Bây giờ là một buổi sáng Chúa Nhật. Đường phố thật sự vắng vẻ với ít người đi dạo thong thả so với cảnh chen lấn hối hả của những ngày trong tuần. Một ít người đến với Thánh Thể phần đông là dân thường, đàn ông, đàn bà và trẻ con, có rất ít thanh niên. Họ cùng nhau đi vào một ngôi nhà thờ đơn sơ, rất khiêm tốn so với những tòa nhà hiện đại dùng vào việc thương mại hoặc kinh doanh. Người ta thinh lặng, rồi cầu nguyện, đọc Sách Thánh, rồi lại cầu nguyện, dâng bánh và rượu, chúc bình an và hiệp lễ. Đó không phải là một bữa ăn thịnh soạn, nó giống với những vụn bánh của Lazarô hơn là yến tiệc của ông phú hộ (Lc 16:19-21).
Đối với một người ngoài cuộc, một người không chia sẻ cùng đức tin, thì một nhóm nhỏ quy tụ không làm họ chú ý nhiều. Đó chính là điều tín hữu làm như ngày xưa, không liên quan gì đến đời sống hiện đại, và chắc hẳn không có gì thay đổi thế giới này. Đó là điều vượt qua sự tưởng tượng, ngoại trừ đối với một người tin.
Nhưng đối với những Kitô hữu tụ họp để cử hành Thánh Thể, thì cộng đoàn ngày Chúa nhật tuy khiêm tốn nhưng là một tuyên xưng và góp phần thay đổi thế giới. Thánh Thể là bí tích vương quốc Thiên Chúa. Cộng đoàn và Thánh Thể là hạt cải nhỏ xíu và men giấu kín trong Nước Thiên Chúa (Mt 13:31-31), tuy vô hình đối với mắt phàm nhân, nhưng đã ở giữa chúng ta (Lc 17:20-21) như mầu nhiệm Nước Trời dần dần được tỏ lộ, công bố những ơn lành của vương quốc Thiên Chúa sẽ đến.
Đây là một buổi sáng Chúa nhật, ngày đầu tiên trong tuần. Đối với người có đức tin, đây là ngày đầu tiên của việc tạo dựng mới. Những người đã quy tụ là những người tin tưởng, yêu thương và hy vọng, lắng nghe Lời Chúa, được Lời đào luyện và đáp lại Lời bằng việc cầu nguyện. Họ đã đến để dâng hoa màu của đất và lao công của bàn tay con người lên cho Chúa Cha của mọi ơn lành và ân sủng. Họ làm điều đó để tưởng nhớ Đức Kitô, liên kết với việc hiến tế của Người vì sự sống của thế giới. Họ đã đến để chia sẻ bí tích Nước Trời ở bàn tiệc của Chúa. Khi đến cử hành, họ có thể buồn rầu, lo lắng, chia rẽ nhau và không mục đích, nhưng khi ra về họ cảm thấy vui mừng, bình an, nên một với nhau và với ý nghĩa của việc truyền giáo.
Dĩ nhiên Thánh Thể là bí tích làm biến đổi thế giới. Giống như cái chết và sự sống lại của Đức Kitô mà Thánh Thể tưởng niệm, công bố và làm biến đổi mỗi vương quốc trần gian thành một thành phần trong Vương Quốc của Thiên Chúa, ở đó ai buồn sầu sẽ được an ủi, và ai đói khát điều công chính sẽ được mãn nguyện (Mt 5:3-6).
Tự thân, Thánh Thể hoàn toàn có thể đem lại sự biến đổi như thế, nhưng để trở thành hiện thực, điều ấy còn phải lệ thuộc vào những người cử hành Thánh Thể nếu họ muốn làm một dấu chỉ của bí tích ấy. Thánh Thể phải là ex opere operato [hiệu quả do sự việc], điều này không miễn trừ trách nhiệm những môn đệ của Đức Kitô. Ex opere operato không có nghĩa là “tự động”.
Như một bí tích, Thánh Thể vừa là một thực tại con người vừa là một thực tại Thiên Chúa. Giống như Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, Thánh Thể trọn vẹn là người và trọn vẹn là Thiên Chúa. Những cử chỉ đón tiếp ân cần dưới dấu chỉ đơn sơ của bánh và rượu, cộng đoàn tụ họp để ăn và uống trong sự tưởng nhớ Đức Kitô, chia sẻ sự bình an, dĩ nhiên mỗi phần của việc cử hành đều biểu lộ vương quốc của Thiên Chúa và đem vương quốc đó vào thế giới chung quanh chúng ta.
Chúng ta là các Kitô hữu, những con người từ những hoàn cảnh và lối sống khác nhau. Trong chúng ta có người nghèo, có người giàu. Nhưng tất cả chúng ta đều đã chấp nhận lời kêu gọi của Đức Kitô để đi theo Người. Chúng ta có trách nhiệm giải phóng quyền năng Thánh Thể để biến đổi thế giới, làm cho bí tích Thánh Thể thật sự hữu hình. Để được như thế, chúng ta phải nhận biết những khía cạnh khác nhau và những thách đố có tính ngôn sứ của Thánh Thể. Trong giáo lý về Thánh Thể, chúng ta phải làm cho giáo dân nhận ra tiềm năng đặc biệt của Thánh Thể, giúp họ nhận ra điều mà họ cử hành mỗi ngày Chúa Nhật. Vì thế chúng ta sẽ trở lại với Thánh Phaolô và với thư gởi tín hữu Côrintô, ở đó lòng tràn đầy xúc cảm, Phaolô nói về cộng đoàn Kitô hữu đối với bữa ăn của Chúa và nó bao hàm điều gì làm biến đổi thế giới (1 Cr 11:17-34).
Sự Quy Tụ thành Giáo Hội
Trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô, có một cách diễn tả nhỏ, ít được các nhà chú giải lưu ý. Chúng ta tìm thấy nó trong đoạn Phaolô nói với tín hữu Côrintô rằng cộng đoàn của họ làm điều xấu nhiều hơn điều tốt: “Trước tiên tôi nghe nói rằng khi hội họp như một Giáo Hội anh em lại chia rẽ nhau” (11:18).
“Khi hội họp như một Giáo Hội”, chẳng lẽ không đầy đủ khi nói rằng: “khi hội họp” sao? Tại sao Phaolô còn thêm vào cụm từ “như một giáo hội”? Nhiều người không để ý đến cách diễn tả này khi vội vàng đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề, trong đó Phaolô đã đưa ra:
1) Tên gọi lâu đời nhất mà chúng ta có về Thánh Thể, “Bữa ăn của Chúa” (11:20),
2) Bản văn phụng vụ lâu đời nhất được thừa nhận đối với Thánh Thể: “trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, tạ ơn, rồi bẻ ra và nói, ‘Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em…’(11:23-25) và
3) Tổng hợp lâu đời nhất mà chúng ta có về ý nghĩa thần học của Thánh Thể: “mỗi lần ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho đến khi Người lại đến” (11:26).
Với sự phong phú như thế của truyền thống Tin Mừng, một cách diễn tả dẫn nhập đơn sơ như “Khi anh em hội họp như một Giáo Hội,” dễ khiến người ta không chú ý đến. Trong nhiệt tình của chúng ta muốn tìm hiểu điều gì là thật sự quan trọng, chúng ta bỏ qua một yếu tố rất nền tảng trong thần học của Phaolô về Thánh Thể. Có lẽ cách diễn tả “hội họp như một Giáo Hội” –trong tiếng Hy Lạp sunerchomenon humon ekklesia – xem ra là một điệp ngữ để lôi kéo sự chú ý của chúng ta, một cách dùng từ hoa mỹ hùng biện nhưng không có một ý nghĩa thần học nào cả.
Thật đáng tiếc điều ấy phải được mở rộng. Cách diễn tả “hội họp như một Giáo Hội” làm nổi bật tương quan nền tảng giữa Thánh Thể và đời sống của Giáo Hội. Dĩ nhiên Thánh Thể làm nên Giáo Hội, nhưng trước hết Giáo Hội làm nên Thánh Thể. Không có cộng đoàn các Kitô hữu như một Giáo Hội, cũng không có Thánh Thể.
Những người hội họp như một Giáo Hội làm như thế trên nền tảng duy nhất là họ là những Kitô hữu. Mọi quan điểm khác đều không thích hợp. Đoàn thể của họ vượt lên và phải vượt lên mọi phân biệt về chủng tộc, sắc dân, quốc tịch, giai cấp, nghề nghiệp, tuổi tác và giới tính. Hội họp như một Giáo Hội là cho thấy tính phổ quát của Giáo Hội. Một trong những bản văn cao cả của Phaolô có liên quan cần được kể ra, là thư Galát: “Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Quả vậy, bất cứ ai trong anh em chịu phép rửa trong Đức Kitô đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do-Thái hay Hy-Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em đều nên một trong Đức Kitô Giêsu” (Gl 3:26-28).
Hội họp như một Giáo Hội là trái ngược với việc hội họp trong sự chia rẽ và bè phái (schismata và haireseis, 11:18-19). Hội họp như một Giáo Hội là lý do khiến các Kitô hữu hội họp tại một nơi (epi to auto) thay vì trong nhà riêng của mình để ăn và uống (11:22). Khi các Kitô hữu quy tụ trong nhà họ, họ hành động như một gia đình với bạn bè, láng giềng và đồng nghiệp (xem Lc 14:12). Điều này không có nghĩa đoàn thể ấy không phải là các Kitô hữu, nhưng không giống như việc hội họp như một Giáo Hội, cùng được Thiên Chúa kêu gọi. Khi các Kitô hữu hội họp như một Giáo Hội thì cộng đoàn của họ mở ra cho tất cả mọi người, kể cả người nước ngoài, người nghèo, người tàn tật, què quặt và đui mù của Tin Mừng (xem Lc 14:13).
Ngày nay có xu hướng đặt dấu bằng giữa “hội họp như một Giáo Hội” với hội họp trong tình bạn bè. Trong bối cảnh đó, người ta nói về tình bạn trong Thánh Kinh, ví dụ thế, và bữa ăn của bạn bè. Cách diễn tả như vừa nói có liên hệ giữa cao trào cá nhân chủ nghĩa của người Kitô hữu với việc đánh giá thấp hoặc không cần đến khái niệm và thực tại Giáo Hội.
Chúng ta tìm thấy những cách diễn tả đó được sử dụng đặc biệt trong các tín hữu Tin Lành nói tiếng Anh, bao gồm giáo phái Cơ Bản và Ngũ Tuần, nhưng họ cũng đã làm thấm nhập ngôn ngữ tôn giáo của họ vào nhiều giáo phái khác, kể cả Công Giáo. Ngày nay các nghiên cứu Thánh Kinh thường hay quy các bữa ăn trong Tin Mừng mà Đức Giê-su đã tham dự là những bữa ăn bạn bè, và cho rằng bữa ăn cuối là bữa ăn bạn bè mà Đức Giê-su dùng với các môn đệ.
Hiệp Thông [Koinonia] khác với Tính Chất Bạn Bè
Giáo Hội còn hơn cả việc hội họp bạn bè. Những người hội họp bạn bè hành động như những cá nhân muốn gặp gỡ những cá nhân khác vì họ có những điểm chung. Những người hội họp như một Giáo Hội cũng có điểm chung nhưng không phải điểm chung ấy làm họ gặp gỡ.
Nhưng người hội họp như một Giáo Hội gặp gỡ vì thật ra họ là một. Họ là những chi thể của một thân thể Đức Kitô, và họ muốn diễn tả, củng cố, phát triển và bày tỏ tính chất đơn nhất ấy. Họ cũng có chung những điều khác – giá trị, đạo đức, phong cách sống của họ, sự phục vụ mà họ đem đến – tất cả đều xuất phát từ tính đơn nhất ấy của họ trong Đức Kitô.
Trong Tân Ước, từ ngữ then chốt của tính đơn nhất ấy là koinonia [hiệp thông], và những người hội họp như một Giáo Hội được coi là koinonoi, những người nên một với Đức Kitô. Cộng đoàn của những koinonoi xuất hiện từ chính đời sống của các Kitô hữu. Dĩ nhiên việc họ trở thành những Kitô hữu là có chủ ý. Nhưng một khi họ trở thành những Kitô hữu, đương nhiên họ hội họp như một Giáo Hội. Không làm như thế là ăn và uống bánh ấy một cách bất xứng, và vì thế họ phải “trả lẽ về Mình và Máu của Chúa” (1 Cr 11:27).
Trong bàn tiệc bạn bè, có thể có nhiều tình bạn, thân tình và sự chan hòa, nhưng bàn tiệc bạn bè không giả định trước hoặc đem đến một sự biến đổi cá nhân nào cho những người quy tụ. Koinonia Thánh Thể thì có. Những người quy tụ như một Giáo Hội có thể nói như Phaolô nói về mình, “Tôi sống, không còn là tôi, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20).
Bàn tiệc bạn bè và Thánh Thể cũng buộc phải có hai quan điểm hoàn toàn khác nhau về ân sủng của phép rửa. Bàn tiệc bạn bè coi ân sủng của phép rửa như một hành động ban ơn của Thiên Chúa bảo vệ bản tính tội lỗi của con người, nhưng không đem lại hệ quả biến đổi nội tại. Koinonia coi ân sủng của phép rửa như một hành động ban ơn của Thiên Chúa biến đổi một con người tội lỗi thành một người con của Thiên Chúa. Để diễn tả điều đó, Tân Ước nói về sự tái sinh trong phép rửa (1Pr 1:3-5, 22-23) và được sinh ra từ thiên giới (Ga 3:3-7).
Con cái của Thiên Chúa được Người chúc phúc như các tổ phụ trong Cựu Ước. Mục đích ơn lành Thiên Chúa ban là để con người thi thố được hết mọi tiềm năng của mình từ lúc được sinh ra trong gia đình nhân loại và thành tựu Giao Ước của Thiên Chúa với dân Người. Được Thiên Chúa chúc phúc, con cái Thiên Chúa chúc tụng lại Người, cầu nguyện để Người tỏ mình ra là Chúa và là Thiên Chúa một cách trọn vẹn: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en, vì đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” (Lc 1:68). “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con lương thực mỗi ngày” (Lc 11:2-3).
Con cái Thiên Chúa, những người dự phần vào Giao Ước mới trong máu Chúa cũng được Người ban cho ân sủng. Mục đích của ân sủng Thiên Chúa không phải là làm cho tròn đầy tiềm năng con người của họ, nhưng là để họ nhận được một tiềm năng mới, từ lúc họ tái sinh trong gia đình Thiên Chúa là Giáo Hội. Được Thiên Chúa ban ơn, con cái Thiên Chúa cảm tạ Người, cầu nguyện để Người không ngừng biến đổi họ. Lớn lên và trưởng thành như con cái Thiên Chúa qua việc hoán cải không ngừng hay metanoia chính là con đường ân sủng của Kitô giáo: “Vì Thiên chúa chúng ta đầy lòng trắc ẩn, cho vầng đông từ chốn cao vời thăm viếng chúng ta, soi sáng cho những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1:78-79).
“Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói, ‘Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”(Lc 22:19). Từ ngữ trong tiếng Hy Lạp chỉ ân sủng là charis, chỉ việc tạ ơn Thiên Chúa là eucharistia. Cảm tạ Thiên Chúa là đặc trưng đầu tiên và đầy đủ nhất của Kitô hữu, và là lời đáp trả đặc biệt đối với Thiên Chúa. Ân sủng [charis]là một lời mời gọi đến với Thánh Thể [eucharistia]. Thánh Thể là một lời đáp lại thích hợp với ân sủng.
Thánh Thể là bí tích của việc tạ ơn Thiên Chúa và Thánh Thể của Giáo Hội đáp lại ân sủng. Biến cố Thánh Thể là chuẩn mực của đời sống Kitô hữu. Tạ ơn và cử hành Thánh Thể là mở lòng mình ra nhiều hơn cho ân sủng của Thiên Chúa, và cho sự biến đổi mà Thánh Thể đem lại.
Những người được ân sủng tái sinh được biến đổi thành một dân tạ ơn Chúa, một dân Thánh Thể trong đó “không còn ai là người Do- Thái hay Hy- Lạp, nô lệ hay tự do, người nam hay người nữ” (Gl 3:28). Chúng ta có thể tiếp tục thêm vào, không còn người già hay người trẻ, người giàu hay người nghèo. Không còn sự khác nhau về giai cấp, chủng tộc, ngôn ngữ hay sắc dân. Tất cả những người đã nhận phép rửa trong Đức Kitô đều phải đảm nhiệm việc đồng nhất với Đức Kitô như con cái của Thiên Chúa (xem Gl 3:26-27). Bản chất của Giáo Hội là như thế vì Giáo Hội là thân thể của Đức Kitô mà mọi người phải thuộc về.
Khi các Kitô hữu hội họp như một Giáo Hội, mọi sự phân biệt đến từ những hoàn cảnh của họ nhằm chia rẽ họ sẽ bị gạt sang một bên. Đó là chương trình sống nền tảng và mỗi ngày của việc metanoia [hoán cải], trong đó chúng ta được mời gọi hãy chết với Đức Kitô và mai táng với Người để sống lại với Người (Rm 6:1-11). Đó là lý do một cộng đoàn nhỏ bé của dân thường tập họp như một Giáo Hội để cử hành Thánh Thể vào sáng ngày Chúa Nhật – cử hành một bí tích làm biến đổi thế giới. Nếu Thánh Thể có thể biến đổi một người đơn độc từng chút một để trở thành một người con trưởng thành của Thiên Chúa sống ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa “trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4:23) thì Thánh Thể có thể biến đổi cả thế giới.
Bữa Ăn của Chúa
Vì thế ở bàn tiệc Thánh (1 Cr 10:21), những người hội họp như Giáo Hội thực hiện bữa ăn của Chúa (1Cr 11:20). Họ là những khách mời đến bàn tiệc của Chúa, và Chúa Sống Lại là chủ nhân. Bữa tiệc của Chúa đòi hỏi họ làm chứng về những giá trị biểu lộ quyền Chủ Tể của Đức Giê-su. Sự biến đổi và sứ mạng của họ cũng bắt nguồn từ sự liên đới của họ với ngôi vị Đức Giêsu sống lại.
Những người hội họp như một Giáo Hội thừa nhận Đức Giêsu là Chúa của họ, và tuyên xưng Người là Chúa của mọi người. Họ quy tụ ở bàn tiệc của Chúa mọi người, họ chấp nhận chết với Đức Kitô trong mọi việc để bảo vệ anh chị em chân chính của họ trong gia đình Thiên Chúa tức Giáo Hội. Nhờ được biến đổi trong ân sủng của phép rửa, họ mở lòng mình nhiều hơn cho ân sủng biến đổi của Thánh Thể. Họ làm điều đó chính vì muốn đem đến cho mọi người Tin Mừng của ân sủng, để mọi người có thể nhận biết Đức Giêsu là Chúa của mọi người như là “Chúa chúng tôi”.
Trong bữa ăn của Chúa, họ chia sẻ ở bàn tiệc “trưởng tử sinh ra từ trong kẻ chết” (Cl 1:18; x. Kh 1:15), “trưởng tử giữa rất nhiều anh chị em” (Rm 8:29) và dĩ nhiên “trưởng tử của mọi tạo vật” (Cl 1:15).
Điều kỳ diệu là các Kitô hữu hội họp trong bữa ăn của Chúa có liên quan chặt chẽ đến “ngày đầu tiên trong tuần” (xem Lc 24:13; Cv 20:7), một cách diễn tả gợi lại những đường lối mở ra từ thời Sáng Thế khi Thiên Chúa tạo dựng trời đất và truyền cho ánh sáng hiện hữu. Đó là ngày thứ nhất. “Cũng vào ngày ấy”(Lc 24:13), “vào ngày đầu tiên trong tuần”(Lc 24:1), các Kitô hữu quy tụ lại để công bố việc Chúa sống lại, lắng nghe lời Người và nhận biết Người trong việc bẻ bánh (Lc 24:13-35). Trong Thánh Thể, các Kitô hữu liên kết với Đức Giê-su sống lại trong công trình Sáng Thế mới, trong đó mọi người, mọi sự sẽ đích thực trở nên một trong Đức Kitô. Mọi người được mời gọi tham gia vào việc tạo dựng mới vì có phần mình trong đó. Được sinh ra bởi A-đam và giống hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta đã cùng tạo dựng với Thiên Chúa. Được tái sinh trong Đức Kitô, chúng ta liên kết với Đức Kitô trong việc tái tạo thế giới.
Điều kỳ diệu nữa là các Kitô hữu tiên khởi nói về việc chia sẻ đời sống trong Đức Kitô, sự hiệp thông koinonia của họ như là một giao ước mới. Giao ước của cha ông họ, một công trình của ân sủng Thiên Chúa, đã quy tụ nhiều bộ tộc du mục trong sa mạc để làm cho họ thành một dân tộc, một dân riêng của Thiên Chúa. Giao ước mới trong Đức Kitô, một công trình của ân sủng Thiên Chúa, mời gọi mọi dân tộc trở thành dân Thiên Chúa. Trong Thánh Thể, mọi Kitô hữu dấn thân để đến với mọi người, kêu gọi họ sám hối, hoán cải, đến với sự biến đổi triệt để của metanoia, và tiếp đón những ai hối cải đến với họ trong giao ước mới của ân sủng.
Điều kỳ diệu nữa là các Kitô hữu tiên khởi thường quy Thánh Thể về vương quốc của Thiên Chúa (xem Mc 14:25; Mt 26:29; Lc 22:16-18). Đến ngồi vào bàn ăn là tất cả những người được mời và được đón tiếp, kể cả “người nghèo, tàn tật, què quặt, đui mù” cũng được dùng bữa trong vương quốc của Thiên Chúa (Lc 14:15). Là một bữa ăn trong vương quốc của Thiên Chúa, Thánh Thể giống như “nắm men mà người phụ nữ trộn vào ba đấu bột cho đến khi tất cả bột dậy men” (Mt 13:33). Nó giống như “một hạt cải … nhỏ nhất trong các loại hạt,” sẽ mọc lên thành “một cây to nhất, một bụi cây lớn, và chim trời đến và làm tổ trên các cành của nó” (Mt 13:31-32).
Trong cái nhìn đầu tiên, quả thật một cộng đoàn nhỏ quy tụ vào một sáng Chúa Nhật để cử hành Thánh Thể không gợi ra việc biến đổi thế giới. Nhưng đó chỉ là cái nhìn đầu tiên. Đối với những ai biết ý nghĩa của việc hội họp như một Giáo Hội, và trong thực tế làm như thế, thì cộng đoàn của họ dù rất khiêm tốn đang nói lên một cách hùng hồn việc biến đổi thế giới. Khi dẹp bỏ mọi bè phái và chia rẽ, theo như yêu sách của bữa ăn của Chúa, thì cộng đoàn sáng Chúa Nhật của họ quy tụ quanh bàn tiệc Thánh vừa là một dấu chỉ, vừa là sự thực hiện đầu tiên một bí tích làm biến đổi thế giới.
Nếu Thánh Thể có thể biến đổi một người đơn độc thì nó có thể biến đổi thế giới. Nếu Thánh Thể có thể biến đổi một cộng đoàn đơn độc, thì nó có thể biến đổi toàn thể nhân loại. Khi biến đổi những con người và những cộng đoàn như thế, Thánh Thể hội nhập họ vào bí tích Thánh Thể, và làm cho họ trở thành những dấu chỉ sống động, một biểu tượng, để kêu gọi người khác cũng biến đổi tương tự.
Thánh Thể đương nhiên là bí tích của việc biến đổi thế giới. Nhờ ơn Thiên Chúa, sứ mạng của chúng ta là công bố quyền năng và giải phóng sức mạnh cho sự biến đổi ấy.
Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS