Tên gọi lâu đời nhất mà chúng ta có về Thánh Thể là “bữa ăn tối của Chúa”. Chúng ta biết điều đó qua thư thứ nhất gởi các tín hữu Côrintô của Thánh Phaolô: “Khi anh em họp nhau thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế kẻ thì đói người lại say.”(1 Cr 11:20-21). Những thái độ và hành động ở Côrintô làm cho bữa ăn của Chúa thành một việc tầm thường.
Cách Phaolô nói về “bữa ăn tối của Chúa” cho chúng ta suy đoán rằng mọi người trong cộng đoàn đều biết tên gọi Thánh Thể và những yêu sách khi tham dự bữa tiệc này. Do đó tên gọi “bữa ăn tối của Chúa” phải được phổ biến trong một thời gian có lẽ từ thập niên 40 của thế kỷ đầu tiên, chỉ độ mười hay mười lăm năm sau cuộc khổ nạn và sống lại của Đức Giêsu. Dĩ nhiên, Thánh Thể phải lâu đời hơn thế, muốn tìm hiểu thêm, cần phải đi ngược lên những bữa ăn trong cộng đoàn các tông đồ khi biến cố khổ nạn và sống lại vẫn còn mới nguyên trong ký ức của họ.
Lúc Ban Đầu
Nguồn gốc của Thánh Thể không tách rời cuộc khổ nạn và sống lại của Đức Giêsu. Thánh Thể giả định rằng Đức Giêsu đã ban sự sống của Người cho các môn đệ, cho đám đông đến nghe Người giảng dạy, cho cả những người tìm bắt và đưa Người vào chỗ chết. Là Con Người, một con người cụ thể, Đức Giêsu trao ban sự sống mình cho mọi người, không loại trừ ai.
Từ quan điểm ấy về Thánh Thể, điều làm cho cuộc khổ nạn của Đức Giêsu có ý nghĩa, không chỉ là việc Người đã chịu đau khổ và chịu chết, nhưng là việc Người đã đau khổ vì người khác, và trao ban mạng sống mình để cho người khác được sống. Thánh Thể giả định Đức Giêsu đã đau khổ và chết với cùng một Thần Khí đã thúc đẩy Người trong tác vụ suốt cả cuộc đời Người. Đức Giêsu đã chết như Người đã sống. Khi hiến ban mạng sống mình, Đức Giêsu làm tuôn đổ tình yêu Thiên Chúa cho toàn nhân loại. Như Gioan đã viết, Đức Giêsu ban mạng sống Người “để họ được nên một, như lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17:21).
Từ lúc ban đầu Thánh Thể cũng giả định Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu trỗi dậy trong đời sống mới, và Người cũng đã hiện ra cho các môn đệ ngay sau khi sống lại, trong khi họ còn bị xúc động mạnh vì cái chết của Người nhưng vẫn còn tụ họp lại, chưa phân tán mỗi người mỗi ngả. Cũng như trong cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu, việc Người sống lại là một biến cố cứu độ ban sự sống, thì việc Người hiện ra như Chúa sống lại là một biến cố làm biến đổi.
Thánh Thể giả định Đức Giêsu trao ban mạng sống Người trong khổ nạn-sống lại. Những biến cố ban đầu này trùng khớp với kinh nghiệm Người tiếp tục dâng mạng sống Người như Chúa sống lại. Thánh Thể không tách rời với cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu, và cũng không tách rời với những lần hiện ra đâu tiên cùng các môn đệ. Chính vì Đức Kitô đã đau khổ, chết và sống lại mà Đức Giêsu hiện diện trong Thánh Thể. Đó cũng là Chúa sống lại.
Ophthe, “Người Tỏ Mình Ra”
Từ ngữ lâu đời nhất mà chúng ta có về việc Đức Giêsu hiện ra cho các môn đệ sau khi sống lại là ophthe, một hình thức thụ động bất định của động từ Hy Lạp, “thấy” (horao). Ophthe thường được dịch là “Người đã hiện ra”, nhưng dịch cách chính xác hơn tuy hơi khó nghe là “Người tỏ mình ra.” Lối dịch này có cái hay là trong cách diễn tả lòng vòng “Người tỏ mình ra” đã truyền đạt được hành động Đức Kitô xuất hiện, rồi hành động “nhận ra” của những ai “trông thấy” Người, và tác động của việc hiện ra làm biến đổi các môn đệ. Ở đây việc “tỏ mình ra” còn hơn cả việc “hiện ra” được thấy bằng mắt.
Các Kitô hữu đã sớm chấp nhận từ ngữ ấy để nói về việc Đức Kitô hiện ra cho các môn đệ. Ophthe là từ ngữ được dùng theo nghĩa mà các Kitô hữu cổ xưa nhất đã có thể tạo ra: “Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người được mai táng, và ngày thứ ba Người đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh; Người đã hiện ra (ophthe) với ông Kêpha rồi với nhóm Mười Hai” (1Cr 15:3b-5).
Thánh Thể bắt đầu ở Giêrusalem trong một lần Đức Giêsu hiện ra, không lâu sau khi Người sống lại, khi các môn đệ họp lại để dùng bữa. Như Luca đã cho thấy, cộng đoàn các môn đệ vẫn sống chung và chuyên tâm cầu nguyện (Cv 1:13-14) sau cái chết thập giá của Đức Giêsu (Lc 24:33). Đức Giêsu đã dạy họ phải cầu nguyện như thế nào, và họ đã có gương sáng về việc cầu nguyện riêng của Đức Giêsu (x. Lc 11:2b-4; Mt 6:9-13). Khó tưởng tượng được điều gì khác ngoài việc cầu nguyện, có thể giữ họ sống chung với nhau.
Những Lần Hiện Ra Đầu Tiên của Chúa Phục Sinh
Lần hiện ra đầu tiên là với ông Simon. Biến cố đó được cộng đoàn thuật lại khi họ đón chào hai môn đệ từ Emmaus trở về: “Chúa sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon !” (Lc 24:34). Lần hiện ra đầu tiên này có trong niềm tin mà Phaolô kể lại cho các tín hữu Côrintô: “Người đã hiện ra (ophthe) cho Kêpha và nhóm Mười Hai” (1 Cr 15:5), cho các tông đồ thủ lãnh là những nền tảng của giáo hội.
Tân Ước cũng nói về một số lần hiện ra trong bối cảnh một bữa ăn với các môn đệ và toàn thể cộng đoàn (Lc 24:13-35, 36-49; Ga 21:1-14). Sách Công Vụ (Cv 1:4) cũng nói đến những lần hiện ra của Đức Giêsu khi “cùng ăn chung” (sunalizomai) với các tông đồ (động từ sunalizomai, nghĩa đen là có muối (alas) chung (sun), nghĩa là “cùng đến để ăn”). Chính trong những lần Đức Giêsu hiện ra như thế với các môn đệ, và họ nhận ra Người ở giữa họ, mà Thánh Thể đã bắt đầu.
Những lúc khởi đầu của Thánh Thể vừa mang tính đơn sơ vừa làm kinh hoàng. Thánh Thể có tính cách đơn sơ vì cộng đoàn các môn đệ là những người bình thường, nam cũng như nữ, họp nhau lại để dùng một bữa ăn bình thường. Thánh Thể cũng làm kinh hoàng vì sự hiện ra và hiện diện ngôi vị của Đức Kitô đã làm biến đổi cộng đoàn các môn đệ thành một dân mới để cùng chia sẻ sự sống lại của Đức Kitô, đồng thời biến đổi bữa ăn của họ thành điều mà sau cùng chúng ta gọi là “bữa ăn của Chúa”. Những bữa ăn Thánh Thể sớm nhất đó chắc chắn là để tưởng nhớ Đức Giêsu, nhưng không có những hình thức hay công thức được chuẩn hóa mà sau này không thể tách khỏi “bữa ăn của Chúa” trong Giáo Hội.
Lúc ban đầu các bữa ăn Thánh Thể không có gì là vui tươi lễ lạc. Vì vẫn còn liên kết với biến cố khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu, các môn đệ đã không dự kiến việc Đức Giêsu xuất hiện trong bữa ăn của họ. Thực đơn cho những bữa ăn đầu tiên đó sau cái chết của Đức Kitô chắn hẳn phải rất đơn giản, thay đổi tùy theo lương thực có thể kiếm dễ dàng nhất. Tuy nhiên một món ăn luôn luôn phải có trong mỗi bữa ăn là bánh, đó là món ăn căn bản không chỉ đối với người Do Thái ở Palestine mà còn đối với toàn bộ vùng Địa Trung Hải. Bánh là món ăn căn bản đến nỗi người ta thường nói việc dùng bữa là “ăn bánh”. Bánh là yếu tố chính để nuôi dưỡng. Bánh được nhúng vào nước chấm (Mc 14:20) và dùng với thức ăn khác như cá (Ga 6:9), ba ổ bánh mỏng đủ cho người lớn trong một bữa ăn no (Lc 11:5-6).
Điều phân biệt bữa ăn Thánh Thể tiên khởi là việc chia sẻ của các môn đệ, những người được Đức Giêsu kêu gọi lại và đào tạo trong suốt thời gian Người thi hành sứ vụ của mình. Các môn đệ cũng đã có chung một lịch sử với nhau và với Đức Giêsu, và lịch sử này phải ảnh hưởng cách họ tiếp tục dùng bữa chung với nhau. Sách Công Vụ mô tả cộng đoàn ấy gồm có nhóm Mười Hai, “cùng với một vài phụ nữ, Đức Maria mẹ của Chúa Giêsu và các anh em Người” (Cv 1:14). Trong số các phụ nữ có Maria Madalena và những phụ nữ khác đã cùng đi với bà ra mộ (Lc 24:10).
Những môn đệ này đã chia sẻ chung một số phận. Việc hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh đem họ lại gần với nhau hơn bao giờ hết, mời gọi họ nhớ lại những ngày tháng sống với Đức Giêsu Nazareth, và nhìn ngắm đời sống mà Đức Giêsu đã sống với họ dưới một ánh sáng hoàn toàn mới mẻ. Một cách nào đó họ vẫn là cộng đoàn mà Đức Giêsu đã kêu gọi, đào tạo và liên kết với sứ vụ của Người. Nhưng đồng thời họ cũng là một cộng đoàn mới được biến đổi nhờ biến cố khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô.
Những lần hiện ra của Đức Giêsu rất mầu nhiệm, vậy làm thế nào để bắt đầu mô tả sự hiện ra của Thiên Chúa được? Tuy nhiên đối với Chúa Phục Sinh, các Kitô hữu tiên khởi đã có một hình ảnh hết sức tinh tế để dựa vào đó mà mô tả. Đó là hình ảnh Đức Giêsu lịch sử suốt những năm tháng Người sống với họ.
Đức Giêsu là bí tích con người của Thiên Chúa trong lịch sử. Đối với Giáo Hội tiên khởi, Đức Giêsu cũng có thể là bí tích lịch sử của Chúa Phục Sinh ở giữa họ. Với việc cầu nguyện của Chúa Phục Sinh, họ đã có hình ảnh Đức Giêsu cầu nguyện (x. Lc 11:1). Với sự hiện diện của Chúa Phục Sinh với họ trong bữa ăn, họ đã có hình ảnh của Chúa Giêsu tại bàn ăn với họ trong suốt thời gian tác vụ của Người (Tin Mừng Luca có mười câu chuyện Đức Giêsu dùng bữa với các môn đệ và những người khác: 5:27-39; 7:36-50; 9:10-17; 10:38-42; 11:37-54; 14:1-24; 19:1-10; 22:14-38; 24:13-35, 36-53). Trong tất cả những bữa ăn, Đức Giêsu đều chia sẻ với họ, đáng nhớ nhất là bữa ăn mới đây, bữa ăn mà Đức Giêsu chia sẻ với họ trong đêm Người bị nộp. Bữa Tiệc Ly đã cho họ những hình ảnh cần thiết để diễn tả những ngụ ý sâu xa nhất trong những bữa ăn của họ với Đức Kitô khi Người sống lại.
Các Kitô hữu tiên khởi nói về những bữa ăn sau Phục Sinh với Đức Giêsu thường quy chiếu về bữa Tiệc Ly. Nếu không có sự phân ly giữa phục sinh và khổ nạn thì cũng không có phân ly giữa bữa ăn của Chúa với Bữa Tiệc Ly. Họ đã coi bữa ăn của Chúa với bữa Tiệc Ly là một. Không ngạc nhiên khi các Kitô hữu chẳng bao lâu đã trình bày bữa ăn của Chúa như sự thể hiện trong hiện tại Bữa Tiệc Ly, như chúng ta đã thấy trong truyền thống Phaolô truyền lại cho các tín hữu Côrintô: “Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy’” (1 Cr 11:23-25). Đây là cách cử hành việc tưởng nhớ khổ nạn và sống lại của Đức Giêsu, trong khi liên kết bữa ăn sau cùng của Đức Giêsu lịch sử với bữa ăn đầu tiên cũa Đức Giêsu Phục Sinh. Và đây là cách câu chuyện đó được kể lại trong các sách Tin Mừng.
Bánh của Chúng Ta, Bữa Ăn của Chúng Ta
Vì bánh là món rất căn bản trong một bữa ăn, và từ “bánh” thường dùng chỉ toàn bộ bữa ăn, cho nên ăn bánh với nhau là cùng dùng bữa chung với nhau. Một bữa ăn không dùng “một mình một cỗ”, nhưng là với những người khác, như một gia đình hay cộng đoàn. Từ “bánh” rõ ràng gợi lên hình ảnh một gia đình hay một cộng đoàn, người ta quy tụ lại để chia sẻ bữa ăn hơn là để chia sẻ lương thực. Nếu thế thì chắc hẳn cách thông thường và đơn giản nhất mà các Kitô hữu nói đến việc dùng chung bữa tiệc Thánh Thể là nói về “bánh của chúng tôi”tức là “bữa ăn của chúng tôi”.
Cách diễn tả ấy cho thấy rằng có một cái gì đặc biệt về “bánh” hay “bữa ăn” của họ, một cái gì nêu rõ đặc tính và phân biệt nó với các bữa ăn hay bánh mà người khác dùng, một cái gì đó làm nó khác với những bữa ăn mà chính họ ăn bên ngoài cộng đoàn. Chỉ những người tham dự bữa ăn của họ mới có thể biết được điều đặc biệt đó là cái gì, và hãy để một mình họ biết giá trị của bữa ăn ấy. Đó không phải là một điều có thể mô tả dễ dàng cho những người không bao giờ có kinh nghiệm về bữa ăn đó.
Trên hết, điều phân biệt “bánh của chúng tôi” là sự hiện diện và kinh nghiệm về Chúa Phục Sinh ở giữa họ đem lại cho những người đang sống trong đau khổ ưu phiền được tràn trề niềm vui mà họ chưa từng được biết. Luca cho chúng ta một ý niệm về niềm vui ấy qua những lời của hai môn đệ Emmaus khi họ nhận ra Chúa Phục Sinh: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24:32). Cũng có cảm giác của những người tham dự khi thuộc về một cộng đoàn có một lịch sử chung trong sứ vụ của Đức Giêsu, trong những biến cố khổ nạn sống lại và trong những tường thuật tiên khởi về việc Chúa hiện ra với Simon. Mỗi bữa ăn của họ với Chúa Phục Sinh viết thêm vào lịch sử chung ấy.
Khi những thành viên mới trở thành chi thể của cộng đoàn, những thành viên cũ chia sẻ câu chuyện của cộng đoàn với họ, làm cho họ trở thành một phần của “chúng tôi” trong “bánh của chúng tôi”. Những người đã cảm nghiệm “bánh của chúng tôi” biết bánh ấy đặc biệt như thế nào và biết thành ngữ ấy có nghĩa gì. Những người không phải là chi thể của cộng đoàn và không có cảm nghiệm “bánh của chúng tôi” là gì thì không có một ý niệm gì về việc ấy. Không một sự phỏng đoán nào có thể giúp họ được. Vì đối với những người ngoài cuộc, sự liên kết giữa “bánh của chúng tôi” với việc “tỏ mình ra”(ophthe) mà Thiên Chúa thể hiện trong Cựu Ước là một điều vô lý, không thể hiểu được.
Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS