Dành giờ cho Chúa – Chương III. Sự phát triển của một đời sống cầu nguyện

1. Từ trí óc đến con tim
2. Vết thương tâm hồn
3. Tâm hồn chúng ta & tâm hồn Hội Thánh

 

1. Từ trí óc đến con tim

Đời sống cầu nguyện không ở trạng thái tĩnh. Nó phát triển theo những giai đoạn làm thành những tiến trình – những tiến trình vốn không luôn luôn tiến về phía trước theo một đường thẳng nhưng đôi lúc, thậm chí tưởng như rơi ngược về phía sau.

Các tác giả tu đức thường phân biệt những “trạng thái cầu nguyện” từ hết sức tầm thường đến tuyệt diệu nhất mà hành trình của linh hồn tạo ra trên con đường tìm kiếm sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Con số những nơi chốn này và tên gọi của chúng thay đổi tuỳ theo các tác giả. Thánh Têrêxa Avila nói đến bảy toà nhà; các tác giả khác thì phân biệt ba giai đoạn (thanh luyện, giác ngộ, nhiệm hiệp); một số tác giả thì cho rằng, theo sau suy niệm là cầu nguyện bằng cảm xúc, tiếp đó là chiêm ngắm đơn thuần, rồi thinh lặng, rồi họ nói về giấc ngủ của các kỹ năng, hoan hỷ, xuất thần…

Tôi không có ý đi vào chi tiết các giai đoạn trong đời sống cầu nguyện và các ơn thần hiệp cũng như những thử thách gặp phải trong tiến trình cầu nguyện dẫu điều này phổ biến hơn người ta tưởng. Độc giả mà cuốn sách này hướng đến không cần tất cả những điều đó (và những lối trình bày dưới dạng biểu đồ về các giai đoạn trong đời sống nội tâm có lẽ không nên hiểu theo nghĩa đen, đặc biệt khi nói đến một khoảng thời gian, một nơi chốn nào đó khi Thiên Chúa theo sự khôn ngoan của Người dường như thường vận hành theo một trình tự khác).

Tuy nhiên, thật cần thiết để nói đến điều mà tôi nghĩ là sự thay đổi lớn lao đầu tiên, một sự biến đổi căn bản của đời sống cầu nguyện. Mọi giai đoạn phát triển về sau chỉ là hậu quả của sự biến đổi đầu tiên này.

Sự biến đổi này có thể được gán cho những tên gọi không giống nhau bởi các truyền thống hay các tác giả tu đức khác nhau, nhưng dường như không ít thì nhiều, đâu đâu cũng nói đến sự biến đổi nầy cả khi những linh đạo đó được giới thiệu hay mô tả có những khởi điểm rất khác nhau. Chẳng hạn ở Tây Phương, nơi người ta có thói quen đề nghị suy niệm như khởi điểm của cầu nguyện (hay đúng hơn, họ từng đề nghị như vậy, vì con người thời nay thường đến với đời sống cầu nguyện bằng những lộ trình khác nhau), sự biến đổi đó được coi như giai đoạn chuyển tiếp từ suy niệm sang chiêm niệm. Thánh Gioan Thánh Giá đã viết nhiều về sự chuyển biến này, mô tả đầy đủ giai đoạn này và những tiêu chuẩn để xác định nó.

Truyền thống Kinh Nguyện Giêsu của Đông Phương[1] (còn gọi là Kinh Cầu Trái Tim) được yêu chuộng ở Tây Phương vào thế kỷ hai mươi bởi cuốn Chuyện Người Hành Hương[2] khởi đầu bằng cách lặp đi lặp lại không ngơi nghỉ Danh Thánh Chúa Giêsu. Quyển sách nói đến giai đoạn biến đổi này như một thời gian khi lời nguyện tắt Danh Thánh Giêsu đó chuyển từ “trí đến lòng”.

Về căn bản, cùng một hiện tượng, nhưng có nhiều cách mô tả khác nhau dẫu cho biến chuyển này, vốn có thể được mô tả như một sự đơn giản hoá từ phương thức cầu nguyện “chủ động” sang phần nào “thụ động” hơn dù cho có thể có những biểu thị khác nhau tuỳ vào mỗi cá nhân.

Sự biến đổi này cốt tại điều gì? Đó là một quà tặng bất ngờ đặc biệt đến từ Thiên Chúa dành cho những ai kiên trì trong đời sống cầu nguyện. Điều này không thể đạt được bằng những nỗ lực, nhưng là một ân sủng thuần tuý – mặc dầu lòng trung thành kết hiệp với Chúa góp phần rất lớn trong sự chuẩn bị cho việc nhận lãnh đặc ân này cùng lúc làm cho nó trở nên khả thi hơn. Đặc ân này có thể đến rất sớm, có lúc chỉ sau vài năm, có lúc không bao giờ. Thoạt tiên, thông thường người ta dường như không để ý đến nó. Đặc ân này có thể nhất thời, đặc biệt lúc đầu và cứ thoắt ẩn thoắt hiện.

Đặc tính cơ bản của đặc ân này là nó dịch chuyển đương sự, con người cầu nguyện, tiến đến một giai đoạn khác với giai đoạn trước đó vốn là giai đoạn mà những nỗ lực nhân loại chiếm ưu thế (“nỗ lực nhân loại” có thể là sự lặp đi lặp lại tự nguyện một lời nào đó, như Kinh Nguyện Giêsu, hay có phần lý luận hơn như hình thức suy niệm bao gồm việc chọn một bản văn hay một đề tài, xem xét nó, phân tích nó với những ý tưởng và trí tưởng tượng, rồi từ đó, rút ra những cảm xúc và những quyết tâm). Trái lại, giai đoạn mới là một phương thức cầu nguyện trong đó, hành động của Thiên Chúa dần chiếm ưu thế đang khi linh hồn để cho mình được tác động hơn là tự ý hành động, giữ mình trong một thái độ đơn sơ, phó thác, yêu mến và hướng về Thiên Chúa trong an bình.

Với Kinh Nguyện Giêsu, người đọc cảm thấy lời kinh tuôn chảy bộc phát trong lòng khiến tâm hồn họ ngập tràn bình an, mãn nguyện và yêu mến. Với suy niệm, lối dẫn vào một giai đoạn mới, thường được đánh dấu bởi một thứ khô khan, một sự bất lực nào đó khiến cho tiến trình suy tư của một ai đó không vận hành được với một khuynh hướng ở lại trước sự hiện diện của Thiên Chúa mà không làm bất cứ một điều gì cả – không phải vì tính ì ạch hay lười biếng thiêng liêng nhưng trong một sự phó mình đầy yêu mến.

Sự biến đổi này cần được đón nhận như một ân huệ lớn lao, dù hơi chưng hửng đối với những người từng quen với việc nói nhiều với Chúa hoặc khá thành công với việc suy niệm. Giờ đây, họ có cảm tưởng như mình đang đi thụt lùi, việc cầu nguyện trở nên nghèo nàn hơn và dường như không còn sức để cầu nguyện. Họ không thể cầu nguyện lâu giờ hơn như trước đây với cả tâm trí, ý tưởng, hình ảnh và những gì làm cho họ thích thú.

Thánh Gioan Thánh Giá phải hết sức vất vả (đôi khi còn phải tranh cãi thẳng thừng với một số cha linh hướng, những người mù tịt về thực tại này)[3] để thuyết phục về ân huệ này với những kẻ được giao cho ngài, ân huệ mà họ phải vui mừng đón nhận khi được tặng ban. Ngài bảo, sự túng quẫn này là nguồn phú túc đích thực của họ, đừng tìm cách trở lại với thói quen suy niệm trước đây. Hãy vui lòng ở lại trước mặt Chúa với một thái độ quên mình, chú tâm cách đơn sơ, yêu mến và bình an.

Tại sao sự bần cùng hoá này lại là một điều gì đó làm cho phong phú?

Thánh Gioan Thánh Giá giải thích rõ ràng lý do đơn giản và căn bản của việc chuyển sang giai đoạn mới này là một ân huệ hết sức quan trọng. Mọi điều chúng ta có thể hiểu, có thể tưởng tượng hay cảm nhận về Thiên Chúa vẫn chưa phải là Thiên Chúa. Thiên Chúa vượt muôn trùng hình ảnh, biểu trưng, cũng như mọi nhận thức qua giác quan của con người. Nhưng Thiên Chúa không vượt quá đức tin, cũng như không vượt khỏi tình yêu. Thánh Gioan nói, đức tin, một vị thầy của thần học bí nhiệm, là phương tiện duy nhất có khả năng kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa. Thế nên, hành vi duy nhất đưa chúng ta vào hiệp thông đích thực với Thiên Chúa là một hành vi đức tin, được hiểu như một chuyển động của sự bám chặt cách đơn sơ đầy yêu mến vào Người, Đấng mạc khải chính mình và trao ban chính mình trong Đức Giêsu.

Tiếp cận với Thiên Chúa trong cầu nguyện bằng lý luận, suy tư, tưởng tượng và tận hưởng có thể đem lại ích lợi cho linh hồn. Bao lâu lối tiếp cận đó sinh ích, thôi thúc hoán cải, củng cố đức tin và tình yêu… chúng ta cứ dùng nó. Nhưng không thể đạt đến Thiên Chúa theo bản tính của Người bằng những phương tiện này, bởi Người vượt quá tầm với của những hiểu biết và cảm nhận của chúng ta. Chỉ đức tin được dậy lên bởi đức ái mới có thể giúp chúng ta đến gần Thiên Chúa, và đức tin đó chỉ có thể hoạt động đầy đủ bằng cách dứt bỏ những gì thuộc giác quan – những hình ảnh và sự tận hưởng. Đó là lý do tại sao đôi lúc Thiên Chúa xem ra xa vắng và như thế, chỉ đức tin vẫn đang hoạt động.

Khi chúng ta không còn suy tư, không còn cậy dựa vào hình ảnh, không cảm thấy điều gì đặc biệt nữa… nhưng đơn sơ duy trì một thái độ gắn bó yêu mến với Thiên Chúa, có thể bấy giờ chúng ta nghĩ rằng, chúng ta không làm gì cả và không có gì đang xảy ra… Chính lúc đó, Thiên Chúa thông ban chính mình cho chúng ta cách bí nhiệm, sâu sắc và thiết thực hơn gấp bội.

Cầu nguyện giờ đây trở thành mạch nước sâu thẳm phun vọt tình yêu, có thể cảm nhận được lúc này nhưng lúc khác thì không, trong đó, Thiên Chúa và linh hồn hiến thân cho nhau. Theo Thánh Gioan Thánh Giá, đây là chiêm ngắm: “thông truyền bí nhiệm, bình an và yêu thương” qua đó, Thiên Chúa thông ban chính mình cho chúng ta. Thiên Chúa rót chính mình vào trong linh hồn và linh hồn trút mình vào trong Người nhờ tác động của Chúa Thánh Thần nơi tâm hồn.

Lời nói không thể thực thi sự công chính về những gì đang xảy ra; nhưng đó là điều mà nhiều người cảm nhận trong cầu nguyện, điều mà thông thường, họ không ý thức. Như trường hợp Ngài Jourdain (trong vở Le Bourgeois Gentilhomme của Molière) đang “xuất khẩu thành thơ” mà không hay biết; cũng vậy, nhiều người đang chiêm niệm mà không nhận ra chiều kích sâu thẳm nơi việc cầu nguyện của mình. Và họ không nhận ra thì tốt hơn nhiều.

Dù khởi điểm đời sống cầu nguyện của họ là gì – và như đã nói, mỗi người có thể có điểm xuất phát khác nhau – nhưng chính vì đích điểm này, hay ít nữa chính ở giai đoạn này, Đức Giêsu muốn mang thật nhiều người trong họ đến. (Sau đó, không có đích đến cho những chặng xa hơn kèm theo những ân huệ, dĩ nhiên, cao hơn mà Thánh Thần có thể dẫn họ đến, nhưng chúng ta sẽ không đi vào những chặng này ở đây).

Chẳng hạn, các truyền thống cầu nguyện như Kinh Nguyện Giêsu hay truyền thống cầu nguyện do thánh Gioan Thánh Giá trình bày thì hoàn toàn khác nhau và đưa ra những đường hướng tách biệt nhau. Tuy nhiên, khi mô tả ơn chiêm niệm mà cả hai truyền thống hướng đến, chúng lại dùng ngôn ngữ giống nhau một cách lạ thường. Khi thánh Gioan Thánh Giá mô tả chiêm niệm như “một sự hít thở ngọt ngào của tình yêu” (trong The Living Flame of Love), nó có vẻ giống với điều gì đó nhịp nhàng đều đặn của Philokalia[4].

 

2. Vết thương tâm hồn

Đã đến lúc chúng ta tóm tắt những gì đã bàn đến về điểm này và xem coi các chủ đề liên kết với nhau làm sao: tính ưu việt của tình yêu, chiêm niệm, kinh cầu Thánh Tâm, nhân tính Đức Giêsu…

Kinh nghiệm cho thấy, để cầu nguyện tốt và đạt đến trạng thái cầu nguyện thụ động trong đó Thiên Chúa và linh hồn thông hiệp với nhau cách sâu sắc, thì con tim phải bị đâm thủng – đâm thủng bởi tình yêu Thiên Chúa, thương tích bởi niềm khát khao Đấng Yêu Dấu. Chỉ ngang qua một vết thương như thế, lời cầu nguyện mới thực sự đi xuống tận thâm tâm và cư ngụ ở đó. Thiên Chúa phải chạm đến chúng ta ở một cấp độ thẳm sâu như thế của hữu thể đến nỗi chúng ta không thể làm gì nữa mà không có Người. Không có vết thương tình yêu đó, cầu nguyện rốt cuộc cũng không hơn gì việc tập luyện tâm trí hay một việc thực hành thiêng liêng đạo đức; nó sẽ không bao giờ là sự kết hiệp mật thiết với Đấng mà Trái Tim bị đâm thủng vì tình yêu dành cho chúng ta.

Chúng ta có thể thấy nhân tính Đức Giêsu làm trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại. Ở ngay chính tâm điểm nhân tính của Ngài là Trái Tim Ngài đang phải thương tích. Nó bị xé rộng để tình yêu Thiên Chúa có thể tuôn đổ dào dạt trên chúng ta và chúng ta có thể tiếp cận Người. Chỉ khi con tim chúng ta cũng bị xé rộng như thế bởi thương tích, chúng ta mới có khả năng đón nhận tình yêu trào dâng đó. Như thế, một sự trao đổi tình yêu thực sự vốn là mục tiêu của đời sống cầu nguyện mới có thể xảy ra. Rồi việc cầu nguyện của chúng ta có thể trở thành điều mà nó phải là: tim – chạm – Tim.

Thương tích do tình yêu gây ra trong chúng ta có thể mang nhiều hình thái khác nhau vào những thời điểm khác nhau: khát khao, nóng lòng tìm kiếm Đấng Dấu Yêu; ăn năn và đau khổ vì tội lỗi; khát khao Thiên Chúa; đau khổ vì Người xa vắng. Nó có thể là sự ngọt ngào làm phấn chấn linh hồn, có thể là niềm vui không thể diễn tả, có thể là ngọn lửa cảm xúc cháy bỏng. Nó sẽ biến chúng ta thành những hữu thể mãi mãi được Thiên Chúa đánh dấu và không có sự sống nào ngoài sự sống của Người bên trong chúng ta.

Khi Thiên Chúa mạc khải chính Người cho chúng ta, cách tự nhiên, Người tìm cách chữa chúng ta khỏi những đắng cay, lỗi lầm, tội cố ý hay vô tình, mệt nhọc và hơn thế nữa. Chúng ta biết điều này và ước ao được Người chữa lành. Thế nhưng, cũng thật quan trọng để biết rằng, theo một nghĩa nào đó, Người còn tìm cách đả thương chúng ta hơn là chữa lành. Chính qua việc gây thương tích nghiêm trọng hơn mà Người sẽ chữa lành chúng ta tận căn. Dù Người đến gần hay có vẻ xa vắng, dù Người ân cần hay có vẻ dửng dưng… (và tất cả những điều này đều có trong đời sống cầu nguyện của bất cứ người nào!), thì những gì Người làm là luôn nhắm đả thương chúng ta nghiêm trọng hơn bằng tình yêu của Người.

Thánh Phanxicô Salêsiô, trong tác phẩm Treatise on the Love of God, có một chương rất hay nói đến những phương pháp khác nhau mà Thiên Chúa dùng để gây thương tổn cho các linh hồn bằng tình yêu của Người. Chẳng hạn như:

Linh hồn tội nghiệp này những thà chết còn hơn là xúc phạm Thiên Chúa của mình, vậy mà chưa cảm nhận một tia sáng sốt sắng nào nhưng ngược lại, chỉ một sự lạnh lùng cực độ khiến nó tê cứng và yếu nhược đến nỗi cứ sa đi ngã lại vào những bất toàn lộ liễu thực sự của mình – linh hồn này thương tổn nặng nề bởi tình yêu của nó hết sức đau đớn khi thấy Thiên Chúa giả vờ như không thấy nó yêu mến Người biết bao, Người bỏ rơi nó như thể nó là một cái gì không thuộc về Người; và đối với nó, dường như trong mọi lỗi lầm, lo ra chia trí và lạnh nhạt, Thiên Chúa khiển trách linh hồn nó như tát nước vào mặt: “Sao ngươi có thể nói yêu mến Ta khi linh hồn ngươi không ở với Ta?”. Lời này như tên nhọn đau đớn xuyên thủng trái tim nó, nhưng nỗi đau đến từ tình yêu, vì nếu linh hồn không yêu, nó không đau đớn như đã đau đớn bởi nỗi sợ mình đã không yêu mến (Treatise on the Love of God, q. 6, ch. 14).

Đôi lúc Thiên Chúa làm tổn thương nghiêm trọng hơn bằng cách bỏ rơi chúng ta trong sự khốn cùng hơn là bằng cách chữa lành!

Quả thực, Thiên Chúa ít quan tâm đến việc làm cho chúng ta trở nên hoàn thiện hơn việc ghì chặt chúng ta vào Người. Một loại hoàn thiện (như chúng ta thường hình dung) khiến chúng ta tự mãn và không cần lệ thuộc. Tổn thương như thế khiến chúng ta khốn cùng hơn nhưng lại kết hiệp với Người hơn. Và đó là điều quan trọng: không đạt được sự toàn thiện lý tưởng, nhưng luôn bị trói buộc vào Người, bởi sự khốn cùng cũng như bởi nhân đức, để tình yêu của Người có thể không ngừng tuôn đổ vào tâm hồn chúng ta và bằng cách nào đó, chúng ta hiến dâng chính mình hoàn toàn cho Người vì không có lựa chọn nào khác; bởi lẽ, chúng ta không thể làm thế nếu không có Thiên Chúa. Sự gắn bó này sẽ thánh hoá chúng ta và mang chúng ta đến sự trọn lành.

Đây là câu trả lời cho nhiều vấn nạn trong đời sống thiêng liêng. Giờ đây, chúng ta có thể hiểu tại sao Đức Giêsu không cất khỏi thánh Phaolô “cái dằm nơi xác thịt” và “một thần dữ được sai đến tát vào mặt ngài” nhưng rồi đáp lại tiếng van nài của ngài là, “Ơn Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12, 9).

Điều này cũng giải thích tại sao những người nghèo khó, những ai bé mọn, những ai hay thương tổn vì cuộc sống… thường được ban ơn khi cầu nguyện, một điều vốn không được tìm thấy ở những người giàu có.

Trên hết, kết hiệp với Chúa cốt tại việc để cho vết thương tình yêu này rộng mở, không cần để nó được chữa lành hẳn. Vậy là ở đây, chúng ta có một hướng dẫn khác nói đến những gì cần làm khi cầu nguyện. Khi cơn đau của vết thương trở nên ít nhức buốt hơn ngang qua sự quen lờn, biếng nhác và đánh mất tình yêu ban đầu, chúng ta cần hành động, tỉnh thức, khơi dậy tâm hồn và thôi thúc nó yêu mến bằng cách tận dụng những ý tưởng tốt và những quyết tâm cao. Theo thánh Têrêxa Avila, chúng ta cần ráng sức để kéo nước lên, cho đến khi Thiên Chúa đoái thương cho mưa xuống[5]. Điều đó có thể đòi hỏi chúng ta phải kiên trì. “Vậy tôi sẽ đứng lên, đi rảo khắp thành, nơi đầu đường cuối phố, để tìm người yêu dấu của lòng tôi” (Dc 3, 2).

Tuy nhiên, nếu tâm hồn rộng mở và tình yêu Thiên Chúa đổ vào, chúng ta chỉ cần ngoan nguỳ hứng lấy suối nguồn đó mà không làm gì khác ngoài việc bằng lòng đón nhận hay chỉ làm điều mà chính tình yêu thôi thúc để đáp trả. Suối nguồn tình yêu Thiên Chúa có thể tuôn đổ mãnh liệt nhưng cũng có thể trôi lững lờ vì những chuyển động của tình yêu Người đôi lúc hầu như không thể nhận biết được; trong cả hai trường hợp, tâm hồn thức tỉnh và chú tâm – “Tôi ngủ, nhưng lòng tôi chợt tỉnh thức” (Dc 5, 2).

Vào những thời khắc khốn cùng thiêng liêng, tôi tin rằng Thiên Chúa đang hối hả đáp trả khi chúng ta đang ở trong tình trạng thương tổn này. Kết quả là, các giai đoạn truyền thống trong tiến trình của đời sống thiêng liêng thường xuyên bị đảo ngược. Những người đi vào đời sống cầu nguyện mà không trải qua những giai đoạn đầu có thể hứng chịu “vết thương” được mô tả ở đây hầu như ngay lập tức. Điều này có thể sinh ơn hoán cải; hoặc là qua trải nghiệm về sự tuôn đổ Thánh Thần vốn có thể xảy ra trong phong trào Canh Tân Đặc Sủng hay nơi khác; hoặc ngang qua thời kỳ thử thách đầy quan phòng mà qua đó Thiên Chúa chiếm giữ chúng ta.

Vậy bổn phận của chúng ta trong đời sống kết hiệp với Chúa cốt ở việc trung thành cầu nguyện, kiên trì đối thoại thân tình với Chúa, Đấng đang với tới chúng ta. Một khi trải nghiệm đặc biệt đó về Thiên Chúa trở nên ít sống động hơn, chúng ta không được dần quên những gì đã xảy ra, để rồi mặc cho nó chôn vùi dưới bụi bẩn của thói quen, tính hay quên và nghi ngờ.

 

3. Tâm hồn chúng ta & tâm hồn Hội Thánh

Cuối cùng, chúng ta lưu ý đến một số điểm mang chiều kích Hội Thánh trong đời sống cầu nguyện. Sẽ hoàn toàn sai lầm khi cho rằng, chiều kích Hội Thánh vốn là một phần thiết yếu của đời sống Kitô hữu nhưng lại ít liên quan hoặc không liên quan đến đời sống cầu nguyện của một ai đó. Trái lại, có một liên hệ cực kỳ sâu sắc, dù đôi lúc không thể nhìn thấy, đó là sự gắn kết đời sống và sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh với những gì xảy ra giữa một linh hồn và Thiên Chúa trong sự thiết thân của nó qua việc cầu nguyện. Với lý do chính đáng như thế mà một nữ tu Nhà Kín Carmel, người không bao giờ rời tu viện, thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu được tuyên phong là thánh bổn mạng các xứ truyền giáo.

Biết bao điều đáng nói về tương quan giữa sứ vụ truyền giáo và chiêm niệm, bằng cách nào chiêm niệm đưa chúng ta vào trung tâm mầu nhiệm Hội Thánh, mầu nhiệm Các Thánh Thông Công và các chủ thể liên hệ.

Yêu mến việc cầu nguyện là một hồng ân, một hồng ân vốn luôn tháp nhập người cầu nguyện cách trọn vẹn hơn vào mầu nhiệm Hội Thánh. Điều này có thể thấy rõ trong truyền thống Carmel, một truyền thống mang tính chiêm niệm nhất trong tất cả các truyền thống đan tu, theo nghĩa nó nhấn mạnh mục tiêu là kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện theo một cách thức vốn có thể rất cá nhân khi nhìn từ bên ngoài. Tuy nhiên, cùng lúc, chính truyền thống Carmel còn cho thấy rõ nhất mối liên quan mật thiết và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa đời sống chiêm niệm và mầu nhiệm Hội Thánh. Mối liên hệ này giản dị nhưng rất sâu xa: nó được thiết lập bởi tình yêu, bởi lẽ, điều quan trọng nhất giữa Thiên Chúa và linh hồn là Tình Yêu; và từ khoa Giáo Hội học vốn ẩn tàng những giáo huấn của các vị đại diện dòng Carmel (thánh Têrêxa Avila, thánh Gioan Thánh Giá, thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu), chính Tình Yêu cũng làm nên yếu tính mầu nhiệm Hội Thánh. Tình Yêu hiệp nhất Thiên Chúa với linh hồn cũng như Tình Yêu làm nên thực tại sâu xa nhất của Hội Thánh là một và là chính tình yêu đó – đó là quà tặng của Chúa Thánh Thần.

Trong cơn hấp hối, thánh Têrêxa Avila thì thào, “Tôi là nữ tử của Hội Thánh”. Lý do đầu tiên khiến ngài thành lập các cộng đoàn Carmel, đặt các nữ tu trong những khu nội cấm, thôi thúc họ sống đời sống thần nghiệm… là để đáp ứng nhu cầu của Hội Thánh lúc bấy giờ. Bà bị tác động sâu xa bởi sự tàn phá của phong trào Cải Cách Tin Lành và bởi những chuyện kể về “những người Tây Ban Nha xâm chiếm châu Mỹ, cách riêng Mexicô và Pêru”, về con số khổng lồ dân ngoại “dành được” cho Đức Kitô. Bà trầm trồ, “Thế gian đang bốc cháy và đây không phải là lúc bận tâm đến những chuyện tầm thường”.

Thánh Gioan Thánh Giá xác tín rằng, tình yêu vô vị lợi dành cho Thiên Chúa, tình yêu trao hiến cho Người cách nhưng không trong cầu nguyện là phúc lợi lớn lao nhất đối với Hội Thánh và là điều Hội Thánh cần nhất. “Một hành vi yêu thương tinh tuyền sinh ích cho Hội Thánh nhiều hơn mọi việc lành phúc đức trên trần gian”.

Nhưng chính thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu là người diễn tả trọn vẹn nhất cũng như đẹp đẽ nhất liên hệ giữa tình yêu mỗi người dành cho Thiên Chúa được thể hiện trong cầu nguyện và mầu nhiệm Hội Thánh. Chị nói chị nhập dòng Carmel “để cầu nguyện cho các linh mục và các đại tội nhân cứng lòng nhất” và bước ngoặt trong đời chị diễn ra khi chị khám phá sự sung mãn của ơn gọi mình.

Chị muốn theo đuổi tất cả ơn gọi, bởi chị muốn yêu mến Đức Giêsu cách cuồng nhiệt và phục vụ Hội Thánh bằng mọi cách có thể. Chiều kích lớn lao của những khát vọng giày vò chị. Chị chỉ tìm thấy sự bình an nơi tâm hồn khi nhận ra, nhờ sự trợ giúp của Lời Chúa, rằng sự phục vụ lớn lao nhất chị có thể mang lại cho Hội Thánh, một sự phục vụ tự nó bao hàm mọi phục vụ khác, là giữ cho ngọn lửa yêu mến trong chị cháy bừng lên. “Không có tình yêu đó, các nhà truyền giáo sẽ ngưng rao giảng Tin Mừng, các vị tử đạo sẽ ngưng dâng hiến mạng sống… Cuối cùng, tôi đã tìm ra ơn gọi của mình: giữa lòng Mẹ Hội Thánh, tôi sẽ là tình yêu!”, và tình yêu đó được thể hiện rõ nhất ngang qua việc kết hiệp với Chúa:

Càng cảm thấy lửa tình yêu nung nấu tâm hồn mình, tôi càng thưa lên “Xin kéo con đến với Ngài”; các linh hồn sẽ càng hướng về tôi (mà tôi sẽ không là gì ngoài một mảnh kim loại tí tẹo nếu tôi tránh xa ngọn lửa bừng bừng của Thiên Chúa) – họ càng chạy nhanh đến những hương thơm quyến rũ của Đấng Yêu Dấu; bởi khi một linh hồn cháy bừng lửa yêu mến thì không thể ở lì ra đó; nhất thiết, như Maria Mađalêna, linh hồn sẽ bám vào chân Đức Giêsu, sẽ lắng nghe những lời ngọt ngào cháy bỏng của Ngài. Có vẻ như không trao tặng điều gì, nhưng linh hồn đó sẽ cho nhiều hơn Martha, người lo lắng nhiều chuyện và muốn em gái bắt chước mình… Tất cả các thánh đều hiểu điều này và có lẽ đặc biệt là các đấng đã làm cho cả vũ trụ bừng sáng giáo huấn Tin Mừng. Không phải trong cầu nguyện mà thánh Phaolô, Augustinô, Gioan Thánh Giá, Tôma Aquinô, Phanxicô, Đôminicô và nhiều người bạn thời danh khác của Thiên Chúa có được sự hiểu biết về Người như thế, một sự hiểu biết làm ngời lên những bộ óc vĩ đại nhất đó sao? “Hãy cho tôi một đòn bẩy và một điểm tựa, tôi sẽ nhấc thế giới lên”. Điều Archimedes không thể đạt được, bởi ông không cầu xin Thiên Chúa và vì nó chỉ ở bình diện vật chất, thì các thánh đã đạt được cách sung mãn. Đấng Toàn Năng đã cho họ điểm tựa, bệ chống, là CHÍNH BẢN VỊ CỦA NGƯỜI và CHỈ MÌNH NGƯỜI. Còn về các đòn bẩy, Người ban cho họ việc cầu nguyện bừng cháy lửa tình yêu. Đó là cách họ nhấc bổng thế giới; đó là cách các thánh vẫn đang chiến đấu dưới thế này nhấc bổng trần gian cũng là cách thức các thánh mai ngày nhấc nó lên, cho đến tận thế.

Cuộc đời thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu khai mở một mầu nhiệm tuyệt vời: tất cả những gì chị từng muốn là lòng – bên – lòng với Chúa Giêsu; nhưng càng quy chiếu con người mình vào tình yêu dành cho Ngài, tâm hồn chị càng lớn lên trong tình yêu dành cho Hội Thánh, trở nên lớn lao như Hội Thánh, vượt mọi giới hạn của không gian và thời gian[6]. Càng sống đời cầu nguyện trong ơn gọi dâng hiến tình yêu phu thê dành cho Đức Giêsu, Têrêxa càng thẩm thấu sâu xa hơn vào mầu nhiệm Hội Thánh. Quả thực, đây là con đường đúng đắn duy nhất để hiểu Hội Thánh. Ai không sống tương quan hôn nhân với Thiên Chúa trong cầu nguyện, sẽ không bao giờ hiểu thấu chân lý sâu xa nhất về căn tính của Hội Thánh, vì Hội Thánh là Hiền Thê của Đức Kitô.

Trong cầu nguyện, Thiên Chúa thông ban chính mình cho linh hồn và làm cho nó hiểu ước muốn của Người là mọi người được cứu độ. Trái tim con người nên đồng nhất với Thánh Tâm Chúa Giêsu, sẻ chia tình yêu của Ngài dành cho Hiền Thê mình là Hội Thánh và niềm khát khao hiến dâng mạng sống cho Hội Thánh và cho nhân loại. Thánh Phaolô khích lệ chúng ta, “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô” (Pl 2, 5). Không có một đời sống cầu nguyện, sự nên một với Đức Giêsu không thể thực hiện được.

Ơn đoàn sủng đặc trưng của linh đạo Carmel cho mọi người thấy tương quan sâu xa giữa sự kết hợp lòng – bên – lòng với Chúa Giêsu được tìm thấy trong việc cầu nguyện của mỗi người và sự tháp nhập vào lòng Hội Thánh. Không cần phải đặt vấn đề, đặc sủng này được ban cho các tu sĩ Carmel ngang qua Mẹ Maria, vì không phải Carmel là tu viện Maria đầu tiên ở Tây Phương sao? Và sẽ là ai, nếu không phải Mẹ Maria, Hiền Thê của Chúa Thánh Thần, khuôn mẫu của Hội Thánh, có thể dạy bảo chúng ta sự khôn ngoan thẳm sâu này?



[1] Kinh cầu này sẽ được mô tả chi tiết hơn về sau.

[2] Les Récits d’un Pèlerin Russe, The Way of The Pilgrim, Chuyện Người Hành Hương, Nguyễn Ước biên dịch và chú thích (Chú thích của người dịch).

[3] Cách riêng, xem The Living Flame of Love, khổ 3, dòng 3.

[4] Phổ biến ở Cận Đông và Đông Âu, đặc biệt ở Nga, đây là một tác phẩm cổ điển, thâu tập các bản văn liên quan đến Kinh Nguyện Giêsu của các Giáo phụ Đông Phương và các tác giả tu đức Chính Thống.

[5] Thánh Têrêxa Avila khai triển chi tiết hình ảnh về nước này trong cuốn Tự Truyện của bà, ch. 11tt.

[6] Xem các chương về thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu trong cuốn sách rất hay do Fr. F. M. Lesthel viết, Connaitre l’amour du Christ qui surpasse toute connaissance (Nxb Carmel: Toulouse, 1989).

Chia sẻ Bài này:

Related posts