tưởng của mình hơn là để lòng để trí đến Thiên Chúa. Khi giờ cầu nguyện kết thúc, toà nhà tâm trí sụp đổ, để lại chút ít đằng sau.

 

5. Thiên Chúa thông ban chính mình qua nhân tính Đức Giêsu

Theo sau tính ưu việt của hành động Thiên Chúa và của tình yêu, còn có một nguyên tắc thứ ba vốn cũng là nền tảng cho đời sống chiêm niệm của người Kitô hữu: chúng ta tìm gặp Thiên Chúa trong nhân tính Đức Giêsu.

Lý do chúng ta thực hành kết hiệp là để đi vào thông hiệp với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa, nào ai biết. Vậy, tìm kiếm Người bằng cách nào? Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và người thật, Đấng Trung Gian duy nhất. Nhân tính của Ngài, nhân tính của Con Thiên Chúa, là môi giới của mọi cuộc tìm kiếm, tìm gặp và nên một với Thiên Chúa. Thánh Phaolô dạy, “Nơi Ngài, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2, 9). Nhân tính của Đức Giêsu là bí tích đầu tiên, qua đó, Thiên Chúa tự tỏ lộ Thần Tính cho con người.

Với tư cách phàm nhân, chúng ta cần sự hỗ trợ của những gì thuộc vật chất để đạt được những thực tại thiêng liêng. Thiên Chúa biết điều này và đây là lời giải thích cho toàn bộ Mầu Nhiệm Nhập Thể. Chúng ta cần nhìn thấy, chạm đến và cảm nhận. Nhân tính thể lý và hữu hình của Đức Giêsu Kitô là sự bộc lộ việc hạ mình tuyệt diệu của Thiên Chúa đến với chúng ta. Biết chúng ta được dựng nên bằng gì, Người ban cho chúng ta khả năng vươn tới những thực tại thần linh bằng phương thế của con người, chạm đến những gì là thần thiêng bằng phương tiện của con người. Thần Khí đã hoá thành nhục thể. Đức Giêsu là đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Thánh Philipphê thưa với Đức Giêsu, “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”, Đức Giêsu đáp, “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 8-9).

Ở đây, chúng ta gặp thấy một mầu nhiệm vĩ đại và tuyệt diệu. Nhân tính Đức Giêsu, trong tất cả mọi khía cạnh của nó, cả những khía cạnh có vẻ hèn hạ và ít quan trọng nhất, là một không gian bạt ngàn để con người có thể kết hiệp với Thiên Chúa. Mỗi khía cạnh của nhân tính, mỗi đặc điểm tính cách của Ngài, cả những đặc điểm nhỏ bé và lu mờ nhất; mỗi lời Ngài nói, mỗi việc Ngài làm, mỗi cử chỉ, mỗi giai đoạn trong đời Ngài từ lúc tượng thai trong lòng Đức Maria cho đến Ngày Lên Trời… đều dẫn chúng ta đi vào hiệp thông với Thiên Chúa Cha nếu mối hiệp thông đó được lãnh nhận trong đức tin. Bằng việc khám phá nhân tính của Ngài như khám phá một mảnh đất thuộc về mình, xét xem nó tỉ mỉ như xem xét một cuốn sách được viết riêng cho mình, biến nó thành của riêng mình trong đức tin và đức mến… chúng ta sẽ lớn lên vững vàng trong sự thông hiệp với mầu nhiệm Thiên Chúa, một mầu nhiệm không thể tiếp cận, không thể dò thấu.

Như thế, đời sống cầu nguyện của một Kitô hữu sẽ luôn luôn được xây dựng trên nền tảng của một tương quan nào đó với nhân tính Đấng Cứu Độ con người[3].

Các hình thức khác nhau về đời sống kết hiệp với Chúa của người tín hữu mà chúng ta sẽ đưa ra một số ví dụ ngay sau đây, thì giống nhau trong việc tìm kiếm những suy tư thần học, ở chỗ, chúng đều mang chúng ta vào sự hiệp thông với Thiên Chúa qua nhân tính của Đức Giêsu. Bởi nhân tính của Đức Giêsu Kitô là một loại bí tích – một dấu chỉ hữu hiệu cho sự hiệp nhất của con người với Thiên Chúa – chỉ cần kết hiệp với nhân tính đó trong đức tin, ngần ấy đủ cho chúng ta đi vào thông hiệp với Người.

Bérulle[4] diễn tả rất sâu sắc cái chiều kích, qua đó, các mầu nhiệm cuộc đời Đức Giêsu, dẫu đã qua, vẫn là những thực tại trao ban sự sống và sống động cho những kẻ chiêm ngắm chúng trong đức tin.

Một cách nào đó, chúng ta phải thừa nhận bản tính vĩnh cửu của những mầu nhiệm này, vì trong một số hoàn cảnh nhất định, chúng đã qua đi nhưng vẫn trường tồn và đang là hiện tại cũng như sẽ mãi mãi như thế theo một cách khác. Những mầu nhiệm đó là quá khứ xét về mặt thực hiện, nhưng là hiện tại xét về mặt nhân đức và nhân đức thì không bao giờ mất cũng như tình yêu mà nhờ đó, mầu nhiệm được hoàn tất cũng không bao giờ mất. Nhờ đó, tinh thần, trạng thái, nhân đức, công nghiệp của mầu nhiệm sẽ luôn luôn là hiện tại… Điều này đòi buộc chúng ta phải xem những gì đã xảy ra, những mầu nhiệm thuộc về Đức Giêsu không như những gì đã qua, đã khuất; trái lại, như những gì đang sống động và rất hiện sinh; từ đó, cả chúng ta nữa, chúng ta thu hoạch những hoa trái hôm nay và hoa trái đời đời.

Chẳng hạn, ngài áp dụng điều này cho thời thơ ấu của Đức Giêsu:

Thời thơ ấu của Con Thiên Chúa là một tình trạng tạm thời: những hoàn cảnh của thời thơ ấu đó đã qua, Ngài không còn là một trẻ thơ, nhưng có một điều gì đó thiêng thánh trong mầu nhiệm này tiếp tục tồn tại trên trời mang lại một trạng thái ân sủng tương tự cho các linh hồn đang lữ thứ trên trần gian, những linh hồn làm vui lòng Đức Giêsu Kitô bằng việc gắn bó và hiến dâng mình cho trạng thái khiêm hạ đầu tiên của Con Thiên Chúa làm người.

Có rất nhiều cách thức gặp gỡ nhân tính Đức Giêsu. Chúng ta có thể chiêm ngắm những việc làm và cử chỉ của Ngài; suy tư về lời nói và hành động của Ngài, về những biến cố trong cuộc đời trần thế và ghi nhớ những điều đó, chúng ta có thể nhìn vào gương mặt của Ngài trên một bức tượng, thờ phượng Thân Mình Ngài trong Thánh Thể, tuyên xưng danh Ngài cách trìu mến và khắc ghi danh đó trong lòng… Tất cả những điều này giúp chúng ta kiên trì kết hiệp với Chúa, miễn là chúng ta không làm điều đó vì sự tò mò của trí óc nhưng trong sự tìm kiếm đầy yêu thương dành cho Đức Giêsu: “Tôi tìm người lòng tôi yêu dấu” (Dc 3, 1).

Suy tư trí óc không phải là những gì giúp chúng ta nhìn chằm chằm vào nhân tính Đức Giêsu theo một cách thức đến nỗi qua đó, chúng ta gặp được nhân tính Ngài ngang qua mối hiệp thông đích thực với mầu nhiệm Thiên Chúa khôn dò khôn thấu, nhưng điều này xảy ra nhờ đức tin – đức tin trong tư cách một nhân đức đối thần – được dậy lên bởi đức mến. Chỉ đức tin (thánh Gioan Thánh Giá đặc biệt nhấn mạnh điểm này) mới làm cho chúng ta mạnh mẽ để đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa ngang qua con người Đức Kitô. Đây là đức tin, qua đó, chúng ta tháp nhập toàn bộ hữu thể mình vào Đức Kitô, trong Ngài, Thiên Chúa thông ban chính mình cho chúng ta.

Và đó là lý do tại sao phương thế ưu tiên để người Kitô hữu thực hành kết hiệp với Chúa là thông hiệp mật thiết với nhân tính của Đức Giêsu bằng bất cứ phương tiện hay phương pháp nào.

Chẳng hạn một phương pháp cổ điển rất được thánh Têrêxa Avila khuyến khích ít nhất ở Tây Phương, đó là: Sống cùng Chúa Giêsu như sống với một người bạn mà mình chuyện trò.

Chúng ta có thể hình dung mình đang đứng trước mặt Đức Kitô… khơi lên trong lòng những cảm xúc yêu thương sống động nhất dành cho Nhân Tính Thánh Thiêng của Ngài; sống trong sự hiện diện của Ngài, tâm sự với Ngài, cầu xin Ngài những điều chúng ta cần, kể cho Ngài những điều làm chúng ta đau khổ, chia sẻ niềm vui với Ngài thay vì để chúng xua Ngài ra khỏi những ý nghĩ của chúng ta; không tìm kiếm những cụm từ trau chuốt trong lời cầu nguyện nhưng tìm những từ ngữ diễn tả niềm khát khao hay nhu cầu của mình. Đây là phương thế tuyệt hảo để tiến nhanh trong đời sống cầu nguyện; những ai nỗ lực sống tình bạn quý giá với Ngài sẽ được hưởng nhờ Ngài và cảm nghiệm tình yêu đích thực dành cho Ngài, Đấng mà qua Ngài, chúng ta lãnh biết bao ơn ích – đó là những linh hồn, theo tôi, rất tiến bộ (Tự Truyện, ch. 12).

Chúng ta sẽ trở lại điểm này.

 

6. Thiên Chúa cư ngụ trong tâm hồn chúng ta

Nguyên tắc thần học thứ tư của chúng ta cũng đưa ra những chỉ dẫn hữu hiệu cho việc cầu nguyện. Bằng việc kết hiệp với Chúa, chúng ta tìm cách tháp nhập vào sự hiện diện của Người. Nhưng vì những mô thức hiện diện đó quá phong phú, nên có rất nhiều cách cầu nguyện khác nhau. Thiên Chúa hiện diện trong thọ tạo của Người và ở đó, chúng ta có thể chiêm ngắm Người; Người hiện diện trong Thánh Thể, và ở đó, chúng ta có thể tôn thờ Người; Người hiện diện trong Lời và chúng ta có thể tìm gặp Người bằng cách suy niệm Thánh Kinh…

Tuy nhiên, còn có một phương thức hiện diện khác của Người quan trọng bậc nhất đối với đời sống cầu nguyện là: Sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta.

So với các phương thức hiện diện khác, phương thức hiện diện của Thiên Chúa bên trong chúng ta không phải là một điều gì đó được cảm nghiệm (dù chúng ta có thể đạt đến điều đó, dần dần, ít nữa là vào những khoảnh khắc ưu tiên nào đó) nhưng là một điều gì đó được thấu hiểu nhờ đức tin. Không thành vấn đề những gì chúng ta có thể hoặc không thể cảm nhận, nhờ đức tin, chúng ta đoan chắc rằng, Thiên Chúa ngự trong nơi sâu thẳm tâm hồn mình. Thánh Phaolô bảo, “Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần ngự trong anh em sao?” (1Cr 6, 19). Chính thánh Têrêxa Avila nói đến chân lý này, chân lý vốn đã biến đổi sâu sắc đời sống cầu nguyện của bà thế nào một khi nó được hiểu thấu.

Rõ ràng là nếu tôi đã hiểu, như hôm nay tôi hiểu, rằng trong cung điện bé nhỏ này của linh hồn tôi, một Vị Vua vĩ đại như thế đang sống, hẳn tôi đã không thường xuyên để Người ở một mình, hẳn tôi đã luôn mong gặp Người và quét tước từng bước hầu đoan chắc rằng, cung điện đó ít bẩn hơn. Thật cảm phục biết bao khi biết rằng Đấng mà sự cao cả của Người có thể khoả lấp khắp ngàn thế giới và hơn thế nữa… lại tự giam mình trong một nơi chật hẹp đến thế! Quả thật, là Chủ Thể, Người tự do; và vì yêu thương chúng ta, Người thu nhỏ lại cho vừa kích cỡ nhỏ bé của con cái Người[5].

Chính đây là chân lý vốn mặc ý nghĩa cho yếu tố hướng nội trong đời sống cầu nguyện. Bằng không, hướng nội chỉ là sự quan tâm đến mình. Người Kitô hữu có quyền hướng vào nội tâm mình, bởi lẽ một khi vượt quá hơn cũng như chìm sâu hơn những yếu hèn nội tại của mình, họ gặp thấy Thiên Chúa, Đấng cư ngụ trong họ ngang qua tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng “gần gũi với chúng ta hơn chúng ta gần gũi với chính mình”, thánh Augustinô nhận định như vậy; thánh Gioan Thánh Giá lại cho rằng, “Trung tâm sâu thẳm nhất của linh hồn là Thiên Chúa”[6].

Bước vào cõi lòng mình trong đức tin, con người kết hiệp với Thiên Chúa đang ở đó. Một đôi khi kết hiệp với Thiên Chúa, chúng ta liên kết với Người như một Đấng Khác bên ngoài chính mình, một Đấng hiện diện cách ưu việt trong nhân tính của Đức Giêsu. Nhưng đôi lúc cũng chính trong cầu nguyện, chúng ta đi vào thâm sâu nội tâm mình, ở đó, chúng ta gặp Đức Giêsu, rất gần gũi và cận kề.

“Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe… Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi?… Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, ngay trong lòng anh em” (Đnl 30, 12-14).

Bạn có nghĩ, sẽ chẳng ích gì cho một linh hồn đau khổ khi nó nắm bắt chân lý này để thấy mình không cần lên trời hưởng kiến thánh nhan Người Cha vĩnh cửu của nó… để nói với Người và nó cũng không cần phải la lên nhằm gây sự chú ý của Người đến nó? Dù chúng ta nói nhỏ nhẹ đến đâu, Người vẫn ở gần chúng ta đến nỗi có thể nghe chúng ta; cũng không cần chấp cánh để bay đi tìm Người, chỉ cần tĩnh lặng và chiêm ngắm Người bên trong chúng ta, và rồi, không ngạc nhiên trước sự hiện diện của một Vị Khách tốt lành đang ở đó. Với tất cả lòng khiêm tốn, hãy nói với Người như với một người cha, kể cho Người hay những nhu cầu của chúng ta như kể với một người cha, cho Người nghe những nỗi đau của chúng ta và xin Người chữa lành, nhưng vẫn nhận ra rằng mình không đáng làm con của Người[7].

Khi chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào, cách đơn giản nhất là trầm tư, giữ thinh lặng, đi vào tâm hồn, xuống tận thâm tâm… và trong đức tin, kết hiệp với sự hiện diện của Đức Giêsu, Đấng đang cư ngụ trong chúng ta và ở lại trong an bình với Ngài. Đừng để Ngài một mình, hãy ở bên Ngài. Ai kiên tâm thực hiện điều này, sẽ sớm khám phá thực tại của những gì mà các Kitô hữu Đông Phương gọi là “nơi chốn của linh hồn” – “căn phòng nội tâm”, theo cách gọi của thánh Catarina Siêna. Đây là trung tâm của hữu thể chúng ta, nơi Thiên Chúa cư ngụ và chúng ta có thể luôn cận kề Người. Vậy mà nhiều người, nam cũng như nữ, không hề biết đến không gian nội tâm này, một không gian dành cho sự kết hiệp với Thiên Chúa… bởi họ chưa bao giờ đến đó, chưa bao giờ viếng thăm khu vườn này để thưởng nếm hoa thơm quả ngọt của nó. Phúc thay ai khám phá Nước Thiên Chúa bên trong chính mình. Vương quốc này sẽ đổi đời họ.

Quả thế, tâm hồn con người là một vực thẳm của khốn cùng và tội lỗi, dẫu thế và sâu hơn thế, ở đó còn có Thiên Chúa. Thánh Têrêxa Avila cho rằng, một người kiên trì kết hiệp với Chúa khác nào một người đến giếng để lấy nước – người đó thả gầu xuống và thoạt đầu, những gì múc lên được chỉ là bùn; nhưng nếu tin tưởng và kiên trì, sẽ đến ngày người đó tìm được nước tinh khiết nhất. “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Thánh Kinh đã nói: từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7, 38).

Đây là chân lý về tầm quan trọng lớn lao đối với toàn bộ đời sống. Nếu kiên tâm cầu nguyện, chúng ta sẽ tìm được “nơi chốn của linh hồn”, rồi dần dần, những ý tưởng, quyết định và hành động vốn thường nảy sinh từ những gì bên ngoài (những băn khoăn lo lắng, bực dọc, những phản ứng trực tiếp) sẽ bắt đầu khơi nguồn từ trung tâm sâu thẳm của linh hồn, nơi chúng ta được kết hợp với Thiên Chúa trong tình yêu. Rồi mọi sự sẽ bắt nguồn từ tình yêu và chúng ta sẽ được tự do.*

Như vậy, chúng ta đã có bốn nguyên tắc chủ đạo dẫn dắt trong đời sống kết hiệp với Chúa: tính ưu việt của hành động Thiên Chúa, tính ưu việt của tình yêu, nhân tính của Đức Giêsu như một khí cụ và cuối cùng, sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta. Bốn nguyên tắc này là những điểm quy chiếu giúp cho việc cầu nguyện của chúng ta được tốt đẹp.

Nhưng chúng ta cũng cần ý thức về sự phát triển của đời sống cầu nguyện qua những giai đoạn của đời sống thiêng liêng. Đó là chủ đề tiếp theo.



[1]Đề tài này sẽ được đề cập đầy đủ hơn sau này khi nói đến việc phát triển đời sống cầu nguyện.

[2] Việc lo ra chia trí sẽ được bàn dưới đây.

[3] Như mọi người đều biết, thánh Têrêxa Avila bám chặt vào chân lý này, ngược lại với một số người dạy rằng, để đạt đến sự kết hiệp với Thiên Chúa và sự chiêm ngắm tinh tuyền, cần đạt đến mức độ từ bỏ mọi quy chiếu đối với mọi sự liên quan đến các giác quan, ngay cả với nhân tính của Chúa chúng ta. Xem cuốn Tự Truyện, ch. 22, và Six Dwellings, VII.

[4] Hồng Y Pierre de Bérulle (1575-1629), Đấng Sáng Lập Dòng Giảng Thuyết (nước Pháp), tác giả nhiều tác phẩm thần học và đời sống thiêng liêng.

[5] Way of Perfection, ch. 28.

[6] Living Flame of Love, khổ 1, dòng 3.

[7] Ibid.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts