Công đồng Tren-tô, trong Sắc Lệnh liên quan đến Bí Tích rất thánh Thánh Thể công bố ngày 11 tháng 10 năm 1551, xác quyết những khẳng định sau đây (đã luôn luôn được xác tín qua lịch sử của Giáo Hội) như là những điều ràng buộc tuyệt đối mọi người công giáo:
“Trong bí tích Thánh Thể cao cả thánh thiện, sau khi bánh và rượu được thánh hiến, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Thiên Chúa thật và người thật, hiện diện trong hình bánh và rượu khả giác một cách thật sự, thực hữu và bản thể [i].
“Ngay sau khi được thánh hiến, Mình thật của Chúa và Máu thật của Người, cùng với linh hồn và thần tính đều hiện diện dưới hình bánh và rượu … Tất cả đều hiện diện dưới hình bánh hoặc rượu, hay dưới cả hai hình [ii].
“Bởi việc thánh hiến bánh và rượu, toàn bộ bản thể của bánh biến đổi thành toàn bộ của bản thể của Mình Đức Kitô, Chúa chúng ta, và toàn bộ bản thể của rượu biến đổi thành toàn bộ bản thể của Máu Người; sự biến đổi này được Giáo Hội công giáo thánh thiện gọi một cách thích hợp là sự chuyển đổi bản thể [iii].
Học thuyết Kitô giáo về Thánh Thể (Tiếng Hy Lạp có nghĩa là Tạ Ơn) thường bị những người không công giáo (và cả nhiều người công giáo) hiểu lầm. Sự hiện diện bản thể và thể lý trong Thánh Thể không phủ nhận những cách hiện diện tinh thần khác. Hơn thế, sự hiện diện ấy là thật vì đó là sự hiện diện trong ý nghĩa trọn vẹn nhất mà chữ hiện diện bao hàm [iv]. Do đó sự hiện diện thật, do chính bản chất của nó, phải được phân biệt với sự hiện diện khắp nơi của Thiên Chúa, hay một sự “hiện diện” tinh thần, thuần túy mang tính biểu tượng. Nhà thần học công giáo vĩ đại người Đức Karl Adam đã mô tả Thánh Thể cách rõ ràng như sau:
“Đức Giêsu tỏ mình cho các môn đệ của Người một cách trọn vẹn đến nỗi Người ban chính mình Người cho họ, và đi vào trong họ như suối nguồn ân sủng cho con người. Đức Giêsu chia sẻ cho các môn đệ sở hữu thân thiết nhất của Người, điều quý giá nhất mà Người có là chính bản thân Người … Người yêu thương cộng đoàn của Người đến nỗi Người thấm đẫm cộng đoàn ấy với bản thân của Người, là Thiên Chúa thật và là người thật. Người đi vào sự hiệp nhất thật sự của thịt và máu Người với cộng đoàn, và liên kết cộng đoàn vào chính bản thân Người như cành nho liên kết với cây nho.[v]”
Giáo Hội công giáo dạy rằng Thánh Thể có nhiều mục đích, và có vô số ơn ích thiêng liêng gia tăng từ việc rước Thánh Thể – với điều kiện đón nhận “một cách xứng đáng” và không phạm tội trọng. [vi] Thánh Thể là “suối nguồn và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu,” [vii] là dấu chỉ của sự hiệp nhất của các Kitô hữu,[viii] và của Thân Thể Đức Kitô là Giáo Hội, [ix] là một hành động tạ ơn Thiên Chúa, [x] một kỷ niệm và hiến tế, [xi] là trọng tâm của phụng vụ và Thánh Lễ, [xii] sự tăng cường sức mạnh cho tín hữu làm tác vụ, [xiii]một biểu tượng cho lòng thành tín của Thiên Chúa và lương thực lạ lùng,[xiv] một sự tham dự trước vào tiệc cưới của Con Chiên trên Thiên Đàng,[xv] một tưởng nhớ Bữa Tiệc Ly,[xvi] và cuộc khổ nạn của Đức Kitô, sự sống lại và việc Người sẽ trở lại,[xvii] một dấu chỉ của ơn cứu chuộc, “bánh Nước Trời,”[xviii] việc thờ phượng tôn vinh Thiên Chúa,[xix] sự hiệp nhất với Đức Kitô,[xx] phương tiện của ân sủng tẩy trừ tội lỗi và canh tân tinh thần,[xxi] và dâng lễ cho người chết.[xxii]
Từ ngữ “chuyển đổi bản thể” [transubstantiation] sẽ hiểu được dễ dàng khi chúng ta tách rời từ “trans” có nghĩa là “chuyển đổi” ra khỏi từ “substantiation”. Do đó nghĩa đen của từ này được định nghĩa như là quá trình thay đổi bản thể. Giáo Hội Công Giáo khi tìm cách hiểu về sự Hiện Diện thật, một học thuyết được chính Đức Giêsu và Thánh Phaolô trực tiếp đưa ra, đã dần dần triển khai một giải thích về bản tính chính xác của sự chuyển đổi mầu nhiệm và kỳ diệu này.
Trái với quan niệm sai lầm chung, việc chuyển đổi bản thể không phụ thuộc vàotriết học của Aristotle, vì một số khái niệm đã có từ những ngày đầu tiên của Giáo Hội khi triết học của Aristotle chưa được biết đến. Các Giáo Phụ phương Đông, trước thế kỷ thứ VI, đã sử dụng cách diễn tả của người Hy Lạp khi dùng từ metaousiosis tạm dịch là “thay đổi sự hữu” (change of being) cũng có ý nghĩa chủ yếu tương tự như “chuyển đổi bản thể”.
Tuy nhiên, Giáo Hội đã rút ra những phạm trù triết học đang thịnh hành, như bản thể và tùy thể. Trong mọi thời đại, các Kitô hữu đã tìm cách bảo vệ Kitô giáo bằng những phương tiện của triết học và các ngành học nhân văn (bất cứ nơi nào mà những phạm trù của trí tuệ cá nhân được sử dụng tương hợp với đức tin Kitô giáo) Ví dụ như Thánh Phaolô trong bài giảng trên đồi Mars ở A-ten đã trích dẫn các nhà thơ và các triết gia ngoại giáo (Cv 17:22-31). Thánh Au-gút-ti-nô đã hội nhập những yếu tố của tư tưởng Platon vào thần học của ông, và Thánh Tô-ma A-qui-nô đã tổng hợp Aristotle và Kitô giáo thành một hệ thống tư tưởng Kitô giáo thống nhất và mạch lạc chặt chẽ (triết học Kinh viện hay học thuyết Tô-ma).
Chuyển đổi bản thể căn cứ vào sự phân biệt giữa hai loại thay đổi: thay đổi tùy thể (accidental change)xảy ra khi những đặc tính bên ngoài và không chủ yếu được biến đổi theo một cách nào đó. Do đó nước có thể có những đặc tính của chất rắn (nước đá) và của chất hơi (hơi nước), trong lúc vẫn là nước về tính chất hóa học. Trái lại, một thay đổi bản thể (substantial change) sinh ra một sự vật hoàn toàn khác. Một ví dụ của sự biến đổi này là sự biến hóa của thức ăn để trở thành một phần của thân thể chúng ta, đó là kết quả của những tiến trình hóa học và sinh học bắt đầu với việc tiêu hóa. Trong kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta, một sự thay đổi bản thể luôn luôn kèm theo sự thay đổi các tùy thể và các đặc tính.
Tuy nhiên trong Thánh Thể, đó là một sự thay đổi siêu nhiên, thay đổi bản thể xảy ra mà không có sự đổi khác các tùy thể. Do đó những tính chất của bánh và rượu vẫn không thay đổi sau khi thánh hiến, nhưng yếu tính hay bản thể của chúng ngừng tồn tại và được thay thế bởi bản thể của Mình và Máu thật của đức Kitô. Chính vì sự phân ly khỏi quy luật tự nhiên của khoa vật lý đã khiến nhiều người vấp ngã (xem Ga 6:60-69. Sơ đồ so sánh sau đây có thể giúp chúng ta hiểu những loại thay đổi khác nhau:
• Tùy thể tự nhiên –- Nước thành nước đá hay hơi nước — Thay đổi — cũng là nước
• Bản thể tự nhiên — Biến đổi của thức ăn — Thay đổi — Thay đổi
———————————————————
• Tùy thể siêu nhiên — Phép lạ hóa bánh ra nhiều — Thay đổi — cũng là bánh
(Mát-thêu 14:19) (số lượng)
• Bản thể siêu nhiên — Chuyển đổi bản thể — Không đổi — Thay đổi
Quả thật, việc chuyển đổi bản thể rất khó hiểu đối với trí óc tự nhiên (đặc biệt với sở thích hoài nghi quá đáng của tâm thức hiện đại) và rõ ràng nó đòi hỏi phải có đức tin vững mạnh. Tuy nhiên có nhiều khía cạnh của Kitô giáo mà người Kitô hữu bảo thủ, Tin Lành hay Chính Thống, tin tưởng vào những lý do siêu nhiên mà không thấy có gì khó khăn, và sau cùng phải chấp nhận bằng đức tin như: việc Nhập Thể (một trẻ sơ sinh ở Bê-lem là Thiên Chúa!), sự Phục Sinh, sự toàn tri của Thiên Chúa, nghịch lý của ân sủng chống lại ý chí tự do, sự kết hiệp nhân tính và thần tính trong đức Kitô (sự hiệp nhất ngôi vị hay bản vị), sự sa ngã của con người và tội nguyên tổ, và sự sinh nở đồng trinh… Nói chung, chuyển đổi bản thể có thể coi như vượt ra ngoài lý trí dù không chống lại lý trí; siêu lý nhưng không vô lý, như phần lớn các nhà thần học Kitô giáo nhận định.
Nếu một người chấp nhận sự kiện Thiên Chúa làm người, thì người ấy sẽ không nhất quán khi cho rằng không thể nào Đấng ấy có thể hiện diện thật và thực hữu dưới những vẻ bề ngoài của bánh và rượu. Đức Giêsu sau khi sống lại rõ ràng có thể đi xuyên qua những bức tường trong khi vẫn duy trì thân xác thể lý của Người (đã được vinh thăng) (Ga 20:26-27). Vậy làm sao sự hiện diện thật có thể bị những Kitô hữu có quan điểm siêu nhiên coi là tự nó không thuyết phục?
Cũng thế, rất nhiều lời phản đối học thuyết này dường như nổi lên từ việc đặt vật chất đối lập với tinh thần, hay đặc biệt hơn đó là một thái độ thù nghịch tiên thiênvới ý tưởng cho rằng ân sủng có thể được chuyển thông qua vật chất. Điều này thật kỳ lạ vì rõ ràng ý niệm này chính là nền tảng của việc Nhập Thể của Đức Giêsu, Chúa chúng ta. Nếu Thiên Chúa không mặc lấy vật chất và xác phàm, thì không một ai có thể được cứu. Một thiên kiến như vậy hoặc không hợp luận lý hoặc không theo đúng Kinh Thánh như chúng ta sẽ thấy.
Hồng y John Henry Newman là người rất ít khi bị lên án là không hợp lý và nhẹ dạ dễ tin, đã nói về “những khó khăn” của sự chuyển đổi bản thể như sau:
“Người ta nói rằng học thuyết về sự chuyển đổi bản thể khó tin…. Nó khó và không thể tưởng tượng nổi, tôi chấp nhận – nhưng sao lại khó tin? … Dĩ nhiên đối với tôi, tôi không thể chứng minh nó, tôi không thể nói nó như thế nào;nhưng tôi nói: “Tại sao lại không? Điều gì ngăn cản nó xảy ra? Tôi biết gì về bản thể hay vật chất? Dù có biết nhiều như những triết gia vĩ đại nhất thì điều đó cũng không có nghĩa gì cả.” … Và, nó giống như nói về học thuyết về Ba Ngôi trong Một Thiên Chúa. Tôi biết gì về yếu tính của Hữu thể Thiên Chúa? Tôi biết rằng ý tưởng trừu tượng của tôi về ba đơn giản là không phù hợp với ý tưởng của tôi về một; nhưng khi tôi đến với vấn đề sự kiện cụ thể, tôi không có phương tiện nào để chứng minh rằng việc một và ba có thể bằng nhau là không có ý nghĩa, vì như thế nó chỉ cho thấy một Thiên Chúa không có sự hiệp thông.”[xxiii]
Một khi người ta nhận ra rằng chuyển đổi bản thể là một phép lạ của Thiên Chúa, thì mọi ý tưởng về không thể sẽ tiêu tan, vì Thiên Chúa thì toàn năng và có quyền tối thượng trên mọi tạo vật (Mt 19:26, Pl 3:20-21, Dt 1:3). Nếu con người có thể thay đổi những tùy thể mà không thay đổi bản thể (ví dụ như, nấu sắt thành chất lỏng và thành chất hơi) thì Thiên Chúa chắc chắn có thể thay đổi bản thể mà không làm thay đổi bề ngoài. Tuy nhiên sau khi trình bày những lời phản bác yếu ớt của triết học, chúng ta có thể tiến hành xem xét một cách khách quan và đúng đắn những dữ liệu rõ ràng và không thể chối cãi của Kinh Thánh, chúng cho thấy rằng chính Thiên Chúa thật sự thực hiện (qua trung gian của các linh mục) hành động siêu nhiên chuyển đổi bản thể.
“Thật vậy, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.’Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: ‘Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông được?’ Đức Giêsu nói với họ: ‘Thật tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi sẽ được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.’ Đó là những điều Đức Giêsu đã nói khi giảng dạy trong hội đường ở Ca-phác-na-um. Nghe những lời ấy, nhiều môn đệ của Người liền nói: ‘Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi?’ Nhưng Đức Giêsu tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: ‘Điều đó anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Thế thì nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần Khí mới làm cho sống chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống.’…. Từ lúc đó nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa.” (Ga 6:47-63, 66)
Hồng y James Gibbons, một khuôn mặt nổi tiếng của công giáo Hoa Kỳ cuối thế kỷ thứ 19 đã chú thích đoạn văn trên:
“Nếu Thánh Thể chỉ là bánh và rượu để tưởng nhớ, thay vì là hữu thể tối thượng thì quả thật nó thua kém man-na; vì man-na là lương thực mầu nhiệm siêu nhiên, từ trời xuống, trong khi bánh và rượu là lương thực tự nhiên và trần tục ….
“Đám đông và các môn đệ đã lắng nghe Người … đều hiểu được ý nghĩa của những lời Người nói một cách chính xác như được Giáo Hội công giáo giải thích…
“Dĩ nhiên một đôi khi Chúa Cứu Thế bị các thính giả hiểu lầm. Trong những trường hợp như thế Người luôn luôn loại bỏ khỏi đầu óc họ những ấn tượng sai lầm mà họ đã tạo ra bằng cách xác nhận ý nghĩa Người muốn nói trong một ngôn ngữ đơn giản hơn…. (Ni-cô-đê-mô … Ga 3:1-15 … men của người Pha-ri-sêu … Mt 16:5-12).[xxiv]
Trong giới Do Thái thời Đức Giêsu, cụm từ ăn thịt là một ẩn dụ để nguyền rủa nặng nề.[xxv] Rõ ràng Chúa không dùng cụm từ ấy với nghĩa đó (vì sẽ trở thành vô nghĩa), vì thế hoàn toàn có lý khi kết luận rằng Người chủ ý hiểu theo nghĩa đen. Khi những người Tin Lành cho rằng Đức Giêsu chỉ muốn nói hãy “tin” vào Người, hoặc hãy “ăn” Người một cách tâm linh và biểu tượng bởi đức tin, họ đã vi phạm nguyên tắc minh giải Kinh Thánh của chính họ theo tập quán, đặc tính, tập tục của người Do Thái ở thời đại đó. Xu hướng giải thích thịnh hành trong đạo Tin Lành chỉ bắt nguồn trong những thế kỷ sau này (căn bản là vào thế kỷ thứ 16).[xxvi]
Chắc chắn Đức Giêsu không muốn người ta bị hình phạt đời đời (Ga 6:53) vì thờ ơ với sự việc mà người ta không hiểu thấungay lần đầu! Đúng hơn, không phải việc gạt bỏ một mạc khải về Thiên Chúa vì nó quá khó là nguyên nhân đánh mất sự sống đời đời (6:57-58). Thật vậy các thính giả đã không hiểu đường lối mầu nhiệm và bí tích mà Đức Kitô nói đến (6:60-61), và lẩn tránh (dẫu sao cũng có thể hiểu được) vào khái niệm mà người ta tưởng là một thứ ăn thịt sống ghê tởm nào đó (6:52). Đức Giêsu đã tính đến tình trạng thân thể nhân loại tự nhiên của Người sẽ siêu thăng Thiên đàng và không còn ở lại trên mặt đất (6:62), và cần có sự khôn ngoan thiêng liêng và ân sủng để hiểu được Lời Người (6:63-65).
Nhưng Đức Giêsu đã làm sáng tỏ một điều: động cơ chủ yếu trong hoàn cảnh này là sự sẵn sàng chấp nhận hay chối bỏ đức tin và niềm tin tưởng vào Người (Ga 6:64). Đối với bất cứ ai, hầu như không thể ngay lúc đó hiểu được hoàn toàn những lời Chúa nói. Nhưng Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết rằng nhiều lần Đức Giêsu bị người ta tìm cách loại trừ, đặc biệt khi Người phát biểu những khẳng định mang tính mầu nhiệm (ví dụ như Ga 8:42-47, 12:35-43). Người ta phải tin tưởng vào Đức Giêsu dựa trên đức tin có nền tảng Người là ai, và Người đã làm gì để xác lập Thần Tính của Người (Lc 11:29-36, Ga 20:28-29). Vì thế, theo Đức Giêsu việc nhiều thính giả không chấp nhận sứ điệp của Người trong trường hợp đặc biệt này không phải vì trí óc họ không hiểu, nhưng đúng hơn vì họ không muốn tuân theo mà còn chống lại Thần Khí (Ga 6:63-65; cx Mt 13:10-23). Các môn đệ thật may mắn khi để mình được cứu với một tuyên tín khá bối rối (nhưng chân thành) vào Đức Kitô (Ga 6:67-69).
Chỉ ở chỗ này trong Tân Ước, chúng ta mới thấy những người đi theo Chúa đã bỏ rơi Người vì những lý do thần học (6:66). Chắc chắn, nếu việc bỏ đi lũ lượt này dựa trên một hiểu lầm đơn giản, hẳn Đức Giêsu phải trấn an những người không sẵn lòng rằng Người chỉ nói một cách ẩn dụ để họ quay lại. Nhưng Người đã không làm thế. Trái lại Người còn lặp lại lời dạy khó nghe ăn thịt Người không dưới bốn lần (6:54-58)!
Hơn thế nữa, theo tường thuật của Thánh Gioan bản tiếng Hy Lạp, sau khi người Do Thái nghi ngờ chất vấn (6:53), Đức Giêsu chuyển sang từ ăn. Trước hết chữ ấy trong tiếng Hy-Lạp (chín lần trong Gioan 6:23-53) là phago, một từ chung để chỉ việc ăn, được dùng (theo nghĩa đen) trong tất cả Tân Ước. Nhưng trong Ga 6:54-58 từ được dùng (bốn lần) là một từ sinh động và đặc thù hơn, trogo có nghĩa đen là “gặm” hay “nhai” như trong bất cứ từ điển cổ Hy lạp nào (như của Kittel hay Thayer) cũng đều xác nhận. Trogo chỉ xuất hiện trong đoạn này và trong Mt 24:38và Ga 13:18. Trong hai đoạn văn này, chúng cũng có nghĩa đen là ăn, và có nhiều lý chứng mạnh về văn cảnh, chú giải và ngữ học để tin chắc chắn rằng từ ấy cũng có dụng ý dùng theo nghĩa đen trong Gioan chương 6 về Bánh Hằng Sống.
Thế nhưng Đức Giêsu thay vì làm dịu bớt tính chất “hùng biện” của mình, là điều người ta mong đợi nếu ý của Người bị hiểu lầm về mặt trí tuệ (và sau hết vì Người là Thiên Chúa nên Người hiểu rõ mọi tư tưởng của con người), Người vẫn tiếp tục nói thậm chí với những từ ngữ mô tả cụ thể hơn để làm sáng tỏ và loại bỏ bất cứ nghi ngờ nào còn tồn tại. Điều đó không có gì là bất thường: Đức Giêsu thường “dồn người ta vào chân tường” và đòi hỏi sự cương quyết dứt khoát và lòng trung thành quên mình (ví dụ như Mt 10:34-39, 12:30, 19:21)
Cha Bertrand Conway, tác giả của một cuốn sách hỏi đáp rất hay về đạo công giáo đã đưa ra một số điểm rất thuyết phục về diễn từ quan trọng này:
“Người công giáo phân biệt giữa phần đầu của Gioan 6 (câu 26 đến 51), trong đó Đức Kitô nói về chính Người theo nghĩa bóng như Bánh từ trời, một thứ lương thực thiêng liêng được tiếp nhận bởi đức tin, và phần hai (câu 51 đến 59), trong đó Người nói theo nghĩa đen về Thịt và Máu như thức ăn thật và thức uống thật. Atzberger viết:‘Trong phần đầu, lương thực thuộc về hiện tại, trong phần hai, lương thực thuộc về tương lai; lúc đầu do Chúa Cha ban cho, còn ở đây do chính Đấng Cứu Chuộc ban cho; lúc đầu chỉ được gọi đơn giản là bánh, còn ở đây là “Thịt của Con Người”; lúc đầu Chúa chúng ta chỉ nói về Bánh, còn ở đây người nói về “Thịt và Máu” của chính Người’”… [xxvii]
“Đức Kitô phân biệt rõ ràng ba loại bánh: bánh trong sa mạc hay man-na (Xh 16:15; Ga 6:49) được Mô-sê ban cho dân Do Thái trong quá khứ để nuôi thân; Bánh từ trời hay Bánh hằng sống (Ga 6:32-35) là chính Đức Kitô được Chúa Cha ban cho dân Do Thái trong hiện tại như đối tượng của đức tin; và Bánh sự sống, chính là Đức Kitô trong Thánh Thể, được Đức Kitô ban cho trong tương lai để nuôi sống thế gian (Ga 6:52).
“Một lần nữa, theo những quy luật của ngôn ngữ một cách giải thích theo nghĩa bóng là không thể được. Nếu một hình ảnh của lời nói có một nghĩa xác định, chúng ta không thể dùng nó theo một nghĩa mới đơn thuần chỉ để nói điều ngược lại…
“Chúng ta phải nhớ rằng Đức Kitô, giống như mọi vị thầy tốt lành khác, đã đưa ra hai loại câu trả lời cho những người phản đối giáo huấn của Người. Nếu họ không hiểu ý nghĩa lời Người nói, Người sẽ giải thích cho họ học thuyết của Người đầy đủ hơn. Theo cách này Người giải thích … người giàu có có thể được cứu (Mt 19:24-6), sự kiện cái chết của Lazarô (Ga 11:11-14), ý tưởng về tự do (Ga 8:32-40; x. Ga 4:31-40; 8:21-23). Khi thính giả hiểu giáo huấn của Người nhưng từ chối chấp nhận, Người lặp lại giáo huấn đó và còn nhấn mạnh thêm. Vì thế Người đã nhấn mạnh quyền tha tội của Người, khi các thầy luật sĩ buộc tội Người phạm thượng (Mt 9:2-7), và nhấn mạnh về sự hữu đời đời của Người khi những người Do Thái nói Người chứa tới năm mươi tuổi (Ga 8:56-58).[xxviii]
Conway bác bỏ lời giải thích thường thấy của người Tin Lành khi họ dẫn chứng Ga 6:63 để cho rằng khi Đức Giêsu đối lập tinh thần với xác thịt là Người công bố bản chất thuần túy biểu tượng của Thánh Thể:
“Từ ngữ xác thịt và tinh thần, khi đặt đối lập nhau trong Tân Ước không bao giờ có nghĩa đen và nghĩa bóng, nhưng luôn luôn có nghĩa là xu hướng hư hỏng do bản chất tội lỗi của con người (xác thịt) đối lập với bản chất con người được ân sủng Thiên Chúa (tinh thần) làm cho phong phú … [xxix] Vì thế ý nghĩa lời Đức Kitô đã quá rõ ràng: Lời của tôi, người trần tục, xác thịt không thể đón nhận, nhưng chỉ những người được ban ân sủng mới chấp nhận. Thánh Chrysotome nói: ‘Thế thì tại sao Người đã nói: Xác thịt không được ích lợi nào cả? Người không có ý nói về xác thịt của Người. Không phải thế, nhưng Người muốn nói về những người muốn hiểu những lời Người nói theo nghĩa xác thịt … Anh em thấy đó, vấn đề không phải là xác thịt của Người nhưng là cách lắng nghe theo xác thịt” (xem Ga 47, 2). [xxx]
Để kết luận cần phải chấp nhận cách giải thích theo nghĩa đen của đoạn nói về Thánh Thể trong Phúc Âm Gioan 6, một đoạn văn cổ điển, vì ít nhất có tám lý do rõ ràng sau đây:
1) Bản chất của ngôn ngữ được dùng (như trogo);
2) Tính hiện thực linh động và sự lặp lại để nhấn mạnh (ví dụ như Ga 6:55);
3) Những khó khăn không thể khắc phục về chú giải nếu giải thích theo nghĩa bóng;
4) Không thấy có bất cứ sự cải chính nào mà Đức Kitô đưa ra khi thính giả hiểu sai;
5) Phương pháp giảng dạy thông thường của Đức Giêsu;
6) Phản ứng của thính giả;
7) Tính chất nghiêm trọng và tầm quan trọng không thể bỏ qua của giáo huấn (Ga 6:53- 63), mà Đức Giêsu dù có lòng thương xót và từ tâm cũng không thể cho phép bị hiểu sai;
8) Cách giải thích vững bền không lay chuyển của Giáo Hội từ năm 1517.
Bữa Tiệc Ly: Lc 22:19-20 “Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘đây là mình Thầy hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.’ Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: ‘Chén này là giao ước mới lập bằng máu Thầy, đổ ra vì anh em.’”
(cũng xem Mt 26:26-28, Mc 14:22-24)
Theo chủ trương của người theo quan điểm Luther, Đức Giêsu nói đây là mình Thầy (nói cách khác, mình Thầy có vẻ bề ngoài của bánh), chứ Người không nói “ở đây là mình Thầy”, theo đó Mình Người hiện diện cùng với bánh và rượu (thuyết “đồng thể đồng hữu”). Quan điểm này chỉ hiểu những lời của Chúa một cách biểu tượng: “Bánh này thể hiện mình Thầy,” đó là một cách giải thích khiên cưỡng, trong lúc ở Gioan chương 6, là một hình ảnh của lời nói không thông dụng khiến người nghe phải thất vọng. Nếu bánh đã được biến đổi thành thịt với da, xương, các mô nối kết, v.v…, điều ấy nên hiện ra rõ ràng (dù vẫn là một cách mầu nhiệm) hơn là mầu nhiệm đòi hỏi đức tin mà Đức Kitô chủ ý dùng khi nói về Thánh Thể.
Không có điều gì trong bản văn ủng hộ một cách giải thích mang tính ẩn dụ (đặc biệt có thể đem lại sự chú giải đối chiếu với Gioan 6). Bánh và rượu nho thậm chí không phải là những biểu tượng tương đồng đặc biệt của mình và máu đối với người Do Thái thời ấy hoặc đối với chúng ta. Khi từ ngữ trong Kinh Thánh có ý nghĩa tượng trưng thì ý nghĩa này phải có sẵn và thật rõ ràng (ví dụ như Mt 13:38, Ga 10:7, 15:1, Cr 10:4), trong khi ở trường hợp này thì không như thế. Ngoài ra, Bữa Tiệc Ly là bữa ăn vượt qua của người Do Thái, liên quan đến một con chiên bị hiến tế theo nghĩa đen. Các môn đệ khó có thể quên hết ý nghĩa sâu xa của lời Đức Giêsu đã nói. Cũng liền trước hoặc sau đoạn này, Chúa nói về cuộc khổ nạn sắp đến của Người (Ga 22:15-16, 18, 21-22).
Mặc dù các môn đệ dường như không hiểu trọn vẹn ý nghĩa lời Đức Giêsu nhưng họ hiểu đủ để biết rằng Người không nói theo nghĩa bóng. Cách hiểu đơn sơ chân thành nhưng không đầy đủ là cách hiểu điển hình của các môn đệ, như trong cảnh tượng Tin Mừng tiến tới cao trào khi Phêrô tuyên tín Đức Giêsu là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa (Mt 16:15-17), do đó ông được gọi là Đá Tảng và được trao cho chìa khóa nước trời (16:21-22), tuy nhiên ông lại trách Chúa khi Người nói khổ nạn và Thập Giá, cũng vì thế ông bị Chúa quở trách nghiêm khắc (16:23).
“Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chúng ta không dự phần vào máu Đức Kitô sao? Và khi ta cùng bẻ bánh, há chúng ta không dự phần vào thân thể Người sao?” (1 Cr 10:16) [đọc bản văn 10:14-22]
“Vì thế bất cứ ai ăn bánh hay uống chén của Chúa một cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình rồi hãy ăn bánh và uống chén này. Thật vậy ai ăn và uống mà không phân biệt được thân thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình.” (1 Cr 11:27-30) [đọc bản văn 11: 23-26]
Hồng y James Gibbons chú giải những đoạn văn đó như sau:
“Liệu Thánh Phaolô còn có thể diễn tả niềm tin vào sự hiện diện rõ ràng hơn cách ngài diễn tả ở đây không? … Ai nhận Thánh Thể một cách bất xứng sẽ phạm tôi phản nghịch, và làm đổ máu Chúa mình một cách vô ích. Nhưng làm thế nào người ấy phạm tội nặng như thế nếu chỉ lấy một phần bánh và rượu? Liệu một người có thể bị buộc tội sát nhân được không … nếu người ấy chỉ bạo hành trên hình vẽ hay trên bức tượng của một ông thống đốc? Chắc chắn là không. Tương tự như thế, Thánh Phaolô không thể buộc tội một người chà đạp máu Đấng Cứu Chuộc khi uống một cách bất xứng một tí rượu nho để nhớ đến Người.[xxxi]
Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS
Chú thích
[i] Chương 1: On the real present of our Lord Jesus Christ in the most holy sacrement of the Eucharist. Mọi trích dẫn về Công đồng Tren-tô lấy từ Dogmatic Canons and Decrees, Rochfort.IL: TAN Books and Publishers, 1977. Cũng xem: Giáo lý Giáo Hội Công Giáo (GLCG), Liguori, MO: Liguori Publications, 1994, #1373-1374, 1378-1381; Hardon, John A., Pocket Catholic Dictionary, NY: Doubleday Image, 1980, pp.132-3,360.
[ii] Chương 3: On the Excellency of the most Holy Euchrist over the rest of the Sacrements. Cũng xem GLCG,#1377,1390. Niềm tin này phần lớn rút ra từ 1Cr 11:27: “Vì thế bất cứ ai ăn bánh hay uống chén của Chúa một cách bất xứng, thì cũng phạm đến mình và máu Chúa”, Phần lớn các bản dịch Tân Ước đều có chữ hay then chốt (vd, NIV,NASB,NEB,NKJV, Philips). Bản dịch KJV là một ngoại lệ đáng chú ý, nhưng nhiều học giả Tin Lành thừa nhận rằngchữ và trong bản dịch này là một sự dịch sai, không theo đúng văn bản và có tính bút chiến.
[iii] Chương 4: On Trasubstantiation. Cũng xem: GLCG,#1375-1376, 1413; Hardon, John A., The catholic Catechism, Garden City, NY: Doubleday, 1975, p.161.
[iv] Xem Đức Phaolô VI, Thông điệp Mysterium Fidei (On Eucharistic Doctrine and Worship) Glen Rock, NJ: Paulist Press, September 3, 1965, p. 42.
[v] Adam, Karl, The Spirit of Catholicism, tr, Dom Justins McCann, Garden City, NY: Doubleday Image, 1954 (gốc 1954 ở Đức), p. 18.
[vi] GLCG, #1385-1387, 1415. Đặc biệt xem 1Cr 11:27-29; Công đồngVaticanII: Hiến chế về phụng vụ thánh, các số9, 11.
[vii] Công đồng Vatican II: Ánh sáng muôn dân, 11; GLCG,#1324, 1327
[viii] GLCG, #1322-1323, 1325-1326, 1331, 1348, 1353, 1369-1370, 1396, 1398, 1416.
[ix] GLCG, #1329.
[x] GLCG, #1328, 1352, 1358-1361.
[xi] GLCG, # 1330, 1333, 1341, 1350, 1356-1357, 1362-1368, 1371-1372, 1382-1383, 1410.
[xii] GLCG, # 1330, 1343, 1345-1346. 1407.
[xiii] GLCG, # 1332.
[xiv] GLCG, # 1334-1335.
[xv] GLCG, # 1329, 1344, 1402.
[xvi] GLCG, # 1347,
[xvii] GLCG, # 1354, 1403-1404, 1409.
[xviii] GLCG, # 1355, 1405.
[xix] GLCG, # 1378-1379, 1408, 1418.
[xx] GLCG, # 1391, 1416, 1419.
[xxi] GLCG,# 1392-1395, 1416.
[xxii] GLCG,# 1371, 1414.
[xxiii] Newman, John Henry, Apologia pro vita Sua [tự thuật tôn giáo của ngài], Garden City,NY: Doubleday Image, 1956 (gốc 1864), p. 318 (phần 7: “General Answer to Mr Kingsley”)
[xxiv] Gibbons James Hồng y, The faith of our Fathers, NY:P.J.Kenedy & Sons, tái bản,1917, pp. 237-238.
[xxv] Xem vd như G 19:22, Tv27:2, Gv 4:5, Is 9:20, 49:26, Mk 3:1-3, Kh 16:6.
[xxvi] Sự kiện lịch sử này được biết nhờ một tác phẩm tham khảo nhiều người biết của Tin Lành Oxford Dictionary of the Christian Church, F.C. Cross& E.A. Living stone, eds., Oxford University Press, 2nd ed. 1983, pp. 475-6. Nó thừa nhận rằng sự Hiện Diện thật là chủ trương chung từ lúc ban đầu của Giáo Hội. Tình trạng sự việc này cũng được xác nhận bởi những cộng tác viên của New International Dictionary of Christian Church (ed.J.D. Douglas, Grand Rapids, MI: Zondervan, tái bản 1978, pp.244-245), cuốn này tỏ vẻ chống lại chuyển đổi bản thể, coi đó như không theo Kinh Thánh, nhưng gần như đồng thanh chấp nhận Hiên Diện thật có trước phong trào cải cách.
[xxvii] Handbuch der Kath. Dogmatik, tập 4, p.569.
[xxviii] Conway, Bertran L. The Question Box, NY: Paulist Press, 1929, pp. 248-9, 251
[xxix] Xem Mt 26:41, Rm 7:5-6,25, 8:1-14, 1 Cr5:5, 2 Cr 7:1, Gl 3:3, 4:29, 5:13-26, 1Pr 3: 18, 4:6.
[xxx] Conway, nt, p 251.
[xxxi] Gibbons, nt, pp. 242-3