VỀ VIỆC RỈ TAI
Thường tình từ thuở xa xưa đến nay, người ta cho rằng chỉ đàn bà mới ngồi lê đôi mách. Nhưng thực sự, cánh đàn ông cũng mắc phải chính tật xấu này mà họ gọi là “phê phán”.
Chúa đã từng phán “Đừng xét đoán tha nhân, để ngươi khỏi bị xét đoán”. “Xét đoán” ở đây nghĩa là đánh giá một cách đầy ác ý, bới lông tìm vết. Chỉ duy có Thiên Chúa mới biết rõ tâm hồn con người, còn người phàm chỉ thấy được vẻ bề ngoài. Ở nước Anh, các thẩm phán phải mang tóc giả khi luận xét hầu chứng tỏ cho thấy là họ không dùng ý riêng để phán xử. Điều này nói lên một sự thực là loài người ai cũng nghi ngờ hết. Họ cho rằng ngay cả các vị thông thái khôn ngoan nhất cũng không đáng được tin tưởng để phán định ai vô tội ai có tội.
Mỗi khi ta xét đoán tha nhân là ta xét đoán chính bản thân ta. Chúa dạy ta không được xét đoán để khỏi bị xét đoán. Và nhiều khi lời phê phán của ta đối với tha nhân chính là một lời kết án lỗi lầm chính bản thân ta. Khi người đàn bà gọi một bà khác là kẻ “lang chạ” hẳn bà đã biết được chuyện “mèo chuột” rồi. Sự ganh ghét là một thuộc tính của thói tự ti: ta ganh tỵ kẻ khác bởi vì ta cảm thấy không bằng họ, và vì rằng ta không thể nào vươn cho bằng họ được nên phải kéo họ xuống ngang hàng với ta cho được mới thôi. Khi phê bình người khác thì cũng tương tự như thế.
Chúa dạy rằng kẻ nào nói xấu kẻ khác thì mang tội nặng hơn chính kẻ bị họ nói xấu. “Cớ sao ngươi thấy được cọng rơm trong mắt anh em, còn cái xà to tướng trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái xà khỏi mắt ngươi cái đã, đoạn ngươi mới thấy đường để nhặt cọng rơm khỏi mắt anh em ngươi!”
Khi cho rằng mình có quyền phê phán tha nhân thì ta đã kiêu ngạo rồi, ta đã bị “cái xà” che khuất mắt ta. Nói xấu kẻ khác thì hoặc là ta đã đưa mình lên cao, hoặc đã hạ thấp kẻ khác xuống… nhưng thường là cả hai. Bởi chưng kẻ ưa nói xấu thường thích đổ tội mình phạm lên đầu kẻ khác. Người nói dối thường xuyên chắc chắn sẽ nổi giận hơn nhiều khi y phát hiện ra chính y bị kẻ khác dối gạt. Cũng vậy, kẻ ưa nói xấu hẳn tức tối ghê gớm khi hay nghe rằng đến lượt y bị kẻ khác nói xấu sau lưng. Chúa đã nhắc kẻ nói xấu nên suy nghĩ về việc lên án kẻ khác phạm tội. “Kẻ nào trong các ông không có tội, hãy ra tay ném đá trước đi!” Vậy rõ ràng là chỉ có ai vô tội mới có quyền kết tội. Nhưng kẻ vô tội bao giờ cũng muốn gánh lấy tội kẻ khác, coi sa ngã của người khác là của chính mình. Tình yêu không chỉ nhìn nhận tội lỗi mà còn dám chết để chuộc tội nữa.
Theo bản năng thường cảm thấy rằng nếu kẻ nào lợi dụng ta thì chắc chắn y sai quấy. Và rồi ta sẽ la ó như thể sắp ra tay cắt cổ y vậy. Họ thường dùng nhiều cách để tự biện minh như “Ai mà chẳng có lòng từ bi hỷ xả, nhưng…” hoặc “Dĩ nhiên, tôi không hề có ý phê phán, nhưng…” hay “Tôi không hề muốn phê bình ai cả, thế nhưng…” Những câu nói này càng được gọt dũa sắc sảo hơn nữa… và càng chứng tỏ rằng kẻ nói ra hoàn toàn có tâm lý đen tối “Ai yêu mến anh em, người ấy ở trong vùng ánh sáng. Còn ai ghét bỏ anh em, kẻ ấy ở trong tăm tối”.
Thiên Chúa hứa ban cho kẻ không kết án một phần thưởng cao quí vô ngần: họ sẽ không bị phán xét khi đến trước tòa Chúa. Mà dù cho họ có bị Thiên Chúa xét xử đi nữa thì sự phán xét của Chúa cũng rất nhân từ, hơn loài người nhiều. Vua Đavid khi đã phạm tội, ông đã khôn ngoan chọn hình phạt do Chúa định đặt hơn là do loài người ấn định, bởi vì Thiên Chúa bao giờ cũng nhân hậu hơn nhiều. Hết thảy chúng ta, nam cũng như nữ, đều không khôn ngoan đủ hoặc vô tội đủ để lên tiếng phê phán nhau. Và quyết định đúng đắn duy nhất về anh em khi thấy họ làm sai là ta nên chấp nhận và nói “Chúng ta hãy để cho Chúa phát xét họ”.
LOÀI NGƯỜI THỜI ĐẠI NGUYÊN TỬ
Người ta sợ hãi địa cầu bị nổ tung khi có chiến tranh nguyên tử. Nhưng sự thực là người ta không phải sợ bom nguyên tử, mà là sợ con người nguyên tử – con người đã chế tạo ra và sử dụng bom nguyên tử. Những hành động chiến tranh là do con người gây nên chứ không phải do vũ khí vô tri. Cung tên do người cung thủ chuyên nghiệp sử dụng hẳn không phải là mối đe dọa nếu nó rơi vào tay của một thổ dân man rợ.
Những lực lượng thiên nhiên không hề mang tính luân lý: chỉ có loài người sử dụng hoặc lạm dụng chúng mà thôi. Điện năng thì hữu ích thật đấy – miễn là mỗi chỗ ta ngồi đều không được biến thành ghế điện. Lửa dùng để nấu chín thức ăn thì tốt, nhưng để đốt phá nhà cửa thì quả là xấu xa. Thuốc men dùng để giúp ta bớt đi những cơn bệnh đau đớn, nhưng nếu rơi vào tay kẻ tội phạm thì tai hại vô cùng. Cũng thế, bom nguyên tử chẳng đe dọa ai cả. Chính con người mới làm ta phập phồng bất an.
Thế nhưng tại sao loài người lại hao phí công sức tìm cách hủy diệt nhau? Câu trả lời áp dụng cho thời đại ngày nay là: chính sự thoái hóa. Ngày nay người ta quá quen với khái niệm tiến hóa, loài người nhiệt tình đã có lúc cho rằng nhân loại tiến bộ là chuyện đương nhiên và chắc chắn. Nhưng ngày nay họ không còn thú vị gì khi cho rằng gốc gác con người là do khỉ vượn tiến hóa mà thành. Người bình dân ít còn nghĩ ngợi về sự tiến hóa, thì sự thoái hóa lại được nêu ra một cách thật đáng buồn. Sự thể là con người càng chế ngự được thiên nhiên chừng nào thì họ lại không làm chủ được bản thân chừng ấy. Con người đã trở thành nạn nhân cho chính những phát minh của mình.
Sự thoái hóa của con người trải qua 3 giai đoạn, giống như trường hợp ta thấy được trong câu chuyện kể về cậu con quay lưng lại với cha mình, người đã dùng thái độ nhân từ, thương yêu và tha thứ để khuyên nhủ con mình phải tuân giữ lề luật đạo đức.
Giai đoạn đầu tiên là sự dửng dưng: cậu con lảng tránh người cha, không màng chi đến lời dạy dỗ. Cậu nghĩ rằng những lời giáo huấn này chỉ tổ hạn chế tự do của mình, không cho mình làm theo những gì mình thích. Khẩu hiệu của cậu lúc này là “Ông già lỗi thời rồi”.
Giai đoạn thứ hai: khi cậu con càng ngày càng dấn thân vào đời sống vô luân, thì sự dửng dưng sẽ biến thành căm ghét. Cậu không còn nghĩ cha mình là người cha nữa, và gọi ông là “đồ điên”.
Giai đoạn thứ ba: sự căm ghét cha mình được mở rộng ra thành sự căm thù cả thế giới. Cậu thanh niên phàn nàn “chẳng ai hiểu cho mình cả”. Lương tâm cậu không cho phép cậu sống an ổn với chính mình và do đó cậu chẳng thể sống hòa hoãn với bất kỳ ai.
Con người xa khỏi lòng yêu mến Cha trên trời của mình cũng theo trình tự ba giai đoạn như vậy. Giai đoạn đầu: y từ chối có Thiên Chúa. Y cho rằng các điều răn của Chúa chỉ là “kỳ đà cản mũi” không cho mình sống thoải mái. Để biện hộ cho các hành vi sai phạm y cho rằng “Thiên Chúa chỉ là chuyện hoang đường”.
Ở giai đoạn hai: con người chối bỏ luôn bản tính của Thiên Chúa: y coi Thiên Chúa như kẻ thù. Bọn Pharisiêu cho Chúa Giêsu là quỷ sứ; họ cho Ngài là Chúa của sự ác chứ không phải là Chúa của sự thiện.
Ở giai đoạn ba: sự căm ghét Thiên Chúa biến thành nỗi căm thù đồng loại. Kẻ nào đã ra công tìm giết Thiên Chúa bao giờ cũng đi xa hơn nữa: họ tìm cách giết anh em, vì kẻ nào đã cắt đứt một sợi dây yêu thương nào đó rồi, kẻ ấy không thể yên tâm được và phải ra tay cắt đứt cho bằng hết mới thôi. Tục ngữ Tây Ban Nha có nói: “Ai phỉ nhổ Trời, kẻ ấy tự phỉ nhổ vào mặt mình”. Nền văn minh nào đã xua đuổi Thiên Chúa đi, tất yếu các thành viên sẽ trở nên độc ác và tàn bạo với nhau. Lòng căm thù đồng loại, kết quả của lòng căm ghét Thiên Chúa, được biểu lộ hữu hình ở bom nguyên tử: con người đã không thể sống với Chúa nay lại không thể chia sẻ quả đất này với anh em mình nữa.
Câu trả lời không nằm ở việc “kiểm soát nguyên tử”, mà nằm ở việc kiểm soát con người. Khi những em học sinh liệng đá làm vỡ kiếng cửa sổ, hẳn ta không tìm cách kỷ luật hòn đá mà là phải kiểm soát các học sinh. Các tổ chức quốc tế chẳng thể ngăn chặn được ngòi nổ chiến tranh nguyên tử bao lâu con người chưa biết tự kiềm chế và yêu mến phục vụ Thiên Chúa – đó mới chính là công việc của mỗi cá nhân mà chẳng có “hội nghị” nào làm thay được cả. Chỉ có một cách duy nhất để xóa sạch lòng hận thù trên thế gian này: con người chỉ có thể biết yêu thương anh em, và hơn nữa yêu cả kẻ thù, khi nào họ biết quay về với chính Đấng Yêu Thương, và nhìn nhận Ngài là Đấng tác tạo nên mọi người và yêu thương hết thảy. Chỉ khi đó họ mới yêu thương nhau được.
Những người “thực tế” có thể phản đối không chấp nhận như thế, họ vặn lại rằng nếu thế giới này chỉ có 50% biết quay về với Thiên Chúa, và 50% kia vẫn tiếp tục căm ghét Ngài thì sao? Điều này giống như trường hợp một đứa bé cứ sợ vấp té khi đi lên cầu thang vậy. Nhưng bên cạnh chú bé vẫn có người cha hằng để mắt đến và sẵn sàng ra tay nâng đỡ khi chú sắp té. Vậy thì lo gì? Nếu có Chúa ở cùng ta, ta còn phải sợ gì ai?