TÌNH YÊU VÀ TRẠNG THÁI XUẤT THẦN
Xuất thần có nghĩa là “xuất ra khỏi chính mình” hay nói rộng hơn, là sự cố người đang yêu như xuất ra khỏi bản thân mình, và tập trung mọi suy nghĩ vào kẻ mình yêu. Đám thanh niên thiếu nữ thường ngạc nhiên không hiểu tại sao phụ huynh chúng lại biết được chúng đang yêu; sở dĩ thế là vì họ thấy chúng cứ thường ngẩn ngơ mơ mộng, đăm đăm nhìn vào khoảng không chả thiết gì đến ăn uống. Tình yêu đã “hớp hồn” chúng như thế đấy!
Vả lại tình yêu thường là nền cho các mẩu chuyện nói về những vị giáo sư đãng trí, vào những đêm mưa, đem dù vào mùng để ngủ, những điều thú vị ấy trong đầu họ đã “lôi họ ra” khỏi thế giới chung quanh. Bất cứ thứ tình yêu mãnh liệt nào cũng mang lại hậu quả giống như thế, tức là làm cho kẻ đang yêu trở thành hờ hững với những khó khăn vụ thể cũng như những hoàn cảnh đáng chán quanh mình. Sống trong cái chòi mà yêu nhau thì thú vị hơn trong phòng ốc sang trọng mà mất nhau. Những kẻ yêu mến Chúa lại còn tỏ ra hờ hững với thế giới chung quanh một cách quái lạ hơn nữa: chẳng hạn Thánh Vinh Sơn đệ Phaolô say mê khi nhìn thấy Chúa bị nghèo khổ đến nỗi quên cả ăn. Còn Edna Vincent Millay thì viết về cuộc sống người Kitô hữu như sau: “Nếu mỗi chiều bạn đều cắm lều gần bên Kinh thành mà bạn thực sự ao ước được sống trong đó, và được nhìn rõ hơn cổng thành của nó, thì bạn sẽ có thể nằm trên cây gai, trên bầy rắn độc mà hầu như chẳng nhận ra mình đang nằm ở đâu”.
Tuy nhiên có điểm khác biệt lớn lao giữa tình yêu nhân loại và tình yêu mến Chúa mặc dù cả hai thứ tình này đều “lôi cuốn” chúng ta. Nơi tình yêu nhân loại, sự “xuất thần” thường xảy đến lúc ban đầu. Còn trong tình yêu mến Chúa, sự xuất thần chỉ có thể đạt được sau khi người ta đã trải qua bao nỗi đau đớn kinh khiếp trong tâm hồn. Trong lạc thú xác thân, thì trước hết là tiệc tùng sau đó mới đến chay tịnh và có thể còn bị nhức đầu nữa. Còn trong lĩnh vực thiêng liêng, trước hết là chay tịnh và có thể là cơn nhức đầu nữa sau đó mới có thể tới tiệc tùng. Những lạc thú “mê mẩn” mà hai vợ chồng vui hưởng lúc khởi đầu cuộc hôn nhân trong một ý nghĩa nào đó, giống như một “bả mồi” dụ họ chu tất sứ mệnh làm cha làm mẹ. Tuần trăng mật chẳng qua là một thứ chứng khoán Chúa ban cho cả hai để sau này họ phải trả bằng cách lo gầy dựng một gia đình. Tuy nhiên không có cơn xuất thần mãnh liệt nào dù thuộc tinh thần hay thể xác chúng ta được hưởng lâu dài mà không đòi phải trả giá. Mỗi cơn xuất thần đều kèm theo cái giá đòi buộc của nó.
“Sự hăng hái ban đầu là hăng hái giả tạo” xét về mặt hôn nhân cũng như mặt tôn giáo. Cơn “xuất thần” buổi sơ khai không phải là xuất phát từ thứ tình yêu chân thực và bền vững để chúng ta kiếm tìm, nắm lấy. Cơn xuất thần ấy hẳn sẽ đến với chúng ta, nhưng chỉ sau khi chúng ta đã trải qua nhiều thử thách tôi luyện, vẫn trung tín dù bị vùi dập, vẫn kiên gan mà không hề ngã lòng, vẫn vững tâm theo Chúa mặc cho bao quyến rũ của trần thế này. Thật tuyệt vời biết bao khi những bậc làm cha mẹ trong Kitô giáo cảm nếm được thứ tình yêu xuất thần sâu thẳm này, tuy nhiên họ đã phải bước qua khổ đau đồi Canvê mới có được thứ tình yêu ấy. Cơn xuất thần của họ mới là thực sự, giới trẻ ít được nó cho bằng giới già.
Cơn “mẩn mê” đầu tiên của tình yêu quả thực rộn ràng, nhưng dù sao cũng vẫn còn mang tính ích kỷ, bởi vì kẻ đang yêu thế nào cũng tìm kiếm nơi người mình yêu mọi thứ mình sẽ trao ban. Còn trong cơn xuất thần thứ hai, kẻ ấy cố gắng nhận lãnh từ Thiên Chúa mọi thứ mà cả hai người đều có thể trao ban. Nếu chỉ đồng hoá tình yêu với cơn “mùi mẫn” ban đầu thì phải có người kia hiện diện, tình yêu ấy mới có thể kéo dài, còn nếu đồng hoá tình yêu đó với thứ tình yêu kết hiệp, lâu bền và vĩnh cửu thì tình yêu sẽ đi tìm mầu nhiệm sâu kín của mình nơi Thiên Chúa, là Đấng đã đặt mọi thứ tình yêu nơi trái tim chúng ta.
Quá nhiều ông chồng bà vợ kỳ vọng nơi bạn đời mình sẽ trao ban điều mà thực ra chỉ mỗi mình Chúa mới có thể ban cho: đó là sự “đê mê vĩnh hằng”. Giả như có ông này bà nọ làm đươc điều đó, thì chắc hẳn họ là Chúa chứ chẳng phải là người. Chúng ta có lý khi ước muốn đạt được cơn xuất thần trong tình yêu, tuy nhiên nếu chúng ta hy vọng hưởng được nó qua lạc thú xác thịt là thứ nằm trong tiến trình dẫn chúng ta đến với Chúa, thì ắt hẳn chúng ta sẽ phải thất vọng. “Sự mùi mẫn” đầu tiên của tình yêu không phải là một ảo tưởng, tuy nhiên nó cũng chỉ là một thứ thẻ du lịch, một thứ để nếm trước, duyệt trước, thôi thúc thân xác và linh hồn khởi bước cuộc hành trình tìm đến những niềm hoan lạc vĩnh cửu. Nếu cơn mùi mẫn đầu tiên này qua đi thì không có nghĩa là nó mời gọi chúng ta đi tìm một người khác mà là yêu theo một đường lối khác, và con đường khác này chẳng ai ngoài Đức Kitô, Đấng đã từng phán: “Ta là đường”.
>> Mục Lục