MẦU NHIỆM CỦA TÌNH YÊU
Ngay cả những mối tình nhân loại cao thượng nhất thì cũng có một lúc nào đó người ta cảm thấy mất đi tính cách nhiệm mầu. Giờ đây người ta đã lờn ngay cả với những gì tốt đẹp nhất, giống như những tay buôn nữ trang có thể cầm giữ những viên ngọc quí nhất mà chẳng thèm để ý chiêm ngắm chúng. Những gì chúng ta chiếm hữu được hoàn toàn rồi thì chúng ta không còn thèm nữa. Những gì đạt được rồi chúng ta sẽ chẳng hy vọng nữa. Thế mà hy vọng, ước muốn và nhất là mầu nhiệm lại là những thứ cần thiết để giúp chúng ta vui sống…
Một khi tháng ngày sống của chúng ta không còn cảm thấy có gì đáng ngạc nhiên nữa thì cuộc sống sẽ thành nhàm chán. Tâm trí chúng ta luôn luôn phải được vươn ra, phải rán đạt đến những giải pháp cho một số vấn đề mà lúc nào cũng như cố lẩn tránh chúng ta. Có thể do ảnh hưởng phổ biến của tiểu thuyết huyền bí nên khá nhiều người thời nay không còn thích luận bàn đến những mầu nhiệm của đức tin mà lại sẵn sàng tìm kiếm một cái gì đó thay thế cho những gì họ đã đánh mất. Độc giả các sách huyền bí dành hết thời gian để thắc mắc về cách thức một kẻ nào đó bị giết, chứ không thắc mắc về số phận vĩnh cửu của những người chết như đám người thời đại của Đantê và Michel Angêlô.
Người ta không thể nào hạnh phúc một khi cảm thấy thừa mứa. Cửa chưa mở, màn chưa kéo, nốt nhạc chưa đánh xuống mới làm cho chúng ta háo hức. Nếu “Tình yêu” chỉ thuộc bình diện thể lý thì chắc hẳn hôn nhân sẽ kết thúc khúc tình lãng mạn ấy, bởi vì cuộc săn đã kết thúc rồi thì mầu nhiệm sẽ hết là nhiệm mầu. Bất cứ khi nào người ta cho rằng đó là điều dĩ nhiên phải thế, người ta sẽ đánh mất đi tính nhạy cảm, tế nhị là đức tính thiết yếu tạo nên tình bạn, niềm vui và tình yêu trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Hôn nhân cũng thế! Một trong những hậu quả bi đát nhất của nó là chỉ chiếm hữu mà chẳng còn ham muốn nữa!
Một khi người ta chạm được tới đáy hay nghĩ rằng mình đã chạm tới đáy thì sẽ không còn tình yêu nữa! Làm cạn kiệt hết “mầu nhiệm” nơi nhân cách người kia tức là biến người ấy trở thành nỗi phiền toái. Phải luôn luôn có một cái gì đó chưa hé lộ, một mầu nhiệm nào đó chúng ta chưa thăm dò, một đam mê nào đó chúng ta không thể thoả mãn trọn vẹn… và điều này cũng đúng ngay cả trong vấn đề nghệ thuật. Chúng ta sẽ chẳng muốn nghe cô ca sẽ lải nhải mãi cung giọng chót vót của cô ta, cũng chẳng thích một diễn giả nào trình bày “toạc móng heo” một niềm cảm xúc nào đó của ông ta.
Một cuộc hôn nhân đích thực phải luôn bao hàm trong đó một mầu nhiệm càng lúc càng sâu, một thứ lãng mạn luôn luôn hấp dẫn. Ít nhất có thể liệt kê ra đây bốn mầu nhiệm của hôn nhân. Thứ nhất là mầu nhiệm đến từ thân xác người phối ngẫu mà ta gọi là mầu nhiệm tính dục. Khi mầu nhiệm ấy đã chu tất và đứa con đầu lòng chào đời thì một mầu nhiệm mới lại khởi đầu. Người chồng nhìn thấy nơi vợ mình điều mà trước kia anh ta chưa từng thấy đó là mầu nhiệm tuyệt vời của tình mẫu tử. Còn người vợ thì nhìn thấy nơi chồng mầu nhiệm ngọt ngào của tình phụ tử. Trong khi những đứa con khác tiếp tục ra đời hâm nóng lại sức lực và nét đẹp của họ, thì trước mắt cô vợ anh chồng xem ra chẳng bao giờ già hơn ngày đầu họ gặp gỡ nhau và trước mắt anh chồng, cô vợ vẫn mãi đẹp xinh như ngày họ mới đính hôn thệ ước.
Rồi khi các đứa con đến tuổi khôn lớn thì bắt đầu hé mở mầu nhiệm thứ ba: mầu nhiệm của tài năng bố mẹ sử dụng để uốn nắn tâm hồn đám trẻ đi theo đường lối Chúa. Trong khi đám trẻ càng tiến tới tuổi trưởng thành thì mầu nhiệm này vẫn tiếp tục triển nở, nhân cách từng đứa con luôn là điều bố mẹ phải thăm dò và uốn nắn để ngày càng trở nên giống với vị Thiên Chúa của Tình yêu hơn.
Mầu nhiệm thứ tư trong hạnh phúc hôn nhân hệ tại đời sống xã hội của đôi vợ chồng, hệ tại sự đóng góp của họ cho sự sung mãn của thế giới. Căn rễ của chế độ dân chủ nằm ở nơi đây bởi vì trong gia đình mọi người không đánh giá một cá nhân theo những gì tài khéo, những gì cá nhân ấy có thể cống hiến mà lại đánh giá dựa trên chính bản thể của cá nhân ấy. Chỉ cần cá nhân ấy có mặt trong gia đình là đủ đảm bảo có được vị thế riêng cho mình. Chẳng hạn một đứa trẻ dù bị câm hay mù, một đứa con dù bị tàn tật vì chiến tranh thì nó vẫn được yêu mến như một đứa con trong gia đình và như một đứa con của Thiên Chúa. Không cha mẹ nào giảm đi lòng yêu mến đối với đứa con khi nó có thêm quyền chức hoặc khôn ngoan sành sỏi, cũng không cha mẹ nào băn khoăn về giai cấp của con cái mình. Sự kính trọng nhân vị vì nhân vị nơi cuộc sống gia đình chính là nền tảng xã hội làm điểm tựa cho một cuộc sống cộng đoàn rộng lớn hơn. Nó cũng là lời nhắc nhở đầy hiệu nghiệm giúp ta luôn nhớ đến nguyên tắc chính trị quan trọng nhất đó là: sở dĩ có nhà nước là vì lợi ích của con người, chứ không phải con người phải phục vụ lợi ích của nhà nước.
>> Mục Lục