ĐỨC KHIÊM TỐN
Nguyên nhân chính khiến người ta không được hạnh phúc trong nội tâm là tính vị kỷ hay còn gọi là ích kỷ. Kẻ nào tự cho mình là quan trọng bằng cách khoe khoang thì thực sự kẻ ấy đang phô bày bằng cứ cho thấy hắn thuộc loại người vô giá trị. Tính kiêu ngạo là một nỗ lực gây ra ấn tượng về những gì thực ra chúng ta không hề có.
Người ta hẳn sẽ hạnh phúc hơn nhiều nếu thay vì tán dương cái ngã của mình đến vô tận thì lại biết đẩy lùi cái ngã ấy vào con số không. Lúc đó họ sẽ gặp được cái vô biên đích thực nhờ vào nhân đức quý hiếm nhất trong các nhân đức của thời hiện đại này đó là đức khiêm tốn. Khiêm tốn là đưa ra sự thực về chính mình. Một người cao 1,8m mà lại nói: “Tôi chỉ cao 1,5m” thì chẳng phải là khiêm tốn đâu. Một văn sĩ giỏi sẽ không được xem là khiêm tốn nếu ông ta nói: “Tôi là một nhà văn bất tài”. Những xác quyết như thế được nói ra chỉ nhằm mục đích từ chối hầu để được khen ngợi nhiều hơn. Tốt hơn ông ta nên khiêm tốn nói rằng: “Vâng, bất cứ tài năng nào tôi có được đều là quà tặng của Chúa và tôi xin cảm ơn Ngài về điều ấy”. Toà nhà càng cao thì nền móng càng sâu; chúng ta mong đạt đến những chiều cao luân lý càng to lớn thì chúng ta càng phải khiêm tốn nhiều hơn. Như thánh Gioan Tẩy giả đã nói khi ngài trong thấy Chúa chúng ta: “Tôi phải nhỏ xuống, Ngài phải lớn lên”. Vào mùa đông những bông hoa khiêm tốn rời khỏi cành để trở về với mẹ gốc. Chúng có vẻ như đã héo úa trước mặt thế gian vì chúng khiêm tốn nằm dưới lòng đất chẳng ai trông thấy. Nhưng nhờ khiêm tốn nên chúng được tán dương và ca tụng khi mùa xuân mới sẽ đến.
Chiếc hộp có trống rỗng mới có thể được chất đầy. Chỉ khi nào cái tôi xẹp đi thì Thiên Chúa mới có thể đổ vào ân phúc của Ngài. Một số người nhồi nhét đầy nghẹt cái ngã riêng của họ đến mức tình yêu mến Chúa và đồng loại chẳng thể nào lọt vào được. Vì cứ mải miết tìm kiếm cho riêng mình nên cuối cùng mọi người đều từ bỏ họ. Ngược lại lòng khiêm tốn khiến chúng ta tiếp nhận sự ban tặng của kẻ khác. Bạn không thể cho nếu như tổi chả lấy. Chính vì có kẻ nhận nên mới có kẻ cho. Cũng thế, trước khi Thiên Chúa muốn làm người ban phát thì Ngài phải tìm được kẻ muốn nhận đã. Tuy nhiên, nếu người ta không đủ khiêm tốn để nhận lãnh ân phúc của Chúa thì người ta sẽ chẳng nhận được gì hết. Một người bị quỉ ám nọ được mang đến cho một vị ẩn sĩ trong sa mạc, khi vị thánh truyền lệnh cho con quỷ rời bỏ người ấy, con quỷ liền hỏi: “Đâu là sự khác biệt giữa chiên và dê mà Chúa xếp ở bên phải và bên trái Ngài trong ngày phán xét?” Vị thánh trả lời: “Tôi là một trong những con dê”. Con quỉ đáp lại: “Vì đức khiêm tốn của ngài, tôi xin rời khỏi người này”. Nhiều người nói rằng: “Tôi đã khổ nhọc bao năm trời cho kẻ khác và ngay cả cho Chúa, thế mà tôi được gì đâu? Tôi vẫn không là gì hết”. Xin trả lời là họ đã có gặt hái chứ, họ đã gặt hái chân lý về sự nhỏ bé của họ và dĩ nhiên, cả công trạng lớn lao trong cuộc sống mai sau. Ngày nọ có hai người muốn vào trong một cỗ xe, một người bảo: “Chẳng đủ chỗ cho bạn ngồi đây đâu?” Người kia nói: “Chúng ta hãy yêu nhau thêm một chút nữa và lúc ấy sẽ có đủ chỗ mà!” Người nọ hỏi tiếp: “Bạn là một vị thánh à?” Nếu người này trả lời là phải thì bạn có thể tin chắc chắn anh ta chẳng phải là vị thánh đâu.
Người khiêm tốn chú tâm đến lầm lỗi riêng mình chứ không chú ý lầm lỗi kẻ khác, người ấy chỉ nhìn thấy nơi tha nhân những gì tốt đẹp và nhân đức, người ấy không mang lầm lỗi riêng mình trên phía sau lưng mà là mang chúng đằng trước mặt. Còn những khiếm khuyết của tha nhân thì anh ta mang nơi một túi xách trên lưng mình. Vì thế, anh ta sẽ không nhìn thấy những khiếm khuyết ấy. Ngược lại, người kiêu căng thì luôn phàn nàn về mọi người và tin rằng anh ta bị xử tệ hoặc không được đối xử cho xứng đáng. Khi bị xử tệ người khiêm tốn không phàn nàn vì anh ta biết mình còn đáng bị xử tệ hơn thế!
Đứng về quan điểm thiêng liêng mà xét, người luôn kiêu hãnh về trí thông minh, về tài năng hay ảnh hưởng của mình mà chẳng bao giờ biết cảm tạ Chúa về những điều ấy, thì anh ta là một kẻ cướp, anh ta đã nhận lấy những quà tặng của Chúa mà chẳng bao giờ nhận biết Đấng trao tặng. Những gié lúa mạch mang nhiều hạt nhất luôn luôn trĩu xuống thấp nhất. Người khiêm tốn không bao giờ ngã lòng, còn người kiêu ngạo thường rơi vào nỗi tuyệt vọng. Người khiêm tốn vẫn luôn có Chúa để kêu cầu, còn người kiêu ngạo thì chỉ có cái ngã riêng của mình là cái thường sụp đổ.
Một trong những lời nguyện đẹp nhất xin cho có được lòng khiêm tốn là lời nguyện của thánh Phanxicô: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem tin kính vào nơi nghi nan, đem trông cậy vào nơi thất vọng, đem ánh sáng vào chốn tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu. Lạy Thầy chí thánh, xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.