SỰ TIẾN BỘ
G.K Chesterton có lần đã nói: “Trên thế gian này có một cái chẳng hề tiến bộ chút nào, đó là ý tưởng về tiến bộ”. Ý ông muốn nói rằng nếu ta không xác định rõ thế nào là tiến bộ thực sự, thì chẳng khi nào ta biết ta có tiến bộ hay không. Vô phúc thay vẫn có nhiều người thay vì theo đuổi lý tưởng này, họ lại chuyển qua lý tưởng khác và gọi đó là tiến bộ. Ta chẳng bao giờ biết được rằng ta có tiến bộ trên đường từ Chicago đến San Francisco hay không nếu ta lầm New York là San Francisco. Chỉ khi nào xác định rõ ràng được mục tiêu, ta mới bắn trúng được đích. Mọi sự trên mặt đất và cả dưới lòng đất đều nhắm đến tương lai: sông ngòi rồi sẽ đổ về biển cả, cậu bé con rồi sẽ lớn lên thành người lớn, người người suy tư về những điều tương lai. Hết thảy đều chứa đựng xung lực hướng về phía trước như ý Chúa sắp đặt sẵn. Những ai mất phương hướng thường chỉ tập trung vào những việc đang diễn ra và tìm thú vui ở đó mà thôi. Họ hào hứng lật từng trang sách nhưng chẳng bao giờ đọc xong chuyện nào cả. Họ cầm cọ vẽ nhưng rồi chẳng vẽ được bức tranh nào, họ đi khắp biển cả nhưng chẳng biết được bến cảng nào. Họ hăng hái vận động không vì mục tiêu nào cả, mà chỉ là như con quay. Họ quay cuồng chỉ vì thích quay, thế thôi.
Sự hoàn thiện nằm ở chính con người chứ không phải ở hành động của họ. Nó không nhằm vào một hành động nào mà là vào việc kiện toàn nhân cách. Không gì làm cuộc đời bất hạnh hơn là sự vô nghĩa. Và cuộc sống sẽ mất đi ý nghĩa khi nó chẳng có mục đích. Có cả hàng vạn hàng ngàn mục đích vụn vặt, nhưng chỉ có một mục đích vĩ đại là hoàn thiện nhân cách về mặt đạo đức. Cuộc sống hết sức đa dạng, bởi vậy kẻ nào không tìm ra cách thế qui tụ mọi sự để thánh hiến linh hồn mình, kẻ ấy hẳn đã đánh mất ý nghĩa cuộc đời rồi vậy.
Có lần con trai Khổng Tử hỏi ngài rằng: “Con đã chăm lo học hỏi đủ điều, chẳng khi nào quên lãng những điều giúp con trở nên thông minh và khôn ngoan, vậy mà con chẳng thấy tiến tới chút nào cả”. Đức Khổng Tử trả lời: “Con hãy bỏ bớt một số tham vọng con đang đeo đuổi thì con mới khá được”. Đời sống con người hằng đổi thay, biến động và thiếu nhất quán, tựa như con trẻ mải mê săn hoa bắt bướm vậy. Chúng mải mê đến độ quên cả lối về. Không phải càng xa dần nguồn nước, sông ngòi càng phải cạn đi. Giòng sông tâm hồn cũng thế, nó cũng chảy, chảy mãi, càng lúc càng nở rộng và sâu thêm cho đến lúc gặp được đại dương Yêu Thương của Thiên Chúa và chan hòa với biển cả bao la.
Nhiều khi, động lực thúc đẩy tiến bộ là lòng bất mãn. Không hài lòng với cây bút viết, loài người sáng chế ra máy in; không thỏa mãn với xe kéo và tàu lửa, con người chế ra phi cơ. Trong mỗi người đều ẩn tàng một động lực, bó buộc tinh thần họ phải liên lỉ vỗ cánh như con chim kia bị nhốt trong lồng trần gian này, vỗ cho đến khi bật cả máu ra. Chỉ khi nào tâm hồn con người nhận định được động lực sâu kín này, họ mới đủ sức từ bỏ những gì có sẵn để hướng về cái chưa có, mới đủ kiên trì đào tìm các giòng suối ngọt ngào nơi miền sa mạc nóng bỏng, và leo lên núi cao chót vót để nhìn cho rõ trời xanh cao thẳm. Bấy giờ họ mới thấy rằng họ được lôi kéo về với Thiên Chúa, Đấng đã tạo nên họ.
Cảm thấy hài lòng với cuộc sống thiêng liêng đang đạt được thì giống như cây kia dương dương tự đắc mình cao hơn bụi cỏ, hoặc như con sâu róm hả hê với những vằn vện trên thân và dám cả tiếng chê bai con bướm sặc sỡ chập chờn trên cao. Chẳng ai sống nhờ vào lời khen cả, cũng như chẳng ai cho rằng mình sống nhờ kỷ niệm cả. Phải để các lời chúc khen ngày xưa qua một bên và dấn bước về phía ơn gọi siêu nhiên đang vẫy gọi, hãy quên đi những gì đã qua. Chim muông phải quên tổ đi, bông hoa phải quên chồi nụ đi, có như thế ta mới đạt tới đích. Lo lắng quá hoặc năng nổ quá đều không nên, vì hạnh phúc cuộc đời nằm ở chỗ chờ mong cho được sự toàn hảo và thánh thiện.
CON NGƯỜI CỦA ĐÁM ĐÔNG
Một kiểu người mới mẻ ngày nay đang ngày càng xuất hiện nhiều, và nếu có độc giả nào cảm thấy mình thuộc tuýp người như thế, thì xin hãy dừng đọc, rồi ngẫm nghĩ và thay đổi đi. Đây là tuýp người trong đám đông, họ không còn cá tính riêng mà chỉ là bị tan biến vào tập thể, đám đông.
Con người của đám đông này có những nét đặc trưng sau đây:
Họ thiếu óc phán đoán riêng, họ chẳng đọc được gì khác ngoài mấy tờ nhật báo, tạp chí bằng tranh, hoặc một cuốn tiểu thuyết tình cờ nào đó. Đối với những chủ đề thông thường, họ cũng chỉ có thể đưa ra được những ý kiến chung chung mà chẳng có được những nguyên tắc hoặc giải đáp nào mới lạ cả.
Họ ghét hồi tâm, suy nghĩ hoặc bất cứ những gì tạo thuận lợi cho mình chìm sâu vào nội tâm. Họ cần náo nhiệt ồn ào, đông đúc hay cần có cái radio bên cạnh mà nhiều lúc chẳng phải là để nghe.
Họ cần phải trốn tránh bản thân. Rượu chè, truyện hình sự, phim ảnh là những thứ họ dùng để giết thời giờ. Bậc thiên tài thì thích tập trung tinh thần, còn họ lại thích phân tán tư tưởng; đặc biệt về tình dục. Họ tìm kiếm những hào hứng nhất thời hầu khỏi bận trí đến các vấn đề nhân sinh.
Họ thích chịu ảnh hưởng hơn là gây ảnh hưởng, rất dễ bị tuyên truyền và hòa theo công luận, họ thường chọn một nhân vật tiêu biểu nào đó suy nghĩ dùm mình.
Họ tin rằng người ta phải thỏa mãn hết mọi nhu cầu bản năng, bất chấp chúng có hợp với lương tri chân chính hay không; họ không hề hiểu được sự tự chế, tự khép mình vào khuôn phép; họ không coi việc tự biện hộ là đồng nghĩa với tự do, và họ thấy chẳng cần phải làm chủ chính mình về phương diện nào cả.
Họ thay đổi quan điểm đúng sai như chong chóng. Những quan điểm của họ chỉ là những xác quyết liên tiếp mâu thuẫn nhau. Tháng này cho rằng A, qua tháng sau lại đổi ra B. Họ chẳng đi tới được đâu cả thế mà chỉ cứ chắc cú rằng mình đang đi. Họ không hề có ý thức cảm tạ gì đối với quá khứ và cũng chẳng hề có chút ý thức trách nhiệm gì đối với tương lai. Theo họ điều quan trọng hơn cả là phải vui chơi thỏa thuê. Bởi vậy cuộc đời họ bị phân cắt thành những mẩu vụn điên rồ, rời rạc và rốt cuộc là vô nghĩa.
Họ đồng hóa tiền bạc với khoái lạc. Và vì vậy, họ ra sức tìm kiếm cho được thật nhiều tiền bạc hầu hưởng được thật nhiều khoái lạc. Nhưng phải làm sao kiếm được nhiều tiền của mà chẳng cần bỏ công sức ra, càng ít công lao càng tốt. Cái tôi của họ là trung tâm mọi sự và hết thảy đều tương quan với cái tôi nhờ vào trung gian tiền bạc.
Để phá vỡ nỗi cô đơn, họ phải tìm cách giả tảng như thể giao hảo với tha nhân, qua những bữa tiệc, hộp đêm, những tụ điểm ăn chơi. Nhưng sau mỗi lần tham gia vui đùa này họ càng cảm thấy cô độc hơn trước, càng tin rằng “tha nhân là hỏa ngục” giống như Sartre đã nói.
Là một người của đám đông đúng nghĩa, họ rất ghét thấy kẻ khác hơn mình, hơn thực sự hoặc do họ tưởng tượng ra. Họ rất thích những vụ tai tiếng bởi lẽ đó là những lý chứng cho thấy tha nhân chẳng tốt đẹp gì hơn mình. Họ chẳng thích gì tôn giáo, lý do là nếu chối bỏ tôn giáo đi, họ tha hồ sống mà không thèm bận tâm để ý gì đến lương tâm cắn rứt.
Trong đám đông, họ thích được gọi bằng con số hơn là bằng tên gọi. Ngay cả những người có thẩm quyền được họ nại dẫn ra cũng là những kẻ vô danh, chung chung. Họ nói” người ta nói thế này, làm thế kia, mặc như vầy…” Sự vô danh chung chung như thế là để họ khỏi bị dính vào trách nhiệm. Sống nơi đông đúc họ cảm thấy tự do hơn bởi vì ít ai biết đến mình, nhưng một trật họ cũng căm ghét bởi lẽ nó che khuất cái “tôi” cá nhân của họ. Biểu trưng toàn hảo nhất cho một người của đám đông không nhân vị là con số an ninh xã hội, đó là con số tha hóa họ triệt để hơn cả.
Đó là 10 nét đặc trưng của người đám đông. Đó là nguyên liệu để xây dựng nên mọi hình thái độc tài: Phát xít, Cộng sản. Về mặt tâm lý, họ là những kẻ bất hạnh, chứa đầy thất vọng, lo lắng, sợ hãi, nhất là hãi hùng với cuộc đời vô nghĩa. Nhưng họ không hoàn toàn tuyệt vọng nếu biết trở về với chính mình. Lý do khiến họ muốn lạc lõng vào đám đông là họ chẳng thể chịu đựng được nỗi bất hạnh nội tâm. Do đó, họ cần phải biết tách mình ra khỏi đám đông và nắm giữ cho được bản thân. Trốn chạy là hèn nhát, nhất là khi trốn chạy vào trong đám vô danh.
Người can đảm là kẻ biết nhìn lại tấm gương soi linh hồn mình hầu thấy rõ những lệch lạc méo mó do chính các hành vi sai trái của mình gây ra. Con người phải là con người hẳn hoi chứ không phải chỉ là một con số trong đám đông. Khi con người đã nhận ra những vết thương do mình gây ra, thì bước kế tiếp là họ nên nài xin vị Thầy Thuốc Tối Thượng cứu chữa. Chính Ngài đã từng nói với những kẻ mỏi mệt rằng: “Hãy đến cùng Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, để Ta ban cho sự an ổn tâm hồn”.
TRỞ VỀ VỚI ĐỜI SỐNG NỘI TÂM
Một người cha đưa cho cậu con một mớ giấy gồm những miếng cắt vụn từ một tấm bản đồ thế giới và đố cậu con ráp lại được. Đứa con hoàn thành công việc ráp nối rất nhanh. Người cha kinh ngạc hỏi thì cậu đáp: “Phía sau các mảnh giấy có in hình người, và con chỉ việc căn cứ vào đó mà ráp. Ráp được hình người thì tự nhiên mặt kia sẽ thành hình bản đồ thế giới thôi”. Đó cũng chính là lời giải đáp cho mọi vấn nạn kinh tế – chính trị trên thế giới. Không có điều chi xảy ra trên thế gian này mà trước đó lại không xảy ra trong con người. Chính trị không gây ra chiến tranh. Chính những chính khách mới là thủ phạm. Hẳn không có lối giải thích nào rõ ràng về chiến tranh cho bằng lời Kinh Thánh cho rằng chiến tranh là hình phạt cho kẻ tội lỗi. Thiên Chúa không phải ra tay giáng họa để phạt loài người như kiểu người cha bạt tai đứa con ngỗ nghịch. Chiến tranh là hậu quả tất yếu khi loài người bị suy sụp trong đời sống đạo đức, cũng như hễ có sấm là có chớp, hễ bị nổ mắt là hết thấy đường đi vậy.
Giới trung niên hẳn đã trải qua thời kỳ chiến tranh nhiều hơn là hòa bình. Quả đúng như Nietzsche đã báo trước rằng thế kỷ 20 sẽ là một thế kỷ đầy dẫy loạn lạc. Chiến tranh là triệu chứng của nền văn minh bị suy sụp đổ vỡ. Các chiến binh chỉ khác nhau ở mức độ tội lỗi ít nhiều mà thôi. Không có bên nào hoàn toàn trắng hoặc hoàn toàn đen cả. Khi thân thể nhuốm bệnh, các mầm bệnh không chỉ ẩn náu trong một bộ phận riêng rẽ nào, trái lại chúng hiện diện trong toàn bộ máu huyết. Bởi đó sự ác ngày nay không phải chỉ có ở Đông, hoặc ở Tây mà là khắp cả thế giới. Sự dữ lan tràn khắp nơi bởi vì loài người thường xuyên lạ lẫm với cốt lõi của đời sống tâm linh. Họ chẳng còn biết kính sợ Thiên Chúa và đâm ra sợ hãi con người, nỗi sợ của tên đầy tớ run khiếp tên bạo chúa.
Con người ngày nay rất thụ động đối với sự dữ. Từ lâu họ vẫn ca tụng thuyết lý chịu đựng đầy ngụy biện, cho rằng đúng hoặc sai là do cách nhìn khác nhau mà thôi. Bởi vậy khi thấy sự ác xuất hiện, họ bị tê liệt, hết phương chống đỡ. Bất công chính trị, bịp bợm trong giới lãnh đạo cao cấp, những băng đảng tội phạm hoành hành khiến họ phải lạnh mình. Bề ngoài xem ra họ có vẻ tất bật năng nổ đấy, nhưng bên trong lại là thụ động và trơ lỳ. Chẳng mấy khi họ chịu bước vào chính cõi lòng mình. Do đó, họ giao phó việc cứu chữa sự ác cho những thực tại cứng nhắc bên ngoài. Không có chính phủ nào có thể gây áp lực trên tự do cá nhân cả, nếu các công dân đã không tự loại trừ khỏi tâm hồn mình cái căn bản của tự do, tức là trách nhiệm của mình trước Thiên Chúa.
Càng đánh mất sự thống nhất nội tâm, con người lại càng bị bức bách đi tìm sự thống nhất bên ngoài, chẳng hạn như sự thống nhất của một tổ chức. Vì đã chối bỏ mọi trách nhiệm, nên họ quay qua phục tùng Nhà Nước. Bầy chiên khi không còn nghe theo mục tử nữa thì chỉ còn cách dùng chó săn để lùa giữ chúng. Công dân nào không còn tuân giữ lề luật đạo đức của Thiên Chúa, thì chỉ có kẻ độc tài dấy lên mới thống trị được họ. Sự yếu kém sa sút cuộc sống tâm linh nội tâm là nguyên nhân cơ bản cho những bất hòa đang tràn lan khắp nơi trên thế giới này. Và như thế từ trong mớ hỗn mang đó sẽ xuất hiện các nhà độc tài. Họ xây dựng nên những luật lệ mang tính cá nhân vị kỷ hơn là dựa trên sự hài hòa vĩnh hằng của Thiên Chúa.
Những ai có lòng đạo đức đều mang nặng trách vụ này: trong thời buổi ngặt nghèo này, họ càng phải ra sức kêu gọi anh em trở về cuộc sống tâm linh và hướng về Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên loài người. Nhưng thay vì làm thế, có kẻ lại ra rả lên án anh em, những người cùng tin vào Thiên Chúa, rằng họ không trung với nước, không hiếu với dân, hoặc cưỡng ép lòng tin bắt đồng bào mình phải nghe theo. Những lời dối trá này vừa xúc phạm đến Thiên Chúa lẫn tổ quốc. Và ta phải cảnh giác với “lòng tin” của họ, bởi lẽ chẳng có ai yêu mến Thiên Chúa mà ghét bỏ anh em cả, hay xúi giục người này ghét bỏ người kia. Hãy làm cho những kẻ xưng mình là Công giáo, Tin lành, Do Thái giáo nhớ lại nhiệm vụ của đạo mình là củng cố đời sống tâm linh cho con người chứ không phải là chất đầy cay đắng vào lòng người, xúi giục con người khích bác nhau.
Để tạo lập lại đời sống tâm linh việc đầu tiên không phải là cầu cứu các nhà chính trị, kinh tế hay cải cách xã hội, mà là đến với những người có tâm đạo. Những người nào nhân danh Thiên Chúa hoặc tổ quốc đến với những người ngoài Kitô giáo để nói xấu người láng giềng họ là những kẻ không có lòng yêu thương nhau, như thế chỉ là làm cho những người ngoài Kitô giáo ấy khước từ niềm tin Kitô giáo mà thôi! Tôn giáo không thể là một tấm áo khoác che đậy sự căm thù.
LUÂN LÝ KIỂU “ÁCH XÌ”
Nhiều người ngày nay có tư tưởng thiển cận này: họ cho rằng hết thảy các hành động con người đều chỉ là phản xạ mà con người không thể nào kiểm soát được. Theo họ, một hành vi hào hiệp chẳng có gì đáng ca tụng, cũng như tội ác phạm phải cũng chỉ là do vô ý thức thôi, giống như người ta hắt hơi (ách xì) vậy! Loài người tin rằng họ bị “hoàn cảnh” bó buộc phải hành động, chẳng hề có tự do hoặc trách nhiệm gì về những việc thiện hoặc ác cả. Họ cho rằng mình gây tội ác hoặc lỗi lầm là do thuở thiếu thời bị thiếu thốn khó khăn, hoặc bị “sốc” rồi trở nên “cá biệt” không thể tự điều chỉnh được.
Triết lý sống này đã thực sự hạ thấp phẩm giá con người. Nó lẫn lộn giữa hạnh kiểm con người với tập tính động vật. Nó bỏ qua những khía cạnh tâm linh của con người. Chính các năng lực tâm linh này khiến cho người ta cưỡng chống lại được hoặc ít ra là khước từ các xung động bản năng, bởi vì họ đã chấp nhận một lý tưởng sống. Quan điểm sai lạc này về bản tính loài người mâu thuẫn với kinh nghiệm về lương tri của ta: bạn có quyền dẹp bỏ không tiếp tục đọc thêm những dòng chữ này, hoặc gấp sách lại được chứ. Dĩ nhiên bạn chắc chắn với tôi điều này là bạn vẫn có quyền tự do làm chuyện này chuyện nọ trong ba phút tới đây chứ? Mỗi người chúng ta đều có quyền tự do lựa chọn hành động bất kỳ thời điểm nào trong đời mình.
“Tôi không thể không làm như thế được”. Đây chính là cái cớ phân trần yếu kém và lãng xẹt nhất, nhưng những kẻ dối trá lại thường dùng tới nhất. “Ồ, nàng có hỏi tôi xem cái mũ nàng mới sắm có đẹp không, nhưng tôi chả dại gì nói thật cho nàng biết ý kiến của tôi”. Tại sao lại không chứ? Chân lý chẳng hề xúc xiểm ai cả khi người ta nói ra với lòng thành thật và bác ái. “Tôi bị buộc phải làm như thế”, đó không phải là cái cớ phân bua có giá trị khi ta phạm lỗi, và nói dối thì đã là một tội rồi.
Trong đời sống xã hội nếu nhận rằng con người hành xử vì những “thế lực” mạnh hơn ý chí mình thì thật là nguy hiểm! Ngay cả giết người rồi cũng được cho là đúng nếu ai đó cho rằng phải gây chiến bởi vì nhu cầu kinh tế đòi hỏi. Vào thời mà con người ta còn có đức tin, chẳng bao giờ có ai dám nói chiến tranh là điều cần thiết cả. Chiến tranh là do con người gây ra chứ chẳng phải là do kinh tế nào tạo ra cả. Và nên nhớ là con người ta có tự do quyết định lấy vận mạng mình. Thánh Giacôbê đã nói: “Sự gì đã dẫn anh em tới chỗ cãi cọ, đánh nhau? Tôi bảo cho anh em hay: đó chính là bởi những ham muốn hằng hoành hành nơi thân xác anh em. Anh em ham hố mà không được thỏa mãn, bởi thế anh em giết nhau. Anh em ghen tương mà không toại nguyện, thế là anh em cãi vã và đánh đấm nhau”.
Chiến tranh nguyên tử không hẳn sẽ xảy ra. Chính loài người quyết định nó có xảy ra hay không. Quả bom vô tri không phải là mối bận tâm của ta, chính sự tàn ác của con người mới là điều làm ta bận tâm. Một kho chứa khổng lồ bom đạn mà giao cho thánh Phanxicô Assi thì cũng hoàn toàn vô hại như một bông hoa xinh tươi vậy. Nhưng nếu chỉ một quả bom thôi rơi vào tay một nhà độc tài điên cuồng thì hẳn là một đại họa, nó có thể tiêu diệt cả một thành phố lớn như New York như đã từng xảy ra ở Hiroshima! Truyền thống Kitô giáo thường qui tội cho cá nhân khi họ cố tình lạm dụng sự tự do Thiên Chúa đã ban cho mình. Các chính khách thời nay vẫn oang oang ca tụng tự do, nhưng là thứ tự do về mặt chính trị. Chẳng có vị nào hô hào thính giả, bảo cho họ biết rằng họ tự do đạo đức cả, rằng tội lỗi là do họ tự phạm lấy cả. Người ta chế nhạo thứ tự do đó: đôi lúc con người cũng phải “ách xì” chứ? Bởi đó, theo như các nhà tư tưởng lệch lạc thì người ta phải phạm tội và chẳng gì ngăn ngừa họ khỏi phạm tội cả. Nỗ lực phủ nhận tự do này nếu cứ tiếp tục mãi sẽ biến con người giống thú vật hơn.
Thứ luân lý kiểu “ách xì” này thường được những người hay tránh né tiếng nói lương tâm hồ hởi đón nhận. Họ khát khao và tin vào thứ triết lý cho phép họ được tha hồ tàn ác, dối trá và kiêu căng mà chẳng cảm thấy tội lỗi gì cả. Chính lương tâm và lương tri của họ bảo cho họ biết rằng họ đã làm sai, và họ phải chịu trách nhiệm. Để tránh né những lời nhắn nhủ “khó chịu” này, một số đã cố tâm hối lộ lương tâm mình bằng những báo cáo xem ra có vẻ thỏa đáng hơn. Họ chế ra mộ thứ luân lý mới, được nhào nặn theo ý riêng họ miễn sao đánh giá họ là người tốt lành là được. Bởi chưng lương tâm chân chính làm họ không thoải mái, nên họ phải chế ra một lương tâm ngụy tạo để tự trấn an và vuốt ve họ.
Kẻ nào đã tạo ra thứ lương tâm mới lạ này, kẻ ấy tự biến mình thành kẻ thù của Thiên Chúa, là Đấng có quyền phán xử đúng – sai. Khi họ làm được điều thiện nào đó, chẳng hạn như đóng góp từ thiện, thì họ đòi phải nhận được giấy khen có đề tên mình, đòi phải được đền đáp cả chì lẫn chài mới thôi. Còn khi làm ác, y chỉ bảo “chẳng qua là hoàn cảnh bó buộc tôi” hoặc “hồi bé tôi rất khốn khổ nên không được dạy dỗ tới nơi tới chốn”. Những kẻ có lương tâm giả dối xem ra rất thành công – nhưng chỉ phù du. Ngay cả những nhà đạo đức kiểu “ách xì” cũng bị lương tâm cắn rứt, và Tiếng của Thiên Chúa làm họ khó chịu, áy náy. Ngài hằng kêu gọi họ mau chóng từ bỏ tình trạng nô lệ tự nguyện để bước vào sự tự do quang vinh của kẻ làm con Thiên Chúa.
SỰ GÌ LÀM TA BÌNH THƯỜNG
Nếu không có ý niệm thế nào là sống bình thường, ta chẳng thể nào biết được khi nào mình bị đau ốm, què quặt trong đời sống tinh thần và thiêng liêng cả. Như thế, hiểu cho thấu đáo chuyện người ta “làm việc” và phải “làm việc” ra sao thì ta mới mong làm chủ được bản thân và ngăn ngừa được các “chứng bất thường”.
Mỗi diễn tiến hành động của con người đều trải qua ba giai đoạn. Trước hết là suy nghĩ. Kế đến là rung động tình cảm, và sau cùng là ra tay hành động.
Tư tưởng bao giờ cũng đi trước cảm xúc. Giọt lệ của con cái không gây ra cái chết của người mẹ; chính cái chết của mẹ mình làm con cái đổ lệ. Do vậy, trí khôn con người thu thập các kinh nghiệm, ghi nhận các biến cố xảy ra xung quanh, tựa như viên thuyền trưởng đứng trên cầu tàu ghi nhận các dấu hiệu rồi ra lệnh cho tài công dưới buồng lái. Thân xác chúng ta đáp ứng với những cảm xúc thích hợp. Ta có thể ví thân xác (bao gồm cả cảm xúc) như một nhạc cụ mà trí óc ta có thể dùng để chơi được bất cứ giai điệu nào mình muốn. Trí óc ta tiếp nhận được những loại tư tưởng nào thì nó cũng xác định được những loại tình cảm ấy. Lo lắng có thể gây ra loét dạ dày, sợ hãi quá làm máu dồn nhiều về cơ bắp khiến chúng căng hẳn ra.
Cảm xúc thường dẫn đến hành động. Đó chính là giai đoạn cuối cùng. Ngay cả một hành động đơn giản nhất thì tiến trình xảy ra cũng rõ rệt như thế: khi xem đá banh, một khán giả bình thường nào cũng có thể cong người lên xuýt xoa vì một bàn thắng bỏ qua trông thấy. Ý niệm về bàn thắng sắp tới khiến anh ta ao ước chuyện ghi bàn, và thân thể anh ta cong lại theo sau ước muốn và ý niệm đó!
Biết được như vậy rồi, hẳn ta biết rõ hơn về bản thân và vận dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Và tức khắc ta nhận thấy sự vô lý trong câu nói này: “Anh suy nghĩ ra sao thì tùy anh, điều quan trọng là sống thế nào thôi”. Bởi vì chúng ta hành động theo niềm tin của mình, nên khi ta nghĩ sai thì làm sai là chuyện tất yếu. Ao ước sự ác, đó là chuẩn bị làm ác. “Kẻ nào nhìn ngắm một phụ nữ mà có ý dâm ô, kẻ ấy đã ngoại tình trong lòng rồi vậy”.
Một khi đã tin sai lầm rồi thì ứng xử cũng sai nốt. Nếu không tìm ra lời giải đáp đúng đắn cho câu hỏi tại sao ta lại hiện diện trên trần gian này, và rồi ta sẽ đi về đâu, thì ta chẳng thể cảm nhận hoặc hành động bền bỉ chắc chắn được. Kẻ nào không suy nghĩ chín chắn, kẻ ấy không thể hạnh phúc hoặc hành động đúng đắn, tư tưởng là cội nguồn cho mọi cảm xúc và hành động.
Đôi khi những ý tưởng sai trái lại vượt khỏi tầm kiểm soát của ta; chúng nhảy băng qua giai đoạn 2, giai đoạn của cảm xúc trước khi ta kịp nhận ra. Nhưng thông thường thì ta đón bắt ý tưởng trước và khi thấy đó là một ý tưởng sai lầm hoặc thiếu lành mạnh, ta phải cố xua ngay nó đi khỏi tâm não ta. Tốt nhất là nên sớm dè chừng kẻo nó trở thành cảm xúc: tâm trí phải cẩn thận dè chừng các ý tưởng xâm lấn hàng ngày, tương tự như thể ta cảnh giác đối với thức ăn vậy. Tuy vậy, nhiều người tuy không thể ăn được rác rưởi nhưng lại có thể ngốn ngấu hết văn chương đồi trụy rồi đến phim ảnh lăng loàn thật dễ dàng.
Ta cũng đừng nên đè nén ý tưởng và cảm xúc… nghĩa là đừng đẩy chúng lui vào cõi vô thức, chôn vùi đi để “che mắt thiên hạ” và tự đánh lừa chính mình. Ý tưởng nào đi ngược với tinh thần đạo đức Kitô giáo phải được tống khứ ra khỏi tâm trí ngay, nhưng thật bình tĩnh giống như thể ta từ chối ăn uống thức ăn khó tiêu vậy. Và cả khi ý xấu đã qua đến giai đoạn cảm xúc rồi, ta cũng vẫn có thể xua đuổi nó được, mà chẳng cần gì phải đè nén (vì nguy hiểm) hoặc cho phép nó biến thành hành động (càng tệ hại hơn nữa). Ta có thể biểu lộ ý tưởng đó thành cảm xúc, nhưng theo hướng ngược lại, tức theo hướng tốt lành.
Ví dụ, một nhân viên ngân hàng bị cám dỗ mãnh liệt ăn cắp. Anh ta cảm thấy tim đập loạn xạ lên khi nghĩ đến những đồ đạc mình sẽ mua được nếu đánh cắp được số tiền ấy. Nếu anh ta cảm thấy sợ hãi ý xấu đó, chắc chắn anh sẽ không dám ra tay ăn cắp. Nếu anh ta đầu hàng cơn cám dỗ, anh ta sẽ tập được thói quen ăn cắp, bởi vì “càng ăn càng ngon miệng”. Nhưng còn có một hướng giải quyết khác: anh ta nên chuyển qua một hướng tốt lành hơn. Thay vì hao phí tâm sức, đầu tư trí óc để lên kế hoạch đánh cắp ngân hàng, anh ta nên dồn sức để gia tăng hiệu năng công việc thường nhật của mình. Dần dần anh ta dễ dàng kiếm tiền một cách lương thiện bằng chính mồ hôi của mình.
Những tư tưởng xấu xa bị tiêu diệt triệt để nhất bằng các ý tưởng tốt lành, và chỉ có lòng yêu mến những sự tốt lành mới tiêu diệt được tình yêu thấp hèn. Thánh Phaolô nói: “Anh em chớ để sự ác thống trị nhưng hãy dùng những điều thiện hảo để thắng lướt sự xấu xa”. Sự xấu không thể bị xua đuổi, bị lấn lướt chỉ bằng sức mạnh điên cuồng. Tốt hơn cả, chúng ta đánh bật nó ra khỏi tâm trí bằng cách tăng cường sự thiện hảo và lòng yêu mến Thiên Chúa. Tâm hồn nào đã ngập tràn các ý tưởng yêu thương và tốt lành thì chẳng còn chỗ để sự xấu xa chen chân vào.
LÀM SAO BỎ ĐƯỢC THÓI XẤU
“Tôi dễ nổi nóng”, “Tôi có tật say sưa”, “Tôi lại thích phê bình kẻ khác” hoặc “Tôi biếng nhác quá”. Đó là những lời phàn nàn ta thường nghe thấy ở những người còn ý thức được tính cách quan trọng của phẩm giá cao cả. Họ chẳng thể thú nhận những lời trên đây nếu trong thâm tâm họ không ao ước muốn dứt bỏ đi các thói hư tật xấu. Họ nhìn nhận rằng: mọi tật xấu đều bỏ đi được, miễn là ta phải thực thi cho được 4 điều cần thiết này:
Tự xét mình: là điều cần thiết để nhận ra thói xấu tội lỗi. Ta thường sửng sốt khi nghe người khác phê phán các thiếu sót của mình. Điều này chứng tỏ cho thấy ta chưa xét mình đủ để biết được bản thân. Một số lại sợ phải tra vấn lương tâm: họ ngại gặp thấy những điều có ở đó, giống như những kẻ hèn nhát không đủ can đảm đọc bức điện tín vì sợ tin dữ.
Nhưng nên nhớ rằng cũng như thể xác, linh hồn muốn được an lành, trước tiên nó phải được chẩn đoán bằng cách tự xét. Đứa con hoang đàng phải “ngẫm nghĩ” đã, rồi mới có thể thú nhận những lỗi phạm với cha mình. Có chú tâm suy xét lại bản thân, ta mới biết được các thói hư tật xấu cần phải sửa đổi; để biến đổi ta thành người thực sự như Chúa muốn chứ không phải là kẻ như ý ta muốn.
2. Tránh xa dịp tội: là cách dễ dàng nhất để tránh tội. Phương cách để khỏi bị rắc rối là tránh xa những tình huống gây rắc rối: ai hay bị phỏng lửa thì chớ bén mảng đến gần nơi lửa cháy nữa. Kẻ nghiện rượu phải giữ thân chớ có nhấp môi. Kẻ mê gái thì phải tránh xa đàn bà con gái. Kẻ nào dễ bị lôi kéo làm xấu, phải tránh xa các phe đảng băng nhóm quậy phá. Chúa đã phán: “Ai yêu thích sự nguy hiểm, kẻ ấy sẽ bị hủy diệt trong cơn hiểm nguy”. Ta rất khó thắng được cơn cám dỗ khi nó đã quá gần ta; nhưng nếu ta biết cách hành động dứt khoát để tránh xa các dịp cám dỗ thì dễ dàng hơn nhiều. Hoàn cảnh xung quanh ảnh hưởng rất mạnh đối với chúng ta, chúng có thể giúp ta phạm tội hoặc ngược lại giúp ta tránh tội. Ta có thể chọn môi trường thích hợp để sống, do đó phải kiên quyết từ bỏ môi trường nào gây rắc rối cho ta. Chẳng hạn nếu như những sách báo nào, con người nào hoặc trò chơi nào khiến ta sa đọa về đạo đức, ta phải cương quyết từ bỏ và tránh cho thật xa.
3. Phải có ý chí mới hoàn thành được bất kể công việc gì. Bác sĩ thường bảo ta rằng không gì giúp đỡ người bệnh cho bằng ý chí muốn sống của chính người bệnh. Do đó nếu ta muốn thắng được các thói hư tật xấu, chúng ta phải có ý chí để trấn áp chúng. Sở dĩ chúng ta có thói xấu là vì ta đã chấp nhận, nhượng bộ, đầu hàng chúng, dần dà chúng trở nên tự động và có thể trở thành vô thức luôn. Để thắng được chúng, ta phải đảo ngược lại tiến trình đó, phải dùng ý chí để bẻ gãy tính năng tự động của chúng. Đứa con hoang đàng một khi đã suy xét, thấy cần phải xa lánh môi trường tội lỗi, cậu đã đi đến quyết định: “Tôi sẽ chỗi dậy và về cùng cha”.
4. Phải có một triết lý nhân sinh đúng đắn mới hoàn tất được nỗ lực đó, vì rằng chỉ riêng ý chí thôi cũng không đủ thắng lướt thói hư: cần phải có lòng yêu mến nữa. Không có kẻ say sưa nào từ bỏ được rượu chè cả nếu kẻ ấy không tìm gặp được điều quí giá và hấp dẫn hơn ma men. Các tật xấu khác cũng thế, phải kiếm được những điều thiện hảo quý báu hơn thì sau đó người ta mới từ bỏ được thói xấu. Chúa đã có lần cảnh giác cho ta biết rằng sau khi căn nhà được quét dọn sạch sẽ, sẽ có 7 con quỉ khác dữ hơn nữa đến chiếm. Đó là hậu quả tất nhiên nếu như ta không có điều thiện hảo nào thế vào chỗ đó. Ngay cả trong tâm linh, khoảng không vẫn là điều đáng sợ.
Ta chẳng thể xua trừ thói xấu bằng cách chỉ căm ghét chúng, vì rằng không phải lúc nào ta cũng ghét chúng đúng mực cả đâu. Ta phải bù vào thói xấu đó bằng cách yêu mến một điều khác. Tình yêu này phải lớn hơn cả bản thân… bởi vì bản thân ta cần phải sửa chữa. Tình yêu thay thế này không được mang tính trần tục. Kẻ nào kiêu căng, tham lam thì chẳng thể từ bỏ được các thói xấu, mà còn phạm thêm tội nữa. Không có tình yêu mới mẻ và mãnh liệt nào đủ sánh với tình yêu của Thiên Chúa. Và chúng ta phải ra sức dành cho được tình yêu như thế. Thánh Augustinô đã tóm lại rằng: “Hãy yêu mến Thiên Chúa, rồi bạn muốn làm gì thì làm”. Vì khi ta đã mến Chúa thực sự, ta chẳng bao giờ muốn xúc phạm đến Ngài nữa, đồng thời chẳng muốn làm hại anh em mình nữa.
Ta chẳng thể tiêu diệt thói hư một cách hữu hiệu nếu không có một triết lý nhân sinh nối kết cuộc đời ta với Thiên Chúa là Đấng tác tạo nên ta và nếu không có Ngài trợ giúp, ta cứ mãi trầm luân trong vòng bất toàn của mình.
TINH THẦN HY SINH
Trong thời buổi hưu chiến này (tôi nói hưu chiến bởi lẽ không thể cho thời đại chúng ta là thời bình) chưa bao giờ người ta lại hô hào tinh thần hy sinh nhiều đến thế. Tinh thần này chưa được bộc bày hẳn ra, nhưng nó vẫn ngấm ngầm như thể các mạch nước ngầm dưới lòng đất sâu kín vậy.
Tiềm lực của hy sinh được biểu lộ qua một trong hai cách này: một cách mang lại chết chóc, một cách khác đem lại an lành và cứu giúp. Biểu hiện của cách hy sinh thứ nhất là sự qui phục các chế độ độc tài đang thống trị ¼ nhân loại. Có một chế độ độc tài đang áp đặt một thuyết lý ăn cắp của Giáo hội, sau khi đã tục hóa thuyết lý đó. Nó hô hào mọi người quên mình đi, kêu gọi thanh tẩy, thanh trừng và bạo lực cách mạng là điều cần thiết để kiến tạo một thiên đàng dưới thế. Chủ nghĩa này đã mê hoặc được nhiều người – không phải là vì những giáo điều đúng thật của nó, mà bởi loài người đã quá mệt mỏi chán chường chủ nghĩa Tự do nửa vời, cho rằng chẳng có gì tối hảo để vươn tới hoặc chẳng có gì là xấu xa đáng kết án cả. Chủ nghĩa này đã biết cách lấp đầy khoảng không mà con người đã tạo ra khi chối bỏ Thượng Đế, Đấng đã phán: “Hãy mang lấy thập giá mà theo Ta”.
Nhưng bên cạnh đó còn có một cách hy sinh lành mạnh hơn mà ta phải ấp ủ: giới trẻ hằng đòi hỏi những gì gian nan và xứng đáng để hành động. Một số tìm được “chính nghĩa” để phục vụ hết mình bao lâu họ còn tin rằng chính nghĩa đó còn cứu giúp thế giới được. Nếu có ai đó cho rằng điều đó chỉ tổ làm cho những thanh niên thiếu nữ này trở thành vô chính phủ và hời hợt, tôi phản đối: đó không hề là dấu hiệu chứng tỏ bọn trẻ hèn yếu hoặc muốn nổi loạn chống đối luật pháp và quyền bính. Trái lại tôi cho rằng đúng ra phải nói là thế hệ đi trước mới thực sự là kẻ yếu hèn. Họ đã lập lờ giữa thật và giả, đức hạnh với thói xấu, biến cuộc sống thành một trò hề. Thế hệ trẻ có được tinh thần cách mạng bởi vì họ muốn phản đối thế hệ đi trước đã thất bại, không chuyển giao được cho thế hệ đi sau những giá trị trong sáng và sắc sảo đáng cho họ tranh đấu. Họ nổi loạn để tỏ cho thấy họ coi thường xã hội man rợ, thụ động đã cưu mang ra họ. Họ chống lại cuộc sống trống rỗng, vị kỷ. Họ muốn bù lại bằng những hành động năng nổ nhiệt tình hơn. Dù có bi quan đến đâu, ta vẫn thấy lóe lên tia hy vọng này: những thái độ nổi loạn nơi giới trẻ vẫn hướng về cuộc sống tận tụy và bao la hơn.
Lịch sử đế quốc La mã đã có lúc rất giống với thời đại chúng ta. Thuở ấy, dân La mã chọn triết lý khắc kỷ làm lẽ sống, châm ngôn là: “Nghiến răng mà chịu đựng”. Thời nay một thứ triết lý khác, tuy ít thỏa mãn được người ta hơn so với chủ nghĩa khắc kỷ La mã, triết lý ấy đã hình thành sau khi loài người thoát ra khỏi hai cuộc thế chiến. Nó xuất hiện ở Đức sau Thế chiến I. Rồi sau đó lan qua Pháp cho đến ngày nay. Đó là chủ nghĩa Hiện sinh.
Chủ nghĩa khắc kỷ khiến cho văn minh bị suy thoái. Chủ nghĩa Hiện sinh kêu gọi con người chấp nhận chủ nghĩa hư vô hóa nội tâm, hủy hoại nhân vị do Thiên Chúa ban cho. Các triết gia hiện sinh ít nhất là đã nhìn nhận rõ ràng rằng họ kêu mời con người phải chọn một trong hai đối tượng tối hậu này: hoặc là Thiên Chúa, hoặc là không gì cả. Và một khi đã chọn xong, con người ta không được ở mức tầm thường nữa: hoặc là đi đến điên cuồng và tự sát, hoặc là đến với Thiên Chúa bằng hy sinh, quên mình. Đại đa số nhân loại ngày nay – nhất là giới trẻ – đều sẵn có tinh thần hướng thượng. Họ muốn đạt cho được bầu khí Chan Hòa với Thập Giá, và mài dũa các khía cạnh sắc bén lởm chởm của con đường khổ nạn cho bằng phẳng hơn để con người giảm bớt đau khổ. Nhưng các vị lãnh đạo lại không như thế, họ không được chuẩn bị để đáp ứng thỏa đáng các khát vọng sâu xa của dân chúng. Các quan sát viên nông cạn hẳn có thể cho rằng lãnh tụ chỉ là kẻ hứa nhiều nhưng chẳng đem lại gì cả – nhưng chắc chắn lãnh tụ trong tương lai sẽ là người nắm bắt được ước muốn của dân, họ sẽ biết tự mình vác lấy thánh giá.
Thời đại mà giới lãnh đạo chỉ quen hứa hão nay đã cáo chung. Ngày nay lãnh tụ phải biết kêu gọi lòng dũng cảm, hy sinh, quên mình. Hàng triệu người sẽ qui tụ quanh họ, sẵn sàng đem lại cho nhân dân những gì quý báu hơn cả mạng sống. Nước Mỹ mới nay khao khát có được cơ hội hy sinh cho chính nghĩa thế giới. Khi đã có lãnh tụ biết sẵn sàng hy sinh để dành cho được những gì quý giá nhất, bấy giờ mọi người ắt sẽ sống trong an lạc.
LÒNG NHÂN TỪ PHẢI ĐI ĐÔI VỚI CÔNG BÌNH
Thế giới này càng mềm lòng bao nhiêu thì danh từ “nhân hậu” càng được sử dụng nhiều bấy nhiêu. Nhân từ là một đức tính đáng trân trọng, miễn là ta phải hiểu cho đúng. Thực ra người ta thường kêu gọi tỏ lòng nhân hậu với những ai vi phạm lề luật Thiên Chúa, hoặc những kẻ phản bội tổ quốc. Đó chỉ là cảm xúc, không phải là đức tính. Người ta không thể chấp nhận lý do người con giết chết cha mình vì “tuổi cao sức yếu” là đúng đắn. Cũng thế, đem lại “cái chết êm dịu” chỉ là một hành động sát nhân, một tội ác được gọi bằng một cái tên mỹ miều hầu chạy tội.
Hết thảy các trường hợp nhân hậu nêu ở trên đều thiếu nguyên tắc cơ bản này: lòng nhân hậu chính là sự hoàn thiện đức công bằng. Tiên vàn không phải là lòng nhân hậu, mà là đức công bằng. Phải thực thi công bằng trước đã, sau đó mới tỏ lòng khoan nhân. Công bằng mà không khoan nhân thì hơi khắt khe, ngược lại khoan nhân mà không dựa trên nền tảng công bằng là quá nghiêng về tình cảm. Khi khoan nhân bị tách rời khỏi công bằng, nó không còn được gọi là yêu thương nữa. Hễ ta yêu thương ai thì ta phải chống lại những gì có hại cho đối tượng mình yêu. Biết phẫn nộ chính đáng không phải là dấu chỉ cho thấy thiếu lòng thương xót hay thiếu tình yêu. Trái lại, đó mới là bằng chứng của lòng khoan nhân. Đối với tội ác, nếu ta cứ khoan nhượng, thì có nghĩa là ta đã bằng lòng với tội ác đó. Kẻ nào hô hào phóng thích bọn sát nhân, phản bội… với lập luận rằng “ta phải nhân từ như Chúa Giêsu nhân từ”, hẳn họ đã quên mất điều này: Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc nhân lành cũng đã nói rằng Ngài đến không phải để đem lại an bình mà là gươm giáo. Người mẹ yêu thương con thì cũng sẽ căm ghét bệnh hoạn là thứ đang đe dọa sinh mạng con mình. Thiên Chúa cũng chứng tỏ rằng Ngài yêu mến sự Thiện khi Ngài ghét sự ác lăm le hủy diệt linh hồn con người. Đem ví một bác sĩ nương tay với vi trùng thương hàn hoặc bại liệt, hoặc một quan tòa khoan nhượng tội hiếp dâm lấy cớ là phải bắt chước Thiên Chúa nhân từ là một lối so sánh hết sức khập khiễng, bởi lẽ Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận tội lỗi cả.
Kẻ nào không nghiêm khắc bao giờ hoặc không biết phẫn nộ thì hoặc là kẻ ấy không có tình thương, hoặc không còn khả năng phân định phải trái nữa. Tình yêu có thể mang tính nghiêm khắc, cưỡng chế và kể cả dữ tợn nữa như ta đã thấy nơi Đấng Cứu Thế. Há Ngài đã chẳng có lần ra tay đánh đuổi bọn con buôn ra khỏi đền thánh đó sao? Ngài cũng hết sức gay gắt khi trả lời Hêrôđê. Ngài cũng thẳng thừng tuyên bố với Toàn quyền Roma, nhắc cho ông biết rằng ông chẳng có quyền gì cả nếu Thiên Chúa không ban cho ông. Trong câu chuyện với người đàn bà bên bờ giếng, sau khi đã nói bóng gió nhẹ nhàng mà bà vẫn bỏ ngoài tai, Chúa Giêsu đã nói thẳng ra rằng bà đã qua 5 đời chồng. Khi những kẻ xưng mình là chính trực muốn gài bẫy Ngài, Ngài đã lột mặt lạ họ để họ lộ nguyên hình là bọn giả hình và Ngài gọi họ là “nòi giống rắn độc”. Khi Chúa hay tin những người Galilê bị cắt cổ lấy máu, Ngài hết sức gay gắt: “Cả các ngươi nữa, nếu không có lòng ăn năn hối cải thì cũng sẽ bị hủy diệt như họ”. Ngài cũng nghiêm khắc lên án những kẻ nào xúc phạm, làm gương mù gương xấu cho trẻ em: “Kẻ nào làm hư hỏng lương tâm của một trong những trẻ nhỏ này, tốt hơn là nên cột cối đá vào cổ y rồi quăng ra biển”.
Ngài dạy thà rằng móc mắt, chặt bỏ tay chân nếu chúng nên cớ cho người ta phạm tội mất phần linh hồn. Khi một môn đồ đến xin Ngài nghỉ việc tông đồ để về chôn cất cha mình, Chúa bảo ông: “Hãy theo Ta và cứ để mặc kẻ chết chôn kẻ chết”. Thấy Matta lo lắng dọn bữa tiệc đãi mình, Chúa Giêsu đã nói với bà rằng có một điều khác cần hơn. Thấy các tông đồ say ngủ, Ngài đánh thức họ và quở trách họ thiếu cầu nguyện. Và dù Toma đã tuyên xưng rồi, Chúa vẫn lên tiếng trách móc ông thiếu lòng tin. Có khi chỉ một cái nhìn của Ngài là đủ xuyên thấu lòng người, phát hiện hết mọi yếu hèn và xấu xa trong lòng người, cái nhìn đó đã làm một môn đệ của Ngài phải cảm động khóc ròng.
Nếu như lòng nhân từ chỉ là sự tha thứ hết mọi lỗi lầm, không đòi hỏi phải đền bù, không cần đến lẽ công bằng thì nó càng làm cho sự sai trái gia tăng bội phần. Lòng khoan nhân chỉ nên dành cho kẻ không lạm dụng; và kẻ nào biết sửa đổi điều sai trái thành điều ngay thẳng theo như lẽ công bằng đòi hỏi, kẻ ấy hẳn không lạm dụng lòng khoan nhân. Cái mà ngày nay người ta gọi là khoan hồng thực ra chẳng phải khoan hồng gì cả, mà chỉ là tấm nệm êm ái đỡ đần cho kẻ không ăn ở công bình, và như thế càng làm gia tăng tội lỗi xấu xa. Người đạo đức không phải là kẻ nhu nhược, không biết xúc cảm trước bất công. Đúng hơn, người đạo đức phải là người vừa dịu dàng vừa nghiêm khắc, có thể nổi giận lên khi thấy bất công, sẵn sàng ra tay bảo vệ công lý như thiên thần Micae, Đấng Chính Trực của Thiên Chúa.
TẠI SAO KHÔNG TỐT LÀNH HƠN?
Lý do tại sao ta không tốt lành hơn là vì chính chúng ta không hề quyết chí trở nên tốt lành hơn. Kẻ tội lỗi và người lành thánh chỉ khác nhau vì những quyết định nhỏ nhoi trong tâm hồn. Trong lãnh vực tâm linh, chưa khi nào hai trạng thái trái ngược lại ở cận kề nhau như thế. Giữa giàu và nghèo là cả một vực sâu ngăn cách, người ta phải cậy vào sự hỗ trợ của hoàn cảnh bên ngoài, hoặc phải có vận may mới vượt qua được vực thẳm đó. Giới tuyến phân cách kẻ ngu đần với người thông thái cũng rất sâu rộng: một người dốt nát muốn trở thành thông thái đòi hỏi phải có lòng hiếu học và trí thông minh. Nhưng để chuyển từ tội lỗi thành nhân đức, từ sự hèn kém nên sự thánh thiện, người ta chẳng cần gì tới “vận may” hoặc phải cậy dựa vào sự hỗ trợ của hoàn cảnh bên ngoài. Người ta chỉ cần một hành động hữu hiệu là quyết tâm cộng tác với ơn Chúa, thế là đủ.
Thánh Toma đã dạy rằng: “Chúng ta không phải là thánh bởi vì chúng ta không quyết tâm nên thánh”. Cần lưu ý rằng ngài không nói “vì chúng ta không muốn nên thánh”. Thực ra nhiều người chúng ta vẫn muốn nên thánh đấy thôi. Nhưng muốn đơn thuần chỉ là sự ước ao điều gì đó sẽ xảy đến một cách tự nhiên không đòi hỏi ta phải ra tay hành động. Quyết tâm nghĩa là ta có kế hoạch hẳn hoi và phải thực hiện cho bằng được với bất cứ giá nào, với hết sức lực và hy sinh.
Chúng ta thường tự đánh lừa mình khi tưởng tượng ra rằng mình luôn quyết chí trở nên tốt lành hơn, nhưng đồng thời trong thực tế ta vẫn giữ lại quá nhiều nết cũ, vẫn quyết định không đổi thay nhiều thói quen xấu đang có. Như thế lòng ao ước chỉ là một ước muốn ơ hờ. Chìa khóa để đạt được tiến bộ trong đời sống thiêng liêng được tìm thấy trong kinh Tin Kính: “Ngài xuống ngục Tổ tông, ngày thứ ba Ngài sống lại”. Cũng thế mỗi người phải xuống đến cõi vô thức, tận cùng sâu thẳm của linh hồn, nơi chất giấu các nề nếp cũ xưa của mình. Chính các nết cũ này, rất khó nhận ra, đã làm ta lóa mắt khi xem xét mọi sự, tựa như các cánh cửa kiếng sặc sỡ biến đổi các chân lý của thực tại bên ngoài khi các chân lý này trồi lên vùng ý thức của ta. Nếu các nếp cũ của ta là thành kiến, thói xấu, kiêu ngạo, tham lam, ghen tỵ… thì thực tại sẽ bị bóp méo đi và ta chẳng thể nào có sự phán đoán lương hảo được. Bấy giờ chân lý sẽ bị nhào nặn sao cho phù hợp với những khiếm khuyết của ta; ta tự dối mình để khỏi phải thay đổi, khỏi phải dứt bỏ những thói xấu mà ta trân trọng đó.
Đa số chúng ta sống bám theo hình ảnh ngụy tạo của chính bản thân mà ta chẳng muốn rũ bỏ, ta kinh hãi đau khổ khi khám phá ra rằng ta không được cao thượng như ta vẫn hằng tin. Ta nhào nặn chân lý theo khuôn mẫu mình thích, gạt bỏ hết mọi chân lý làm ta khó chịu. Cách đo lường chân lý theo ý riêng như thế quả gây lầm lẫn vô cùng; tựa như khi ta tự định đặt một phím nào đó trên đàn piano làm âm Đô vậy. Vô ích, chúng ta có thể cứ cho phím nào ta dễ chơi nhất là nốt đô đi, nhưng kết quả thật là thảm hại: thay vì hòa âm, chúng ta chỉ có được toàn là nghịch âm. Chớ nên nhào nặn chân lý thuận theo ý mình.
Chính các nếp cũ đeo đẳng này…cũng như các thái độ sống mà ta không muốn dứt bỏ được thay đổi… đã tác động lên và làm lệch lạc óc phán đoán của ta. Trước khi bước vào miền đất hoan lạc của Đấng Chân Thật, ta phải nhào xuống cõi địa ngục, nơi chôn kín các lỗi lầm ta muốn chối bỏ này. Điều này đòi hỏi ta phải phân tích kỹ càng con người của mình, bằng ánh sáng của lề luật vĩnh cửu của Thiên Chúa.
“Đừng tự lừa dối mình”. Trong lãnh vực tâm linh, câu cảnh cáo này quả là một lời khuyên hay. Không gì làm cản trở bước tiến trên đàng nhân đức của ta cho bằng sự ích kỷ. Kẻ ích kỷ lúc nào cũng tự lừa dối mình, lúc nào cũng có những lầm lỗi đối với Thiên Chúa mà y không muốn sửa đổi, và y cũng chẳng chấp nhận rằng mình có các sai phạm đó nữa.
Đó là lý do tại sao con người vị kỷ của chúng ta phải hết sức lùng kiếm cho ra mọi thói hư ẩn náu trong mọi ngõ ngách tâm hồn mình. Ta cần thấy được cái tôi thực sự của mình, chứ không phải cái tôi do ta ngụy tạo. Ta phải yêu mến Chân lý hơn cả chính mình, phải quyết tâm từ bỏ mọi lỗi phạm, có như thế ta mới mong thấy được Chân lý đích thực.
Không gì làm cho đời sống thiêng liêng què quặt cho bằng các thứ “chấy rận” núp ẩn trong linh hồn. Chúng có thể là một trong bất cứ những lỗi phạm thiếu sót thông thường như tự phụ, cay cú, ganh tỵ, căm thù… Những ai thực tâm muốn đến gần Thiên Chúa hơn mà không có tinh thần xét mình hẳn ngạc nhiên khi thấy rằng sao mình lại hay thất bại quá: lý do chắc chắn là trong tâm hồn họ có con ngựa thành Troie làm nội gián, con ngựa đó chính là lỗi lầm chủ chốt chưa được nhận ra. Chỉ đến khi nào tìm được rồi thú nhận lỗi lầm đó với Thiên Chúa và quyết tâm tận diệt nó đi, họ mới thực sự tiến tới trên đàng nhân đức. Thánh Augustinô đã nói: “Người tôi tớ đẹp lòng Thiên Chúa nhất là kẻ không chỉ chuyên tâm lắng nghe Lời Chúa, mà còn quyết tâm thực thi Lời Ngài nữa”.
CÁCH MẠNG PHẢI BẮT ĐẦU TỪ CON NGƯỜI
Ngày nay người ta đưa ra rất nhiều lý thuyết kinh tế xã hội để tìm cách thay đổi cục diện thế giới, nhưng đúc kết lại, mọi kế hoạch đều qui vào một trong hai lập trường này: một là cải cách định chế; hai là cải cách con người.
Hầu hết các tác giả viết về những kế hoạch hoàn thiện hóa con người đều bắt đầu với giả định này: tất cả những gì không tốt đẹp nơi nhân loại đều có thể qui hết cho định chế, nghĩa là cho một sự việc. Bởi vậy cứ thay đổi định chế đi là mọi sự tự khắc tốt đẹp. Một số kế hoạch đổ tội cho quyền tư hữu là nguyên ủy của mọi rắc rối nhiễu nhương, thế là họ “cải biến” nó thành quyền sở hữu tập thể. Một số khác lại qui lỗi cho hệ thống nghị viện, thế là “cải biến” thành độc tài. Kẻ khác lại nguyền rủa chính sách kim bản vị (chế độ tiền tệ lấy vàng làm bản vị chính, các thứ tiền khác đều chiếu theo giá tiền vàng mà định) và yêu cầu “sửa đổi” thành chế độ ngân bản vị (chế độ tiền tệ lấy tiền bạc làm bản vị chính).
Nhưng trong các trường hợp đó, điều người ta muốn “cách mạng” hoàn toàn nằm ở bên ngoài con người. Người ta đổ tội cho những vấn đề tài sản, chính quyền, tài chánh rồi tìm cách khắc phục chúng. Các nhà cải cách ngày nay không hề đổ tội cho chính con người về những băng hoại của thế giới, cũng chẳng thèm sửa đổi cá nhân con người.
Các nhà cải cách ấy đã gán cho những định chế này một tầm quan trọng đặc biệt, cho chúng là thần dược của thế giới, nên họ đã vẽ ra kế hoạch xây dựng hòa bình và thịnh vượng… thế là họ đòi hỏi loài người phải thay đổi bản tính cho phù hợp với kế hoạch vạch ra. Nhân vị trở thành vô nghĩa. Nhà nước tồn tại không phải vì con người, và người ta cho rằng con người chỉ có ý nghĩa khi biết phục vụ Nhà nước. Trong một hệ thống như vậy, con người bị tước mất nhân bản, mất nhân vị rồi được đúc thành những con người rập khuôn chỉ biết qui phục một dân tộc, một nòi giống hoặc một giai cấp nào đó nắm quyền.
Sự tôn sùng một cách cố chấp cái lý thuyết đó đã gây ra những hậu quả kinh hoàng cho thế giới hiện tại. Đối với những kẻ đẻ ra lý thuyết đó thì những chuyện như toàn thể nhân dân đều bị tước bỏ tự do, hoặc hàng triệu người chết đói, hay hàng vạn con người bị thanh trừng… chẳng có gì đáng quan tâm, miễn sao lý thuyết đó vẫn còn nắm được chính quyền. Thay vì làm ra cái mũ chính sách nhà nước thích hợp để cho dân đội vừa, thì họ lại chặt đầu những kẻ không đội vừa cái mũ đó… Họ đòi hỏi là các định chế kinh tế chính trị phải đóng vai trò chủ đạo, cho dù có phải trả giá bằng việc hủy hoại chính con người.
Nhưng ngoài những phương thức trên còn có một phương thức cải tạo thế giới khác nữa, dựa vào xác tín này: mọi cuộc cải tạo phải khởi sự từ nơi con người, bản tính loài người phải thích nghi, thuận theo một kế hoạch rộng lớn, cao cả hơn những lý thuyết thế gian này, hơn bất kỳ kế hoạch xây dựng trật tự thế giới do một nhà nước hay định chế nào phác thảo ra. Phương pháp này công nhận rằng phải làm cách mạng… nhưng không phải lật đổ những gì nằm bên ngoài con người. Nó thôi thúc con người phải làm cách mạng ngay trong chính nội tâm mình; với những thói hư tật xấu như kiêu ngạo, vị kỷ, cá nhân, cục bộ, ganh tỵ, tham lam.
Hình thức cách mạng thứ hai này không đổ thừa những rắc rối ta gặp phải cho các định chế, mà qui lỗi cho chính nhân loại… không phải qui tội cho cách thức con người vận dụng tài sản, mà cho cách thức con người điều khiển bản thân. Phương pháp cải cách này ít thông dụng hơn phương pháp đầu: khi gặp khó khăn trở ngại, ai trong chúng ta cũng đều thích đổ lỗi cho người khác, việc khác, hơn là cho chính bản thân. Cậu bé va đầu vào cửa, thế là cứ nhằm cửa mà đạp. Người cầu thủ đá hỏng quả banh, thế là cứ nhằm đôi giày mà đổ tội. Nhưng lỗi là của cậu ta chứ, đôi giày đâu có làm nên tội tình gì.
Tìm cách đổ tội chẳng mang lại kết quả gì. Bởi lẽ các phiền phức trong thế giới nằm ngay ở trong con người. Chẳng ích lợi gì khi chuyển nhượng tài sản từ tay một ít nhà tư bản vào tay một ít cán bộ chức quyền để họ tha hồ vơ vét và tham lam. Sửa đổi các điều khoản luật lệ mà không sửa đổi bản thân người thi hành luật thì chẳng ích lợi gì, bởi vì rắc rối không nằm trong luật lệ, mà nằm ở chính lòng ích kỷ của kẻ thừa hành. Nếu ta muốn tái tạo thế giới, ta phải bắt đầu bằng việc cải tạo bản thân con người trước đã. Dần dà các định chế sẽ tốt lành bởi lẽ chúng trở nên giống với những kẻ tốt lành đã dựng nên chúng.
Và đó cũng là lý do tại sao các định chế và kế hoạch phải mềm dẻo và linh động đủ để thích ứng được với những tâm hồn tự do, hứng khởi, muốn trưởng thành và muốn mở rộng tầm nhìn nhờ đời sống tiếp xúc với Thiên Chúa. Ngoài Thiên Chúa ra, không có mục tiêu nào vĩ đại đủ để đòi hỏi loài người phải biến đổi bản tính của họ… bởi vậy không một định chế trần gian nào có quyền chà đạp lên phẩm giá con người.
Con người là tạo vật cao cả nhất trên trần gian này: linh hồn bất tử của con người có giá trị hơn cả mọi lý thuyết, kế hoạch hoặc cả thế giới gộp lại. Các định chế, kế hoạch, nhà nước… đều sẽ qua đi. Chỉ có con người và linh hồn của con người là quan trọng, bởi lẽ “được cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?”
VẪN CÒN HY VỌNG
Trên thế giới có rất nhiều người bi quan khi dự đoán tương lai. Nếu tôi không thực sự tin vào Thiên Chúa thì tôi cũng bi quan như họ. Cách đây 30 năm, một từ được nói trên môi mọi người là từ “tiến bộ”. Còn ngày nay ai cũng nói đến “thất bại” và “bom nguyên tử”. Thái độ bi quan yếm thế này xuất hiện tỷ lệ thuận với việc theo dõi tin tức thế giới. Nói như thế không hẳn là vì tin thế giới ngày nay quá trì trệ, mà vì người ta dành quá ít thời gian để phát các tin khác tích cực hơn. Kết quả là thiên hạ sống đời sống chính trị chứ không phải đời sống tâm linh.
Giở bất kỳ một tờ báo nào ra, hầu như ta đều đọc thấy đại loại những tin như sau “Cắt giảm trợ cấp” “Công ty x. phá sản!” “Giám đốc Y. bị tố cáo đã tham ô 100 triệu!” v.v… Sở dĩ có sự mất cân đối giữa tựa đề và bài tường thuật là vì ngày nay người ta đồng hóa: giật gân là tin tức, là chân lý. Chẳng có tin tức nào thuật lại chuyện cha mẹ thương yêu con cái, dạy dỗ chúng biết yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi, yêu mến anh em láng giềng, yêu tổ quốc. Nhưng những chuyện thuộc loại vớ vẩn như ông A chia tay bà B sau 18 tháng chung sống thì lại được đăng tin. Điều xấu xa tệ hại thì được đăng còn điều tốt lành lại bỏ qua.
Chiến tranh và hiện trạng thế giới cũng thế. Thời thế đảo điên quá! Chưa khi nào tệ hại như hiện nay, bởi lẽ chưa bao giờ thế giới văn minh lại điên cuồng chống đối Thiên Chúa đến thế. Chúng ta đang chứng kiến di sản Kitô giáo được chuyển từ Tây sang Đông. Không phải Tây phương đánh mất di sản ấy, mà là phương Đông nay đang bắt đầu thực hành những điều phương Tây đã làm được trong thời sung mãn nhất. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là nền văn minh của ta đã cáo chung, và chúng ta đã hết hy vọng. Chúng ta đã tới thời buổi lịch sử mà Thiên Chúa xui khiến ta nhìn nhận ra sự khiếm khuyết của mình là hậu quả của việc chỉ tin vào mình. Thường thường, đối với đứa con nào tự hào tưởng rằng mình làm được tất cả, người cha cứ để mặc nó mò mẫm tháo ráp đồ chơi của nó, rồi sẽ có lúc nó nhận ra mình còn kém cỏi và cầu cứu cha mình giúp đỡ.
Thay vì gọi thời buổi này là thời buổi tai họa, ta nên gọi nó là thời kỳ nhục nhã. Chúng ta được tự do tùy nghi theo đuổi mọi quan điểm, mọi công cụ. Dần dà con người ta nhận chân được lời Kinh Thánh: “Khốn cho những kẻ qua Ai cập cầu cứu, họ tin vào chuyện đông người khỏe ngựa, mà quên đi Thiên Chúa yêu thương”.
Có một người cha dắt con ra đồng xem thử lúa đã gặt được chưa. Cậu con thích những cây lúa còn đứng thẳng thân và bảo: “Những cây lúa oằn xuống kia chắc chẳng có hạt lúa nào để gặt cả”. Người cha trả lời: “Con ngốc nghếch quá! Cây nào thẳng đứng là những cây mang hạt lép kẹp, chẳng giá trị bao nhiêu, còn những cây oằn xuống, cúi đầu mới là những cây mẩy hạt”. Trong đời sống cũng vậy, dân tộc nào biết cúi đầu khiêm nhu trước Thiên Chúa, dân tộc đó sẽ trở nên vĩ đại.
Những ngày tháng vĩ đại đang chờ đợi ta phía trước, mặc dù có những lúc thanh luyện xen kẽ, hầu biết được là nếu không có mặt trời thì không có nắng ấm, và dân tộc ta không thể thịnh vượng nếu không có Thiên Chúa. Niềm hy vọng này sẽ chuyển thành chiến thắng nhờ một trong hai cách sau đây: hoặc tự thức tỉnh tâm hồn bằng việc cầu nguyện, hoặc bị sa lầy vào cùng khốn cho tới khi biết ngẩng mặt lên kêu cầu Chúa từ tình trạng thiếu thốn của mình. Thế giới nói chung và đất nước chúng ta nói riêng, vẫn đầy dẫy hàng ức triệu người lành. Đời sống tâm linh ngày càng phát triển, đời sống cầu nguyện ngày càng gia tăng, giới trẻ ngày càng khát khao hy sinh về mặt tinh thần. Chúng ta không thất bại đâu! Chúng ta chỉ mất đi tính kiêu ngạo thôi! Thiên Chúa không bao giờ đội vương miện chiến thắng lên đầu kẻ ngạo mạn. Mặt trời càng xuống thấp, bóng càng dài, cũng vậy ta càng khiêm tốn bao nhiêu thì càng thành vĩ đại bấy nhiêu. Kiêu ngạo chỉ giết chết lòng biết ơn nơi người khác. Quốc gia chúng ta rồi đây sẽ có ngày long trọng tổ chức lễ tạ ơn Thiên Chúa vì đã thắng lợi trong việc mưu tìm hòa bình. Còn bao lâu nữa mới tới ngày đó?
GM. Fulton Sheen