Dành giờ cho Chúa – Phụ Trương

1. Phương pháp nguyện gẫm theo Cha Liebermann
2. Tập sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa theo Thầy Lawrence of the Resurrection

 

PHƯƠNG PHÁP NGUYỆN GẪM

CỦA CHA LIEBERMANN[1]

Thư gửi Francois, cháu trai mười lăm tuổi, dạy cậu cách thức cầu nguyện [2]

 

Bác chúc tụng Chúa vì những ước muốn tốt lành Người đã ban cho con, bác chỉ có thể khuyến khích con hãy ra sức kết hiệp với Chúa. Đây là một phương pháp, không ít thì nhiều, con có thể áp dụng để có được thói quen cầu nguyện.

Trước tiên, chiều hôm trước, con hãy lấy một cuốn sách hay, đọc một chủ đề đạo đức nào đó, coi xem điều gì phù hợp nhất với thị hiếu và nhu cầu của con. Chẳng hạn, một đề tài về cách thực hành các nhân đức, đặc biệt về đời sống và gương lành của Chúa Giêsu hay Đức Trinh Nữ Maria. Tối đến, hãy nghĩ về những điều tốt lành này khi con đi ngủ; sáng ra, khi thức dậy, hãy nhớ lại những suy tư đạo đức vốn sẽ hình thành một đề tài cho con cầu nguyện. Sau khi cầu nguyện bằng lời nói, con hãy đặt mình trước sự hiện diện của Chúa. Hãy nghĩ rằng, vị Thiên Chúa cao cả của chúng ta hiện diện khắp mọi nơi; Người đang ở nơi con ở; Người ngự trong tâm hồn con một cách đặc biệt, hãy tôn thờ Người. Rồi hãy nghĩ về chính con, bất xứng biết bao với những tội lỗi khi đứng trước sự Thánh Thiện và sự Cao Cả vô biên của Người. Hãy khiêm tốn xin Người thứ tha những lỗi lầm của con, hãy tỏ lòng thống hối và đọc Kinh Cáo Mình. Rồi hãy nhìn nhận, tự sức mình, con không thể cầu nguyện với Chúa cho nên, khẩn khoản với Chúa Thánh Thần, van xin Người đến trợ giúp con, dạy con cầu nguyện, giúp con cầu nguyện cho tốt, hãy đọc kinh “Thánh Thần, Khấn Xin Ngự Đến”[3]. Rồi việc cầu nguyện thực sự của con sẽ bắt đầu. Nó bao gồm ba điểm: tôn thờ, nhận định và quyết tâm.

 

THỨ NHẤT, TÔN THỜ

Hãy bắt đầu bằng cách tôn kính Thiên Chúa, hay Chúa Giêsu Kitô hoặc Đức Trinh Nữ Maria… tuỳ thuộc vào chủ đề nguyện ngắm của con. Như thế, nếu chẳng hạn con suy gẫm về một trong những sự trọn lành của Thiên Chúa hay về một nhân đức, con sẽ tôn kính Người, Đấng trọn lành ở mức độ cao cả vô cùng; hoặc tôn thờ Chúa Giêsu, Đấng thực hành nhân đức đó cách trọn hảo. Ví dụ, nếu con đang gẫm suy về lòng khiêm tốn, con sẽ nghĩ Chúa chúng ta khiêm tốn biết bao: từ thuở đời đời, Ngài đã là Thiên Chúa, đã hạ mình thành một trẻ thơ, được sinh ra trong một chuồng bò, vâng phục Đức Maria và Thánh Giuse bao năm, rửa chân cho các tông đồ, chịu mọi sỉ nhục và phỉ báng từ con người. Rồi con biểu lộ với Ngài lòng ngưỡng mộ, tình yêu, lòng biết ơn và giục linh hồn con yêu mến Ngài, ước ao bắt chước Ngài.

Con cũng có thể gẫm suy nhân đức này trong cuộc đời Đức Mẹ hoặc ngay cả một vị thánh nào đó; hãy xem các ngài thực hành nhân đức đó thế nào và thổ lộ với Chúa nỗi khát khao muốn bắt chước của con.

Nếu con đang suy niệm về một trong những mầu nhiệm của Chúa Giêsu, chẳng hạn mầu nhiệm Giáng Sinh, con có thể hình dung một nơi mà mầu nhiệm đã xảy ra với những con người có mặt ở đó. Con có thể tưởng tượng máng cỏ, nơi Đấng Cứu Thế sinh ra, con hình dung Hài Nhi Giêsu trong vòng tay Đức Maria với Thánh Giuse bên cạnh; các mục đồng và các đạo sĩ đến triều bái Ngài và rồi, hãy nhập đoàn với họ để thờ lạy, ca ngợi và cầu xin Ngài. Con cũng có thể tận dụng cách hình dung đó nếu con gẫm suy về những chân lý lớn lao khác như hoả ngục, phán xét hay sự chết; chẳng hạn, con hình dung giờ sau hết của mình với những người bao quanh con: một linh mục, những người thân; hãy tưởng tượng những cảm xúc của con lúc ấy; rồi thực hiện một hành vi yêu thương dành cho Thiên Chúa; những cảm xúc sợ hãi và tín thác của con lúc ấy. Sau khi con đã dừng lại trên tất cả những cảm nhận và cảm xúc này lâu chừng nào con tìm thấy một điều gì đó ở chúng để áp dụng cho mình, con hãy chuyển sang điểm thứ hai, đó là nhận định.

 

THỨ HAI, NHẬN ĐỊNH

Ở đây, con sẽ nhẹ nhàng dò dẫm trí óc để tìm ra những lý do chính yếu vốn thuyết phục con về chân lý con đang suy gẫm, chẳng hạn, nhu cầu phải làm gì để được ơn cứu độ nếu con đang suy gẫm về ơn cứu độ; hoặc những lý do khiến con thực hành nhân đức này nhân đức kia. Ví dụ, nếu con đang cầu nguyện về lòng khiêm tốn, con có thể xét đến nhiều lý do khiến con phải khiêm tốn: trước tiên, gương sáng của Chúa Giêsu, của Đức Mẹ và tất cả các thánh; rồi vì kiêu ngạo, đầu mối và căn nguyên mọi tội lỗi, đang khi khiêm tốn là nền tảng của mọi nhân đức; và sau cùng, con thấy bởi con không có gì nên không lý do gì mà kiêu căng. Có điều gì con có mà không lãnh nhận từ Thiên Chúa? Sự sống, sự bền bỉ, trí óc lành mạnh, những ý tưởng thánh thiện của con: mọi sự đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, để con không có gì mà tự kiêu tự đại. Hoàn toàn ngược lại, rất nhiều điều khiến con phải khiêm tốn khi nghĩ đến biết bao lần con xúc phạm Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ và là Đấng Ban Ơn của con.

Đối với những nhận định này, đừng tìm cách lục lọi tất cả mọi lý do vốn có thể thuyết phục con tin vào chân lý này chân lý nọ, hay thực hành nhân đức đặc biệt này nhân đức đặc biệt kia… một chỉ lưu lại ở những lý do vốn có thể áp dụng cho con hay những lý do thôi thúc con thực hành nhân đức đó cách mạnh mẽ nhất. Hãy thực hành nhận định này cách nhẹ nhàng, đừng vắt kiệt trí óc con. Khi một nhận định không còn gây ấn tượng cho con, hãy chuyển sang nhận định khác. Hãy kết hợp tất cả những điểm này với hành vi tôn thờ Chúa Giêsu và khao khát làm vui lòng Ngài; thỉnh thoảng, dâng lên Ngài những lời kinh vắn gọn và những khát vọng, bộc bạch cùng Ngài những ước muốn tốt lành của tâm hồn con.

Sau khi xem xét những lý do này, con sẽ trở lại những chiều kích sâu thẳm của lương tâm mình, cẩn thận xem xét, cho đến hôm nay, con đã sống thế nào với chân lý hoặc nhân đức con đã suy gẫm; chẳng hạn con đã trót phạm những lỗi lầm nào nghịch lại đức khiêm nhường nếu như con đang suy gẫm về lòng khiêm tốn; trong hoàn cảnh nào, con đã phạm những lỗi lầm đó và với những biện pháp nào để con không sa vào những lỗi lầm ấy nữa. Và rồi, con chuyển sang điểm thứ ba, đó là quyết tâm.

 

THỨ BA, QUYẾT TÂM

Một trong những hoa trái tốt nhất con phải rút ra từ việc cầu nguyện là đi đến những quyết tâm tốt. Hãy nhớ, không phải con chỉ cần nói, “Tôi sẽ không kiêu căng nữa” hay “Tôi sẽ không nói bất cứ điều gì để tán dương mình” hay “Tôi sẽ không nổi nóng nữa” hoặc “Tôi sẽ thực hành bác ái đối với mọi người”… Chắc chắn đây là những ước muốn chính đáng cho thấy ý hướng ngay lành của tâm hồn con. Nhưng cần đi xa hơn: con phải tự hỏi, trong một ngày sống, hoàn cảnh nào khiến con có nguy cơ sa vào những lầm lỗi mình muốn tránh, hoặc trong những hoàn cảnh nào con có thể thực hành nhân đức đặc biệt này. Chẳng hạn, giả như con đang suy gẫm đức khiêm nhượng: và rồi, xét mình kỹ lưỡng, con nhận ra rằng, khi thầy giáo đặt cho con một câu hỏi trong lớp, con cảm thấy trong lòng bừng lên một cảm giác kiêu căng cao độ, một nỗi khát khao được ngưỡng mộ. Vì thế, quyết tâm của con là nhớ lại giây phút khi con được đặt câu hỏi, để thực hiện một hành vi khiêm tốn bên trong, để thưa với Chúa rằng, con quyết tâm từ bỏ những cảm giác kiêu căng vốn có thể dậy lên trong tâm hồn mình. Nếu con nhận thấy mình hơi va vấp trong một số hoàn cảnh nào đó, quyết tâm của con hoặc là sẽ tránh những hoàn cảnh đó nếu có thể, hoặc là hồi tưởng lại một lúc ngay khi con thấy trước sự va vấp có thể xảy ra. Nếu con thấy mình hơi hiềm khích với một người nào đó, con sẽ quyết tâm đến với người đó, tỏ cho họ thấy tình bằng hữu thực sự của con…

Nhưng dù những quyết tâm của con cao đến đâu, vẫn chẳng ích gì nếu Chúa không đến giúp. Vì thế, phải chú tâm đến việc khẩn khoản xin Người ban ơn trợ giúp. Hãy cầu xin điều này ngay khi con đưa ra quyết tâm hay đang lúc thực hiện quyết tâm, xin Người gìn giữ con trung thành với những quyết tâm đó. Nhưng con cũng phải cầu xin điều đó lúc này lúc khác trong những giai đoạn của việc cầu nguyện. Nói chung, việc cầu nguyện của con không được trở nên khô khan, một cái gì thuần lý trí: tâm hồn con phải rộng mở và bộc lộ trước vị Thầy nhân lành như tâm hồn một trẻ thơ trước người cha trìu mến yêu thương nó. Để những lời cầu khấn này sốt sắng và hiệu quả hơn, con có thể thưa với Chúa cách yêu thương rằng, chỉ vì vinh danh Người mà con xin ơn thực hành nhân đức con đang suy gẫm; chỉ để thực hiện thánh ý Người như các thiên thần đang làm trên trời mà con nài xin Người trợ giúp hầu trung thành với những quyết tâm tốt lành của mình; con cầu xin điều đó nhân danh Con Yêu Dấu của Người, Đức Giêsu Kitô, Đấng chịu chết trên Thánh Giá để con xứng đáng lãnh nhận những ơn này; và rằng Người đã hứa đáp lại những ai cầu xin mọi khi họ khấn nguyện nhân danh Con Một Người.

Hãy chân thành dâng mình cho Đức Trinh Nữ Maria nữa. Hãy khẩn khoản xin Mẹ nhân lành của chúng ta cầu bàu cho con. Mẹ có mọi quyền phép, tốt lành vô song; Mẹ không biết thế nào là từ chối con cái; và Chúa, Thiên Chúa chúng ta, sẽ ban cho Mẹ mọi điều Mẹ cầu xin cho con cái mình. Cũng hãy cầu xin thánh bổn mạng và thiên thần hộ thủ của con. Lời cầu bàu của họ sẽ không vô ích trong việc mang lại nhân đức và lòng trung thành của con với những quyết tâm thiết thực của mình.

Thỉnh thoảng trong ngày, con nên nhớ lại những quyết tâm tốt lành này để đem chúng ra thực hành hoặc kiểm tra xem con đã giữ chúng hay chưa, đồng thời đổi mới quyết tâm trong phần ngày còn lại. Thi thoảng, con hãy nâng tâm hồn lên cùng Chúa, xin Người làm sống lại trong con những ý hướng ngay lành mà Người đã gửi đến trong giờ nguyện gẫm buổi sáng. Bằng cách hành động như thế, con có thể đoan chắc mình sẽ được rất nhiều ơn ích từ bài tập luyện thánh thiện này và con sẽ rất tiến bộ về mặt đức hạnh cũng như lòng yêu mến Chúa.

Đối với những lo ra chia trí trong giờ cầu nguyện, con đừng quá bận tâm về chúng. Ngay khi con nhận ra chúng, hãy từ khước chúng, thanh thản tiếp tục cầu nguyện và dùng những lời nguyện tắt. Chúng ta không tài nào có được những giây phút cầu nguyện mà không lo ra chia trí; tất cả những gì Chúa Giêsu nhân lành yêu cầu là chúng ta trung thành quay về với Ngài ngay khi chúng ta thấy mình lạc xa Ngài. Dần dần, những lo ra chia trí sẽ ít lại và việc cầu nguyện trở nên dễ dàng và ngọt ngào hơn cho con.

Hỡi con, cháu yêu quý của bác, đây là những chỉ dẫn mà bác nghĩ sẽ tạo thuận lợi cho con thực hành cầu nguyện, một việc hết sức sống còn cho con. Kết hiệp với Chúa là phương thế lớn lao mà tất cả các thánh đã dùng để đạt được sự thánh thiện. Bác hy vọng, nhờ ơn Chúa, việc kết hiệp với Chúa cũng sẽ sinh ích cho con như đã sinh ích cho các thánh… Chúa Giêsu, Thầy nhân lành của chúng ta sẽ thưởng cho thiện chí của con những phúc ân của Ngài.

 

II

TẬP SỐNG

TRƯỚC SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA[4]

THEO THẦY LAWRENCE OF THE RESURRECTION

(1614-1691)

Việc thực hành thánh thiện nhất cũng như cần thiết nhất trong đời sống thiêng liêng là thực hành sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Nó bao gồm việc trở nên hân hoan mỗi khi nhớ đến Chúa và quen thuộc với sự đồng hành của Người, khiêm tốn trò chuyện với Người, yêu thương đối thoại với Người mọi lúc, mọi thời khắc mà không cần bất cứ một luật lệ hay một phương pháp nào; đặc biệt những lúc cám dỗ, đau khổ, khô khan, khiếp sợ và cả khi bất trung, tội lỗi.

Chúng ta không ngừng cố gắng để nhủ lòng mình rằng, mọi hành vi cử chỉ của chúng ta tựa hồ những cuộc chuyện trò vắn vỏi với Chúa, hoàn toàn tự nhiên, chỉ dùng những lời phát sinh từ sự tinh khiết và đơn sơ của tâm hồn.

Chúng ta nên làm mọi việc của mình một cách đúng đắn tuỳ theo sức nặng cũng như kích cỡ của chúng. Vì thế, sẽ không mãnh liệt cũng không vội vã, vì điều đó chỉ tỏ ra một đầu óc chểnh mảng. Chúng ta làm với Chúa cách bình thản, đầy yêu thương, xin Người chấp nhận công việc của mình bằng cách luôn chú tâm đến Người, và rồi, nghiền nát đầu quỷ dữ, chúng ta buộc nó buông vũ khí.

Trong suốt thời gian làm việc hoặc những sinh hoạt khác, như đọc sách – ngay cả sách thiêng liêng – những việc đạo đức bên ngoài hoặc nguyện tắt… chúng ta nên ngừng trong chốc lát thường xuyên nhất có thể để thờ lạy Chúa nơi thánh cung sâu thẳm của linh hồn, cảm nếm sự ngọt ngào của Người một lúc, giữ lấy Người như một điều gì bất ngờ, ngợi khen Người, xin Người trợ giúp, dâng Người tâm hồn và cảm tạ.

Điều gì có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn việc chúng ta dẹp bao thọ tạo qua một bên cả ngàn lần mỗi ngày để hướng về Người và tôn thờ Người trong tâm hồn mình?

Chúng ta không thể tỏ cho Thiên Chúa thấy bằng chứng nào lớn lao hơn về lòng trung thành của mình bằng cách từ bỏ và khinh chê các tạo vật từ lần này đến lần khác để tận hưởng Đấng Tạo Hoá dù chỉ trong phút chốc. Mỗi lần một chút, dần dần, bài tập luyện đó sẽ huỷ hoại tính kiêu căng vốn chỉ có thể tiếp tục tồn tại giữa các tạo vật và rồi, việc thường xuyên quay trở về với Thiên Chúa dần dần giải thoát chúng ta khỏi các tạo vật.

Không nhất thiết phải luôn ở trong nhà thờ để được ở với Chúa. Chúng ta có thể biến tâm hồn mình thành một nhà nguyện, ở đó, chúng ta để cho mình nương náu lúc này lúc khác và dành thời giờ chuyện trò với Chúa. Mọi người đều có thể đối thoại thân tình với Chúa; chỉ cần nâng tâm hồn lên một chút là đủ, một chút tưởng nhớ đến Chúa, một hành vi thờ phượng bên trong cả khi bạn đang chạy, tay cầm gươm. Đây là những kinh nguyện tuy ngắn gọn, vậy mà rất đẹp lòng Thiên Chúa, cũng là những lời kinh không hề làm ta nản lòng giữa những nghịch cảnh vô cùng hiểm nguy nhưng lại củng cố lòng can đảm. Vậy hãy nhớ mà thực hiện điều này, nghĩa là hướng lòng lên cùng Chúa nhiều nhất có thể; phương thức cầu nguyện này rất phù hợp và cần thiết nhất cho một người lính đang đối đầu với những hiểm nguy chết chóc mỗi ngày, và thông thường, cả những nguy hiểm cho phần rỗi đời đời.

Thực hành sống trước sự hiện diện của Chúa giúp ích rất nhiều cho việc cầu nguyện; vì bằng cách ngăn ngừa tâm trí suốt ngày đi lang thang để giữ nó lại gần bên Thiên Chúa, điều này giúp cho việc cô tịch trong đời sống kết hiệp với Chúa được dễ dàng hơn.



[1] Chân Phước Francois Liebermann (1802-1852), một trong những đấng sáng lập Hội Dòng Thánh Linh (Các Cha Dòng Thánh Linh), một dòng thừa sai.

[2] Lettres du Vénérable Père Liebermann présentés par L. Vogel (Paris: Desclée de Brouwer, 1964).

[3] Thánh Thần, khấn xin ngự đến, đổ đầy tâm hồn các tín hữu của Ngài và đốt lên trong họ ngọn lửa yêu mến Ngài. Xin hãy sai thần khí của Ngài đến và họ sẽ được tác sinh. Và Ngài sẽ canh tân bộ mặt trái đất này.

[4] Trích đoạn từ Brother Lawrence of the Resurrection, L’Expérience de la présence de Dieu (Paris: Le Seuil, 1998).

Chia sẻ Bài này:

Related posts