Việc tôn kính thánh tích có vị trí nào trong thực hành phụng vụ hôm nay?
Từ giữa thế kỷ thứ nhất, thánh tích đã được tôn kính trong Giáo Hội Công Giáo. Bài này sẽ khám phá vai trò thật sự lôi cuốn mà các thánh tích đã tác động đến đời sống của Giáo Hội từ những thời kỳ đầu cho đến ngày hôm nay, như thế phải hỏi rằng: Liệu các thánh tích có lỗi thời hay có thể được coi như những biểu tượng phụng vụ thật của Đức Kitô trong Giáo Hội?
Một định nghĩa đơn giản sẽ được đưa ra để hiểu ý nghĩa của từ ngữ thánh tích: “một vật được tôn kính trong tôn giáo, đặc biệt một mẫu vật nổi tiếng có liên quan đến một vị thánh hay một vị tử đạo.”
Trong lúc người Công Giáo thường hiểu “thánh tích” trong ánh sáng đức tin Kitô giáo thì Phật giáo, Hồi giáo và Khổng giáo cũng đã thực hành lòng tôn kính đối với những di tích những người thánh thiện trong tôn giáo của họ. Tuy nhiên việc tôn kính của người Kitô hữu khác với việc tôn kính trong các tín ngưỡng khác, vì “các vị tử đạo (hay các thánh khác) có thể được tôn vinh hay thậm chí được coi như những người chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Đức Kitô, nhưng chỉ một mình Thiên Chúa được thờ phượng… Các Thánh chỉ là những máng chuyển thông ơn lành của Thiên Chúa cho chúng ta.”
Những Loại Thánh tích
Trong truyền thống Công Giáo có ba loại thánh tích. Loại thứ nhất gồm các phần thân thể của các thánh, hoặc những dụng cụ trong cuộc Khổ Nạn của Chúa. Loại thứ hai gồm những đồ vật được thánh hóa nhờ tiếp xúc với các thánh, như y phục hay những đồ vật các thánh dùng trong lúc sinh thời, hoặc trong trường hợp một thánh tử đạo là những dụng cụ để hành hình. Sau cùng, loại thứ ba là những đồ vật hay y phục có tiếp xúc gần gũi với loại thứ nhất hoặc loại thứ hai. Những mẫu vật khác xem như đáng được tôn kính qua các thời đại là: sữa của Đức Maria, gỗ cây Thánh Giá, và bánh thánh vì những vật này được coi như những “thánh tích” của Đức Giê-su.
Lịch Sử của Thánh Tích Kitô Giáo
Một trong những dẫn chứng sớm nhất liên quan đến việc tôn kính thánh tích trong các Kitô hữu tiên khởi là sách Công vụ 19:11-12, như sau:
“Đồng thời Thiên Chúa qua tay Phaolô làm những phép lạ phi thường. Khi một chiếc khăn tay hay tấm vải đã chạm vào da ông, đem đắp cho người bệnh thì họ được khỏi bệnh và thần ô uế bị xuất ra khỏi họ”
Vào giữa thời Trung cổ (800-1100), các thánh tích được sử dụng trong việc sùng kính riêng tư ở Châu Âu. Ví dụ, tín hữu cầu nguyện bên các hộp đựng thánh tích với hy vọng lời cầu khẩn của họ được bảo đảm có hiệu quả hơn. Người ta tuyên thệ với vị thánh mà họ tôn vinh. Ví dụ như năm 803 một thánh tích đã được đặt lên ngai vàng của Hoàng Đế Charles Cả. Ngai vàng được giữ trong nhà nguyện của Hoàng Đế. Lời tuyên thệ trong nhà nguyện đó trở thành: “Xin Thiên Chúa và các thánh có thánh tích ở đây phán xét tôi.” Cũng thế, những cuộc hành hương trở thành những phương tiện để các tín hữu hy vọng nhận được lời cầu bầu của vị thánh ở đền thờ mà người ta đi viếng. Năm 829, khi một bệnh dịch nặng tàn phá nghiêm trọng thị trấn Uzés, dân chúng kéo nhau lên đền thờ của Firminius, một giám mục ở thế kỷ thứ VI. Họ hy vọng rằng những lễ vật họ tiến dâng sẽ giúp họ chữa lành căn bệnh.
Thánh tích có những chức năng phụng vụ thời Giáo Hội sơ khai. Trong thế kỷ thứ III, phụng vụ được cử hành ở hầm mộ của những người quá cố. Thêm vào đó người ta làm những hộp đựng thánh tích trang trí công phu để trưng bày tại những phần nhà của một vị thánh. Những hộp đựng thánh tích còn trang trí nhiều nhà nguyện và nhà thờ. Về mặt phụng vụ, đó trở thành luật buộc tất cả mọi bàn thờ cố định đều có đặt thánh tích. Nhờ vậy, sự liên kết giữa hy tế các thánh và hy tế Đức Kitô có thể được nhìn thấy rõ ràng.
Trong suốt thời hậu – Carolingian (800-1100), thánh tích giữ một vị trí quan trọng trong đời sống chung của một số cộng đoàn. Khi một thành thị chịu cảnh khốn đốn về kinh tế, người dân ở đó đã rước thánh tích và có những nghi thức công cộng để nài xin giảm nhẹ tình trạng khốn khổ. Thánh tích trở thành một sức mạnh để gây áp lực với các nhà lãnh đạo trong một cộng đồng. Ví dụ như ở Châu Âu vào thời kỳ hậu-Carolingian, nếu một nhà cai trị nào hành động bất công, thì dân chúng có thể coi đó là một sự xúc phạm đến thánh bổn mạng của họ, vị Thánh ấy sẽ không chấp nhận những hành động đó nếu Ngài còn sống. Do đó thánh tích “sẽ được đặt trên mặt đất, phủ gai lên và những cây nến trong nhà thờ bị thổi tắt. Thánh tích bị hạ nhục bỏ rơi cho đến khi nào điều sai phạm được sửa đổi.” Một chức năng công cộng khác của thánh tích là để gây quỹ. Thánh tích của những vị thánh mà dân chúng ái mộ được đưa vào thành thị để giúp thanh toán những phí tổn trong việc xây dựng và duy trì các tu viện lớn. Dân chúng cũng tin rằng những đóng góp tài chánh của họ sẽ làm cho họ được tha thứ các tội lỗi.
Bên cạnh việc sử dụng cho lòng sùng kính riêng tư, trong lãnh vực phụng vụ và công cộng, thánh tích cũng có một chức năng tâm linh khác. Đối với đàn ông cũng như đàn bà, người nào cảm thấy lẻ loi không nơi nương tựa trong một thế giới không ngừng biến đổi, và thấy mình xa lạ với một Thiên Chúa quá cao xa thì các thánh tích đem lại một dây liên kết giữa cái trần tục và cái thánh thiêng.
Thánh tích còn được dùng để phòng tránh mọi thứ bệnh tật thể lý, tâm thần và thể chất. Có rất nhiều tường thuật về phép lạ được thực hiện vì lòng sùng kính các thánh tích.
Những thay đổi trong thế giới cuối thời kỳ Trung Cổ (1100-1400) đã tác động xấu vào ảnh hưởng mà các thánh tích đã có trong việc sùng kính tư nhân và trong đời sống công cộng. Một số những thay đổi đó là:
a) Những sự phát triển trong cơ cấu chính trị và kinh tế mở rộng ra bên ngoài các tu viện nơi lưu giữ thánh tích.
b) Với sự phát triển của thông tin và của việc đi lại, thêm nhiều thánh tích được tôn vinh.
c) Cuộc thập tự chinh tạo ra một sự thừa thãi trên thị trường thánh tích, điều này làm suy giảm tầm quan trọng tương đối của các thánh tích.
d) Có sự gia tăng lòng sùng kính Đức Giêsu, đặc biệt trong Thánh Thể.
Cuộc Tranh Luận về Thánh tích
Qua các thời đại, người ta đã nói và viết về giá trị của việc tôn kính các thánh tích. Cũng có những người gây náo động chống lại việc thực hành lòng tôn kính thánh tích. Ở phương Đông vào thế kỷ thứ IV, Basiliô và Gioan Chrysotome tán thành việc thực hành này. Các ngài cho rằng thánh tích dùng để kích thích niềm tin vào cuộc sống. Cũng khoảng thời gian đó ở phương Tây, Augustinô và Ambrôsiô cũng tán thành việc tôn kính các thánh tích với những lý do tương tự.
Giáo quyền qua các thời đại đã công bố chính thức về các thánh tích. Năm 343, Công đồng ở Tiểu Á đã ra vạ tuyệt thông những người coi thường việc tôn kính các thánh tích. Công Đồng Carthage năm 401, khuyến cáo triệt hạ những nhà thờ không tôn kính thánh tích.
Mặt khác không phải lúc nào việc tôn kính các thánh tích cũng được mọi người tán thưởng. Thánh Bênađô ở Clairvaux phản đối việc tôn kính thánh tích, ông nói rằng khi đặt thánh tích lên bàn thờ, người ta làm giảm giá trị của việc thờ phượng Đức Kitô. Công Đồng thứ II ở Lyon (1274) cấm tôn kính thánh tích nào mà không được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn. Những người khởi xướng cải cách Tin Lành vạch ra những lạm dụng thánh tích, cho rằng lòng sùng kính đặt sai khi tập trung vào những vật vô tri. Những người cải cách Tin Lành còn vạch trần những vụ mua bán và thu lợi nhuận quá mức qua việc bán các bộ phận của thân thể.
Với những cuộc bút chiến xoay quanh các thánh tích trong thời kỳ Phục Hưng, giáo hội biết rằng một vài lạm dụng không thể tránh khỏi. Hậu quả là học thuyết về thánh tích được bảo vệ nhiều hơn là việc thực hành. Ngày nay cũng thế có một vấn đề liên quan đến việc bán các thánh tích loại ba như những khăn tay chỉ được chạm vào thánh tích thôi, những người bán cũng biến thành thánh tích. Liệu những mẫu vật ấy có phải là những vật đích thật được tôn kính hay không?
Nhiều văn phòng khác nhau của giáo triều Rôma mất nhiều năm để giải quyết vấn đề thánh tích. Năm 1588, Hội Đồng Giáo Hoàng về Nghi Lễ có quyền hạn đặc biệt về thánh tích. Đến năm 1699, Hội Đồng Giáo Hoàng về Ân Xá và Thánh Tích đảm nhận trách nhiệm về thánh tích. Văn phòng này đã ngưng hoạt động từ năm 1904. Ngày nay Giáo Luật soạn thảo pháp chế về thánh tích.
Biện Minh Thần Học
Năm 1917, Bộ Giáo Luật có tám sắc lệnh dài nói về thánh tích. Có mục nói rằng, “Không có một thánh tích đặc miễn nào được trưng bày ngoài những di tích đã được Tòa Thánh công nhận” Một mục khác nói rằng khi một giám mục qua đời thì thánh tích đặt trong cây thánh giá đeo trên ngực vị Giám Mục đó, nếu đó là gỗ của cây thập giá thì phải trao lại cho vị Giám Mục kế vị, vì thánh tích lấy từ cây thập giá thật còn rất ít và rất hiếm.
Giáo Luật hiện hành ấn hành năm 1983 chỉ có hai mục liên quan đến thánh tích. Một mục nói về việc cấm bán các thánh tích. Mục kia nói rằng bàn thờ cố định phải có thánh tích.
Ngoài ra không giống như những Công đồng trước đây của Giáo Hội phải giải quyết thánh tích như một vấn đề gai góc, tài liệu của Công Đồng Vatican II chỉ có một câu đề cập trực tiếp đến thánh tích như sau: “Theo truyền thống, các thánh được tôn kính trong nhà thờ và thánh tích đích thực cùng các hình ảnh của các ngài được tôn kính”. Không có sự soi sáng thần học nào mới được đưa ra. Thay vào đó là lời kêu gọi trở về truyền thống.
Bốn biện minh thần học chính về việc tôn kính thánh tích vẫn được duy trì qua bao thời: 1) Thân thể các thánh là những đền thờ của Chúa Thánh Thần, và như thế được dành cho sự sống lại sau hết; 2) Các thánh là những chi thể của Đức Kitô và có thể cầu thay nguyện giúp cho chúng ta; 3) Thực hành lòng tôn kính thánh tích thỏa mãn bản năng chung mà con người phải có đối với những kỷ niệm cụ thể hữu hình của những người được họ yêu mến, và 4) Các vị tử đạo hay các thánh dù nam hay nữ đều mô phỏng đời sống họ theo gương Đức Kitô, cùng chia sẻ cuộc khổ nạn và sống lại của Người – như thế tham dự vào sứ mạng cứu độ thế giới của Người. Lòng sùng kính thánh tích có thể nuôi dưỡng trong các tín hữu ước muốn bắt chước đời sống đức Giêsu và “làm trọn trong thân xác họ… điều còn thiếu trong cuộc thương khó của Đức Kitô…” (Cl 1:24).
Giá Trị của Thánh Tích Hôm Nay
Thiết tưởng bốn lý do kể trên có lẽ là lý chứng hữu hiệu nhất trong việc đánh giá lại giá trị của các thánh tích như những biểu tượng phụng vụ trong Giáo Hội hôm nay. Rõ ràng điểm nhấn mạnh phải là Đức Kitô, và trung tâm của mầu nhiệm cứu chuộc là cái chết và sự sống lại của Người. Quả thật, nếu chỉ dựa vào công nghiệp của riêng các ngài thì xương các thánh không có giá trị gì. Chúng chỉ có giá trị vì làm chứng cho đức tin của Giáo Hội rằng Đức Kitô tiếp tục việc cứu độ, đau khổ, chết và sống lại trong đời sống của dân Thiên Chúa qua bao thế kỷ. Được sử dụng như thế trong phụng vụ – ví dụ như những mảnh của cây thánh giá thật trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh hay thánh tích đích thực loại một đặt trên bàn thờ – các thánh tích có thể trở thành những biểu tượng mạnh mẽ cho sự hiện diện của Đức Kitô trong Giáo Hội.
Nhiều yếu tố thần học, triết học và giáo dục đã phối hợp để làm giảm bớt vai trò của thánh tích trong xã hội hiện đại. Ngày nay khi một người được coi là thánh thiện thì văn chương, các tài liệu và những hình thức tương tự được sử dụng để tôn kính đời sống người ấy. Không còn sự công bố tôn sùng một thân thể. Ở Tây bán cầu, trong thập kỷ này, Tổng Giám Mục Romero San Salvador đã chết cái chết của một vị tử đạo. Thân thể của ngài được giữ nguyên trong mộ. Đây đúng là một ví dụ liên quan đến một tử đạo hiện đại.
Có lẽ chúng ta sắp đến một thời kỳ mà quan điểm của chúng ta về thánh tích rất gần giống với những lời Chúa nói với Gertrude Cả, bà xin có được một vài thánh tích từ gỗ thánh giá. Đức Giêsu đáp lại bà:
“Nếu con ao ước có vài thánh tích để kéo trái tim của Thầy về trái tim con thì hãy đọc cuộc khổ nạn của Thầy và suy gẫm kỹ mỗi chữ có trong đó, và đối với con, đó sẽ thật sự là thánh tích đáng cho con được nhiều ân sủng hơn bất cứ thứ nào khác… Vậy con hãy biết và tin chắc rằng những lời mà Thầy đã nói khi còn ở thế gian là những thánh tích quý báu nhất mà con có thể có.”
Chúng ta tự lừa dối mình khi cảm thấy rằng ngày nay chúng ta đã quá tiến bộ và hiện đại đến nỗi không cần tìm cách diễn tả những dấu chỉ niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô trong thế giới vật chất này.
Không có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi liệu việc sùng kính thánh tích đã lỗi thời chưa. Chúng ta không cần than van nuối tiếc sự suy giảm của việc tôn kính thánh tích. Tốt hơn nên khuyến khích cách diễn tả ngây thơ nơi nào lòng tôn sùng như thế đang được thực hành. Dù sao chúng ta cũng luôn hy vọng rằng lòng sùng kính phải được nâng lên bình diện mà chính Đức Kitô đã khẳng định với Thánh Gertruđê: cuộc khổ nạn và sống lại của Người phải ngày càng trở thành trọng tâm của đời sống chúng ta.
“Vậy con phải tin chắc rằng những lời mà Thầy đã nói khi còn ở thế gian là những thánh tích quý báu nhất mà con có thể có.”
Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS