CẦN ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN
Nietzsche, một triết gia thế kỷ 19, đã cố gắng diễn tả tính khí thời đại ông trong lời xác nhận: “Thiên Chúa đã chết”, qua đó ông muốn nói rằng vào thời ông con người đã đánh mất đức tin của mình; đồng thời ông cũng phóng một tầm nhìn tiên tri về tương lai và dự báo thế kỷ 20 sẽ là một thế kỷ đầy chiến tranh và cách mạng. Hai xách nhận trên đây của Nietzsche liên kết với nhau nhờ vào một lập luận còn sâu sắc hơn sự khám phá ra triết lý về “siêu nhân” đó là một khi không còn yêu Chúa nữa thì còn lâu con người mới yêu được đồng loại của mình và rồi họ sẽ phải gặp khó khăn cực kỳ trong nỗ lực yêu mến người láng giềng đặc biệt mà hiện đã trở thành kẻ thù của họ.
Thực thế, thế kỷ này là thế kỷ dẫy đầy các cuộc cách mạng. Tuy nhiên ở đây chẳng cần phải đi sâu vào lịch sử các cuộc cách mạng mang tính cách hoàn toàn kinh tế và chính trị; bởi vì chúng ta luôn luôn có khả năng biến thời đại của mình thành thời đại của các cuộc cách mạng quang vinh, cách mạng chính bản thân chúng ta. Một cuộc cách mạng sẽ hình thành bất cứ khi nào một tâm hồn biết truất phế cái bản ngã chỉ đạo nó và đồng thời biết khuất phục cái bản ngã ấy theo nguyên tắc của tình yêu. Một cuộc cách mạng sẽ bùng nổ bất cứ khi nào lòng khiêm tốn thay thế tính kiêu căng nơi chúng ta, khi nào mà chúng ta từ bỏ lòng ham hố cuồng loạn muốn thành công, muốn được tiếng.
Chúa chúng ta đã để lại một kiểu mẫu của loại người biết cách mạng chính mình: ngay đêm trước khi chết để cứu chuộc trần gian, Ngài đã quì gối trước các môn đệ của mình như thể Ngài thấp hèn hơn tất cả bọn họ. Trước đây trong cuộc đời giảng huấn của mình, Ngài vẫn thường bảo họ chớ tìm chỗ nhất nơi bàn tiệc cũng đừng ham được mọi người biết đến. Khi nghe các tông đồ tranh luận với nhau xem ai trong họ là kẻ vĩ đại nhất, Chúa liều kêu gọi họ thực hiện cuộc cách mạng về cách định giá trị của họ. Ngài bảo: “Vua chúa các dân ngoại cai trị dân họ và kẻ cai trị được mang tiếng là người gia ơn. Còn các con thì đừng làm thế, đừng phân biệt giữa người lớn nhất và người bé nhất, giữa các người cai quản và người phục vụ. Hãy nói cho ta biết: ai lớn hơn? Người ngồi ở bàn hay kẻ phục vụ ông ta? Chắc hẳn là người ngồi ở bàn phải không? Và Ta đã hiện diện giữa các con với tư cách một kẻ tôi tớ”.
Trước đây Chúa đã thiết lập cuộc cách mạng của đức khiêm tốn bằng những lời nói; giờ đây, sau bữa tiệc ly, Ngài đưa cuộc cách mạng ấy ra thực hành qua cử chỉ sau: “Ngài cởi áo khoác để qua một bên, lấy một tấm khăn quấn quanh người đoạn đổ nước vào chậu và bắt đầu rửa chân các môn đệ rồi dùng tấm khăn cột quanh người lau chân cho họ”. Vào thời bấy giờ, các bọn nô lệ bị chỉ định phải làm những công việc hèn hạ như thế. Thật là một sự cố đảo lộn có tầm kích vĩ đại khi vị thầy của các thầy, vua của các vua quì gối xuống trước 24 bàn chân chai sạn đẫm mồ hôi và rửa sạch chúng khác nào sự tha tội của Ngài cũng rửa sạch trái tim chai cứng và linh hồn dơ bẩn của chúng ta vậy. Mọi giá trị nhân sinh vĩnh viễn bị đảo lộn qua cuộc cách mạng gây đầy sửng sốt của Đức Kitô trong lời Ngài tuyên bố: “Ai nâng mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên”.
Ngay khi Chúa Giêsu thốt ra những lời này thì Cesar xem như bị truất ngôi; nguyên lý bóc lột bị phế bỏ, xấc láo kiêu hãnh bị đẩy ra cửa. Kể từ đây, mọi Kitô hữu phải cảnh giác chớ nên xét đoán theo lối thế gian, chớ tìm kiếm cho mình những phần thưởng thế gian có thể trao tặng. Khi giọt nước từ đôi tay Chúa Kitô rơi xuống vào đêm ấy, những hệ thống luân lý cổ xưa liền trở thành lỗi thời và những khái niệm cao đẹp nhất của người xưa trở nên không còn thích hợp với con người nữa. Kể từ đây, điều tồi tệ nhất gây hỗn loạn cho tâm hồn chính là không biết phục vụ tha nhân, là tự xem mình là xứng đáng có đặc quyền đặc lợi… Một lề luật mới đã ra đời: lề luật này mặc khải sự bình đẳng của mọi người trước mặt Chúa đồng thời công bố nét đẹp của lòng khiêm tốn. Đấng tự hạ mình mặc xác phàm giờ đây đang tuôn tràn hồng ân và đang dạy chúng ta bài học bằng việc tự hạ cái vô biên của mình xuống để phục vụ các tôi tớ của mình.
Cuộc cách mạng bên trong tâm hồn là một biến cố của Kitô giáo. Nó đòi buộc chúng ta không được hận thù, không được đòi hỏi quyền lợi cá nhân, danh cao tước cả cũng như không được nói lời dối trá. Trong cuộc cách mạng này, tình yêu ẩn núp từ bên trong và hoạt động như một đạo quân thứ năm luôn tín trung với Chúa ngay giữa những bản ngã rối ren mất trật tự của chúng ta. Cuộc cách mạng như thế sẽ tiêu diệt lòng kiêu ngạo và vị kỷ, sự ganh tỵ ham hố cũng như lòng khát khao dành chỗ “nhất” khiến chúng ta thường thiếu bao dung đối với quyền lợi của tha nhân. Thanh gươm tuốt ra sẽ không nhắm người láng giềng mà nhắm vào sự tự kiêu phi lý của bản ngã chúng ta. Đối với các cuộc cách mạng khác thì quả là dễ dàng giao chiến bởi vì chúng ta chống lại với “kẻ thù xấu xa” bên ngoài. Còn cuộc cách mạng Kitô giáo thật khó khăn vì kẻ thù mà chúng ta giao chiến lại là một phần của chúng ta. Tuy nhiên chỉ có cuộc cách mạng này mới đem lại an bình đích thực: còn những cuộc dấy loạn khác đều sẽ chẳng bao giờ chấm dứt bởi vì chúng chỉ kềm hãm lại đích nhắm của chúng ta mà thôi và luôn luôn để lại lòng căm hận sục sôi trong tâm hồn con người.
Tư duy hiện đại đang hướng về một cuộc cách mạng thế giới bên ngoài, cách mạng của các dân tộc, các giai cấp, các chủng tộc cũng như các đảng phái. Còn Chúa chúng ta thì không dành ưu tiên cho cuộc cách mạng mang tính xã hội. Trước tiên, Ngài muốn tái tạo từng con người bằng một cuộc phục sinh của Ngài, đoạn sau đó, qua việc sai phái Thần Trí Ngài đến với con người, Ngài cải thiện lại xã hội thế giới cổ xưa.
Thánh Augustinô có nói: “Những kẻ muốn xáo động sự an bình mà mình đang sống thì hãy làm điều ấy không phải vì căm ghét mà hãy tỏ ra mình có năng lực biến đổi nó”. Chiến tranh xảy đến khi con người phóng chiếu các xung đột nội tâm của mình ra thế giới bên ngoài. Hoà bình sẽ đến khi nhiều người biết tiến hành cuộc cách mạng nội tâm trong đó lòng kiêu ngạo của họ bị đánh tan kèm theo tham vọng ích của họ bị tiêu huỷ. Hoà bình đi theo một cuộc chiến tinh thần như thế có thể tác động gây lây nhiễm hạnh phúc từ tâm hồn này sang tâm hồn khác và đem lại bình an dương thế cho người thiện tâm.