Hạnh Phúc – Chương 1

TÍNH VỊ KỶ

Là một người dối trá sống động, tính vị kỷ đặt mọi ham muốn nông nổi, mọi dục vọng và những ưa thích thuộc bản năng của chủ nhân nó lên trên lề luật luân lý, trên tình bằng hữu với tha nhân và trên cả ý muốn của chính Thiên Chúa. Kẻ ích kỷ được ví như quả lắc đòi quyền chống lại cái đồng hồ, hoặc như đám mây nổi loạn chống bầu trời, hoặc như là một cánh tay muốn phớt lờ toàn thân thể đang khi nó chỉ là một chi thể của thân thể ấy. Vì chỉ làm điều mà bản ngã ích kỷ đâm ra ghét tất cả mọi thứ hắn làm. Hắn giống như đứa bé than van trong một trường tiên tiến nọ: “Tôi có luôn luôn phải làm điều tôi muốn không?”

Chẳng chóng thì chầy tính bo bo cố chấp sẽ dẫn đến sự căm ghét chính bản ngã của mình. Một chú bé sau khi ăn tuốt hết mọi phần kem dành cho toàn thể gia đình, thì hẳn sẽ căm ghét mỗi lần nhìn thấy loại kem ấy: không chỉ mang tính cách thú vật, sự căm ghét “bị điều kiện hoá” đối với loại thức ăn này còn trở thành sự ghê tởm xét về mặt luân lý đối với chính bản thân sau khi đã phạm tội ham ăn hổ uống như thế. Lòng tự căm ghét mình như thế là hình phạt luân lý chúng ta phải trả cho tính háu ăn giống như sự chán ngấy món kem là hậu quả thể lý mang tính thú vật của chính sự vi phạm ấy.

Những người bị rơi vào tình trạng ngán ngẩm chính mình thì theo bản năng họ sẽ cảm thấy lồng ngực bị đá đè tựa như phải xua đuổi một điều xấu xa ra khỏi thâm cung linh hồn vậy. Người vô thần thường dễ rơi vào tình trạng nhờm tởm mình hơn người có tôn giáo: lý do là vì họ không nhận biết Lòng Xót Thương và Tình yêu của Chúa, Đấng sẽ chữa lành chúng ta khỏi nỗi tự nhờm tởm mình và rồi có lẽ họ sẽ đem nỗi tuyệt vọng về cho chính bản thân mình và cuối cùng đành phải tự sát. Tự huỷ mình là một phóng chiếu, một sự rập bóng mặt ngoài của bi kịch bên trong nơi đây cái ngõ nhỏ bé thách thức lại tất cả những gì cao cả hơn nó và rồi khổ đau vì các hậu quả của cuộc nổi loạn này, cái ngã ấy rơi vào nỗi căm ghét tàn nhẫn với chính sự sống của nó. Cả Phêrô lẫn Giuđa đều đã nổi loạn chống lại Sự Sống khi họ chối bỏ Chúa, cả hai đều đã được cảnh cáo trước về sự nổi loạn như thế, cả hai đều đã từng bị gọi là “quỷ sứ” bởi vì sự vi phạm của họ, và cả hai đều đã ân hận. Tuy nhiên Giuđa “đã ân hận đối với chính mình”, đã hướng cái tôi riêng của mình vào chính mình trong cơn hấp hối tuyệt vọng vô ích. Còn Phêrô thì biết ân hận đối với Chúa, biết giải phóng mình khỏi điều xấu xa nhờ vào lòng khiêm tốn và rồi ngài đã tìm lại được niềm vui.

Chỉ khi nào biết khuất phục cái ngã trước một điều gì cao cả hơn nó mới có thể chữa lành được nỗi tuyệt vọng, bởi vì một sự khiêm tốn như thế sẽ làm cho tâm hồn thoát khỏi sự kiêu ngạo cũng như sự tự kết án mình đồng thời tạo nên khoảng trống cho ân sủng của Chân lý và Tình yêu của Chúa tuôn vào. “Ai hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên, kẻ nào tự nâng lên thì sẽ bị hạ xuống… tuy nhiên sự tự căm ghét mình lại là sự nâng cái ngã mình lên thành vị phán quan tối hậu đầy chua chát. Cho đến khi nào tấm biển đề “rao bán” được treo lên trên một tâm hồn đã giải thoát khỏi nỗi âu lo về bản ngã riêng mình thì vị KHÁCH THUÊ THẦN LINH mới có thể bước vào được.

Để trắc nghiệm về đức khiêm tốn thực sự là thái độ của chúng ta đối với lời tán tụng. Bất cứ ai yêu thích sự quảng cáo đều là người kiêu ngạo, vì người ấy tìm cách biện minh mình trước mặt kẻ khác, còn kẻ khiêm tốn thì qui mọi lời tán tụng về cho Chúa. Nếu người ấy có tài năng, thì người ấy cũng nhận biết rằng đó là do Chúa ban cho và chúng phải được dùng để phụng sự Chủ nhân đích thực của chúng. Kẻ khiêm tốn tự cho mình giống như cánh cửa sổ bằng lòng cho ánh sáng của Chúa dọi xuyên qua mà không hề dám nghĩ rằng mình chế tạo ra ánh sáng ấy. Người khiêm tốn chấp nhận cả lời khen lẫn lời trách móc như là quà Chúa tặng: cả nỗi cay đắng lẫn ngọt ngào đều được gởi đến do một Đấng duy nhất là Đấng yêu mến mình. Như Gióp đã nói: “Chúa ban cho, Chúa lại lấy đi, xin tán tạ Ngài”.

Còn người kiêu ngạo thì không thể quên chính mình, mặc dù người ấy ngờ vực và căm ghét sự nhỏ bé của mình: hắn nghĩ rằng hắn có thể che dấu sự thấp kém bằng cách luôn luôn tự khoe mình. Người khiêm tốn thì qui phục Chúa, và không hề tuyệt vọng vì người ấy biết rằng mình được yêu mến bởi Đấng tự thân là Tình yêu. Kẻ ích kỷ thì liên lỉ phàn nàn là kẻ khác không yêu mình đủ, hắn ta không nhận thấy rằng đây chính là hậu quả của việc hắn chỉ biết bo bo lo chú tâm đến cái ngã của riêng mình. Giống như mọi hình thức bất hạnh khác, nỗi cơ cực của hắn phát xuất do sự khăng khăng từ chối không chịu từ bỏ ý riêng của chính mình.

Những lúc chúng ta hạnh phúc nhất là những lúc chúng ta tự quên mình, để thường xuyên ân cần với một ai đó. Thời gian hiến mình ngắn ngủi ấy chính là một hành vi khiêm tốn đích thực vì ai biết đánh mất chính mình thì sẽ gặp lại chính mình kèm theo nỗi hạnh phúc của mình.

Tự căm ghét và tuyệt vọng là những căn bệnh mà chỉ những kẻ ích kỷ mới thường hay bị rơi vào. Muốn chữa lành chúng thì luôn luôn chỉ có một phương thế là đức khiêm tốn. Và điều đó có nghĩa là yêu mến Chúa nhiều hơn yêu chính mình.

>> Mục Lục

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment