Nhiều người khám phá trong việc thực hành cầu nguyện kéo dài trước sự hiện diện của Thánh Thể là một suối nguồn của đời sống Kitô hữu. Làm thế nào và tại sao để hình thức cầu nguyện truyền thống ấy mặc một ý nghĩa và sức mạnh mới?
Kể từ khi Công đồng Vatican II bế mạc, việc học hỏi và nghiên cứu thần học về Thánh Thể có được vị trí ưu tiên trong các cộng đoàn Công Giáo trí thức. Các học giả về Thánh Kinh, về phụng vụ, các nhà thần học cơ bản, các nhà thần học giải phóng và học giả linh đạo đều đã xuất bản những bài báo và những cuốn sách về việc cử hành Thánh Thể.
Trái với hiện tượng ấy, đề tài cầu nguyện trong sự hiện diện của Thánh Thể ít được chú ý. Dù vậy, hàng trăm giáo xứ trên khắp đất nước Hoa Kỳ thực hiện việc đặt Mình Thánh chầu một cách đều đặn, nơi thì hàng ngày, nơi thì hàng tuần hoặc hàng tháng.
Hoàn cảnh này làm nảy sinh một số vấn đề. Người ta tự hỏi việc thực hành đặt Mình Thánh chầu trong các giáo xứ này phải hiểu thế nào về mặt thần học? Có một nền linh đạo Thánh Thể thống nhất làm nền tảng cho kinh nghiệm đức tin của người Công Giáo vừa cử hành Thánh Thể, vừa cầu nguyện trước Thánh Thể không? Trong bài viết sau đây, tôi sẽ đem đến một vài “chất liệu để suy tư” cho những ai đang suy nghĩ đắn đo về những điều này hay những đề tài tương tự.
Cái Nhìn Khái Quát
Cơ bản nhất, việc cầu nguyện trong sự hiện diện của Thánh Thể cho phép cộng đoàn đức tin và cá nhân tín hữu đạt đến sự đánh giá và hiểu biết sâu xa hơn về sự hiện diện nhiều chiều kích của Đức Kitô mà chúng ta gặp gỡ trong việc cử hành Thánh Thể. Kế đến việc cầu nguyện như thế, qua quyền năng hoạt động của Chúa Thánh Thần, ban ơn cho các cá nhân thành viên để họ tìm kiếm và đạt được một tương quan toàn thể lớn hơn, tương quan với chính họ, với người khác và với cộng đoàn. Sau cùng việc cầu nguyện trước sự hiện diện của Thánh Thể tăng cường việc hình thành ý thức tập trung vào Đức Kitô; ý thức này vừa gợi lên vừa điều hòa việc thờ phượng với công việc và đời sống hằng ngày.
Như vậy việc cầu nguyện trong sự hiện diện của Thánh Thể tiếp tục tiến trình “Thánh Thể hóa” đời sống của tín hữu. Đó là thời gian bí tích, trong đó sự viên mãn của mầu nhiệm Thánh Thể có thể được nếm hưởng, lãnh hội, nội tâm hóa và hòa nhập.
Cử Hành Thánh Thể và Cầu Nguyện trong sự Hiện Diện của Thánh Thể
Các Kitô hữu gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, Lời Thiên Chúa và Chúa Phục Sinh khi họ quy tụ bởi Người, trong Người và với Người trong việc cử hành Thánh Thể. Câu chuyện cao cả về tình yêu Thiên Chúa (sáng thế, nhập thể, cứu chuộc) được đan dệt trong ý thức của chúng ta như sự hiện diện của Đức Kitô được thể hiện trong việc chúng ta quy tụ, lắng nghe, dâng của lễ, hồi tưởng, cùng nhau lãnh nhận Mình và Máu Chúa trong bí tích. Thật vậy, chúng ta được nhận chìm trong sự hiện diện bao gồm nhiều chiều kích của Chúa Phục Sinh.
Chúng ta đón tiếp anh chị em mình, lớn tiếng công bố Lời Chúa, dâng đời sống chúng ta để được biến đổi trong việc dâng bánh và rượu, cùng lúc chúng ta nhớ lại một lần nữa, và như lần đầu, cuộc khổ nạn, cái chết, việc sống lại, lên trời và sai Thánh Thần xuống; chúng ta được nên một trong thân mình của Đức Kitô khi cùng nhau ăn uống, và đảm nhận sứ mạng làm men của Thiên Chúa giữa gia đình nhân loại: tất cả điều đó xảy ra cho chúng ta, và ở giữa chúng ta khi chúng ta cử hành Thánh Thể.
Thánh Thể đem tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa đến cho chúng ta trong Thần Khí Đức Kitô đến nỗi việc nuôi dưỡng, hòa giải, biến đổi, và giải phóng những yếu tố giúp chúng ta hợp nhất với Ba Ngôi bên trong mình và với người khác trong lúc cử hành Thánh Thể có thể được nhận biết rõ ràng, và có ý thức hơn qua việc cầu nguyện và chiêm niệm tri ân.
Hiểu trong bối cảnh đó thì việc cầu nguyện trong sự hiện diện của Thánh Thể được liên kết một cách chủ yếu và nội tại với những cử hành Thánh Thể của chúng ta trong quá khứ, cũng như với ao ước của chúng ta để cử hành Thánh Thể trong tương lai. Việc cầu nguyện này giúp chúng ta đánh giá những việc Thiên Chúa đã làm, đang làm và sẽ làm cho chúng ta và cho cộng đoàn đức tin của mình.
Khi họp nhau cầu nguyện với sự hiện diện thường hằng của Đức Kitô trong Thánh Thể, chúng ta đạt được sự nhận thức mới mẻ để làm thế nào Lời của Người công bố trong cộng đoàn được thể hiện trong đời sống chúng ta. Đi từ kinh nghiệm Lời Chúa được sống tích cực và sống động, chúng ta có thể chuẩn bị tốt hơn việc dâng đời sống chúng ta để được biến đổi khi dâng bánh và rượu lên bàn tiệc thánh trong lần tới.
Do đó cầu nguyện trong sự hiện diện của Thánh Thể đốt lên trong chúng ta ngọn lửa hiểu biết cả về cảm xúc lẫn tri thức. Thật vậy qua việc hồi tưởng sự hiện diện của Đức Kitô trong Thánh Thể, chúng ta đạt đến một sự hiểu biết bằng kinh nghiệm con đường mà Đức Giêsu biểu lộ cho chúng ta và trong chúng ta như một dân của bí tích. Về mặt hiểu biết tri thức thì qua ý thức đánh giá, chúng ta học cách mặc lấy tâm trí của Đức Kitô, và vì thế đào sâu khả năng nhận thức ý muốn của Thiên Chúa khi sống lòng nhân hậu của Đức Giêsu trong tương quan của chúng ta với người khác.
Sự Tương Quan Toàn Diện và việc Cầu Nguyện trong sự Hiện Diện của Thánh Thể
Việc cầu nguyện trong sự kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể tiếp tục chữa lành thân thể, trí tuệ và tinh thần được bắt đầu với việc chúng ta tham gia cử hành Thánh Thể, và đặc biệt qua việc hiệp thông với Đức Kitô Phục Sinh và với thân thể của Người là Giáo Hội khi rước lấy Mình và Máu Người (xem “What is Eucharistic Spirituality?” Emmanuel, October 1989). Việc chúng ta tham dự Thánh Thể không chỉ biểu lộ cho chúng ta sự hiệp nhất tồn tại trong việc họp nhau cử hành Thánh Thể của chúng ta, mà còn làm chúng ta nhận ra, đôi khi với nhiều đau buồn, sự hiệp nhất còn phải được hoàn thành.
Khi đáp lại lời mời của Đức Kitô Hiện Diện trong Thánh Thể, chúng ta được liên kết một cách liên nhân vị trong mầu nhiệm của Đức Kitô. Sự liên kết người-với-người ấy, đường lối quan hệ với Chúa Phục Sinh ấy, là tấm kính qua đó chúng ta nhìn thấy mọi con đường chúng ta liên kết với chính mình và với người khác.
Đức Kitô, Anh Sáng của chúng ta, chiếu sáng những căn nguyên của mạng lưới tương quan của chúng ta. Những tổn thương quá khứ cũng như hiện tại, những thù ghét và xung đột được từ bỏ và đặt vào trong những vết thương cứu độ của Đức Giêsu. Từ từ nhưng mạnh mẽ, chúng ta sẽ hiểu được bằng cách nào cái chết và sự sống lại của Đức Kitô đang chiếm chỗ trong thân xác chúng ta.
Vì Đức Kitô đã tha thứ cho những người đã phản bội và giết chết Người, nên chúng ta cũng học nơi Đức Kitô để tha thứ những người phản bội và làm hại chúng ta. Vì Đức Kitô chữa lành cho chúng ta lòng kiêu ngạo, ganh tỵ và tính ích kỷ, nên chúng ta học cách bỏ qua tội lỗi của chính mình và của những người chống lại chúng ta hoặc chống lại chính họ, nhưng đúng hơn là niềm nở và lãnh nhận bí tích hòa giải. Nỗi sợ hãi sẽ tiêu tan, niềm tín thác vào ơn cứu độ của Đức Kitô và sức mạnh hồi phục được gia tăng.
Bánh hằng sống và máu giao ước của việc hiệp thông Thánh Thể rồi cũng sẽ tiêu hóa, và vào thời gian của Chúa, chúng ta sẽ hiểu được bằng cách nào chúng ta có thể hiến dâng mình cho người khác như lương thực nuôi sống họ. Cầu nguyện trong sự hiệp nhất với Đức Kitô Hiện Diện trong Thánh Thể thúc đẩy tiến trình “Thánh Thể hóa” và kết quả sẽ thấy được trong toàn bộ những mối tương quan.
Ý thức về Đức Kitô-Trung Tâm và việc Cầu Nguyện trong sự Hiện Diện của Chúa Giêsu Thánh Thể
Cầu nguyện thường xuyên chung với cộng đoàn hoặc cá nhân trước Thánh Thể cho chúng ta cơ hội nối kết sống động giữa những kinh nghiệm mỗi ngày với việc thờ phượng. Xu hướng đóng khung và cô lập mọi sinh hoạt trong đời sống của chúng ta bị phá bỏ, và được thay thế bằng một khả năng thống nhất mọi chiều kích của đời sống nhân bản, bằng việc ngày càng ý thức trọn vẹn hơn Đức Kitô là trung tâm cuộc đời chúng ta.
Việc hội nhập kinh nghiệm mỗi ngày, công việc với việc thờ phượng là một tiến trình tâm linh trong đó chúng ta nhận biết Thần Khí hoạt động trong chúng ta. Có một cái gì đó không thích hợp khiến hành trình hướng đến hội nhập cũng gia tăng khả năng của chúng ta để chống đỡ sự mâu thuẫn và không rõ ràng trong mạng lưới tương quan của chúng ta. Những mặc cảm trong quan hệ sẽ được trao phó cho Thần Khí hơn là nghĩ rằng chúng ta cần tự mình giải quyết tất cả mọi vấn đề.
Ý thức Đức Kitô là trung tâm sẽ nhấn chìm chúng ta vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Nó đem lại cho cộng đoàn đức tin và cho cá nhân một quan điểm Thánh Thể cho đời sống. Rõ ràng là nhân sinh quan có chiều kích cánh chung đó cho phép chúng ta tuân theo lời khích lệ của Phaolô là luôn luôn cầu nguyện.
Những nỗi chán nản và vỡ mộng trong gia đình, nơi làm việc và trong cộng đoàn được đảm nhận nhờ việc chúng ta sống mầu nhiệm vượt qua. Ý thức được Đức Kitô là trung tâm như là kết quả của việc chúng ta hiệp nhất với sự hiện diện của Đức Kitô trong Thánh Thể, cho phép cả những bệnh thể lý và tâm lý được biến đổi trong chúng ta qua ơn thánh hóa của Thánh Thần.
Sự biến đổi của con người nội tâm dẫn đến một ý thức sâu sắc về lòng tri ân cảm tạ. Chúng ta chợt nhận biết rằng mình còn phải cầu nguyện nhiều hơn với những gì Thiên Chúa đang làm cho chúng ta chứ không phải với những gì mình nghĩ mình làm cho Thiên Chúa. Việc cầu nguyện của chúng ta tập trung vào phương thế mà Thiên Chúa đã và đang chúc phúc, chữa lành và phục hồi chúng ta. Đáp lại, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa.
Thái độ cảm tạ và việc phát triển tự do nội tâm mà Đức Kitô bảo đảm cho chúng ta làm cho chúng ta bỏ bớt tính tự vệ và ù lỳ. Nó làm cho chúng ta nhạy cảm với nhu cầu của người khác, mở mắt trước những bất công và mở tai trước những tiếng kêu của người nghèo.
Kết Luận
Cầu nguyện trước sự hiện diện của Thánh thể trong hoặc sau khi cử hành Thánh Lễ nâng cao việc chúng ta mong đợi trở lại bàn tiệc thánh. Vì khi cầu nguyện như thế, nó thể hiện nhận thức sâu sắc của Augustinô về chính Thánh Thể: nghĩa là chúng ta phải trở thành chính mầu nhiệm mà chúng ta cử hành.
Cầu nguyện trong sự hiện diện của Thánh Thể cũng có thể là một cái cổng để đi lên và đi vào việc chiêm niệm thần bí. Như Phêrô Giulianô Eymard đã cảm nghiệm rất mạnh mẽ trong đời ngài, hiệp thông và cầu nguyện Thánh Thể bày tỏ cường độ và tính tức thời của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Cầu nguyện như thế dẫn chúng ta đến chỗ để vinh quang Đức Giêsu Kitô thiêu đốt, vinh quang ấy được công bố và bày tỏ trong Thánh Thể.
Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS