Lạy Chúa, xin cứu con – Chương 2

Nó thưa : “Em không biết mình sinh ra ở đâu nữa”

Tôi hỏi: “Em ở đâu?”

Nó đáp: “Em không biết.”

Tôi hỏi tiếp: “Thế mẹ em đâu?”

Nó đáp: “Chết rồi.”

Tôi lại hỏi: “Mẹ em làm sao mà chết?”

Nó đáp: “Em không biết.”

Tôi lần hỏi thêm: “Thế còn cha em đâu?”

Con bé lại mở miệng trả lời, vẫn với giọng nói yếu ớt khẽ khàng, nhưng lần này thì không phát ra thành lời được nữa. Nó đứng đó, thân hình nhỏ bé, tiều tụy và rất cô đơn, nhìn cắm xuống đôi giày dưới chân, nuốt vội những giọt nước trào ra từ khóe mắt.

Con bé rất đặc biệt. Tôi có thể nói ngay như vậy. Trong cái thế giới đầy những trẻ em bị lạc loài, bơ vơ và bầm dập của chúng ta, đứa bé gái này tức khắc nổi bật như đứa trẻ lạc lõng nhất, tê tái nhất – một đứa trẻ hoàn toàn và tuyệt đối chẳng quen thân với một ai hay một nơi chốn nào. Một đứa trẻ vô tội hoàn toàn không có căn cước hay gốc gác gì cả. Một đứa trẻ bị buộc phải trải qua một kiếp sống mà không biết bản thân mình là ai, không biết mình từ đâu mà đến, cũng chẳng hiểu vì sao mình lại vào đời.

Tôi nén hơi một lúc thật sâu, rồi đặt tay lên bờ vai của con bé và cố không để lộ ra rằng tôi đang xúc động và lo lắng trong lòng như thế nào.

Tôi chỉ vào một chiếc bàn trong nhà chúng tôi và nói:

“Đây, chúng ta ngồi xuống đây nhé.”

Tôi nghĩ mình sẽ nói chuyện với đứa bé này một lúc, cho em biết chúng tôi rất vui mừng vì em đã tìm đến với chúng tôi, và chúng tôi rất muốn giúp đỡ em. Thế nhưng, em đã làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Thật khó khăn lắm em mới kể ra câu chuyện cuộc đời em cho tôi nghe, mặc dù em rất muốn.

Tôi cho rằng em đã phải….

Đứa bé gái nói:

“Em… em thực ra cũng có một ông bố.”

Em lại tiếp:

“Ông ấy ở ngay tại New York này. Vì thế, em mới đến đây.”

Tôi hỏi cắt ngang:

“Thế trước đó, nhà em ở đâu?”

“Ở Chicago. Em… muốn, em thực ra không có nhà. Em sinh ra ở đâu em cũng chẳng biết. Em đã sống tại các cô nhi viện từ hồi em lên bốn tuổi. Nhưng ở đó tệ hại quá, Soeur à. Em không thể chịu nổi…

“Thế là đành phải bỏ đi…

“Trong hai năm nay gần đây, em sống tại một khu nhà bỏ hoang ở Chicago với một đám bạn cùng độ tuổi.” (Tôi đoán cô bé vào khoảng 17 tuổi).

Nghĩ đến cuộc sống lạnh lẽo, lẻ loi và khủng khiếp như thế của một đứa trẻ, tôi lẩm bẩm:

“Chắc hẳn rất khó khăn cho em.”

Đứa trẻ đáp:

“Đúng vậy. Nhưng ít ra ở đó, em cũng cảm thấy an toàn. Ít nhất em cũng gặp được một số bạn bè để làm nên một gia đình.”

Tôi lại rùng mình một lần nữa.

Đứa trẻ kể tiếp:

“Cách đây hai tuần, em có cơ hội tìm ra được chỗ cha em đang sống. Trước đó, em không hề biết. Em chưa gặp cha em kể từ khi em lên bốn tuổi…

“Thế là em viết một lá thư gửi cho ông ấy, và xin phép được đến thăm. Ông ấy đã đồng ý…

“Thế là em đi đến New York. Dọc đường, em xin đi quá giang. Mất hết một tuần lễ.”

Jenny với tay ra đàng sau và cởi chiếc ba lô đang mang sau lưng, rồi nhẹ nhàng vuốt qua vuốt lại mấy lần cho phẳng phiu.

Dòng nước mắt bắt đầu lã chã tuôn xuống nhanh hơn một chút trên đôi má của nó.

Tôi hỏi dồn:

“Thế rồi chuyện gì đã xảy ra?”

Jenny đáp:

“Thật khủng khiếp. Cha em không hề muốn gặp em, Soeur ạ. Ông ấy chỉ muốn tiền bạc của em mà thôi. Ông ấy là một người nghiện.”

Nói đến đó, Jenny gục xuống và khóc to.

Tôi cảm thấy trái tim mình cũng tan nát.

Tôi thực ra không biết sau đó chuyện gì sẽ xảy ra với Jenny. Jenny bị đặt vào giai đoạn giữa tuổi thơ ấu và tuổi trưởng thành như thế đó. Em không có một căn bản nào để bước từ độ tuổi này sang độ tuổi kia.

Em không có một ký ức đẹp nào trong đầu. Không một bức hình gia đình. Không giấy khai sinh. Không nơi sinh.

Cha em là một người nghiện ma túy. Mẹ em đã qua đời.

Mọi sự Jenny có tất cả chỉ gồm trong một chiếc bao ngủ. Và đó là chiếc ba lô được xếp gọn gàng nhất mà tôi đã từng nhìn thấy.

Thực sự rất ngạc nhiên, khi đưa đứa trẻ vào phòng và chúc ngủ ngon, chúng tôi mới nhìn thấy em giở ba lô ra. Mặc dù vô gia cư, nhưng mọi thứ trong chiếc ba lô của em được xếp rất ngăn nắp và sạch sẽ. Em còn có bốn hoặc năm tuýp kẹo chewing gum trong mỗi ngăn. Em giải thích với tôi:

“Vì không biết bao giờ mới có dịp đánh răng, nên em phải chuẩn bị như vậy.”

Quả thật, Jenny là một đứa trẻ rất đặc biệt….

Tôi không hiểu vì sao Jenny lại có một khả năng rất đặc biệt như vậy trong việc ứng phó với các hoàn cảnh, và cũng không biết đó có phải là một tình trạng hết sức đau khổ được che kín bên dưới cái vẻ ngăn nắp và sạch sẽ bề ngoài như vậy hay không.

Tôi không biết chúng tôi sẽ ở đây, giờ này, là vì đứa trẻ ấy, để trở nên một gia đình cho đứa trẻ ấy, một gia đình mà nó thực sự chưa bao giờ có được, để cung cấp cho đứa trẻ ấy một chiếc neo dựa mà nó chưa bao giờ biết đến.

Có lẽ phải mất một thời gian nữa. Nhưng vào một ngày không xa, tôi hy vọng, sau khi đã dành cho đứa trẻ ấy tình yêu thương, những lời chỉ dẫn và sự nâng đỡ mà nó vô cùng cần thiết (điều cốt yếu là sau khi chúng tôi đã giúp Jenny tìm lại được cuộc sống của nó), chúng tôi sẽ giúp Jenny làm lại cuộc đời qua chương trình Thăng Tiến của chúng tôi.

Với chương trình này, chúng tôi sẽ giúp Jenny những thứ cần thiết để em có thể thăng tiến từ tuổi thơ ấu cho đến tuổi trưởng thành, những điều mà em rất xứng đáng được hưởng, nhưng lại bị tước mất – đó là được đi học, được đào tạo hướng nghiệp và các kỹ năng để sống tự lập – với một cố vấn từng trải tận tình hướng dẫn và khích lệ em vượt qua từng bước đường.

Đó là một hành trình dài, rất dài, trước mắt Jenny. Nhưng tôi biết em là một đứa trẻ nhất định sẽ làm được điều đó. Tôi biết chắc như vậy.

Cũng như mọi khi, tôi xin thay mặt Jenny và 1.399 đứa trẻ khác mà chúng tôi sẽ gặp vào tối nay để cảm ơn các bạn. Tôi biết các bạn có những ưu tư, có những hóa đơn sẽ phải tính và có một gia đình để lo lắng. Tôi biết rằng việc làm cha mẹ yêu thương và hướng dẫn cho 1.400 đứa trẻ mà chúng tôi gặp gỡ hằng đêm không phải lúc nào cũng là một việc dễ dàng.

Nhưng xin các bạn biết cho, trong từng giây từng phút, điều đó mang một ý nghĩa đối với chúng tôi và đối với những đứa trẻ này. Trong một thế giới có những đứa trẻ xinh đẹp và vô tội như Jenny, nhưng lại thường bị vứt bỏ và bị lãng quên, thì chính bàn tay và trái tim của các bạn sẽ đem lại cho chúng niềm vui. Chính tình yêu các bạn sẽ làm cho vấn đề nên khác. Tôi không thể nói điều này cho đủ được. Những lời cầu nguyện và sự nâng đỡ của các bạn nói lên tất cả đối với các trẻ. Và đối với cả tôi nữa.

Xin cảm ơn, xin cảm ơn, xin cảm ơn các bạn đã lưu tâm đến chúng hết khả năng các bạn. Tôi không bao giờ ngưng cảm tạ Thiên Chúa vì các bạn đã tìm thấy chúng tôi.

Lạy Cha thân yêu của chúng con trên trời,

Xin Cha thương ban cho con sức mạnh để tiếp tục sống trong thời gian con ngụ tại Nhà Giao Ước. Xin ban cho con sự khôn ngoan và hiểu biết để làm điều gì phải, và đừng làm điều gì trái. Xin Cha ban cho con sức mạnh để thực hiện những điều dốc lòng đúng đắn về những gì đang xảy ra. Con biết mình đã chọn nhiều điều không đúng, những con muốn sửa cải điều đó. Cuộc sống trong thời buổi này vốn không dễ dàng đối với con, nhưng con biết Chúa sẽ ban cho con sức mạnh để tiếp tục sống bởi vì con tin vào Chúa và tất cả những gì Chúa đã phán và Chúa đã thực hiện. Amen.

Một lời kinh do một trẻ đã viết tại nguyện đường Nhà Giao Ước

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment