GÓP BÁNH CHO ĐỜI
Mục Lục
Chương 1. Cử Chỉ trong Phụng Vụ
Chương 2. Nói về Một Trái Tim
Chương 3. Sức biến đổi của Lời và Thánh Thể
Chương 4. Đây là Mình Thầy
Chương 5. Tại sao cầu nguyện Thánh Thể
Chương 6. Cầu nguyện Thánh Thể trong Tương Quan và Hiện Diện
Chương 7. Linh đạo Thánh Thể
Chương 8. Di Tích Thánh
Chương 9. Thánh Thể, Bí tích biến đổi thế giới
Chương 10. Thánh Thể và Phục Sinh
Chương 11. Lời Cuối cho Người
* * * * * * * *
Chương I: Cử Chỉ trong Phụng Vụ
I. Phụng Vụ: Cầu Nguyện Toàn Thân
Erasto Fernandez, SSS
Cầu nguyện được nên phong phú khi nó diễn tả sự tận hiến tất cả trí óc, tâm hồn, và thân xác cho Thiên Chúa.
Có câu chuyện nói về một thầy tu bên Ấn Độ nuôi một con mèo cưng. Mỗi buổi sáng khi ông ngồi thiền, con mèo đến quấn quít bên ông kêu meo meo để ông chú ý đến nó. Thấy con mèo cứ quấy rầy, ông thầy tu yêu cầu người giúp việc cột con mèo lại mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu việc ngồi thiền.
Người giúp việc trẻ tuổi, trung tín cột con mèo lại trước khi thầy tu đó bắt đầu thiền, và mọi việc đều ổn. Không lâu sau, ông thầy tu này qua đời và người giúp việc trẻ giờ đây đã trở thành một thầy tu trẻ đầy hứa hẹn, mỗi sáng anh cũng ngồi thiền và cũng yêu cầu người giúp việc mới của anh cột con mèo lại.
Cuộc sống êm ả trôi qua trong tịnh viện nhiều năm cho đến một ngày đẹp trời nọ con mèo đó lăn ra chết. Dĩ nhiên đây chỉ là một biến cố tự nhiên nhưng nó lại khiến cho toàn thể tịnh viện phải bối rối – cho đến khi tìm được một con mèo khác, vì bây giờ họ đã quá quen với việc phải cột con mèo trước khi bắt đầu các nghi lễ đến nỗi con mèo đã trở thành phần mở đầu của nghi thức!
Câu chuyện dễ thương ấy nhắc chúng ta nhớ đến nhu cầu phải thường xuyên tra hỏi và kiểm điểm về lý do và ý nghĩa những hành động của chúng ta, ít nhất là để tìm xem những hành động nào có ý nghĩa hơn. Đặc biệt trong thế giới hiện nay, chúng ta không thể coi mọi việc là chuyện đương nhiên! Vì nếu chúng ta không tra hỏi những hành động của mình, những người khác sẽ làm việc đó cho chúng ta, và có lẽ sẽ không để chúng ta được yên.
Điều này có thể được áp dụng và đúng trong mỗi hoàn cảnh đời sống của chúng ta, nhưng ở đây chúng tôi muốn đặc biệt áp dụng cho lãnh vực cầu nguyện và Thánh Thể.
Cầu Nguyện- Thuần Túy Tâm Linh
Trải qua nhiều thế kỷ cho đến giờ, truyền thống Kitô giáo vẫn coi cầu nguyện là một việc thuần túy tâm linh. Thật vậy chúng ta còn tin rằng tốt nhất là đừng để thân xác và hay vật chất can dự vào việc cầu nguyện! Do đó phải nỗ lực để thân xác bên ngoài việc cầu nguyện, hay ít nhất phải bắt nó chịu khuất phục như con chó bị xích lại trong lúc chỉ tinh thần / linh hồn tham gia cầu nguyện, phải chiến đấu mạnh mẽ với sự chia trí, và việc nhượng bộ thân thể phải giữ ở mức thấp nhất, ví dụ như ngồi trong tư thế thư giãn thoải mái bị coi là không phù hợp với việc cầu nguyện.
Nói chung, lý do của sự khinh thường này, đôi khi là thù ghét mạnh mẽ thân xác và vật chất (coi như cái chống lại tâm linh), dĩ nhiên là do ảnh hưởng của thuyết nhị nguyên và của thuyết Manichea vào những thế kỷ đầu tiên của tư tưởng Kitô giáo. Sự coi thường và hạ giá thân xác kéo dài mãi cho đến những thế kỷ vừa qua, cả trong thời đại hiện nay chúng ta vẫn cảm thấy khó mà coi trọng bản thân mình theo đúng quan điểm của Kinh Thánh như là thân thể-nhân vị, được yêu thương và được đánh giá theo như chúng ta là! Những chức năng thuộc thân xác vẫn bị coi như là một cái gì đó “dơ bẩn”.
Thân Thể được Phục Hồi
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ có sự tiếp xúc ngày càng nhiều giữa Đông và Tây, nền linh đạo và tôn giáo phương đông đã có những ảnh hưởng tích cực trên tư tưởng Kitô giáo. Một lần nữa chúng ta phục hồi sự tôn trọng lành mạnh đối với thân xác, đặc biệt đối với việc sử dụng thân xác trong việc cầu nguyện. Phương pháp thiền và các kỹ thuật yoga thường được thực hành trong các nhà đào tạo tu sĩ và các trung tâm cầu nguyện.
Chúng tôi chủ ý sử dụng thành ngữ “phục hồi” vì nếu xem xét kỹ lại truyền thống cầu nguyện ban đầu của Kitô giáo (và của cả Do Thái giáo), người ta không khỏi ngạc nhiên bởi việc sử dụng tự do và quảng đại thân xác. Ví dụ những Thánh vịnh chịu ảnh hưởng của triết học và thần học Do Thái, đề cập rất nhiều đến việc sử dụng thân thể trong lúc cầu nguyện. Trong Thánh vịnh 84, 2, tác giả thánh vịnh hát rằng: “Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi, mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ, những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng.”
Tương tự, Thánh vịnh 47, 1 kêu gọi: “Vỗ tay đi nào muôn dân hỡi! Mừng Thiên Chúa hãy cất tiếng hò reo.” Những ví dụ như thế có thể nhân lên vô tận; nhưng hơn thế nữa, chỉ một kinh nghiệm trong cách cử hành lễ Vượt Qua của người Do Thái cũng đủ thuyết phục chúng ta về việc sử dụng toàn thân một cách vui tươi và thường xuyên để cầu nguyện trong đạo Do Thái.
Truyền thống Kitô giáo lúc ban đầu cũng tự do diễn cảm bằng thân xác những cảm xúc của tinh thần khi cầu nguyện. Clement thành Alexandria sống vào cuối thế kỷ thứ nhất, nói về việc nhảy múa đi kèm với việc cầu nguyện, và giải thích ý nghĩa của nó như sau:
“Cầu nguyện là một cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Cả khi chúng ta nói thật nhỏ, nói thì thầm hay không cần mở miệng, chúng ta đã cầu nguyện nội tâm rồi. Thiên Chúa luôn luôn lắng nghe mọi cuộc đối thoại nội tâm. Đó là lý do tại sao chúng ta ngước đầu lên, đưa tay hướng về trời, và di chuyển bàn chân tối thiểu theo nhịp điệu của việc cầu nguyện, cùng với việc tập trung tư tưởng của chúng ta hướng đến phần tâm linh cốt lõi nhất. Qua đó chúng ta nỗ lực tách lời nói của mình ra khỏi thân xác, và chắp cánh cho linh hồn bay lên trời.”
Grêgôriô Nazian, trong thế kỷ thứ IV, ghi nhận có những vũ điệu được thể hiện trong lễ kính các vị tử đạo:
“Chúng tôi vội vã tụ họp lại. Đây thực là một việc cử hành trọng thể làm đẹp lòng Đức Kitô. Chúng tôi tôn vinh hay sẽ thật sự tôn vinh các vị tử đạo; quả thật chúng tôi đã nhảy múa những vũ điệu khải hoàn.”
Những trích dẫn đó, lấy trong cuốn Dance As Prayer củaLucien Deiss (Living Liturgy Series, số 4, 1969) nói về nhu cầu nhảy múa trong phụng vụ. Dù chúng ta không đi xa đến thế, nhưng rõ ràng đã có vô số minh chứng cho việc diễn tả của thân thể trong khi cầu nguyện dưới những hình thức như giơ tay lên cao, rước kiệu, phủ phục, và những gì tương tự như thế.
Thật không may, khi phụng vụ tiến triển thì chúng ta lại bắt đầu nghi ngờ (và thậm chí là xấu hổ) về tất cả những cách diễn tả của thân thể như thế, mãi cho đến ngày nay khi chúng ta vẫn coi việc cầu nguyện nào cũng mang hình ảnh của cái gì tâm linh và siêu phàm thoát tục. May thay, những điều này đang thay đổi dù là rất chậm.
Ý Nghĩa là Quan Trọng
Tuy nhiên, điều chúng ta tìm kiếm không phải là dùng toàn thân để cầu nguyện (dù rằng điều đó nếu đạt được sẽ làm cho việc cầu nguyện trở nên nhân bản và vui tươi hơn), mà đúng hơn là tìm cách sử dụng thân thể cho có ý nghĩa trong khi cầu nguyện. Giả sử chúng ta dùng cử chỉ và tư thế tự do hơn, phong phú và diễn cảm hơn trong lúc cầu nguyện, nhất là trong khi cử hành Thánh Thể, thì vấn đề quan trọng vẫn là: chúng ta hiểu được bao nhiêu ý nghĩa điều mình làm, và tại sao chúng ta làm những việc làm ấy? Nếu không hiểu ý nghĩa việc mình làm, chúng ta không thể nói mình tham dự một cách sáng suốt, và thậm chí đôi khi có thể không tham dự một cách có hiệu quả.
Và đó là điều mà chúng tôi hy vọng làm sáng tỏ trong loạt bài này: tìm hiểu ý nghĩa nội tại và giàu tính tâm linh của một số cử chỉ và tư thế chung mà chúng ta đã có trong phụng vụ Thánh Thể. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ dẫn chúng ta đến việc sử dụng quảng đại và sáng suốt cách “cầu nguyện bằng thân thể”, cả bên ngoài thánh lễ.
Tầm Quan Trọng đối với Việc Thờ Phượng
Cử điệu trong cầu nguyện rất quan trọng đối với việc thờ phượng vì nó bảo vệ và nuôi dưỡng thực tại của việc phụng tự, do đó cần phải có sự nhất quán giữa điều được nói và điều được làm. Đứng yên bất động khi cầu nguyện với Thánh Thi 47 “Vỗ tay đi nào muôn dân hỡi! Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo!” nói cho cùng thì đó là điều kỳ dị. Vui mừng, tán tụng, cao rao (xem Zep 3:14) trong lúc ngồi trơ ra trên ghế tạo ra sự mâu thuẫn giữa lời nói và điệu bộ. Cũng thế, cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, lúc đọc câu “xin cho Nước Cha trị đến” mà cứ ngồi yên như thế thì có ý nói rằng mình không làm điều gì cho lời ước nguyện đó cả, trong khi nếu đứng với hai tay giơ cao và mở rộng nói lên rằng những lời cầu nguyện đó có thể và phải là những nhân tố để Nước Cha được thiết lập. Làm cử chỉ đó với sự đồng tâm nhất trí khiến lời cầu nguyện trở thành của tập thể. Do đó “cầu nguyện bằng cử điệu” giúp chúng ta không chỉ hiểu biết về việc cầu nguyện, nhưng còn giúp cảm nghiệm việc cùng cầu nguyện với nhau như một thân mình có ý nghĩa gì nữa.
Hơn thế nữa, chấp nhận một tư thế nào tức là động viên cảm xúc mà tư thế đó diễn tả. Vì thế khi chúng ta diễn tả một tư thế khiêm nhường, bằng cách quỳ gối hoặc phủ phục, thì ý nghĩa của sự khiêm nhường công bố bằng lời được nuôi dưỡng. Bằng cách đó, thái độ được sự diễn tả của thân thể tăng cường; cử điệu làm phấn khởi cảm xúc; và cả khi cảm thấy lòng sùng kính uể oải thì nó cũng được hoạt động thể lý làm cho linh hoạt. Cầu nguyện không chỉ là sự diễn tả bằng lời, những lời này trào ra từ chính những cảm xúc, từ một kinh nghiệm nội tâm sâu thẳm. Và cảm xúc thì không thể tách rời với một cách diễn tả nào đó ra bên ngoài.
Những cử điệu cũng có thể tăng cường tính nhạy cảm; chúng là trung gian của sự diễn tả và phải là bạn đường của của việc cầu nguyện bằng lời. Dường như điều đó được phản ảnh rõ ràng trong phụng vụ ở Ác-mê-ni-a. Lúc “cúi người”, khi mọi người cúi mình thờ lạy thì linh mục cầu xin Chúa Thánh Thần “liên kết họ nên một và in vào tâm hồn họ tư thế của thân thể họ.”
Nhận thức được tất cả điều đó, việc thờ phượng của người Kitô hữu từ lúc ban đầu đã bao gồm nhiều tư thế và cử chỉ như đứng, ngồi, quỳ, đi rước, v.v…
Ý Nghĩa
Chính vì chiều kích tâm linh và thân xác của đời sống chúng ta, cho nên những cử điệu này đã được mặc lấy một ý nghĩa tâm linh. Đặc biệt Kinh Thánh cho những phần cơ thể khác nhau những ý nghĩa sâu xa hơn. Ví dụ như cánh tay có nghĩa sức mạnh và ơn cứu độ, quỳ gối là tư thế chỉ sự thống hối ăn năn, trong khi nhảy tung tăng diễn tả nỗi vui mừng.
Ý nghĩa những tư thế phụng vụ chủ yếu phải được hiểu trong phạm vi đưa những tương quan con người trở lại với những cử điệu có hướng dẫn. Do đó cử điệu đưa lên hay đưa xuống có thể diễn tả cảm xúc và niềm tin về mối tương quan của Thiên Chúa với dân Người, trong khi cử điệu đưa ra đưa vào theo chiều nằm ngang có thể thường được dùng để thông tri tương quan xã hội và liên nhân vị. Vì thế trong phụng vụ của Chính Thống giáo phương Đông, phần trung tâm của Thánh Thể (tương ứng với Kinh nguyện Thánh Thể của chúng ta) được gọi là anaphora nghĩa đen là “nâng mình lên” hay “tiến dâng” (xem Dt 7:27). Cũng thế chúc bình an (cái hôn bình an) là một cử chỉ mang tính nghi lễ nhấn mạnh đến tương quan nhân vị giữa một cộng đồng Kitô hữu.
Mặt khác, việc cả cộng đoàn cùng thực hiện một hành động hay cử chỉ có nghĩa là cộng đoàn hiệp nhất trong việc cử hành nghi lễ – dĩ nhiên với điều kiện cộng đoàn phải hiểu điều mình đang thực hiện là một hành vi chủ ý. Tuy nhiên, một vài ý nghĩa có thể thay đổi từ văn hóa này qua văn hóa khác, và như thế điều quan trọng là phải biết điều gì được diễn tả chính xác với những cử chỉ đặc trưng nào trong nền văn hóa chúng ta.
Những Áp Dụng Thực Hành
Dù chúng ta có nhận biết tầm quan trọng của những cử điệu hay không, hoặc có tán thành chúng hay không, thì chúng cũng là một phần của những cử hành phụng vụ, đặc biệt là cử hành Thánh Thể. Vì thế chúng ta sẽ có lợi biết bao khi nghiên cứu những cử điệu trong phụng vụ kỹ hơn để biết sử dụng chúng cách tốt nhất.
Chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu mỗi cử điệu để xem nó đã bắt đầu và phát triển như thế nào qua các thế kỷ; và tìm hiểu ý nghĩa của nó, rồi để tùy mỗi người sử dụng những cử chỉ, tư thế ấy một cách sáng suốt và hiệu quả.
Như đã nói ở trên, tư thế và cử chỉ bên ngoài của thân thể có thể nâng cao thái độ nội tâm của chúng ta. Điều đó được xác nhận dễ dàng nhưng cần phải được thể nghiệm và được chính mỗi người xác minh. Ví dụ như chúng ta có thể nhận thấy rằng (dù chưa suy tư đầy đủ về vấn đề này) khi cảm thấy chán nản, phiền muộn thì một cuộc đi dạo phấn khởi sảng khoái hay một môn thể thao ngoài trời có thể làm thay đổi tâm trạng buồn phiền của chúng ta: chúng ta lại cảm thấy khá hơn. Kiểm chứng điều đó qua đời sống hàng ngày, chúng ta có thể nhìn thấy những cử điệu ấy đóng vai trò nào trong việc tham dự của chính chúng ta cách có hiệu quả vào việc phụng vụ.
Để rút được ích lợi từ việc nghiên cứu này, điều chắc chắn là chúng ta cần chú ý đến mỗi cử điệu của mình và phải mất một thời gian để tập luyện. Cái khó là ở chỗ chúng ta có thể trở nên mệt mỏi vì việc tập luyện ấy và dễ dàng bỏ cuộc; nhưng nếu kiên trì thì lợi ích thuộc về chúng ta. Điều chắc chắn là việc thờ phượng Thiên Chúa không thể chỉ thuần túy thuộc về tâm linh. Chúng ta được mời gọi thờ phượng Thiên Chúa với toàn thể con người của mình, và nếu tính toàn thể quan trọng trong những lãnh vực khác như thế nào thì nó cũng quan trọng như vậy trong vấn đề phụng vụ.
II. Đi Rước
Từ thời thượng cổ, dân Thiên Chúa đã đi rước như là một khởi đầu của việc thờ phượng, một minh chứng của đức tin, một hành động ca tụng vui mừng.
Đối với dân tộc Ấn Độ, cũng như nhiều văn hóa khác, rước là một phần bình thường của các lễ hội tôn giáo quan trọng. Chúng ta cũng có thói quen rước trong Thánh Lễ như rước lúc nhập lễ, lúc dâng lễ vật và lúc rước lễ. Tuy nhiên, đối với nhiều người chúng ta, việc đi rước chỉ được coi là một cách thực hành công việc sắp xếp đi theo hàng lối cho có trật tự. Thế nhưng việc đi rước, đặc biệt trong một đám rước tôn giáo, phải có một ý nghĩa tôn giáo và tâm linh sâu xa hơn. Chúng ta sẽ xem xét điều đó kỹ hơn ở đây.
Liên Quan với Điều Gì?
Một đám rước là một cuộc di chuyển có kế hoạch của một nhóm dân từ nơi này qua nơi khác, vì mục đích tôn giáo đặc biệt nào đó, thường có kèm theo việc cầu nguyện, ca hát và âm nhạc. Một đôi khi đó là một hoạt động độc lập, như khi chỉ để khấn nguyện cầu xin, nhưng trong những dịp khác, đó có thể là một phần của một hoạt động tôn giáo như đám rước trong một thánh lễ.
Những đám rước lâu đời nhất của Giáo Hội được tìm thấy khoảng cuối thế kỷ thứ IV khi những người hành hương đến những địa điểm linh thiêng ở Giêrusalem trong Tuần Thánh. Một ví dụ khác là đám rước Thánh Thể ở Rôma vào thế kỷ thứ VII. Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh Lễ vào một ngày Chúa nhật ở một nhà thờ chánh tòa đặc biệt (gọi là nhà thờ chặng viếng, tức là các nhà thờ chính ở Rôma, luân phiên đón Đức Giáo Hoàng đến làm lễ trong Mùa Chay thời xưa), và tín hữu từ nhiều nơi khác nhau đi thành những đám rước đến và gặp nhau ở nhà thờ này để cùng hiệp dâng Thánh Lễ. Một cây thập giá luôn luôn dẫn đầu các đám rước này.
Một đám rước có thể được tổ chức vì nhiều lý do khác nhau. Có thể đó là một hành động làm chứng của Kitô hữu, một hành động sám hối hoặc ca tụng tôn vinh, hoặc một hành động cầu xin. Đôi khi một đám rước đặc biệt có thể có cùng lúc nhiều lý do. Như vậy những cuộc kiệu Mình Thánh Chúa bắt đầu từ thế kỷ XIII để tôn vinh Thánh Thể đôi khi kết hợp với việc cầu xin Thiên Chúa bảo vệ cho một vùng đất.
Những đám rước khác được tổ chức liên kết với những cuộc hành hương đến các đền thờ, hoặc di chuyển di tích thánh đến một chỗ mới, hoặc khi cung hiến một thánh đường. Vào những dịp như thế, những phương tiện bên ngoài và thị giác được sử dụng tối đa để khơi dậy lòng đạo đức như hương trầm, biểu ngữ, cờ quạt, thánh tích, lễ phục sang trọng. Đôi khi có những đám rước người ta không chỉ bước đi bình thường mà còn có những bước đi đặc biệt và nghệ thuật múa được xen vào nhiều đến mức nó trở thành một vũ điệu tôn giáo.
Những đám rước khác ngày càng trở thành một phần cốt yếu của nghi lễ đặc thù: đám rước trước giếng rửa tội; đám rước đôi tân hôn đến bàn thờ hôn phối; đám rước linh cữu người qua đời đến mộ huyệt để mai táng; đám rước lúc nhập lễ và lúc dâng lễ vật trong Thánh Lễ. Chúng tôi lưu tâm nhiều hơn đến loại hình này, và đặc biệt với những gì xảy ra trong lúc cử hành Thánh Thể.
Ý Nghĩa của việc Đi Rước
Tất cả chúng ta đều biết rằng phụng vụ thánh hóa và biến đổi mọi sự việc của con người. Như vậy cho dù là một vận động hết sức đơn giản và hoàn hảo của con người như bước đi cũng mang một nghĩa tâm linh sâu xa, nhất là khi được sử dụng đúng cách trong phụng vụ.
Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy có nhiều ý nghĩa khác nhau được gán cho việc bước đi hay đồng hành. Nó có thể nói lên một sự thân mật gần gũi nào đó hầu như sự thân thiện cá nhân với một người khác. Vì thế trong sách Sáng Thế, chương 3 và 5, Ađam, Ênóc và Nôê được mô tả đang đi dạo với Thiên Chúa trong không khí mát mẻ buổi chiều. Điều đó nói lên sự thân mật, chia sẻ, tâm sự giữa những người bạn thân với nhau. Tương tự nếu chúng ta “bước đi theo cách đó” dưới sự hướng dẫn của Chúa thì chắc chắn sau cùng chúng ta cũng trở thành một người bạn của Ngài. Vì thế Thiên Chúa đã nói với Ap-ra-ham: “Người hãy đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo, ta sẽ lập giao ước giữa Ta với ngươi và gia tăng số người của ngươi lên thật nhiều.” (St 17:1). Trong suốt thời gian dân Do Thái đi lang thang trong sa mạc, Thiên Chúa nói cùng Mô-sê: “Giờ đây ta sẽ mưa bánh man-na từ trời cho các ngươi. Mỗi ngày dân phải ra ngoài thu lượm khẩu phần trong ngày: ta định thử chúng theo cách ấy để xem chúng có bước đi theo luật pháp hay không…”
Thật thú vị khi thấy rằng một trong những sứ vụ của Đức Giêsu là Đấng Mêsia hay Đấng được Thiên Chúa Xức dầu là làm cho người què đi được. Đức Giêsu nói với dân: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.”(Ga 8:12), và sau đó Người nói: “Các ông hãy bước đi bao lâu các ông còn có ánh sáng, kẻo bóng tối chụp xuống các ông” (Ga 12:35).
Các bản văn này cho thấy tính chất mới mẻ của đời sống mà Đức Giêsu đã mang lại. Phaolô rõ ràng đã nhắc đến điều này trong thư Rôma 6:4: “Khi được dìm trong cái chết của Người, chúng ta cùng được mai táng với Người. Bởi thế cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, chúng ta cũng phải bước đi trong đời sống mới.”
Bước đi trong phụng vụ cũng có thể có một ý nghĩa khác. Ngày xưa khi hoàng đế thắng trận, một đám rước khải hoàn được tổ chức, trong đó hoàng đế được dân chúng hoan hô, ca ngợi. Cũng thế Đức Kitô sống lại là Vua vinh hiển của chúng ta, Người đã chiến thắng tội lỗi, sự chết và mọi hình thức của sự ác.
Vì thế khi bước theo đám rước, nhất là rước lúc nhập lễ và hiệp lễ, chúng ta phải có những suy tư về chiến thắng khải hoàn của Vua và Chúa chúng ta. Các đám rước đặc biệt khác cũng thể hiện tính chất ấy ví dụ như đám rước ngày Chúa nhật lễ lá, đám rước ngày Lễ Mình Máu Thánh Chúa, và Lễ Chúa Kitô Vua.
Những Áp Dụng Thực Hành
Đám rước nhập lễ thường được cử hành ít nhất trong những ngày lễ lớn, và trong những dịp như thế chúng ta có thể nhớ lại ngay lúc khởi đầu của thánh lễ rằng chính Đức Giêsu đã chiến thắng và chúng ta đến để cử hành vinh quang của Người trong Thánh Lễ. Nhưng nếu muốn bước vào việc cử hành này một cách đầy đủ ý nghĩa, chúng ta cũng phải chứng tỏ một điều gì đó về chiến thắng này của Đức Kitô trong đời sống mình bằng cách chiến thắng tội lỗi và tính ích kỷ trong cuộc sống mỗi ngày của chúng ta.
Nếu điều đó không xảy ra, hoặc có lẽ rất ít khi xảy ra, thì đám rước ấy có thể là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng chúng ta phải làm một điều gì đó bắt đầu với chính Thánh Lễ này. Chính xác là chúng ta phải dâng tính ích kỷ của mình lên cho Chúa.
Trong thực tế chính chúng ta rất ít khi có thể tham dự vào đám rước, ví dụ như khi rước lúc nhập lễ thì chúng ta đã yên vị ở chỗ ngồi của mình rồi, hoặc đám rước dâng của lễ thì cũng chỉ cần ít người trong cộng đoàn mang lễ vật lên thôi. Trong những trường hợp ấy chúng ta thường bận ca hát, dù sao ít nhất chúng ta có thể nhắc nhớ mình về ý nghĩa của việc hát thánh ca lúc đó.
Bản chất nền tảng của việc rước là chúc tụng ngợi khen, điều đó có nghĩa là chúng ta nhiệt thành chấp nhận Đức Kitô như là Chúa và Vua vinh thắng của chúng ta. Điều này đòi hỏi chúng ta để cho Đức Kitô cũng đạt được chiến thắng ấy trong đời sống cá nhân của mình. Chúng ta phải cộng tác với Đức Kitô để làm cho đời sống mình ngày càng tỏ rõ là một Kitô hữu, nghĩa là không sống cho chính mình nhưng sống cho người khác. Do đó, ý nghĩa ấy hiện hữu khi chúng ta đi rước cũng có thể được cảm nghiệm ngay cả khi chúng ta không thật sự tham gia đám rước.
Khi đám rước di chuyển qua những đường phố đông đúc, việc bước đi trong đám rước cũng mang tính chất một cách làm chứng: chúng ta công khai tuyên xưng lòng trung tín của chúng ta với Đức Kitô. Một lần nữa đời sống và cách sống của chúng ta phải tương xứng với chứng tá ấy! Hoặc ít nhất là từ nay chúng ta cố gắng để cho cách sống của mình ngày một xứng hợp hơn! Khổ nỗi, đối với nhiều Kitô hữu, thái độ của chúng ta ở nhà thờ không ăn khớp với thái độ của chúng ta ở nhà hay ở công sở; thật vậy, tình yêu thương của chúng ta đối với Thiên Chúa và người lân cận phải được tỏa sáng ở mọi nơi, trong nhà thờ cũng như bất cứ nơi nào khác.
Vì thế nếu ý nghĩa của đám rước được quan tâm cẩn thận thì có thể giúp chúng ta cử hành Thánh Lễ tốt hơn, và cũng làm cho đời sống chúng ta trở thành Kitô hữu một cách rõ nét hơn.
III. Cái Hôn Và Những Vật Thánh
Những vật tôn giáo tượng trưng cho một cái gì đó vượt lên trên chúng. Tôn kính những vật thánh trong cộng đoàn phụng vụ là tỏ lòng tôn kính yêu mến Thiên Chúa và Đức Kitô.
Trong một bài khác chúng tôi đã nói nhiều về ý nghĩa cái hôn bình an: cái hôn ở đây được nhìn trong tương quan con người nhiều hơn. Tuy nhiên, phụng vụ cũng dùng cái hôn đối với đồ vật, trước tiên là những đồ vật đại diện và thay thế cho Chúa Kitô Phục Sinh. Kế đến trong phụng vụ Thánh Thể chúng ta thấy cái hôn hoặc lòng tôn kính dành cho bàn thờ cũng như cho Sách Thánh. Và điều này có ý nghĩa hơi khác nhau, chúng ta hãy tìm hiểu kỹ hơn.
Tại Sao Cần?
Nếu người được tôn kính hiện diện, chúng ta có thể bày tỏ lòng tôn trọng và yêu quý đối với người đó qua cái hôn theo tập tục. Nhưng trong trường hợp Đức Kitô, chúng ta biết rằng Người không hiện diện thể lý trong suốt thánh lễ. Sự hiện diện của Người là có thật và khách quan trong phụng vụ, nhưng mang tính biểu tượng và bí tích.
Do đó nếu muốn bày tỏ lòng tôn kính và biết ơn của chúng ta đối với Đức Kitô trong Thánh Thể, chúng ta cần diễn tả thái độ một cách gián tiếp, nghĩa là, qua vật nào đó đại diệnNgười. Vì thế khi hôn bàn thờ hay Sách Thánh, chúng ta biểu lộ lòng tôn kính mà chúng ta ưu tiên dành cho Đức Kitô, chúng ta cũng bày tỏ tình yêu và lòng biết ơn của mình đối với những gì mà Người đã đem lại cho chúng ta qua cái chết trên thập giá của Người, cũng như đối với sự sống Người ban cho chúng ta qua Lời và bí tích của Người.
Ở Ấn Độ, chúng tôi có thể dùng những cử chỉ của người Ấn để diễn tả lòng tôn kính như lấy hai lòng bàn tay chạm vào vật thánh rồi đem chúng chạm vào trán hay vào tim của mình. Thông thường người ta thấy cử chỉ tôn kính này được dùng đối với cha mẹ như khi chúng ta sờ vào chân các ngài. Ở đây cũng vậy, lòng biết ơn và yêu mến liên kết với lòng tôn kính.
Khi Nào Làm?
Trong Thánh Lễ, cử chỉ ấy chỉ một mình chủ tế thực hiện, thế nên giáo dân tham dự cần phải ý thức để nhận thấy và xác nhận hoặc lấy đó làm của mình. Khi bước vào cung thánh để cử hành thánh lễ, ngay lúc đến gần bàn thờ chủ tế cúi đầu trước thánh giá và nhà tạm rồi bước lên bàn thánh. Ở đó việc đầu tiên chủ tế làm là tôn kính bàn thờ, thường là bằng một cái hôn hoặc một cử chỉ tương đương.
Trong hành động đó, chủ tế thừa nhận và nhắc nhở mọi người có mặt một việc mà khi cùng nhau hội họp chúng ta phải làm, đó là tưởng nhớ và làm hiện diện lại mọi việc Đức Giêsu đã làm trong bữa Tiệc Ly và trên núi Canvariô, chính hy tế của Người có giá trị vô cùng.
Nếu Đức Giêsu không tận hiến và trao ban tình yêu cho mỗi người, chúng ta vẫn mãi chìm đắm trong tội lỗi. Chúng ta hồi tưởng việc Đức Kitô “đã yêu thương tôi và hiến thân mình cho tôi,” vì thế không có gì ngạc nhiên khi chúng ta tỏ lòng tôn kính bàn thờ với lòng biết ơn và yêu mến, vì bàn thờ tượng trưng cho hy lễ của Đức Kitô. Cử chỉ tôn kính này được thực hiện lúc bắt đầu thánh lễ và lập lại khi thánh lễ kết thúc.
Tương tự, lời Đức Giêsu là lời ban sự sống: “Thưa Thầy, chúng con sẽ theo ai, Thầy mới có lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:63-68). Vì thế sau khi được đặc ân nghe lại lời là Thần Khí và sự sống, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn không chỉ bằng những lời “Tạ ơn Chúa” hoặc “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa”, mà còn bằng một cử chỉ như khi chúng ta tôn kính Sách Thánh. Nên ghi nhận rằng chúng ta cũng tôn kính Sách Thánh trước khi đọc Tin Mừng qua việc ghi dấu thánh giá trên sách và xông hương khi có sử dụng bình hương.
Làm Như Thế Nào?
Một quy tắc chung cho tất cả mọi hành động và cử chỉ phụng vụ là chúng phải được thực hiện sao cho mọi người tham dự có thể thấy và hiểu dễ dàng.Quy luật này cũng được áp dụng cho việc hôn hay sự tôn kính, đặc biệt vì chỉ có chủ tế thực hiện. Nó phải được làm cách chậm rãi và có chủ tâm. Dù vậy nhiều người ở xa không thể nhìn thấy rõ ràng, và có lẽ số người hiểu rõ ý nghĩa còn ít hơn nữa. Vì thế thỉnh thoảng phải có một lời giải thích đầy đủ.
Quan trọng hơn việc thực hiện bên ngoài dấu chỉ hay cử chỉ thích hợp là ý nghĩa bên trong mà chúng ta gán cho hành động đó. Nếu chúng ta thật sự quý mến lời Chúa vì giá trị của lời – Lời Chúa chứ không phải là sứ điệp của con người – thì lòng tri ân và tôn kính thể hiện qua cử chỉ ấy phải trào ra từ sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta.
Giống như dân Chúa vào thời Đức Kitô, chúng ta kinh ngạc về sứ điệp kỳ diệu từ miệng Người thốt ra; chúng ta phải nếm hưởng giáo huấn Người ban cho, và muốn đem ra thực hành trong cuộc sống hàng ngày – vì tất cả những điều đó chúng ta muốn bày tỏ lòng biết ơn và thán phục. Khổ nỗi đối với nhiều người, có lẽ ngay cả các linh mục, Lời Chúa đọc trong phụng vụ không đưa họ thật sự tiếp xúc cụ thể và có hiệu quả với ngôi vị của Đức Kitô.
Lấy kinh nghiệm lắng nghe của chúng ta thì sẽ thấy những gì người khác nói trên bình diện con người, hiếm khi chúng ta thật sự lắng nghe một cách sâu xa những gì người ấy bộc lộ chính mình để tìm cách đi vào tâm hồn, trí tuệ và nên một với người ấy. Nếu trong cuộc sống mỗi ngày khi chúng ta có thể nhìn, nghe, tiếp xúc với người đang nói mà còn như thế, thì việc hiểu thấu và hiệp thông sâu xa của chúng ta với Thiên Chúa sẽ như thế nào khi Ngài nói với chúng ta chỉ hiện diện một cách vô hình?
Do đó đặc biệt khi lắng nghe Lời Chúa, chúng ta luôn luôn cần nỗ lực hòa nhập. Cả khi bên ngoài thánh lễ chúng ta cần thực hành việc đi vào tâm trạng của Đức Kitô qua Lời Người để phát triển nghệ thuật lắng nghe (với trái tim mình). Chỉ khi chúng ta có thể “hiệp thông” với Chúa trong Lời Người, khi đó một cách tự phát, chúng ta mong muốn bày tỏ lòng biết ơn qua cử chỉ tôn kính, cũng như cố gắng thực thi sứ mạng yêu thương của Ngài trong cuộc sống.
Những Áp Dụng Thực Hành
Thông thường chúng ta coi bàn thờ và Sách Thánh là những vật đương nhiên nào đó: quá quen thuộc đến nỗi khiến chúng ta xem thường! Do đó thỉnh thoảng cần nhớ lại xem bàn thờ và Sách Thánh chủ yếu tượng trưng cho cái gì, và có ý nghĩa gì cho riêng mỗi người chúng ta. Ví dụ như nếu một đoạn Tin Mừng thật sự đem lại cho ta một đời sống mới thì sách Tin Mừng sẽ rất quý giá với chúng ta. Vả lại nếu lời của Tông đồ Phaolô trong 2 Cr 5:14-15 “Chính tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết. Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” đã thật sự thấm nhuần trí tuệ và óc tưởng tượng của tôi, thì lúc đó bàn thờ không chỉ là một cái bàn, nhưng hơn thế nữa, đó chính là suối nguồn của đời sống tôi, một nhắc nhớ ân huệ sự sống mà Đức Kitô đã ban cho tôi khi Người chết thay cho tôi.
Hơn thế nữa, khi chúng ta đã cảm nghiệm và nhận thức một điều gì đó về tình yêu tuyệt hảo của Thiên Chúa, chúng ta không chỉ dừng lại ở cách diễn tả mang tính biểu tượng tình yêu và lòng sùng kính đối với Thiên Chúa. Nếu những cử chỉ tượng trưng như việc hôn kính được thực hiện với đầy đủ ý nghĩa, chúng sẽ làm phát sinh một loạt các cách diễn tả khác, ví dụ như thi hành với lòng yêu thương những bổn phận của cương vị mình trong đời sống, thực hành đức vâng lời, nhiệt tình trong việc tông đồ v.v… Tất cả những điều đó sẽ được coi như những phương tiện khác nhau để diễn tả một tương quan yêu thương sâu xa với Chúa.
Điều đáng buồn là đối với phần lớn các tín hữu, đời sống Kitô hữu của họ không bao gồm một cảm nghiệm cá nhân sâu xa về Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế. Nhưng đối với những người đã cảm nghiệm điều đó, việc hôn kính bàn thờ và Sách Thánh không phải là một việc làm vô nghĩa. Nó thu tóm toàn bộ kinh nghiệm và giữ cho lòng tôn kính luôn sống động mới mẻ trong ký ức của mình.
Vì thế, nếu muốn đặt ý nghĩa cho cử chỉ trong phụng vụ, chúng ta cần nhớ lại rằng hiệu quả của Thánh Thể chỉ đến từ hy tế yêu thương của Đức Kitô. Và lòng cảm kích này không chỉ được diễn tả bằng lời ca tụng và tri ân, nhưng trước tiên bằng cách thể hiện hữu hiệu ơn cứu độ mà Đức Giêsu ban cho chúng ta. Cái bàn làm việc của chúng ta phải trở thành bàn thờ cho mình, và có lẽ tờ báo hàng ngày phải trở thành vật báo tin mừng cho chúng ta – nghĩa là phải học để nhìn và gặp gỡ Đức Kitô xuyên suốt đời sống chúng ta. Đối với hầu hết chúng ta điều này có thể là một thách đố mạnh mẽ.
IV. Đứng
Đối với nhiều người đứng không phải là một tư thế thích hợp để thờ phượng. Tuy nhiên truyền thống Do Thái- Kitô giáo lại nói khác với nhiều lý do chính đáng.
Nói chung, người ta có thể quen với việc quỳ hoặc ngồi như là những tư thế bình thường để cầu nguyện. Trong truyền thống Kitô giáo, điều này là đúng, đặc biệt với việc cầu nguyện cá nhân và cầu nguyện riêng. Nhưng đối với việc cầu nguyện cộng đoàn hoặc cầu nguyện theo phụng vụ, tư thế chung là đứng, đôi khi với cánh tay dang rộng – còn gọi là tư thế orante (orare tiếng La-tinh có nghĩa là cầu nguyện). Tư thế này rất quen thuộc với hầu hết chúng ta, vì đó là tư thế mà chúng ta thấy chủ tế cầu nguyện trong suốt Thánh Lễ – nhưng người ta lại không nghĩ rằng đó là cách thông thường khi chúng ta cầu nguyện….!
Những Ví Dụ trong Kinh Thánh
Đứng là tư thế bình thường để người Do Thái cầu nguyện. Vì thế, trong Đnl 18:3-5 chúng ta đọc: “Đây là các tư tế. …Thật vậy Đức Giavê, Thiên Chúa của anh em đã chọn họ trong mọi chi tộc để họ và con cái họ đứng trước Người mà làm nhiệm vụ phụng sự nhân danh Đức Giavê Thiên Chúa.” Tương tự trong 1 Sm 1:26 chúng ta đọc: “Tôi là người đàn bà đã đứng bên Ngài tại đây để cầu nguyện với Đức Giavê, tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này và Đức Giavê đã ban cho tôi điều tôi đã xin …” Khi dạy các môn đệ cầu nguyện, Đức Giêsu nói: “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để cha của anh em là Đấng ngự trên trời cũng tha lỗi cho anh em” (Mc 11:25). Một lần nữa trong câu chuyện người thu thuế và người Pha-ri-sêu cùng cầu nguyện, chúng ta đọc: “Người Pha-ri-sêu đứng riêng một mình, cầu nguyện… còn người thu thuế thì đứng đàng xa” (Lc 18:9-14).
Đứng cũng là tư thế đặc biệt để cầu nguyện của các Kitô hữu; và điều đó cũng được nhìn thấy trong các hình vẽ dưới các hầm mộ, trong các bài viết của các giáo phụ và trong những quy định của Công Đồng Nicea năm 325. Các Giáo Phụ của Giáo Hội quan niệm đứng là cách diễn tả sự tự do thánh thiện mà con cái Chúa có được nhờ phép rửa tội. Đức Kitô đã chỗi dậy từ kẻ chết, rồi nâng chúng ta đứng dậy và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết nhờ ân sủng của Người. Chúng ta không còn là những nô lệ hoặc ở trong tình trạng mất ân sủng nữa. Chúng ta đến gần Thiên Chúa với lòng tôn kính và tin tưởng phó thác vì được chia sẻ phẩm giá địa vị làm con, và giờ đây còn có thể được gọi Thiên Chúa là Cha.
Đứng còn là thái độ của những người chờ đợi ơn phúc viên mãn của ngày Chúa Giêsu Quang Lâm (parousia). Chỉ những người đứng vững trước sự hiện diện của Con Người mới không có gì sợ hãi trước sự công chính của Thiên Chúa. Cũng thế, với tư thế đứng vững và sẵn sàng khẩn trương lên đường, là tư thế của dân Do Thái ở Ai Cập khi ăn bữa tiệc vượt qua đầu tiên (Xh 12:11). Sau cùng, đứng là tư thế cảm tạ tri ân của các thánh trên trời (Kh 7:9; 15:2). Ý nghĩa cánh chung này bổ sung và trội vượt trên các ý nghĩa khác, như Basiliô đã chỉ ra:
“Khi chúng ta đứng cầu nguyện trong ngày tưởng niệm cuộc sống lại, chúng ta hồi tưởng những ân sủng đã được ban cho chúng ta, không chỉ vì chúng ta được chỗi dậy với Đức Kitô và có bổn phận tìm kiếm những sự trên trời, nhưng còn vì ngày ấy, một cách nào đó dường như là hình ảnh của thế giới sẽ đến.”
Đứng để Công Bố Tin Mừng
Khi chúng ta đứng để ca tụng và công bố Tin Mừng, thực sự là chúng ta đứng để tôn kính và trân trọng Lời và công trình của Đức Kitô. Như thể hôm nay Đức Kitô hiện diện thể lý thật ở trong Lời và đích thân người nói với chúng ta. Vì thế chúng ta không chỉ đứng, mà Sách Thánh và giảng đài cũng được tôn kính qua việc xông hương, rồi nến được đốt lên và mang theo trong lúc công bố Tin Mừng.
Đứng còn để chỉ sự sẵn sàng lắng nghe và vâng phục. Vì thế khi Êdêkien nhận sứ mạng làm ngôn sứ, ông nghe tiếng nói: “Hỡi Con Người, hãy đứng cho vững, ta sắp nói với ngươi đây. Một thần khí đã nhập vào tôi đúng như lời Người phán với tôi và làm cho chân tôi đứng vững; tôi đã nghe tiếng Người phán với tôi” (Ed 2:1-15). Do đó khi đứng nghe công bố Tin Mừng trong thánh lễ, chúng ta nhận được một sứ vụ, và cũng phải tỏ ra sẵn sàng lắng nghe và tuân phục.
Khi Nào và Tại Sao lại Đứng?
Vì đứng là tư thế nền tảng trong việc cầu nguyện phụng vụ cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi thấy đứng là tư thế chính trong toàn bộ thánh lễ. Tuy nhiên, có sự nâng cao ý nghĩa trong những trường hợp khác nhau trong Thánh Lễ buộc chúng ta phải đứng. Vì thế, chúng ta đứng để đón chào chủ tế khi dẫn đám rước tiến vào cử hành thánh lễ. Ở đây chúng ta đứng để đón chào và bày tỏ sự tôn trọng. Giống như chúng ta đứng lên chào khi có người lớn tuổi hay người có chức sắc bước vào phòng, ở đây chúng ta cũng đứng lên để tỏ lòng tôn trọng người có tác vụ đại diện Đức Kitô.
Chúng ta tiếp tục đứng trong nghi thức thống hối, dù đôi khi có kết hợp với việc cúi mình để tỏ lòng sám hối và nài xin tha thứ. Lời nguyện đầu lễ sau đó cũng buộc chúng ta phải đứng, cả khi chúng ta không dang hai tay trong tư thế cầu nguyện (orante) như chủ tế. Điều này cũng để nhắc nhở chúng ta rằng đây là lúc mỗi người phải cầu nguyện như thế. Chủ tế thường mời gọi chúng ta cầu nguyện khi nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện”, và dành giây lát thinh lặng để cầu nguyện cá nhân. Nhưng chúng ta tự hỏi có bao nhiêu tín hữu thật sự cầu nguyện vào lúc này. Hình ảnh chủ tế đứng dang tay nhắc nhở chúng ta góp phần cầu nguyện cá nhân của mình vào giây phút thinh lặng đó.
Ngoài lúc đứng để nghe công bố Tin Mừng, chúng ta cũng đứng để đọc kinh Tin Kính và tiếp tục với lời nguyện tín hữu. Đứng trong lúc đọc kinh Tin Kính là dấu chỉ chúng ta mau mắn và sẵn sàng cam kết sống theo Tin Mừng. Trong đời sống, người ta cũng thường đứng khi làm nghi thức tuyên thệ. Vì thế chúng ta đứng khi cam kết trở thành môn đệ Đức Kitô, được Chúa Cha sai đi, và hoạt động trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Chủ tế mời cộng đoàn đứng dậy hướng tâm hồn lên để cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa trong Kinh nguyện Thánh Thể. Đây là lời kinh đặc biệt và long trọng nhất trong thánh lễ, trong đó chúng ta “tưởng nhớ” như Chúa đã truyền cho chúng ta phải thực hiện tại chính nơi đây. Chúng ta đón tiếp Chúa sống lại đang hiện diện giữa cộng đoàn vì thế chúng ta đứng trong suốt lời kinh dài này.
Thông thường chúng ta quỳ gối khi chủ tế đọc Lời Truyền Phép để bày tỏ lòng tôn trọng sâu xa đối với hành động quan trọng xảy ra lúc đó. Tuy nhiên, không có gì sai lầm nếu chúng ta vẫn đứng. Nhiều tác giả nổi tiếng nhấn mạnh rằng toàn bộ kinh nguyện Thánh Thể là Lời Truyền Phép chứ không chỉ có lúc đọc Lời Truyền Phép. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải tập trung chăm chú và cung kính trong suốt kinh nguyện này chứ không phải chỉ trong lúc chủ tế đọc Lời Truyền Phép.
Cũng thế ngày nay chúng ta thường đứng khi rước lễ. Trước đây chúng ta quỳ gối thành hàng dài khi rước lễ – rõ ràng là để bày tỏ lòng tôn kính và biết ơn đối với quà tặng thần linh ấy của Thiên Chúa. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta nhận thức tốt hơn rằng rước lễ không chỉ là một ơn, nhưng còn là một sứ mạng: chúng ta được sai đi xây dựng nhiệm thể Đức Kitô. Tiếng “Amen” mà chúng ta thưa khi chủ tế hay thừa tác viên công bố “Mình Thánh Chúa Kitô” không chỉ bày tỏ đức tin, mà còn nói lên sự dấn thân của chúng ta; vì tiếng Amen có nghĩa là: “Vâng, chính tôi và cộng đoàn cam kết làm điều đómột cách triệt để và năng động hơn để xây dựng thân mình Đức Kitô.”
Tương tự, chúng ta đứng trong nghi thức kết lễ, với ý tưởng một lần nữa chúng ta nhận nhiệm vụ của mình: “Hãy đi đến tận cùng trái đất và đem Tin Mừng cùng đi với anh em.” Với lời đáp trả lớn tiếng và rõ ràng của lòng biết ơn, chúng ta đi vào thế giới như những sứ giả của Đức Kitô. Do đó chúng ta thấy tư thế đứng diễn tả rất mạnh mẽ điều đó.
Kết Luận Thực Hành
Dù sao những tư thế được thừa nhận trong Thánh Lễ cũng có nguy cơ khi chúng ta chỉ nhìn chúng dưới quan điểm thực dụng. Dù những tư thế ấy có ý nghĩa thần học sâu xa, chúng cũng không gây ấn tượng trong tâm trí chúng ta trừ khi ta chú ý đến chúng. Như đã nói rõ trong bài dẫn nhập đầu tiên, thân thể có một vai trò quan trọng trong phụng vụ. Thân thể ngoại giới hóa những thái độ nội tâm của trí óc và tâm hồn. Và đó là lý do tại sao một tư thế thích hợp quan trọng như thế khi cử hành phụngvụ.
Chúng ta không chỉ chấp nhận một tư thế đúng, nhưng cũng phải luôn bảo đảm rằng tư thế bên ngoài thật sự bao hàm ý nghĩa của tình cảm nội tâm. Vì thế một cách ngồi lười biếng uể oải không thể diễn tả được điều gì có ý nghĩa, cũng như cách đứng không yên và ẻo lả là một cách diễn tả trái ngược lại với tất cả những gì chúng ta đã nói ở trên.
Như thế, biết được ý nghĩa những lúc phải đứng lên trong thánh lễ và cố gắng bày tỏ những ý nghĩa ấy là điều hữu ích cho chúng ta. Nếu làm điều đó một cách có ý thức ngay từ đầu, thì sau một tháng nó sẽ dễ dàng trở thành thói quen và ta sẽ nhận thấy rằng thánh lễ của chúng ta trở nên thâm sâu và có ý nghĩa hơn. Như thế đứng ngẩng cao đầu – như một người con của Thiên Chúa, nâng chúng ta lên một bình diện sống mới, thành một người chiến đấu và chiến thăng!!!
V. Ngồi
Ngồi trong thời gian thờ phượng xem ra không gì khác hơn là sự nhân nhượng trong thực hành: ngồi nghỉ cho đỡ mệt! Tuy nhiên, khảo sát kỹ trong Tin Mừng và những thực hành phụng vụ thích hợp của giáo hội cho thấy ý nghĩa thần học sâu xa của việc ngồi.
“Tôi phải đến nhà thờ đúng giờ!” đó là điều mong ước của nhiều Kitô hữu mỗi sáng Chúa Nhật – không phải vì “Tôi làm lễ cưới vào buổi sáng” cho nên phải đi đúng giờ, nhưng vì tôi muốn có chỗ ngồi tốt ở hàng ghế tôi ưa thích !
Đối với nhiều Kitô hữu ngày nay, ngồi là một việc tối quan trọng trong suốt thánh lễ, nhất là khi chủ tế lại kéo dài phụng tự qua một bài giảng dài lê thê hay bằng những việc rườm rà khác! Và như thế ngồi trong suốt thời gian phụng vụ không chỉ là một việc rất thực tế mà còn bị coi như nuông chiều tính xác thịt. Nếu hiểu việc ngồi có một ý nghĩa tinh thần sâu xa và thực hành cho đúng thì nó có thể giúp chúng ta đi vào phụng vụ một cách có ý nghĩa hơn.
Khi Nào Thì Nên Ngồi?
Rõ ràng trong thực tế nhiều người thích được ngồi, nên thiết tưởng không cần phải nói khi nào chúng ta được phép ngồi trong phụng vụ. Tuy nhiên cũng cần phải đưa ra một vài lý do cho việc ngồi trong phụng vụ thánh lễ.
Dĩ nhiên lý do dễ hiểu nhất đó là để thư giãn: vì thế chủ tế và cả cộng đoàn cùng ngồi khi không có gì đặc biệt để làm. Một ví dụ rõ ràng cho vấn đề này, dù ngày nay không còn thấy như thế nữa, đó là cộng đoàn được phép ngồi khi ca đoàn hát kinh Vinh Danh hay kinh Tin Kính. Trước đây việc hát những kinh này được chăm chút kỹ lưỡng nên nó đòi hỏi nhiều thời gian. Chủ tế không thể tiếp tục phụng vụ nên thường ngồi chờ cho đến lúc hát xong.
Một lý do khác cũng dễ hiểu vì ngồi là tư thế giúp người ta dễ lắng nghe và suy nghĩ hay nội tâm hóa hơn. Do đó, khi đang đọc các bài Kinh Thánh thì cộng đoàn ngồi và chăm chú lắng nghe. Trong lúc hát đáp ca, cộng đoàn cũng được ngồi vì đó là tư thế dễ suy tư và chiêm niệm. Cũng thế, trong lúc chuẩn bị lễ vật và hơn thế nữa sau khi rước lễ, tín hữu ngồi. Tuy nhiên, người ta phải chắc chắn rằng tư thế này thật sự dẫn đến việc tham dự sâu xa và chiêm niệm hơn trong lúc cử hành phụng vụ.
Còn có thêm một lý do nữa để ngồi. Lúc ban đầu việc ngồi trong phụng vụ là đặc quyền của Giám mục, vị chủ tọa ngồi trên ngai (chữ “chủ tọa” có ngữ căn La-tinh là “ngồi trước”). Ngồi là tư thế của quyền bính và thường được dùng khi giảng dạy. Do đó Giám mục thường ngồi trên ngai (cathedra) khi giảng thuyết, Linh mục cũng ngồi khi nghe xưng tội (dù điều này không xảy ra trong thánh lễ). Vì thế, khi chúng ta nhìn thấy Giám mục ngồi trên ghế dành riêng cho ngài, sẵn sàng giáo huấn dân chúng, chúng ta phải sẵn sàng không chỉ lắng nghe, nhưng còn phải chấp nhận những gì ngài nói. Ngài nói với quyền bính nhân danh Chúa Kitô. Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai nghe anh em là nghe chính Thầy” (Lc 10:16).
Những Tiền Lệ trong Kinh Thánh
Luca trong Tin Mừng của ông ít nhất đã thuật lại hai cảnh tượng có ý nghĩa nhắc chúng ta tầm quan trọng của tư thế ngồi. Trong câu chuyện Đức Giêsu ghé nhà chị em Mátta và Maria, Maria xuất hiện và “ngồi dưới chân của Đức Giêsu để lắng nghe lời Người.” Sau đó, trong một sứ điệp ngắn gọn nói với Mátta, Đức Giêsu đã khen thái độ của Maria, Người nói “Em con đã chọn phần tốt hơn.” Phải nói rằng phần tốt hơn ấy không chỉ là ở với Đức Giêsu (nhờ thế khỏi phải làm công việc nặng nhọc), nhưng là chú ý nghe lời Người, uống lấy từng lời của Người, để cho lời ấy thực sự thách đố và ảnh hưởng đến chúng ta. Và chắc chắn ngồi là một tư thế tốt hơn nếu điều ấy thật sự xảy ra.
Trong cảnh Đức Giêsu lạc mất cha mẹ và được tìm thấy trong đền thờ, cậu bé Giêsu khi ấy “ngồi giữa những các thầy dạy luật, lắng nghe và hỏi họ nhiều điều.” Ở đây, Đức Giêsu xem ra phối hợp cả hai ý nghĩa: Người ngồi như một người có quyền bính nhưng cũng ngồi để lắng nghe các kỳ lão và thầy dạy luật.
Ngồi Trong Thời Gian Thánh Lễ
Ngồi trong thời gian cử hành Thánh Thể là việc rất thông thường trong thời kỳ các tông đồ. Vì thế, trong tường thuật việc Phaolô làm cho một người chết sống lại, “ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp nhau để Bẻ Bánh” (Cv 20: 7), Êu-ti-khô ngồi trên khung cửa sổ trong lúc Phaolô say sưa với một bài giảng thuyết dài. Cũng thế trong 1 Cr 14:30, một cuộc hội họp Thánh Thể kiểu mẫu của thế kỷ thứ nhất cho thấy mọi người đều ngồi để lắng nghe nhau.
Sau này tầm quan trọng của việc ngồi đã được thừa nhận, dù những nơi cử hành phụng vụ thường không có ghế ngồi cho các tín hữu. Một vài Giám mục cho họ ngồi trên sàn nhà để nghe các bài đọc và nghe giảng. Tuy nhiên việc ngồi nghe các bài đọc dần dần được chấp nhận khắp nơi, và cuối cùng khi số chỗ ngồi ngày càng gia tăng trong những cuộc hội họp công cộng thì những dãy ghế để thường xuyên trở thành một điều được chấp nhận cách bình thường. Nhưng mãi đến thời kỳ Cải Cách (với những bài giảng dài) và Chống Cải Cách (với những phần dành cho âm nhạc dài) việc mở rộng chỗ ngồi cho giáo dân mới trở nên phổ biến. Ngồi trong lúc cầu nguyện được Giáo Luật thời Trung Cổ xác lập khi hát thánh vịnh.
Tuy nhiên có một ngoại lệ cần được ghi nhận: phải đứng khi nghe đọc Tin Mừng. Ở đây, một cách tiếp cận hoàn toàn khác chiếm ưu thế và do đó tín hữu phải đứng.
Sử Dụng Cho Có Lợi
Kinh nghiệm cho thấy rằng, dù con người ở trong tư thế nào, nếu tâm trí không “ở yên” thì giá trị sâu xa hơn của tư thế đó có thể dễ dàng bị đánh mất. Vì thế nếu chỉ để chiều theo một tư thế tìm thư giãn nhiều hơn thì việc ngồi có thể là thời gian bị phí phạm và mất đi trong phụng vụ. Do đó điều rất quan trọng là tín hữu phải biết và chấp nhận tại sao mình ngồi trong lúc nghe các bài đọc và trong những lúc khác mà thánh lễ quy định.
Nếu chúng ta ngồi cốt để có thể lắng nghe lời Chúa cách chăm chú hơn, hẳn chúng ta phải ngồi thẳng người, đủ tỉnh táo và linh hoạt, tuy nhiên căn bản vẫn là để thư giãn và dễ lĩnh hội. Chúng ta không để cho mình làm gì, ngồi sao cũng được, vì như thế đầu óc rất dễ đi hoang. Cần phải trải nghiệm những thái độ tâm lý khác nhau này và ảnh hưởng của nó trên tư thế của thân thể và trên khả năng lắng nghe cách có hiệu quả, để nhận ra mình có thể đạt được bao nhiêu với một nỗ lực tuy nhỏ của ý thức nhưng đi đúng hướng.
Những Áp Dụng Thực Hành
Với phần lớn giáo dân trong một nhà thờ đông đúc, thường thì kiếm được một chỗ ngồi gần quạt máy hoặc có không khí thoáng mát là việc quan trọng hàng đầu. Có thể nói rằng rất ít khi người ta cố gắng tìm cho mình một chỗ ngồi để có thể lắng nghe và cầu nguyện hiệu quả hơn. Nói chung, lý do dường như chỉ là tìm chỗ ngồi sao cho được thoải mái, để khỏi đau lưng hoặc vì một căn bệnh nào đó.
Mối bận tâm tìm tiện nghi này có thể dễ dàng làm chúng ta trở nên ích kỷ, dẫn đến nhiều thứ lạm dụng mà Phaolô đã công kích mạnh mẽ trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô. Với cộng đoàn Côrintô, đó là vấn đề do tính ích kỷ nổi lên vì việc ăn uống và bè phái; với chúng ta có thể là sự đề cao tiện nghi cá nhân quá đáng đến nỗi không nhìn đến nhu cầu của anh chị em mình.
Nếu một người muốn học cách sử dụng có lợi một tư thế ngồi để tiếp thu và chiêm niệm tốt hơn, người ấy cần được hướng dẫn. Nói cách khác, không phải cứ ngồi để nghe các bài đọc là người ta đương nhiên dễ tiếp thu và tỉnh táo hơn. Kinh nghiệm cho thấy vấn đề không phải thế! Về mặt này, một vài hình thức huấn luyện, đặc biệt trong những nhóm nhỏ, hoặc ngay cả bắt đầu với trẻ em, phải được tính trước.
Khi Thánh lễ được cử hành theo nghi thức Ấn Độ, người ta ngồi thẳng suốt thánh lễ. Ở đây những ý nghĩa khác nhau của việc ngồi và việc thay đổi những tư thế trong lúc thích hợp cần phải lưu ý. Tư thế ngồi của người Ấn Độ (tư thế hoa sen) có lẽ là thế ngồi lý tưởng để lắng nghe và chiêm niệm Lời Chúa sâu xa. Nhưng người ta tự hỏi có được bao nhiêu người sử dụng đúng ý nghĩa và mục đích của việc đó dù trong những nhóm nhỏ. Thế nhưng không có lý do gì mà không thực hiện cách ngồi ấy.
Như vậy tư thế ngồi trong lúc chuẩn bị của lễ và sau khi hiệp lễ có nghĩa là cho phép chúng ta có những suy tư cá nhân, ví dụ như tôi mang đến trong Thánh Lễ này lãnh vực nào của đời sống tôi? Tôi phải từ bỏ gì khi tiến dâng khía cạnh ấy của đời sống tôi? Chúa đòi hỏi tôi điều gì hôm nay? Tôi có thể là Tông đồ của Người bằng cách nào để đem yêu thương và bình an đến cho những người chung quanh tôi? Một đôi khi vì lợi ích của cộng đoàn những câu hỏi như thế có thể được đọc lên để người ta quen với việc suy nghĩ ấy mỗi lần tham dự Thánh Lễ.
Tóm lại, ngồi có thể mang nhiều ý nghĩa và mục đích trong Thánh Lễ với điều kiện là chúng ta phải ý thức và thực hiện cho đúng, nếu không thì nó cũng chẳng có ý nghĩa gì cả.
VI. Quỳ
Người công giáo rất quen với việc quỳ, cả trong việc cầu nguyện cá nhân cũng như cầu nguyện phụng vụ.
Trong một bài trước, chúng tôi có nói rằng quỳ là một tư thế thích hợp hơn cho việc cầu nguyện riêng tư và cá nhân, vì trong cầu nguyện phụng vụ người ta thường đứng, một đôi khi với đôi tay dang rộng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tư thế quỳ không có chỗ trong phụng vụ. Chúng ta sẽ tìm hiểu điều này kỹ hơn.
Lịch Sử Ngắn Gọn
Trong thời kỳ đầu của Giáo Hội, những hối nhân có một lúc được phép hiện diện với cộng đoàn, nhưng chỉ để tham dự synaxis (tương đương với ngày nay là phần phụng vụ Lời Chúa). Điều này được thực hiện đặc biệt trong suốt Mùa Chay, và sau này trở thành việc thực hành đều đặn. Những hối nhân này quỳ ở hướng Tây cuối gian chính nhà thờ và được gọi là những genuflectentes hay “những người quỳ gối” trong lúc những người khác dĩ nhiên là đứng. Vì thế quỳ gối biểu hiện lòng thống hối của việc tiếp cận đặc biệt với Thiên Chúa và với Giáo Hội, đồng thời được coi như mang tính cách đặc biệt và tạm thời – cho đến khi hối nhân được chính thức tháp nhập lại trong thân thể của Giáo Hội qua bí tích giải tội.
Quỳ gối để cầu nguyện (ngay cả khi cầu nguyện riêng tư) được các Giáo phụ coi là một hình thức đặc biệt để thống hối. Theo Basiliô, quỳ gối “cho thấy một hành động qua đó tội lỗi của chúng ta được giũ bỏ xuống đất.” Đó là dấu chỉ của đau buồn, hổ thẹn và hối hận, vì thế không phù hợp với niềm vui Phục Sinh, nhưng có thể là đặc tính của thời gian chay tịnh sám hối.
Trong một vài nghi thức phụng vụ, phó tế có thể mời giáo dân quỳ gối cầu nguyện (để góp phần cá nhân vào lời cầu nguyện) với những lời: “flectamus genua” (chúng ta hãy quỳ xuống). Sau một lúc thinh lặng để cầu nguyện riêng, phó tế lại mời mọi người đứng dậy: “levate” (hãy đứng lên). Chúng ta thấy dấu vết của thực hành này nơi phần “lời nguyện chung” trong phụng vụ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh: những ý cầu nguyện khác nhau được công bố, rồi giáo dân được mời quỳ gối và thinh lặng cầu nguyện một lát theo ý đó. Những lời cầu nguyện của họ sau đó được thu tập lại (tuyển chọn) và công thức hóa hay đọc lớn tiếng trong những lời nguyện được quy định trong sách lễ.
Việc thay đổi tư thế đứng cầu nguyện sang tư thế quỳ du nhập vào phương Tây qua việc lược bỏ mệnh lệnh “hãy đứng lên” (levata), sau mệnh lệnh “hãy quỳ xuống” (flectamus genua). Việc quỳ này trở thành tập quán trong nhiều phụng vụ, sau kinh Vinh Danh chủ tế kêu gọi giáo dân cầu nguyện với lời Oremus (chúng ta hãy cầu nguyện), rồi giáo dân quỳ gối để dâng lời cầu nguyện. Thoạt đầu, họ đứng lên để đọc lời nguyện nhập lễ (hay lời tổng nguyện). Khoảng thế kỷ thứ XII, thời gian cầu nguyện trong thinh lặng bị bãi bỏ, và khi mệnh lệnh “hãy đứng lên” ít lâu sau cũng không còn nữa, giáo dân được để cho quỳ trong lời nguyện nhập lễ. Từ đó tư thế thống hối mở rộng sang các phần khác của Thánh Thể.
Tuy nhiên, quỳ gối cầu nguyện không nhất thiết là dấu chỉ của việc thống hối, nó cũng là tư thế để cầu nguyện cá nhân và có thể thấy rõ ràng trong Kinh Thánh. Người ta có thể quỳ xuống để suy niệm một bài đọc trong thinh lặng. Trước khi chịu tử đạo, Têphanô đã quỳ xuống (Cv 7:60) và chúng ta cũng thấy tư thế đó được Phêrô (Cv 9:40) và Phaolô (Cv 20:36) dùng để cầu nguyện trong những trường hợp rất thông thường, các Kitô hữu cũng làm như thế khi họ đến chia tay với Phaolô lúc ông sắp ra đi (Cv 21:5). Cũng chính Phaolô nói với chúng ta rằng ông cầu nguyện và “quỳ gối trước Chúa Cha….” (Ep. 3:14).
Tuy nhiên quỳ gối còn có thể mang một ý nghĩa khác nữa, đó là thờ phượng và tôn kính, chúng ta quỳ khi Linh Mục đọc lời truyền phép, khi cầu nguyện trước Thánh Thể và trước đây khi rước lễ.
Ý Nghĩa
Chắc chắn việc quỳ gối mang ý nghĩa của sự thống hối ăn năn. Một đôi khi việc quỳ gối mang tích cách thống hối này gây cảm xúc nhiều hơn khi được thay bằng lối phủ phục như ngày thứ sáu tuần thánh. Lúc bắt đầu phụng vụ, chủ tế có thể phủ phục hay quỳ gối – để tỏ lòng đau buồn và thống hối sâu xa. Trong việc cầu nguyện cá nhân, người ta tự do cầu nguyện theo cách nào họ cảm thấy tốt nhất và chọn tư thế nào giúp họ cầu nguyện sốt sắng nhất.
Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là hiện nay khi cử hành thánh lễ chúng ta không quỳ trong nghi thức thống hối. Lý do không phải vì chúng ta không thống hối trong nghi thức này; chúng ta có thống hối, nhưng có lẽ vì lý do thực hành và để bớt chia trí vì người ta đã đứng từ bài ca nhập lễ rồi và tiếp tục đứng cho đến phần phụng vụ Lời Chúa. Vả lại nếu quỳ trong nghi thức thống hối, họ sẽ phải đứng dậy ngay sau đó với lời nguyện nhập lễ và kinh Vinh Danh.
Kết Luận Thực Hành
Cử chỉ và tư thế của chúng ta phải thực sự diễn tả những tình cảm nội tâm của mình. Vì thế nếu khi chúng ta quỳ để diễn tả lòng thống hối, thì việc ấy phải chân thành bày tỏ ước muốn thay đổi đời sống của mình mà trước hết là xem xét những thái độ dẫn đến tội lỗi. Và đó là lý do tại sao trong những ngày mà khía cạnh thống hối của thánh lễ được nhấn mạnh, thì lúc đó chúng ta cũng nên thay đổi “luật chữ đỏ” đôi chút, giáo dân sẽ được yêu cầu quỳ gối trong nghi thức thống hối. Nếu được dẫn trước bằng một lời giải thích ngắn gọn rõ ràng về ý nghĩa của thống hối, việc quỳ gối lúc đó có thể rất hiệu quả.
Tương tự trong bí tích hòa giải, khi mà việc tiếp cận bí tích ở tòa giải tội có thể rất có ý nghĩa và đem lại ơn giải thoát, chúng ta phải tôn trọng ước muốn của hối nhân khi họ tìm cách nhấn mạnh đến khía cạnh khác của sự thống hối và thái độ hạ mình khi chọn lựa việc quỳ gối!
Với lòng tôn kính Thánh Thể trước và sau khi rước lễ cũng như khi truyền phép, giáo dân cần được hướng dẫn để từ từ chấp nhận rằng tư thế đứng cũng là một cách tôn kính, nhấn mạnh nhiều hơn thái độ nội tâm của trí tuệ và tâm hồn.
Dĩ nhiên, trong cầu nguyện riêng tư, người ta khuyến khích tư thế quỳ, đặc biệt khi cầu nguyện trước Thánh Thể, dù không có gì là sai hay bất kính nếu người cầu nguyện đứng hoặc ngồi.
Nói chung, người ta có cảm tưởng rằng quỳ để cầu nguyện “đã lỗi thời,” ít nhất trong giới trẻ và những người cấp tiến. Tuy nhiên phải chăng cần có một bài giáo lý liên quan đến giá trị và ý nghĩa của những tư thế phụng tự, đặc biệt trong những lúc cầu nguyện cá nhân?
Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS
Nguồn: Dân Chúa Usa