Trong nhiều thế kỷ, các tín hữu công giáo đã đi tìm ý nghĩa và phương hướng cho đời sống của họ bằng cách chấp nhận những thực hành tôn giáo và kỷ luật hầu có thể giúp họ hiểu biết và cộng tác đầy đủ hơn với những gì họ đã cảm nghiệm về sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa ở giữa họ. Thông thường, việc tìm kiếm hiểu biết tâm linh này có thể dẫn người ta liên kết mật thiết với nhau trong một đặc sủng riêng như khi nó thể hiện trong đời sống của những hội đoàn tôn giáo, dòng tu hay tu hội. Một ví dụ nổi bật của hiện tượng này là những bài linh thao của Thánh I-nha-xi-ô Lô-yô-lavà sự phân biệt các kiểu mẫu thần khí xuất hiện từ đó. Một người nào đó tự do chọn lựa việc thích nghi đời sống mình với việc áp dụng những cảm thức mà Thánh I-nha-xi-ô đưa ra trong các bài linh thaocủa ngài, người đó sẽ đi theo linh đạo của Thánh I-nha-xi-ô. Điều tương tự cũng có thể nói về người muốn sống thể hiện đặc sủng của Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di với một đời sống đơn sơ, nghèo khó sẽ đi theo linh đạo của Thánh Phan-xi-cô.
Mục đích của bài này là giới thiệu đặc sủng Thánh Thể mà Thánh Phêrô Julianô Eymard (1811-1868) đã sống, và do đó phải xem xét một số đặc điểm của luật sốngcủa Hội Dòng Thánh Thể, để phổ biến lời mời gọi đi vào sự phong phú và những đòi hỏi của cách sống linh đạo Thánh Thể. Tuy nhiên trước khi tiến hành việc tìm hiểu này, cần phải đưa ra một câu hỏi tiên quyết, đó là tại sao chúng ta chọn sống một linh đạo Thánh Thể?
Tại Sao Sống một Linh Đạo Thánh Thể?
Một trong những ơn cao trọng của một người công giáo trong Giáo Hội hậu Công đồng Vatican II là đặc quyền được cử hành các bí tích trong ngôn ngữ riêng của mình. Việc sử dụng tiếng mẹ đẻ trong nghi thức bí tích đã khuyến khích mọi người chịu phép rửa làm chủ và làm đối tác kho tàng phong phú tinh tế của truyền thống phụng vụ Giáo Hội. Chúng ta sống ở trung tâm của việc phục hưng bí tích và phụng vụ sâu xa trong Giáo Hội công giáo. Ở trung tâm của việc phục hưng này là việc cử hành Thánh Thể, Thánh Lễ.
Ở điểm này chúng ta hãy nhớ lại những lời Giáo Hội kêu gọi chúng ta tham gia vào phụng vụ thánh như thế nào:
“Mẹ Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động. Do chính bản tính, phụng vụ đòi hỏi như thế; lại nữa nhờ phép rửa tội, việc tham dự phụng vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân Kitô giáo ‘là dòng giống được lựa chọn, là tư tế vương giả, là chủng tộc thánh thiện, là dân được tuyển chọn’ (1 Pr 2:9; x. 2:4-5).
“Trong việc canh tân và cổ võ phụng vụ thánh, cần phải hết sức lưu tâm đến việc tham dự trọn vẹn và linh động của toàn dân: vì phụng vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, từ đó các tín hữu múc lấy tinh thần Kitô giáo đích thực.” (Hiến chế về phụng vụ thánh, II, 14)
Trong giáo huấn này của Công Đồng, chúng ta thấy ngay tại sao phải sống linh đạo Thánh Thể thật sống động. Qua việc tham dự tích cực, trọn vẹn và có ý thức việc cử hành Thánh Thể, chúng ta tham gia vào việc thánh hóa toàn bộ đời sống của mình trong thể xác, trí tuệ và tinh thần. Mọi bí tích, và đặc biệt là Thánh Thể, là suối nguồn cần thiết từ đó chúng ta kín múc tinh thần Kitô giáo đích thực. Linh đạo Thánh Thể có cội rễ trong phép rửa tội, kêu gọi chúng ta nên thánh, và trong lời Chúa mời gọi chúng ta đến với cuộc sống viên mãn. “Hãy canh tân đời sống và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15)
Trong hai mươi năm qua, chúng ta đã chứng kiến một sự thay đổi đặc biệt trong cách hiểu và kinh nghiệm của việc cử hành Thánh Thể. Thánh lễ giờ đây được nhận thức rõ ràng như một biến cố của Giáo Hội, đó là việc thờ phượng và công việc của toàn thể cộng đoàn. Việc cử hành Thánh Thể không còn được coi như một nghi thức biệt lập được thực hiện bởi một linh mục trong một ngôn ngữ xa lạ mà người tín hữu chỉ có mặt. Giờ đây, linh mục và giáo dân cùng thực hiện khi cùng nhau đến trước sự hiện diện của Chúa Phục Sinh ở giữa họ. Thánh Thể được hiểu như việc cầu nguyện cao cả của Giáo Hội, như suối nguồn và đỉnh cao của đời sống Giáo Hội. Trong khi càng ngày người công giáo càng nội tâm hóa cách hiểu mới này về Thánh Lễ thì một ước muốn cũng đang lớn lên trong hàng linh mục và giáo dân, đó là cùng đào sâu tương quan của họ với Chúa Giêsu, Đấng mà họ bắt gặp một cách rất thiết thân trong khi cử hành Thánh Thể. Chính ước muốn hòa nhập những chiều kích cá nhân, liên cá nhân và xã hội của đời sống hiện đại với sự phát triển nhân bản tâm linh của mình trong Đức Kitô là bối cảnh của linh đạo Thánh Thể đương đại. Cách hiểu mới này về những việc xảy đến với chúng ta trong Thánh Thể, và cách Giáo Hội tự hiểu về lý do tồn tại của mình đã được tóm lược rất hay ở một đoạn khác trong Hiến chế về Phụng vụ thánh (I, 10):
“… Phụng vụ là đỉnh cao mà hoạt động của Giáo Hội quy hướng về, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội… Việc lặp lại giao ước của Chúa với con người trong Thánh Thể nung nấu và lôi cuốn các tín hữu vào trong tình yêu nồng nàn của Chúa Kitô. Vì thế, phụng vụ đặc biệt là Thánh Thể, như là nguồn mạch từ đó ân sủng tuôn tràn trong chúng ta và làm cho con người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách vô cùng hữu hiệu, đồng thời Thiên Chúa được tôn vinh: đây cũng là cứu cánh của mọi công việc khác của Giáo Hội”
Khi đề cập cách ngắn gọn lý do tại sao linh đạo Thánh Thể đáng sống, chúng tôi trở về với câu hỏi căn bản linh đạo Thánh Thể là gì. Khi xem xét kỹ vấn đề này, chúng tôi sẽ vừa theo quan điểm thần học vừa theo quan điểm thực hành. Linh đạo Thánh Thể áp dụng sự phong phú của thần học mầu nhiệm Thánh Thể cho niềm vui, nỗi buồn, những thách đố và hy vọng của đời sống Kitô hữu mỗi ngày. Mầu nhiệm Ba Ngôi, mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu Kitô, công trình của Chúa Thánh Thần và bản chất cánh chung của đời sống Kitô hữu là những yếu tố thần học hàng đầu sẽ kết cấu và làm kiên cố công trình xây dựng linh đạo Thánh Thể. Như đã đề cập trước đây, chúng tôi sẽ tham khảo một số điểm đặc biệt của luật sốngHội dòng Thánh Thể như khởi điểm để chúng ta hình thành mối liên kết quan trọng giữa học thuyết Thánh Thể với việc thực hành Thánh thể và đời sống hàng ngày của các Kitô hữu. Mối liên kết giữa học thuyết, thực hành và đời sống là khuôn đúc cho việc trình bày linh đạo Thánh Thể được rõ nét hơn.
Mục Tiêu của Linh Đạo Thánh Thể
“Chúng ta tìm cách hiểu mọi thực tại nhân loại trong ánh sáng của Thánh Thể, suối nguồn và đỉnh cao của đời sống Giáo Hội” (Luật sống Dòng Thánh Thể, #34)
Mục đích và nhiệm vụ của linh đạo Thánh Thể là hiểu mọi thực tại nhân loại trong ánh sáng của Thánh Thể Vì chúng ta tin rằng đức Giêsu Kitô là con đường, sự thật và sự sống, và vì chúng ta tin sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong Thánh Thể cho nên không có hoàn cảnh nhân sinh nào, cho dù là phức tạp hay tầm thường mà không thể được đem đến cho Thiên Chúa trong lúc chúng ta cử hành Thánh Thể. Đó là lúc chúng ta được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, Đức Giêsu Kitô, và qua việc ăn và uống Mình Máu Người, chúng ta có sự sống thật trong mình. Những gì liên quan đến bản thân và gia đình chúng ta, tội lỗi, nỗi hờn giận, ức chế hay mơ ước đều được mang đến bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Chúng ta đến với Chúa trong Thánh Thể với con người trọn vẹn của mình, và nhờ ân sủng thánh hóa, chúng ta dần dần biến đổi thành căn tính đích thực của con cái Thiên Chúa. “Nhờ mầu nhiệm nước và rượu này, xin cho chúng con được thông phần vào thần tính của Đức Kitô, Đấng đã đoái thương chia sẻ thân phận làm người với chúng con” (kinh đọc trong phụng vụ Thánh Thể lúc chuẩn bị của lễ). Khi tìm cách hiểu biết mọi việc xảy đến cho chúng ta trong ánh sáng của Thánh Thể, chúng ta bắt đầu cuộc hành trình tâm linh mà sau cùng sẽ dẫn chúng ta đến chỗ được chính sự sống của Thiên Chúa chiếm lĩnh.
Linh Đạo Thánh Thể và Ba Ngôi
“Khi đời sống của Đức Kitô gần đến chỗ kết thúc, Người đã để lại cho chúng ta kỷ niệm việc hiến dâng của chính Người cho Chúa Cha và cho gia đình nhân loại. Khi sống lại từ kẻ chết, Người gởi đến chúng ta Thần Khí của Người để chúng ta có thể sống sứ mạng của mình trong cùng Thần Khí yêu thương ấy” (Luật sống Dòng Thánh Thể #28)
Mọi linh đạo đích thực công giáo, dù là của Thánh I-nha-xi-ô, Thánh Phan-xi-cô, hay linh đạo Thánh Thể đều kín múc được ý nghĩa từ tình yêu thương cứu độ của Thiên Chúa đã được biểu lộ trong ngôi vị và đời sống của Chúa Giêsu Kitô và từ ơn của Chúa Thánh Thần mà chúng ta nhận được trong phép rửa. Cơ cấu nội tại của Ba Ngôi trong linh đạo Thánh Thể đã được trình bày rất hay trong đoạn mở đầu của kinh nguyện Thánh Thể IV:
“Lạy Cha chí thánh, chúng con xưng tụng Cha là Đấng cao cả, đã lấy tình thương mà sáng tạo muôn loài… Lạy Cha chí thánh, Cha đã quá yêu thương thế gian, đến nỗi khi tới thời viên mãn, Cha đã sai Con Một đến cứu độ chúng con … để chúng con không còn có thể sống cho chính mình nữa, mà chỉ sống cho Người. Vì thế, từ nơi Cha, Người sai Chúa Thánh Thần đến với các tín hữu như ân huệ mở đầu, để Chúa Thánh Thần kiện tòàn sự nghiệp của Người trên trần gian, và hoàn tất công trình thánh hóa muôn loài.”
Trong cả hai trích dẫn của Luật sống số 28 và Kinh nguyện Thánh thể IV, chính tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta và thế giới này đã đưa đến việc nhập thể của Đức Giêsu, Đấng Mêsia và ơn Chúa Thánh Thần. Rõ ràng tình yêu không điều kiện của Thiên Chúa dành cho chúng ta được biểu lộ trong cuộc khổ nạn, cái chết, phục sinh, lên trời của Đức Giêsu Kitô, và trong việc gởi Chúa Thánh Thần xuống, tình yêu ấy là yếu tố cơ bản của linh đạo Thánh Thể.
Linh Đạo Thánh Thể và Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô
“Mỗi lần chúng ta cử hành việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, chúng ta đi vào công trình cứu chuộc chúng ta. Qua việc tham dự Mình và Máu, chúng ta dần dần tháo gỡ khỏi mọi sức mạnh của điều xấu. Chúa cho chúng ta thấy tội lỗi hiện diện trong tính ích kỷ của chúng ta, trong sự vô cảm hay đồng lõa của chúng ta với bất công khi lôi kéo chúng ta đến với đời sống mới.
“Trong cùng một hành động ấy, chúng ta dâng lên Chúa Cha đời sống chúng ta cùng với những hy vọng và đau khổ của mọi người mà chúng ta cộng tác trong việc xây dựng một xã hội đặt nền tảng trên công lý và tình thương.” (Luật sống Dòng Thánh Thể, #25)
Nhận thức rõ ràng về tình yêu không điều kiện của Thiên Chúa đối với chúng ta trong Đức Kitô thúc đẩy ta tìm hiểu ý nghĩa và hướng đi cho cuộc đời mình trong việc cử hành và cầu nguyện trước Thánh Thể. Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô mà Thánh lễ và phụng vụ các giờ kinh công bố được dệt nên bởi yêu thương thể hiện trong các mối tương quan của đời sống chúng ta. Những tương quan của chúng ta trong ngôi vị và liên ngôi vị, tương quan cộng đoàn và xã hội được tự do phơi bày trước sự hiện diện cứu độ của Đức Kitô trong cộng đoàn cử hành Thánh Thể, trong việc công bố Lời, trong việc ăn và uống Mình Máu Người, và trong việc thờ phượng tri ân sự hiện diện thường hằng của Người trong Thánh Thể.
Linh đạo Thánh Thể là toàn bộ lời đáp trả có ý thức đối với Thiên Chúa yêu thương để chấp nhận mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô là mầu nhiệm của chính chúng ta. Chúng ta mong muốn đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa để đón nhận mầu nhiệm Vượt Qua như là một quà tặng của ân sủng. Sống mầu nhiệm Thánh Thể được coi như quyền thừa kế của chúng ta qua phép rửa tội. Điều đó cho chúng ta tự do đảm nhận trách nhiệm trong niềm hân hoan để tham dự có ý thức vào việc cử hành Thánh Thể, và thúc giục chúng ta khám phá những điều phong phú và cả những yêu sách của việc làm môn đệ Đức Kitô. Đảm nhận mầu nhiệm Thánh Thể nhấn chìm chúng ta trong sự biến đổi bản thân, liên ngôi vị và xã hội. Hoán cải trong Thần Khí Đức Kitô trở thành một con đường sống được lựa chọn với tất cả sự tự do.
Chấp nhận linh đạo Thánh Thể như sự sống trường tồn, sự sống làm biến đổi thực tại đòi phải có lòng can đảm, kỷ luật và nhẫn nại chịu đựng. Tình yêu, và chỉ tình yêu, mới cho chúng ta thấy chính nó là lý do và động lực để đảm nhận mầu nhiệm Thánh Thể.
Khi học xem xét mọi việc xảy ra với chúng ta trong ánh sáng của Thánh Thể, chúng ta sẽ cùng lúc nhận thấy đâu là thật, đâu là giả trong hệ thống tương quan làm nên đời sống chúng ta. Khi Thánh Thể thật sự trở thành trung tâm đời sống chúng ta thì mọi cưỡng bách, những nỗi sợ hãi, chủ nghĩa trưởng thượng, những thái độ tự biện minh sẽ biến mất. Trong việc công bố Lời Chúa trong Thánh Lễ, và sau đó là việc nội tâm hóa Lời khi hiệp lễ, chúng ta sẽ nhận thấy yêu sách phải chết cho bản tính tội lỗi của mình. Chết cho bản tính tội lỗi để yêu mến sự sống trong Thiên Chúa đôi khi đòi hỏi phải đau khổ và chiến đấu. Thế nhưng, một cách nghịch lý, đó chính là thời gian đem chúng ta đến việc sở hữu cao cả hơn Vương quốc của Thiên Chúa. Trưởng thành trong linh đạo Thánh Thể chắc chắn sẽ dựng cây thập giá của Đức Giêsu vào trong những cung cách sống chúng ta, những cách sống rất cần được biến đổi và chữa lành. Mới nhìn qua, linh đạo Thánh Thể có vẻ như chuộng lối sống hành khổ bản thân, thế nhưng không gì có thể đi xa sự thật được. Trong khi tiến trình ý thức của việc cam kết tỉnh thức và chết đi cho bản tính tội lỗi của chúng ta là tiến trình phá bỏ không thể chối cãi được, thì cũng có một tiến trình trưởng thành về tâm lý-tinh thần đưa chúng ta đến ngưỡng cửa của tự do Kitô giáo đích thực: hiểu biết và yêu mến bản thân; sức mạnh tha thứ cho người khác với chính lòng tha thứ mà Đức Giêsu tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người; và với những ơn nâng đỡ thích hợp của Chúa Thánh Thần, đặc biệt là ơn khôn ngoan, vui mừng và bình an.
Linh Đạo Thánh Thể và Chúa Thánh Thần
“Bánh và rượu trở thành Thánh Thể không ngừng nhắc chúng ta nhớ đến bữa Tiệc ly của Chúa, đến lời cảm tạ của Giáo Hội và hy tế chúc tụng của toàn thế giới. Chúng bày tỏ với chúng ta trong một đường lối duy nhất sự hiện diện của Đức Kitô, Đấng làm tuôn đổ sự sống Người cho chúng ta bởi ơn của Chúa Thánh Thần.” (Luật sốngDòng Thánh Thể, #29)
Linh đạo Thánh Thể công bố niềm tin rằng sự hiệp thông với Đức Kitô trong bánh và rượu đã trở thành Thánh Thể đem lại sự thánh hóa mạnh mẽ không chỉ in sâu mầu nhiệm vượt qua trong ý thức chúng ta, nhưng còn là thức ăn và thức uống hiện tại của Thiên Chúa làm cho chúng ta mạnh mẽ thân xác, tâm trí và tinh thần. Trong việc hiệp lễ và trong sự kéo dài hiệp thông khi cầu nguyện trước Thánh Thể, Chúa Thánh Thần hiện thực hóa ân huệ sự sống vĩnh cửu trong những thân thể cá nhân và trong Thân Thể của Giáo Hội chúng ta. Linh đạo Thánh Thể tiếp cận việc cử hành Thánh Thể như bí tích chữa lành tuyệt hảo. “Lạy Chúa Giêsu Kitô, với đức tin vào tình yêu và lòng thương xót của Ngài, con ăn Mình Ngài và uống Máu Ngài. Xin đừng để điều này làm con bị án phạt, nhưng xin chữa lành hồn xác của con.” (Cầu nguyện của linh mục chuẩn bị hiệp lễ).
Thái độ ước muốn được chữa lành thể lý và tâm lý – Chúa Thánh Thần giải thoát chúng ta khỏi căn nguyên của những cơn nghiện tội lỗi – ghi sâu quyền năng cứu độ của cái chết và sự sống lại của Đức Kitô như một thực tại có hiệu quả trong đời sống cá nhân và Giáo Hội.
Thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-khi-a (c.110 AD) khi viết cho cộng đoàn Kitô hữu ở Ê-phê-sô đã sử dụng một ngôn ngữ giúp chúng ta khám phá lại bản chất chữa lành của linh đạo Thánh Thể. Đối với I-nha-xi-ô, Thánh Thể là biến cố chữa lành, trong đó Đức Kitô, “thầy thuốc duy nhất” (Ep 7:2) chữa lành những vết thương của chúng ta và cho chúng ta sự sống. “Bẻ bánh là một phương thuốc ban cho tính bất tử, một thứ thuốc giải độc, ngăn ngừa sự chết và ban tặng sự sống trong Đức Giêsu Kitô (Ep 20:2). Thánh Thể ban cho tính bất tử ; Thánh Thể là thuốc giải độc chống lại thuốc độc giết người của tội lỗi, do đó kéo chúng ta ra khỏi sự chết và phục hồi chúng ta cho sự sống đời đời. Trong viễn cảnh ấy, Linh đạo Thánh Thể khẳng định các thói nghiện ngập cá nhân như nghiện rượu, nghiện ma túy, dâm dục và cờ bạc; các thói nghiện liên cá nhân như ngoại tình, loạn luân, vu cáo, lừa bịp người nghèo; những cơn nghiện xã hội như tình dục sa đọa, chủ nghĩa chủng tộc, bạo lực kinh tế, và chủ nghĩa khoái lạc có thể được thay đổi nơi cá nhân cũng như nơi cộng đoàn giáo hội, vì tình yêu mình và tha nhân lấy Đức Kitô làm trung tâm đi đôi với sự khát khao công chính.
Linh Đạo Thánh Thể và Cánh Chung Luận
“Do đó Thần Khí của Chúa sống lại sử dụng một ảnh hưởng không ngừng gia tăng trên những ai đón nhận Người. Khi gieo vào thân xác phải chết của chúng ta những hạt mầm sống lại, Người biến đổi chúng ta từng ngày trong tình yêu.
“Những thử thách và đau buồn của chúng ta được cất bỏ trong mầu nhiệm chúng ta cử hành và cái chết là sự tham dự sau cùng của chúng ta vào mầu nhiệm ấy. Tràn đầy niềm hy vọng, chúng ta hành trình tiến về thế giới mới ấy nơi đó Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự.” (Luật sốngDòng Thánh Thể, #26)
Làm môn đệ của Đức Kitô khiến đời sống luôn bị giằng xé. Chúng ta sống trong thế giới này trong lúc luôn hành trình về thế giới mới đã được Đức Kitô khai mở trong chúng ta qua phép rửa tội, trong cái chết và sự sống lại của Người. Linh đạo Thánh Thể trong chiều kích cánh chung dạy chúng ta liên kết những vết thương của mình vào những vết thương của Đức Kitô bị đóng đinh. “Chúng ta luôn mang trong mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân thể chúng ta” (2 Cr 4:10). Những mâu thuẫn trong các mối tương quan, những khiếm khuyết về thể lý và tâm lý không thể đưa chúng ta đến chỗ tuyệt vọng và chủ nghĩa hư vô. Linh đạo Thánh Thể trang bị cho chúng ta niềm hy vọng. Nó cung cấp cho chúng ta một bối cảnh vĩnh cửu để đương đầu với những thử thách và đau buồn. Khi ăn và uống Mình Máu Đức Kitô Phục Sinh chúng ta nếm hưởng được tương lai của mình.
Đảm nhận chiều kích cánh chung này của linh đạo Thánh Thể và áp dụng nó vào đời sống hằng ngày là một thách đố vừa vui mừng vừa đáng sợ. Đáng sợ vì nó lôi chúng ta ra khỏi tính thương hại chính mình, tính ích kỷ, và sự ủy mị tâm linh. Vui mừng vì nó đưa chúng ta vào huyền nhiệm Kitô giáo. Nó nhắc chúng ta thực hành việc “hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời” (Mt 6:20). Trong câu kết luận của Kinh nguyện Thánh Thể III, có ghi: “Chúng con hy vọng sẽ được cùng nhau vui hưởng vinh quang Cha muôn đời, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con, nhờ Người, Cha rộng ban mọi ơn lành cho thế gian”
Linh Đạo Thánh Thể và Hội Dòng Thánh Thể
“Theo bước Cha Eymard, chúng tôi mời gọi tất cả những ai được Thần Khí hướng dẫn đến với Thánh Thể, dù là linh mục hay giáo dân, để trở thành những người cộng tác với gia đình chúng tôi và chia sẻ sứ mạng ấy.
“Chúng tôi luôn hỗ trợ để họ có thể tìm thấy trong Thánh Thể nguồn cảm hứng cho toàn bộ đời sống và sự dấn thân của họ.”(Luật sống Dòng Thánh Thể, #43)
Thánh Phêrô Julianô Eymard, người sáng lập Hội Dòng Thánh Thể (ngành nam) và Nữ Tỳ Thánh Thể (ngành nữ) đã được tình yêu Thiên Chúa chiếm hữu; tình yêu này biểu lộ trong quà tặng của Đức Kitô nơi Thánh Thể. Luật sốngcủa Hội dòng Thánh Thể mà chúng tôi trích dẫn về linh đạo Thánh Thể đã được Bộ Giáo Sĩ và Hội Đồng Giáo Hoàng phụ trách giáo dân của Tòa Thánh chính thức phê chuẩn ngày 1 tháng 8 năm 1984, vào ngày lễ kính Thánh Eymard. Luật sống này là di sản tâm linh từ đấng sáng lập của chúng tôi, được nội tâm hóa, và được sống sao cho Luật sống làm chúng tôi trở thành những chứng nhân đích thực của quyền năng Thánh Thể để canh tân Giáo Hội và xã hội.
Lm. Giuse Trần Đình Long